Chợ phiên - nét đặc sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

Chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Chợ phiên không chỉ là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi hội tụ, gặp gỡ và giao lưu của đồng bào các dân tộc sinh sống quanh vùng. Bởi thế, vào mỗi buổi chợ phiên, khi mặt trời còn chưa ló rạng, từ trẻ cho đến người già khắp mường trên bản dưới xúng xính trong trang phục của các đồng bào dân tộc thiểu số náo nức xuống chợ.

Chợ phiên Biên Giới ở Cửa khẩu Nậm Cắn

 Chợ phiên khác chợ thông thường ở chỗ chỉ mở bán vào những ngày đặc biệt cố định. Người đến chợ cũng đủ các lứa tuổi, từ già đến trẻ, nam nữ thanh niên; các bà, mẹ, vợ đi chợ để trao đổi, mua bán; các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn... Trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ, thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn tình tạo nên một khung cảnh vui tươi, đầy sắc màu. Người dân vùng cao đi chợ phiên không chỉ để trao đổi mua bán, mà còn để gặp nhau trò chuyện sau những ngày lao động sản xuất vất vả. Để đi chợ phiên, người dân phải dậy từ lúc trời còn tối. Họ đến chợ với chiếc gùi đựng vài cân gạo, mớ rau hay nải chuối…; chiếc bao tải nhỏ đựng vài lưỡi cuốc, con dao, liềm, xẻng, kiềng bếp… hay dắt theo con bò, ngựa, mang theo vài con lợn, gà, ngan… Mỗi sản phẩm, sản vật của địa phương mà bà con mang đến bày bán ở chợ luôn là sự kết tinh trong lao động, sự cần cù chịu thương chịu khó của người dân vùng cao, cũng là những sản vật đặc trưng do bà con các dân tộc làm ra. Cách bày bán cũng mộc mạc, không cầu kỳ - họ sử dụng những gì mà mình sẵn có trải ra giữa đất để bày bán sản phẩm, nơi nào tốt hơn một chút là những chiếc lán nhỏ được làm bằng tre, nứa. Tuy đơn sơ nhưng nơi đây là nơi bày đủ thứ của ngon vật lạ từ núi rừng. Tại các phiên chợ, bạn sẽ được nhìn ngắm những gương mặt thuần phác của người dân tộc trong bộ trang phục truyền thống; là những gian hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu được ví như một bức tranh rực rỡ với những sắc màu truyền thống. Nô nức nhất vẫn là các hàng ăn uống luôn tấp nập thực khách ghé thăm. Mùi thơm nức mũi của những món ăn dân dã đậm chất vùng cao nghi ngút khói; những chén rượu trong vắt, thơm nồng; nơi đây bày bán những đặc sản nổi tiếng mang đậm phong vị nguyên bản không đâu sánh bằng tạo nên một bức tranh sinh động về bản sắc, nét văn hóa riêng của phiên chợ vùng cao.

Khôi phục chợ phiên - bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số

Trong những năm gần đây, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng như thực hiện các chương trình, đề án của các cấp, một số địa phương vùng miền núi của tỉnh Nghệ An đã khôi phục lại một số mô hình chợ phiên như chợ phiên Mường Quạ xã Môn Sơn, chợ phiên Mường Chon xã Bình Chuẩn của huyện Con Cuông, chợ phiên Tam Thái của huyện Tương Dương, hay mới gần đây nhất là chợ phiên Tri Lễ của huyện Quế Phong.

Một góc chợ phiên Mường Quạ (Con Cuông) Ảnh: Internet

Việc khôi phục lại chợ phiên giúp người dân gìn giữ những nét đặc sắc văn hóa của đồng bào, tạo thuận lợi cho bà con giao lưu, buôn bán, nâng cao thu nhập. Người dân vùng cao đến chợ phiên không chỉ để giao lưu, trao đổi hàng hóa mà còn góp phần gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc. Còn du khách đến với chợ phiên không chỉ được tham quan, mua sắm những sản phẩm do chính những người dân nơi đây sản xuất, mà còn được thưởng thức văn hóa phi vật thể được lưu giữ từ ngàn đời của đồng bào người Thái, Mông, Thổ… được cùng tham gia các trò chơi như: chơi mặng, chọi gụ, đu xít...được thưởng thức các món ăn của người Thái như moọc, cải muối ống nứa, nậm pịa, lợn bản hấp lá chuối, thắng cố của người Mông…

Người dân với sản vật địa phương tại chợ phiên vùng cao. Ảnh: Internet

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của chợ phiên, các địa phương cần tính đến bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo tồn không gian truyền thống, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm cho du khách; duy trì tổ chức các hoạt động múa hát, giao lưu văn nghệ tại chợ để phiên chợ thực sự là nơi giao lưu, tăng cường tinh thần đoàn kết gắn bó của các dân tộc, gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đến với du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế khi đến với Nghệ An.

