Điều này trước hết thể hiện ở số lượng đại biểu đăng ký chất vấn liên tiếp lập kỷ lục và rất nhiều đại biểu tham gia tranh luận. Cụ thể, vấn đề lao động, việc làm có 99 đại biểu đăng ký chất vấn và 11 đại biểu tham gia tranh luận. Vấn đề dân tộc có 62 đại biểu đăng ký chất vấn và 7 đại biểu tham gia tranh luận. Tới phiên chất vấn lĩnh vực khoa học và công nghệ, kỷ lục mới được xác lập khi có tới 122 đại biểu đăng ký chất vấn, 12 đại biểu tham gia tranh luận. Và ngay đầu giờ phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chiều qua cũng đã có 110 đại biểu bấm nút đăng ký.

Trong hai ngày qua, những vấn đề người dân, doanh nghiệp bức xúc, quan tâm và những vấn đề nóng bỏng của đất nước thuộc phạm vi các nhóm vấn đề chất vấn đã được các đại biểu Quốc hội phản ánh trọn vẹn trong các câu hỏi. Điều này cho thấy sự kết nối, tương tác giữa đại biểu - cử tri ngày càng gắn bó mật thiết! Chỉ như vậy đại biểu mới nắm bắt được suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của hàng chục triệu cử tri với đa dạng nhu cầu và lợi ích khác nhau. Việc nhiều đại biểu bấm nút tranh luận cũng thể hiện tinh thần giám sát đến cùng và cho thấy lợi ích của người dân, lợi ích của đất nước đã được đặt lên trên tất thảy.

Trên nghị trường, các bộ trưởng, trưởng ngành cơ bản trả lời sáng rõ, thẳng thắn về những việc làm được và chưa làm được cũng như nêu nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để tiếp tục khắc phục. Cũng có những vấn đề trả lời chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, chưa làm rõ trách nhiệm nên còn có ý kiến tranh luận, trao đổi lại; nhưng tất cả đều trên tinh thần xây dựng với mong muốn giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách và đề xuất giải pháp cho những vấn đề căn cơ để tạo chuyển biến thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn. Sau phiên chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành nỗ lực đến đâu, trách nhiệm sát sao thế nào… đại biểu và cử tri chắc chắn đều có cho mình đánh giá xác đáng.

Đóng góp vào thành công của phiên chất vấn là sự điều hành khoa học, mạch lạc, linh hoạt của Chủ tọa. Như thường lệ trong những phiên chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, khi câu trả lời chưa rõ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu bộ trưởng nói thêm cho tường minh. Với kinh nghiệm thực tế của mình, Chủ tịch Quốc hội đã giải thích rất rõ nhiều vấn đề để người dân hiểu rõ hơn. Khi bộ trưởng để sót câu chất vấn của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội đều nhắc lại đầy đủ, ngắn gọn. Ở phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Chủ tịch Quốc hội rất tâm lý khi mời Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu để Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải “có thời gian nghỉ ngơi một chút”; còn tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội đã mời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia giải trình để Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có thêm thời gian chuẩn bị trả lời rất nhiều câu chất vấn của đại biểu. Đặc biệt, bài phát biểu kết luận từng nội dung chất vấn của Chủ tịch Quốc hội đã nêu rất rõ các nhóm giải pháp trọng tâm, nếu các bộ, ngành triển khai hiệu quả chắc chắn sẽ tạo chuyển biến thực chất và đột phá.

Kỳ họp thứ Năm cũng là kỳ họp đầu tiên thực hiện Nội quy kỳ họp Quốc hội mới (có hiệu lực từ ngày 15.3.2023) với những cải tiến trong phương thức tiến hành phiên chất vấn theo hướng hỏi nhanh, đáp gọn. Đại biểu nêu câu hỏi không quá 1 phút; tranh luận mỗi lần không quá 2 phút; người được chất vấn trả lời không quá 3 phút đối với mỗi câu hỏi. Các đại biểu và bộ trưởng, trưởng ngành đã nhanh chóng thích nghi với quy định mới và cải tiến này đã làm cho không khí phiên chất vấn sôi động hơn, hấp dẫn hơn.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đến trưa nay mới kết thúc song diễn biến hai ngày qua đã báo hiệu về một phiên chất vấn thành công, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Đặc biệt, phiên chất vấn đã thể hiện đậm nét tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội. Tính chuyên nghiệp có thể thấy rõ ở sự “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” của các đại biểu, thực hiện đầy đủ, trọn vẹn chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.