Luật, nghị định của Chính phủ, thông tư của các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều quy định về nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản nói chung, phân khúc nhà ở xã hội nói riêng phát triển. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; cùng với đó giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây lại chung cư cũ. Các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã và đang được tích cực triển khai, trong đó có chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở cho các đối tượng.
Tuy chính sách đã có, nhu cầu lớn, song trên thực tế thời gian qua việc phát triển nhà ở xã hội nhìn chung còn rất hạn chế. Kết quả, tiến độ giải ngân các dự án hỗ trợ nhà ở, đất ở trong Chương trình mục tiêu Quốc gia đạt thấp. Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” đặt ra mục tiêu cho giai đoạn 2021 - 2025 là hoàn thành khoảng 428.000 căn nhưng tính đến quý 1/2024 theo Báo cáo tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ chủ trì cho thấy cả nước mới làm được 72 dự án với 38.128 căn, chiếm chưa tới 9% kế hoạch 5 năm.
Ở Nghệ An, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm và 05 năm trên địa bàn, trong đó bao gồm kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Đến nay, đã triển khai xây dựng và hoàn thành 09 dự án nhà ở xã hội, công trình nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% các dự án nhà ở thương mại, đáp ứng cho khoảng 1.381 căn hộ với 69.050 m2 sàn nhà ở, dân số 5.530 người. Tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 để tiếp tục triển khai thực hiện 18 dự án quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội với tổng diện tích 46,52 ha. Dự kiến sau khi hoàn thành, các dự án sẽ đáp ứng khoảng 19.650 căn hộ với 1.330.240 m2 sàn nhà ở, dân số khoảng 78.600 người (bao gồm 05 dự án nhà ở xã hội độc lập cho công nhân trong khu kinh tế, khu công nghiệp và 13 dự án nhà ở thương mại có nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp trên quỹ đất 20%). Ngoài thực hiện các dự án, đề án theo Chương trình mục tiêu Quốc gia, tỉnh còn triển khai Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1838-QĐ/TU ngày 20/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đã hỗ trợ được 1.827 căn nhà cho các đối tượng.
Cũng như tình hình chung cả nước, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn, kết quả chưa cao. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn. Ngay cả đối với dự án đã chấp thuận, phê duyệt, chủ đầu tư cũng có xu hướng tập trung đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, chưa mặn mà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20%. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài. Ngân sách địa phương khó khăn, chưa thể bố trí đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp bằng nguồn vốn ngân sách.
Cùng với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở (mới) đã được Quốc hội khóa XV thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, sớm hơn 05 tháng so với thời điểm quyết nghị trước đó. Đây là những đạo luật được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực lớn, khơi thông các điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Để kịp thời triển khai Luật, ngày 26/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, đồng thời với Luật Nhà ở. Đây được xem là bước quan trọng nhằm bảo đảm hệ thống pháp luật liên quan đến việc phát triển, quản lý nhà ở xã hội đồng bộ và được thực thi hiệu quả.
Các quy định mới trong Luật và Nghị định nêu trên đã có nhiều điểm gỡ khó cho cả 03 bên: chủ đầu tư, đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và cơ quan quản lý Nhà nước. Về điều kiện có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là bố trí quỹ đất, Luật đã đưa ra các quy định cụ thể hơn, khắc phục thực trạng thiếu quỹ đất để phát triển phân khúc này trong thời gian qua. Chủ đầu tư được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư; có thể có thêm các khoản lợi nhuận từ phần diện tich công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại chiếm tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; được “cởi trói” các yêu cầu bắt buộc không phù hợp; tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện dự án do quy trình, thủ tục đầu tư được rút gọn, lược bỏ đáng kể. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được mở rộng hơn, điều kiện được hưởng chính sách nới lỏng hơn, tiêu biểu là quy định người lao động có thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng sẽ được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, thay vì 11 triệu đồng/tháng như trước đây; với trường hợp đã kết hôn, điều kiện thuê mua là vợ chồng có thu nhập tối đa 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Nghị định mới đã bỏ điều kiện về hộ gia đình phải có hộ khẩu hay đăng ký tạm trú khi đăng ký thuê mua nhà ở xã hội tại các địa phương v.v…Trách nhiệm giải quyết hồ sơ thủ tục của cơ quan có thẩm quyền cũng được quy định rõ.
Những bất cập trong chính sách cơ bản đã được tháo gỡ. Các cơ quan chức năng cần sớm triển khai, đưa quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, đáp ứng mong đợi của người dân. Đồng thời với việc triển khai thực hiện, cần có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu chính sách, tránh việc lợi dụng, trục lợi chính sách. Các cơ quan chuyên môn cần công khai và tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính. Về phía Hội đồng nhân dân tỉnh, Luật cũng quy định căn cứ điều kiện địa phương để ban hành cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn phù hợp với thẩm quyền và quy định của pháp luật có liên quan.
Trên cơ sở Công điện số 79/CĐ-TTg ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản giao các sở, ban, ngành khẩn trương triển khai có hiệu quả Luật Nhà ở và các luật vừa có hiệu lực. Với cơ sở pháp lý có nhiều đổi mới theo hướng đầy đủ, toàn diện, thông thoáng và hấp dẫn hơn chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư. Thị trường bất động sản nói chung, nhà ở xã hội nói riêng sẽ có sự phát triển vượt trội, đáp ứng mục tiêu phát triển, đảm bảo tốt an sinh xã hội, hiện thực hóa giấc mơ “an cư” của công nhân, người lao động, hộ gia đình và người có thu nhập thấp./.