Duy trì hoạt động chợ phiên - Tạo sinh kế để bà con thoát nghèo

Phiên chợ giúp cho người dân giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm nông nghiệp, văn hóa ẩm thực của từng địa phương, khơi dậy ý thức trách nhiệm, sự chủ động vào cuộc trong việc sản xuất kinh doanh, quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của Nhân dân. Bên cạnh đó, chợ phiên không chỉ góp phần làm đa dạng thêm các hoạt động thương mại, nâng cao đời sống cho người dân mà giờ đây chợ phiên đã trở thành một “sản phẩm” du lịch có sức hút mạnh mẽ. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn cũng như nâng cao đời sống, tinh thần cho bà con miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, một số chợ phiên đang bị mai một về bản sắc văn hóa; các chợ phiên đều tương đồng nhau, chưa có sự khác biệt; hình thức tổ chức sản xuất của nghề thủ công truyền thống chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, chưa trở thành làng nghề. Các hộ dân tham gia sản xuất chưa có kỹ năng phục vụ khách hàng. Các sản phẩm chưa đa dạng, chưa nhiều giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật nên sức bán chưa cao. Một số nông sản địa phương còn quá ít so với nhu cầu của du khách.

Những gian hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu được ví như một bức tranh rực rỡ với những sắc màu truyền thống. Ảnh: Trâm Ngọc

Do đó, để lưu giữ những phiên chợ vùng cao mang nét nguyên sơ, độc đáo đầy bản sắc, các địa phương cần quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo các chợ phiên giúp bà con thuận lợi giao lưu, trao đổi hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; chia khu bán hàng hợp lý, nhiều khu có mái che, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thuận tiện cho việc mua bán của người dân; bố trí bãi bãi gửi xe rộng rãi, khắc phục tình trạng tắc đường. Thúc đẩy du lịch gắn với chợ phiên và làng nghề vùng dân tộc thiểu số, miền núi; nhờ làng nghề mà có thêm các sản phẩm du lịch, du lịch thu hút được nhiều khách thăm quan, trải nghiệm, tìm hiểu; nhờ du lịch mà làng nghề phát triển tốt hơn thông qua quảng bá và bán được sản phẩm. Cần có quy hoạch hệ thống chợ phiên gắn với kiến trúc và văn hóa truyền thống, theo hướng ưu tiên sản phẩm thủ công truyền thống, ẩm thực truyền thống, nâng cao giá trị thương hiệu các mặt hàng truyền thống và sản vật địa phương phục vụ du khách. Bảo tồn và đa dạng hóa sản phẩm thủ công truyền thống, đặc biệt là phát triển các sản phẩm du lịch có sự tham gia trực tiếp của người dân. Tiếp tục triển khai hỗ trợ, tập huấn để bà con biết cách làm du lịch, phát triển giá trị gia tăng của sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân vùng cao. Các sản phẩm tham gia giới thiệu, bày bán tại phiên chợ phải đảm bảo yếu tố truyền thống, là đặc sản của các dân tộc trong huyện, hình thức mẫu mã đẹp, độc đáo, đảm bảo giá cả phù hợp, có bảng giá, niêm yết công khai rõ ràng, các mặt hàng phải đảm bảo cung ứng đủ trong suốt thời gian diễn ra phiên chợ.

Chàng trai người Mông bên cạnh chiếc lồng gà đen. Ảnh: Trâm Ngọc

Trong một lần tham gia phiên chợ người Mông ở xã Tri Lễ huyện Quế Phong, tôi bắt gặp một chàng trai người Mông với nụ cười chất phác bên cạnh chiếc lồng gà đen. Qua cuộc trò chuyện chớp nhoáng, cậu cho biết cậu rất thích chăn nuôi, sản xuất những sản phẩm mang đặc trưng của quê hương mình, cậu vừa cười vừa nói: “Tự mình chăn nuôi, sản xuất rồi đem bán vừa có thu nhập, vừa được ở gần nhà, thích hơn là đi lao động làm ăn nơi xa, cô ơi!”. Câu nói này làm tôi lại nhớ đến các câu trong bài viết của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong chuyến thăm và làm việc tại một số huyện miền Tây Nghệ An “Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc sống”, “Khi đặc sản đi xa sẽ tạo niềm tin, lòng tự hào cho bà con về giá trị của sản phẩm và văn hóa dân tộc mình. Khi đặc sản đi xa, dòng khách sẽ tìm đường lên vùng cao để trải nghiệm những kỳ thú khác biệt”, “Du lịch nông - lâm nghiệp là một nền kinh tế tạo ra nhiều việc làm và sinh kế cho cộng đồng”./.