Theo quy định của pháp luật hiện hành, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh là 01 trong 15 nhóm văn bản thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đều có tên gọi chung là nghị quyết nhưng xét về tính chất cũng như vai trò, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh có 04 loại, được quy định tại Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Đó là nghị quyết quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; nghị quyết quy định chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; nghị quyết quy định biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương và nghị quyết quy định biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

luc-luong-chuc-nang-giai-toa-hanh-lang-an-toan-giao-thong.jpg
Lực lượng chức năng giải tỏa hành lang an toàn giao thông

Có thể thấy trong thực tiễn hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, loại nghị quyết chiếm phần đa là nghị quyết quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Điều này xuất phát từ lý do việc xây dựng, ban hành loại nghị quyết này là yêu cầu nhiệm vụ cần phải triển khai, mặt khác, việc xây dựng đã có cơ sở pháp lý trực tiếp và quy trình đơn giản, rút gọn hơn so với các loại nghị quyết khác. Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật của trung ương không thể điều chỉnh hết các quan hệ xã hội nảy sinh trong thực tiễn, nhất là ở các đơn vị hành chính nhất định. Bởi vậy, việc Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết để quy định biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương là hết sức cần thiết.

Cơ sở pháp lý của việc ban hành loại nghị quyết nêu trên, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một trong những chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân tỉnh là quyết định các biện pháp trong các lĩnh vực: kinh tế, tài nguyên, môi trường, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, lao động, thực hiện chính sách xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, khi xây dựng, cơ quan soạn thảo nghị quyết cần nghiên cứu kỹ và đảm bảo sự thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực liên quan. Quy trình xây dựng nghị quyết này được quy định chặt chẽ, trong đó khâu phải thực hiện là đánh giá tác động của chính sách. Theo quy định, đây là việc phân tích, dự báo tác động của chính sách đang được xây dựng đối với các nhóm đối tượng khác nhau nhằm lựa chọn giải pháp tối ưu. Tác động của chính sách được xem xét trên nhiều phương diện, bao gồm: tác động về kinh tế, tác động về xã hội, tác động về giới (nếu có), tác động đối với hệ thống pháp luật. Việc đánh giá tác động không phải chung chung, hình thức, cảm tính mà phải theo phương pháp định lượng và định tính. Trường hợp không thể áp dụng phương pháp định lượng thì phải nêu rõ lý do. Ngoài ra, dự thảo báo cáo này phải đảm bảo khách quan thông qua việc lấy ý kiến, phản biện và có sự tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện.

sau-4-nam-thuc-hien-tinh-trang-vi-pham-lan-chiem-hanh-lang-an-toan-giao-thong-tren-dia-ban-tinh-da-co-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc.jpg
Sau 4 năm thực hiện, tình trạng vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực

Thời gian qua, trong số lượng lớn nghị quyết đã ban hành của Hội đồng nhân dân tỉnh có khá nhiều nghị quyết là văn bản pháp quy với biện pháp, chính sách riêng biệt của tỉnh. Các nghị quyết này là khung khổ pháp lý, đề ra cách thức, giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh của tỉnh dựa trên chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và yêu cầu thực tiễn đặt ra trong từng giai đoạn, thời kỳ. Trong số đó, không thể không kể đến nghị quyết đã có sự tiếp nối qua hai nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân tỉnh thuộc lĩnh vực giao thông vận tải - Nghị quyết quy định một số biện pháp giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, hè phố trên địa bàn tỉnh.

Với diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, trong những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh được Chính phủ, Bộ ngành trung ương quan tâm đầu tư, phát triển. Toàn tỉnh hiện có 30.225,1 km đường bộ; 02 tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài 125 km. Hệ thống giao thông, nhất là đường bộ có sự đan xen, kết nối hầu hết các khu vực đô thị với nông thôn, đồng bằng với miền núi, tạo thành mạng lưới giao thông cơ bản đáp ứng yêu cầu đi lại, giao thương. Xác định "giao thông là huyết mạch của nền kinh tế", cùng với việc đầu tư xây dựng, hàng năm, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức ra quân giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, hè phố. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là tại thành phố, thị xã, thị trấn và trên các tuyến, trục giao thông chính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Sau mỗi đợt ra quân của lực lượng chức năng, vi phạm lại tái diễn khiến dư luận xã hội ví von việc xử lý như "bắt cóc bỏ đĩa".

