Để có thông tin đầy đủ, đa chiều hơn về những vấn đề như vậy, trong số nhiều cách thức theo luật định, thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội, HĐND đã tổ chức giải trình tại phiên họp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Thường trực HĐND.

080520230957-dsc_9272.jpg
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Được tiếp nhận, cải biên từ điều trần tại Ủy ban của nghị viện các nước, hoạt động giải trình được bắt đầu thí điểm ở Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và một số Thường trực HĐND cấp tỉnh từ năm 2009, sau đó được chính thức quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Theo Điều 2, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015, Giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp.

Xuất phát từ định nghĩa trên, đặc điểm của hoạt động này ở là kiểm chứng, đối chứng thông tin đã thu nhận được qua các hoạt động khác, làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau xung quanh nội dung được đưa ra, với đầy đủ các thành phần, các bên liên quan (nhất là cơ quan có trách nhiệm cao nhất). Qua đó, Quốc hội, HĐND có cơ sở để thống nhất một số nội dung quan trọng, có cơ sở để quyết định điều chỉnh, bổ sung giải pháp. Giải trình sẽ tạo điều kiện cho cơ quan của Quốc hội, HĐND kiểm tra, xem xét, làm sáng tỏ vấn đề chính sách, làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan.

Giải trình là “giải thích, làm rõ trách nhiệm”, thực chất là nghe - Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND nghe tất cả các bên liên quan cung cấp thông tin, lập luận, chứng cứ trong giám sát để làm rõ trách nhiệm. Nhưng muốn nghe được nhiều thì người được mời đến phải nói nhiều, phải có những thủ tục để người ta nói là chính, và các đại biểu thành viên Ủy ban, Thường trực HĐND phải biết cách hỏi để khai thác thông tin, để người ta chịu nói. Tóm tắt lại bằng ba chữ: nghe-nói-hỏi.

bna-toan-canh-anh-thanh-le-8168--n1.jpg
Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên giải trình về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông

Những người được mời đến để nói cho Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND nghe là tất cả các bên liên quan đến vấn đề cần giải trình. Đó là đại diện của Chính phủ, các bộ ngành; đại diện của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, hiệp hội, những người dân bình thường nhất và báo chí. Đặc biệt quan trọng là những người dân, đại diện các tổ chức, công ty, hiệp hội liên quan đến vấn đề, vụ việc. Nếu thiếu các chủ thể này, sẽ không còn là phiên giải trình, mà chỉ là cuộc họp bình thường của Ủy ban với đại diện chính phủ, hoặc của Thường trực HĐND với UBND.

Chẳng hạn, Thường trực HĐND có thể tổ chức một hoặc nhiều phiên giải trình để nghe các bên trình bày, cung cấp thông tin, hoặc giải trình về những bất cập, vướng mắc trong bồi thường, tái định cư liên quan đến các dự án thủy điện ở tỉnh như: tại sao còn nhiều hộ dân chưa được bồi thường, tái định cư; tại sao có những khu tái định cư sau một thời gian dài vẫn chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng; cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm; cam kết cụ thể về thời hạn, cách thức giải quyết vướng mắc v.v….

Hoạt động giải trình mang lại những lợi ích rõ rệt đối với hoạt động của Quốc hội, HĐND đối với việc ban hành và giám sát chính sách. Trên thực tế, nhờ hoạt động giải trình mà các cơ quan dân cử đã giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề tồn đọng nhiều năm, hoặc làm sáng tỏ vấn đề chính sách. Ví dụ như sau phiên giải trình đã làm rõ trách nhiệm cụ thể, và chỉ trong vòng 3 tháng, gần 300 hộ dân của 1 địa phương đã được cấp sổ đỏ, trong khi trước đó họ phải chờ đợi đến 4-5 năm vì nhùng nhằng trách nhiệm giữa các cơ quan có liên quan. Hay tình trạng khai thác cát bừa bãi trái luật dọc 2 bên bờ sông ở một tỉnh được khắc phục nhiều cũng sau nhiều hoạt động giám sát, trong đó có phiên giải trình làm rõ trách nhiệm cụ thể. Tương tự, nhờ phiên giải trình nghe tất cả các bên, một Ủy ban của Quốc hội có thêm thông tin đầy đủ, cơ sở vững chắc hơn trong việc xem xét, thẩm tra một số nội dung liên quan đến nhà chung cư.

Vai trò quan trọng nhất của hoạt động giải trình là thu thập thông tin để các đại biểu dân cử có cơ sở đánh giá các vấn đề cần giám sát được đưa ra thảo luận ở Quốc hội, HĐND; cung cấp những chứng cứ có sức thuyết phục cho việc xem xét dự luật hoặc vấn đề cần giám sát. Có người gọi đây là “mỏ vàng thông tin” về tất cả các vấn đề chính sách. Hoạt động này dung hoà tính chất dân chủ của Quốc hội, HĐND với yêu cầu kiến thức chuyên môn chuyên sâu của hoạt động lập pháp và giám sát.

Với sự tham dự của báo chí, sau đó là sự lan tỏa kết quả giải trình qua việc gửi báo cáo, đăng tải trên Internet, giải trình làm cho quá trình ra quyết sách của quốc gia hoặc địa phương trở nên công khai hơn, minh bạch hơn. Đặc biệt, sự minh bạch có được nhờ tính chất “ba mặt một lời” của phiên giải trình, khi mà mỗi bên đều biết, Ủy ban của Quốc hội hoặc Thường trực HĐND nghe cả “hai tai” từ nhiều phía. Do đó, giải trình có thể làm tăng lòng tin của công chúng vào một quy trình làm việc minh bạch của Quốc hội và HĐND; thúc đẩy, nhân rộng sự hậu thuẫn đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND.