Theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), du lịch nông thôn được định nghĩa là một loại hình du lịch, trong đó trải nghiệm của du khách có liên quan đến sản phẩm nông nghiệp, cuộc sống và văn hóa nông thôn. Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng xác định phát triển du lịch nông thôn trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Du lịch nông thôn khá đa dạng, gồm các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch làng thông minh, du lịch không phát thải.

Du thuyền trên sông Giăng

Trên thế giới, nhiều quốc gia có nền công nghiệp phát triển rất coi trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao cũng như việc khai thác các giá trị của địa phương và sản phẩm nông nghiệp để phát triển du lịch ở khu vực nông thôn, miền núi, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở ngôi làng Yufuin thuộc tỉnh Oita nằm trên quần đảo Kyushu Nhật Bản, người dân quan niệm "Sống ở Yufuin cũng như đang đi du lịch  - Du lịch đến Yufuin cũng như đang sống ở nhà". Và những năm gần đây, "du lịch xanh", du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành xu hướng của ngành công nghiệp không khói ở nhiều nước bởi vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học, văn hóa cộng đồng và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Mới đây, tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 23 (AgroViet 2023) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào tháng 9/2023 đã diễn ra Hội thảo "Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn". Tại đây, các chuyên gia đã dẫn thông tin từ Tổ chức Du lịch thế giới ((UNWTO) dự báo đến năm 2030, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10% trong tổng số du khách, doanh thu đem lại khoảng 30 tỷ USD, tăng trưởng hàng năm từ 10 - 30%; trong khi đó du lịch truyền thống chỉ tăng trung bình 4%/năm. Điều này cho thấy đây thực sự là "cơ hội vàng" để nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Nhiều địa phương trong cả nước đã đón đầu, nắm bắt xu thế, dành sự quan tâm, thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển, xác định là một trong những dòng sản phẩm du lịch chính. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 6/2023, đã có 45/63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở Đề án/Kế hoạch chung, nhiều địa phương còn ban hành Đề án để tập trung phát triển những loại hình ưu tiên như phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề (Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Ninh Thuận v.v...). Không chỉ được du khách biết đến ngày càng nhiều, có những ngôi làng đã được vinh danh là "Làng du lịch tốt nhất thế giới", đó là Làng Thái Hải, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên và mới đây là Làng Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Du lịch cộng đòng ở bản Khe Rạn - Bồng Khê - Con Cuông

Nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, địa hình đa dạng, hội tụ cả 03 vùng sinh thái: miền núi, trung du, đồng bằng ven biển; được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh, sản vật đặc sắc. Nghệ An còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử cách mạng, nền văn hóa truyền thống đậm bản sắc, phong phú, đa dạng với 47 dân tộc cùng sinh sống; có hệ thống di sản văn hóa vật thể và kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ, hàng trăm lễ hội trong năm. Làn điệu Dân ca Ví Giặm vốn được ngân lên bên khung cửi, lúc thả lưới quăng chài, nơi gốc đa, giếng nước, sân đình...đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân cư của tỉnh chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn (chiếm tỷ lệ trên 80%). Do đó, cùng với điều kiện tự nhiên, đời sống sinh hoạt sản xuất của người dân, nhất là tại các làng nghề với những nét khác biệt, độc đáo vùng miền tạo nên sức hấp dẫn thu hút sự khám phá, trải nghiệm của du khách. Đặc biệt, vùng miền núi phía Tây dù là địa bàn còn nhiều khó khăn song lại là nơi có những lợi thế về phát triển du lịch.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch ở các địa phương, nhất là vùng miền núi phía Tây, từ năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện một số dự án hỗ trợ phát triển du lịch cho đồng bào, hỗ trợ một số mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; tham mưu Đề án, chính sách bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian; hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng...Và hiện nay, cùng với cả nước, Nghệ An đang triển khai 02 Chương trình mục tiêu Quốc gia lớn (Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Xây dựng nông thôn mới); trong đó có Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Riêng huyện Nam Đàn đã và đang thực hiện Đề án phát triển du lịch gắn với xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Báo cáo của Sở Du lịch, vùng miền Tây của tỉnh đến nay ngoài các cơ sở lưu trú khách sạn, nhà nghỉ, đã có 23 bản làng với 54 hộ phục vụ dịch vụ homestay; một số bản được công nhận sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng như bản Nưa (xã Yên Khê), bản Xiềng (xã Môn Sơn), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) huyện Con Cuông, bản Hoa Tiến, huyện Quỳ Châu. Trên địa bàn huyện Nam Đàn đã có 05 mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Ngoài ra, ở nhiều địa phương cũng đã xuất hiện những mô hình du lịch nông thôn hấp dẫn du khách, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, du lịch nông thôn ở Nghệ An chủ yếu đang là tiềm năng, chưa được khai thác, phát huy một cách bài bản. Hoạt động này thời gian qua mang tính nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, phối hợp, thiếu tính chuyên nghiệp, bền vững, chưa có thương hiệu. Ngoài những khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư và là hướng đi mới cần có sự nghiên cứu, đánh giá thì du lịch nông thôn của tỉnh chưa được quan tâm nhiều, chưa được quy hoạch tổng thể cũng như cụ thể cho từng loại hình để phát huy ưu thế vùng miền, địa phương; một số loại hình chưa có cơ chế, chính sách đặc thù; sự phối hợp liên ngành như du lịch với nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, lao động, kế hoạch và đầu tư chưa rõ nét, chặt chẽ.

Ngày 03/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể: phát triển chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; đến năm 2025 có 07 - 10 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; phấn đấu có 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn có ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; phấn đấu có 70% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch. Đặt trong tổng thể chung, Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đặt ra nhiệm vụ: du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của cả nước. Du lịch nông thôn được xác định rõ trong 2/4 hành lang kinh tế cần tập trung đầu tư để hình thành và phát triển: (1) Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; (2) Hành lang kinh tế Quốc lộ 7 với trọng tâm là phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng.

Giải pháp phát triển du lịch nông thôn đã được nêu đầy đủ trong Kế hoạch số 133/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tuy vậy, trước mắt cần tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng hiện trạng, tiềm năng, thế mạnh, từ đó quy hoạch, định hướng phát triển đối với từng loại hình cụ thể. Rà soát các cơ chế, chính sách đã và đang thực hiện để có sự điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quan tâm lồng ghép, bố trí, huy động nguồn lực vật chất, tài chính để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và nhất là khơi dậy lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm cũng như nâng cao năng lực làm du lịch cho cộng đồng dân cư ở nông thôn - chủ thể chính, người cung cấp trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Tới đây, tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh, giải pháp phát triển du lịch nói chung, trong đó có du lịch nông thôn nói riêng cũng sẽ được làm rõ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Hy vọng rằng trong tương lai không xa, Nghệ An - vùng đất địa linh nhân kiệt, non nước hữu tình, giàu truyền thống lao động, cách mạng, giàu bản sắc văn hóa sẽ có những làng quê được vinh danh "Làng du lịch tốt nhất thế giới"./.