Trước thực trạng trên, để lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông góp phần làm giảm tai nạn giao thông, tăng tính hiệu lực, cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và huy động cả hệ thống chính trị của tỉnh cùng vào cuộc, cơ quan chuyên môn đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII ban hành Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 quy định một số biện pháp giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, hè phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Trong khuôn khổ 05 điều, Nghị quyết đã đề ra 05 nhóm biện pháp. Sau 04 năm thực hiện, tình trạng vi phạm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Điều đáng ghi nhận là kinh phí để thực hiện nghị quyết tuy không nhiều (bình quân 14 tỷ đồng/năm) nhưng hiệu quả mang lại có thể đánh giá là cao, đặc biệt đã tạo sự đồng thuận và ý thức trách nhiệm của người dân, cả hệ thống chính trị về bảo vệ hành lang an toàn giao thông.

pho-di-bo-sach-dep-o-thanh-pho-vinh-1.jpg
Phố đi bộ sạch đẹp ở thành phố Vinh

Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả giai đoạn trước, để tiếp tục phát huy, giữ vững thành quả, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập rút ra từ quá trình thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII ban hành Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 quy định một số biện pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Việc xây dựng, ban hành nghị quyết tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, bài bản, công phu. Từ tiền đề của giai đoạn trước, nội dung nghị quyết được dự thảo và xem xét, quyết định kỹ lưỡng, đảm bảo chặt chẽ. Ngoài các điều, khoản như trước đây, nghị quyết mới đề ra nguyên tắc thực hiện. Nội dung chính là các biện pháp được chắt lọc, kế thừa những nội dung hiệu quả, đồng thời bổ sung biện pháp trọng tâm chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, trong đó đề ra cơ chế để xử lý vướng mắc, tồn tại trên thực tế và giao trách nhiệm cụ thể đối với đơn vị, địa phương đối với công tác quản lý những vị trí đã được cưỡng chế, giải tỏa vi phạm. Các biện pháp khác được quy định theo hướng gắn trách nhiệm cao hơn, cụ thể hơn cho các chủ thể có liên quan. Đi kèm với các biện pháp đề ra, điều kiện đảm bảo thực hiện cũng được quan tâm hơn. Bởi vậy, có thể tin tưởng rằng việc triển khai nghị quyết trong giai đoạn mới sẽ có nhiều thuận lợi và đạt được nhiều kết quả hơn nữa.

Như vậy, có thể thấy rằng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh nói chung và nghị quyết về biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương nói riêng có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển và yêu cầu quản lý mọi mặt đời sống xã hội. Để phát huy vai trò của công cụ pháp lý này cơ quan chức năng cần tâm huyết, trách nhiệm, chủ động nắm bắt tình hình, lắng nghe đòi hỏi của thực tiễn, đầu tư nghiên cứu, soi xét từ nhiều chiều từ đó xây dựng chính sách phù hợp. Mặt khác, thiết nghĩ cần có quy định, hướng dẫn chi tiết phân biệt rõ các loại nghị quyết để thuận lợi trong quá trình xây dựng, ban hành, nhất là giữa nghị quyết nêu trên và nghị quyết để quy định chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Bên cạnh đó, cũng cần có sự phân biệt rõ nội hàm của nghị quyết về biện pháp của Hội đồng nhân dân tỉnh với quyết định về biện pháp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước của cơ quan khác trong hệ thống chính quyền địa phương là Ủy ban nhân dân tỉnh./.

Nguyễn Thị Anh Hoa

Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh