cac-dai-bieu-hdnd-tinh-bieu-quyet-thong-qua-nghi-quyet-tai-ky-hop-thu-4-hdnd-tinh-1.jpg
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh

Để phát huy trí tuệ, tinh thần, trách nhiệm của đại biểu trong thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc nâng cao trách nhiệm, năng lực, bản lĩnh của mỗi đại biểu; đảm bảo thông tin, tài liệu, chế độ, chính sách, thiết bị, phương tiện hoạt động cho đại biểu; bố trí thời gian thảo luận thoả đáng, linh hoạt, khoa học trong điều hành kỳ họp đến việc khuyến khích đại biểu trả lời phỏng vấn của báo chí, tăng cường tuyên truyền, thông tin hoạt động của HĐND tỉnh tại kỳ họp.

Thực trạng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh tại các kỳ họp

Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII đã được bầu đủ về số lượng (83 đại biểu) và cơ cấu theo dự kiến. Trong đó, có 25 đại biểu tái cử (tỷ lệ 30,12%); trình độ từ đại học trở lên có 90 đại biểu (tỷ lệ 98,79%), trình độ lý luận chính trị cử nhân - cao cấp có 72 đại biểu (tỷ lệ 86,75%).

dai-bieu-hdnd-tinh-nguyen-dam-van-dat-cau-hoi-chat-van-tai-ky-hop-thu-7-ve-viec-thuc-hien-chuong-trinh-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.jpg
Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Đàm Văn đặt câu hỏi chất vấn tại kỳ họp thứ 7 về việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức thành công 8 kỳ họp, ban hành 138 Nghị quyết. Qua thực tiễn hoạt động cho thấy đa số đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia thảo luận các nội dung kỳ họp góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp. Tại các kỳ họp, đa số đại biểu HĐND tỉnh tích cực tham gia phát biểu tại các phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường; trong hoạt động chất vấn, nhiều đại biểu đã thẳng thắn đặt câu hỏi cho các cơ quan có liên quan đến nội dung chất vấn; đóng góp ý kiến có chất lượng, góp phần ban hành nghị quyết phù hợp với quy định của pháp luật, thực tiễn, có tính khả thi…Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh tại các kỳ họp vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: số lượng đại biểu HĐND tỉnh lần đầu tham gia HĐND tỉnh chiếm tỷ lệ cao 69,88%, một số đại biểu chưa từng tham gia công tác quản lý Nhà nước, cơ cấu tại cấp xã thiếu các kỹ năng khi tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các nội dung kỳ họp; một số ít đại biểu chưa thực sự tích cực tham gia phát biểu, thảo luận trong các kỳ họp của HĐND tỉnh; chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND (có một số đại biểu không tham gia phát biểu thảo luận tại Hội trường và tại Tổ, không tham gia chất vấn; không tham gia vào các nội dung kỳ họp);...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND tỉnh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất phát huy và nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, trí tuệ và bản lĩnh của người đại biểu, mỗi đại biểu không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, gắn bó chặt chẽ với cử tri, có chính kiến rõ ràng, dành thời gian thỏa đáng cho việc nghiên cứu các tài liệu để chuẩn bị ý kiến phát biểu có chất lượng, không né tránh, ngại va chạm, thẳng thắn nêu vấn đề và tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Các cơ quan, đơn vị có đại biểu tham gia HĐND tỉnh quan tâm tạo điều kiện để đại biểu thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND tỉnh, quan tâm tổ chức các lớp tập huấn về chính sách, pháp luật mới ban hành, bồi dưỡng về kỹ năng hoạt động của đại biểu, chú trọng tập huấn chuyên sâu về kỹ năng thẩm tra, chất vấn,…

Thứ hai đảm bảo chế độ và các điều kiện đảm bảo hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh: Đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động của HĐND tỉnh đồng bộ và kịp thời, cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, tập huấn cho đại biểu HĐND tỉnh về việc sử dụng, khai thác tài liệu kỳ họp, biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Đảm bảo kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định, khen thưởng động viên đối với đại biểu HĐND tỉnh tham gia tích cực, có chất lượng vào các nội dung trình kỳ họp.

dai-bieu-hdnd-tinh-trinh-van-nha-tra-loi-phong-van-bao-chi-tai-ky-hop-thu-7-1.jpg
Đại biểu HĐND tỉnh Trình Văn Nhã trả lời phỏng vấn báo chí tại kỳ họp thứ 7

Thứ ba gửi tài liệu kỳ họp kịp thời, đảm bảo đúng thời gian quy định, phát huy vai trò của các tổ đại biểu trong nghiên cứu tài liệu trước kỳ họp

Hầu hết tài liệu mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, nhất là các kỳ họp thường lệ có nội dung nhiều, khối lượng lớn. Nếu tài liệu kỳ họp gửi quá sát thời gian diễn ra kỳ họp, đại biểu sẽ không có nhiều thời gian để nghiên cứu, thu thập thông tin, tình hình thực tế, quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung kỳ họp để có thể tham gia ý kiến. Do vậy, việc gửi tài liệu phải gửi đúng thời gian quy định để các đại biểu HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh có thời gian nghiên cứu, thẩm tra, khảo sát thực tế, từ đó tích cực, chủ động tham gia ý kiến. Trong điều kiện thời gian dành cho thảo luận của đại biểu tại mỗi kỳ họp không nhiều (kỳ họp thường lệ diễn ra trong 2,5 ngày, kỳ họp chuyên đề diễn ra trong 01 buổi), để nâng cao chất lượng thảo luận của đại biểu, cần đẩy nhanh công tác chuẩn bị và gửi tài liệu trước cho các tổ đại biểu để phát huy vai trò của các tổ đại biểu trong việc tổ chức cho đại biểu nghiên cứu, thảo luận trước những nội dung trọng tâm của kỳ họp.

Thứ , nâng cao chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh: đối với các tài liệu kỳ họp thì báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh là cơ sở quan trọng để đại biểu nghiên cứu, thảo luận và quyết định các nội dung của kỳ họp. Do đó, việc phân công các Ban HĐND tỉnh thẩm tra các nội dung kỳ họp cần được thực hiện sớm, kịp thời ngay từ lúc thông qua danh mục nghị quyết trình các kỳ họp trong năm của HĐND tỉnh và ngay sau dự kiến nội dung kỳ họp để các Ban theo dõi, tham gia ngay từ đầu vào quá trình xây dựng nghị quyết và tổ chức khảo sát thực tế nếu cần thiết để tạo thuận lợi và nâng cao chất lượng thẩm tra. Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh phải làm rõ cơ sở pháp lý, thực tiễn; có chính kiến và có tính phản biện cao, đưa ra những lập luận có cơ sở, mang tính khoa học, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, có tham khảo cách làm, chủ trương, chính sách của một số tỉnh, thành phố trên cả nước tạo căn cứ vững chắc giúp các đại biểu tham gia thảo luận, quyết định tại kỳ họp.

Thứ năm, xây dựng chương trình kỳ họp khoa học, linh hoạt, dành thời gian thỏa đáng cho đại biểu HĐND tỉnh thảo luận; trong xây dựng Chương trình kỳ họp cần xác định nội dung theo nhóm vấn đề, nhóm vấn đề theo lĩnh vực, nội dung trọng tâm, tạo điều kiện để đại biểu theo dõi và xem xét vấn đề cần thảo luận một cách liên tục, có hệ thống, dễ phát hiện vấn đề cần trao đổi, thảo luận; tăng thời gian thảo luận giúp đại biểu HĐND tỉnh và các ngành chuyên môn có điều kiện trao đổi, thảo luận, trước khi biểu quyết.

Thứ sáu, linh hoạt, khoa học, mềm dẻo trong điều hành kỳ họp và phát huy vai trò của các Tổ trưởng tổ thảo luận: phân chia các tổ thảo luận trên cơ sở sự tương đồng vùng, miền, điều kiện kinh tế - xã hội; định hướng những nội dung trọng tâm cần thảo luận, trong đó định hướng từng Tổ thảo luận tập trung thảo luận sâu vào từng nhóm vấn đề, từng nhóm nghị quyết trọng tâm để tránh việc thảo luận dàn trải, thiếu tập trung. Tổ trưởng tổ thảo luận điều hành linh hoạt, dân chủ, phát huy tinh thần, trách nhiệm của từng đại biểu trong tổ; phát huy tinh thần trách nhiệm của các Tổ thảo luận trong việc tổng hợp khách quan, đầy đủ ý kiến của đại biểu và trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại hội trường.

ban-van-hoa---xa-hoi-to-chuc-hop-tham-tra-cac-du-thao-nghi-quyet-trinh-ky-hop-thu-7-hdnd-tinh.jpg
Ban Văn hoá - Xã hội tổ chức họp thẩm tra các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh

Trong thảo luận tại Hội trường, phiên họp chất vấn và các phiên họp khác tại kỳ họp: Chủ tọa kỳ họp điều hành thảo luận linh hoạt, khoa học, tạo được không khí cởi mở, dân chủ, khích lệ được các đại biểu phát huy trí tuệ tập thể, tích cực tham gia ý kiến thảo luận, nhất là ý kiến về các nội dung dự thảo nghị quyết làm cơ sở cho HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp sát, đúng, phù hợp thực tế. Tại phiên thảo luận, để đảm bảo chương trình kỳ họp, Chủ tọa có thể phân công mỗi tổ cử 1 - 2 đại biểu đại diện phát biểu ý kiến tại hội trường. Để việc thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, Chủ tọa định hướng thảo luận tập trung vào những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, các vấn đề bức xúc, còn có ý kiến chưa thống nhất, để các đại biểu thảo luận, tranh luận, đối thoại tại hội trường. Vấn đề còn ý kiến khác nhau, trước khi quyết định, chủ tọa có thể yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo, giải trình về vấn đề đại biểu quan tâm.

Thứ bảy tạo điều kiện và khuyến khích đại biểu HĐND tỉnh trả lời phỏng vấn của báo chí, phát biểu quan điểm cá nhân về nội dung kỳ họp; tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền về hoạt động tại kỳ họp, về hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp; tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn để Nhân dân theo dõi nội dung, diễn biến kỳ họp và giám sát hoạt động của đại biểu do mình bầu ra, đồng thời góp phần tăng cường ý thức và trách nhiệm của đại biểu./.

Vân Nguyễn

VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh