Trong những năm qua, với định hướng lớn về phát triển kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản nói riêng, với sự hỗ trợ của Nhà nước, kinh tế thủy sản có bước phát triển vượt bậc, cả về đội tàu, công nghệ khai thác và sản lượng đánh bắt cũng như kim ngạch xuất khẩu, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng của đất nước, cũng như sinh kế của hàng triệu lao động vùng ven biển. Theo Tổng cục Thủy sản- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đội tàu cả nước năm 2019 có tổng công suất đạt 13,5 triệu CV, gấp 4 lần năm 2000; năm 2020 tổng sản lượng thủy sản đạt 8,4 triệu tấn, trong đó khai thác 3,668 triệu tấn, vượt chỉ tiêu (2,1-2,3 triệu tấn vào năm 2020) tại Quyết định 1690 ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020. Đây vừa là thành công rất lớn của ngành thủy sản, nhưng cũng để lại một hệ lụy không nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.

b484656bd13710694926.jpg
Ảnh minh hoạ

Trước hết, việc tăng nhanh cường lực khai thác và sản lượng vượt khả năng khai thác cho phép đã làm suy giảm nguồn lợi thủy sản biển.

Chúng ta cần biết rằng; Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái tạo, nhưng hữu hạn. Mỗi vùng biển có một trữ lượng hải sản nhất định và chỉ cho phép khai thác một sản lượng nhất định. Nếu khai thác vượt qua khả năng khai thác cho phép thì sẽ gây ra suy giảm nguồn lợi. Khả năng cho phép khai thác thường khoảng 43- 50% tổng trữ lượng thủy sản (tùy vùng biển và loài thủy sản).

Theo điều tra của các Viện nghiên cứu Hải sản, giai đoạn 2000- 2005, trữ lượng hải sản vùng biển Việt Nam khoảng 4,82 triệu tấn, khả năng khai thác cho phép khoảng 2,1- 2,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2016- 2020, theo điều tra, trữ lượng hải sản biển Việt Nam chỉ còn 3,95 triệu tấn giảm 9,5% so với giai đoạn 2011- 2015 và 22,1% so với giai đoạn 2000- 2005, trong đó trữ lượng hải sản tầng đáy suy giảm nhanh hơn. Trong khi đó, năm 2020 sản lượng khai thác đạt 3,8 triệu tấn, vượt trên 60% sản lượng khai thác cho phép.

Từ hệ lụy trên gây ra hệ lụy mới, đó là hiệu quả khai thác của ngư dân ngày càng giảm. Theo số liệu thống kê, năm 1985 bình quân sản lượng khai thác trên một CV công suất tàu bình quân cả nước là 1,1 tấn, thì đến năm 2019 chỉ còn 0,26 tấn/CV. Nghệ An cũng không ngoại lệ. Năm 1989, bình quân sản lượng khai thác trên 1CV tàu thuyền là 0,83 tấn, thì đến năm 2021 chỉ còn 0,289 tấn/CV, thậm chí năm 2017 chỉ đạt 0,208 tấn/CV. Điều này có nghĩa là, chúng ta đang tăng sản lượng khai thác bằng việc tăng số lượng tàu thuyền, tăng công suất tàu, nhưng hiệu quả khai thác ngày càng thấp. Dẫn đến ngư dân đời sống gặp khó khăn, đầu tư kém hiệu quả. Điều này một phần cũng lý giải nguyên nhân việc thu hồi nợ vay rất khó khăn trong các chương trình hỗ trợ đóng tàu khai thác xa bờ của những năm qua.

59bc07d4b28873d62a99.jpg
Khả năng cho phép khai thác thường khoảng 43- 50% tổng trữ lượng thủy sản

Để phát triển nghề khai thác thủy sản một cách bền vững, xin đề xuất một số giải pháp sau:

- Trước hết, cần có giải pháp giảm cường lực khai thác, trong đó tập trung giảm lượng tàu thuyền khai thác vùng lộng và ven bờ.

Mặc dù ở Nghệ An tàu thuyền khai thác vùng lộng và ven bờ đã giảm mạnh từ 3473 chiếc từ năm 2010 xuống 2090 chiếc năm 2018, nhưng có xu hướng tăng lên, đến năm 2021 có 2238 chiếc (số liệu của Chi cục Thủy sản Nghệ An) chiếm 65,5% tổng lượng tàu thuyền toàn tỉnh. Hơn nữa, trong số này có gần 1/4 làm nghề giã kéo. Nếu không giảm lượng tàu thuyền này sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái vùng lộng và ven bờ, từ đó kéo theo giảm trữ lượng vùng khơi. Chính phủ, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ đóng tàu, chuyển nghề xa bờ, nhưng đang thiếu chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển ra khỏi nghề khai thác thủy sản (kể cả chính sách hỗ trợ ngư dân khi tháo gỡ, đánh chìm). Hơn nữa, với đội tàu xa bờ như hiện nay, cần hạn chế đóng mới. Cần tính toán một cách nghiêm túc để Tỉnh có cơ cấu tàu thuyền, số lượng, công suất tàu thuyền, cơ cấu nghề một cách hợp lý phù hợp với khả năng khai thác của ngư trường (trong không gian liên tỉnh – vùng Vịnh Bắc Bộ).

Ngoài ra, Ngành thủy sản cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ chính sách hỗ trợ ngư dân để triển khai giải pháp cấm biển mùa thủy sản sinh sản.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin dự báo ngư trường, thời tiết, giới hạn vùng biển Việt Nam. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm cung cấp dự báo ngư trường cho ngư dân.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến thủy sản để giảm thiểu thất thoát do bảo quản (hiện nay việc thất thoát, giảm giá trị do bảo quản đang chiếm khoảng 20-30%) và nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch. Ứng dụng công nghệ đèn Led để giảm chi phí xăng dầu từ máy phát điện. Ứng dụng công nghệ làm đá lạnh từ nước biển ngay trên tàu, để giảm chi phí vận chuyển và mua đá lạnh bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm...

- Nâng cao chất lượng dịch vụ cầu cảng, bốc dỡ, kho lạnh, thu mua,... để giảm chi phí cho ngư dân. Tăng cường hỗ trợ ngư dân xây dựng kho lạnh bảo quản để góp phàn bình ổn giá bán sản phẩm.

- Cần nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội trong không gian đới bờ để cơ cấu lại nhằm phát huy lợi thế của kinh tế biển từng vùng, huyện thị, từ đó có chính sách hỗ trợ chuyển nghề cho ngư dân khai thác thủy sản sang nghề khác như dịch vụ du lịch, thương mại, công nghiệp,.. để giảm áp lực về sinh kế cho ngư dân ven biển.

Việt Nam với “Rừng vàng biển bạc”, nhưng để khai thác, phát triển bền vững thì cần ứng xử một cách khoa học và văn minh.

Trần Quốc Thành

Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