Việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm cụ thể hoá đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hoá các chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng nhằm tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) ngày 10/02/2025 đã có nhiều quy định mới thể hiện tinh thần tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương.
![](/dbndna-media/25/2/11/phat-huy-tinh-tu-chu-cua-chinh-quyen-dia-phuong-trong-luat-chinh-quyen-dia-phuong-sua-doi.jpg)
Phát huy tính tự chủ trong việc quyết định cơ cấu tổ chức, bầu các chức danh thuộc HĐND, UBND
Dự thảo Luật sửa đổi lần này kế thừa quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 về trong việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban, Phó trưởng Ban HĐND; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND và Ủy viên UBND cùng cấp.
Điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi là tại khoản 5 điều 27 quy định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, khung số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, khung số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, khung số lượng các Ban, thành viên các Ban của Hội đồng nhân dân”, đồng thời quy định HĐND quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức các Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, số lượng thành viên các Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình. Tuy nhiên, chưa quy định thẩm quyền của cơ quan nào quyết định số lượng Phó Chủ tịch HĐND.
Còn đối với cơ cấu tổ chức của UBND, khoản 2 điều 36 quy định “Chính phủ quy định khung số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện”. Đồng thời quy định nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh tại điểm g khoản 1 điều 17 “Quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã”. Tuy nhiên, chưa có quy định thẩm quyền của cơ quan nào quyết định số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Có thể thấy rằng, một trong những nguyên tắc và quan điểm chỉ đạo trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi lần này là bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Vì vậy, cần nghiên cứu, giao cho HĐND quyết định số lượng Phó Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch UBND cùng cấp, trên cơ sở khung số lượng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định. Việc giao HĐND quyết định số lượng Phó Chủ tịch UBND cùng cấp cũng phù hợp với quy định trong Luật khi xác định “Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”.
Hoàn thiện các quy định về bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do HĐND bầu
Điều 34 quy định về từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm người giữ chức vụ do HĐND bầu, tuy nhiên chưa quy định rõ các trường hợp làm căn cứ để HĐND tiến hành miễn nhiệm, bãi nhiệm mà chỉ quy định trường hợp vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thì người được HĐND bầu có thể xin từ chức và HĐND tiến hành miễn nhiệm.
![](/dbndna-media/25/2/11/phat-huy-tinh-tu-chu-cua-chinh-quyen-dia-phuong-trong-luat-chinh-quyen-dia-phuong-sua-doi--n1.jpg)
Thực tế hiện nay, việc miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên UBND đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2016/NĐ-CP, tuy nhiên, đối với việc miễn nhiệm người giữ chức vụ trong HĐND thì chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn, không thống nhất trong quá trình thực hiện. Đề nghị quy định rõ các trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm người giữ chức vụ do HĐND bầu trong Luật này để thực hiện thống nhất.
Cùng với đó, điều 39 quy định việc điều động, cách chức Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND và việc người được điều động hoặc bị cách chức chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND kể từ thời điểm quyết định điều động, cách chức có hiệu lực. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định việc điều động, cách chức Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND. Đồng thời, cần làm rõ việc chấm dứt thực hiện nhiệm vụ kể từ thời điểm quyết định điều động, cách chức có hiệu lực thì có cần phải miễn nhiệm hay không. Thực tế hiện nay, các trường hợp người giữ chức vụ do HĐND bầu đã được cơ quan có thẩm quyền điều động, bổ nhiệm giữ các chức vụ khác hoặc được nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước nhưng phải chờ đến kỳ họp HĐND tỉnh gần nhất tiến hành miễn nhiệm thì mới được coi là chính thức chấm dứt thực hiện nhiệm vụ được bầu. Điều đó phát sinh trường hợp nếu HĐND không biểu quyết miễn nhiệm thì sẽ xử lý như thế nào. Đây cũng là vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Khoản 7 điều 35 kế thừa Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành quy định “Đại biểu Hội đồng nhân dân đã thôi làm nhiệm vụ đại biểu … thì đương nhiên thôi đảm nhiệm các chức vụ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân”. Tuy nhiên, đối với trường hợp đại biểu HĐND giữ các chức danh Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND là các chức danh phải được phê chuẩn kết quả bầu; Ban Công tác đại biểu hướng dẫn một số tỉnh nên thực hiện thủ tục miễn nhiệm trước, sau đó cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với đại biểu đó và trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn. Vì vậy, cần nghiên cứu thêm để quy định rõ việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND trong những trường hợp này để tránh sự chồng chéo.
Ngoài ra, cần xem xét lại điểm 1 khoản 1 điều 18 và điểm 1 khoản 1 điều 21 quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND huyện “Phê chuẩn kết quả …điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới”. Bởi vì, việc điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới đã được quy định tại điều 39 thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp đối với cấp huyện, cấp xã./.