hương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trở thành “cú hích” góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm truyền thống, nâng cao giá trị của các đặc sản ấy thành những sản phẩm được “gắn sao” và vươn ra thị trường trong nước, xuất khẩu ra các nước trên thế giới…

 Bắt nhịp xu thế

Nếu như trước đây, khi nhắc đến thổ cẩm, người ta chỉ nghĩ đến những tấm chăn, những tấm vải dệt làm khăn, áo cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, do đó,  phạm vi tiêu thụ hẹp, thị phần ít và đa phần là “tự cung, tự cấp”. Dần dà, khi những mặt hàng may mặc công nghiệp lấn át, những váy áo thổ cẩm chỉ dùng trong những ngày lễ, hội nên nghề dệt thổ cẩm mai một dần. Với mục tiêu khôi phục, bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của thổ cẩm Hoa Tiến,  Hợp tác xã Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến được thành lập, các hộ dân liên kết, hỗ trợ nhau để sản xuất. 

Khách nước ngoài tìm hiểu về thổ cẩm Hoa Tiến

Năm 2019, hợp tác xã Hoa Tiến có các sản phẩm khăn, chân váy, khăn trải bàn đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP. Thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến vì thế cũng được nhiều người biết đến. Để mở rộng thị trường, các thành viên HTX đã tự mày mò, tìm tòi và sáng tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Cũng là khăn quàng cổ, khăn trải bàn, chân váy thổ cẩm được dệt theo phương pháp tự nhiên, các nghệ nhân trong hợp tác xã đã nghiên cứu, thử nghiệm những hoa văn tinh xảo, sắc màu đa dạng, tinh tế và hiện đại theo yêu cầu của khách hàng. Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến không những có mặt ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hội An, Huế, Sa Pa mà còn chinh phục được cả thị trường các nước Lào, Thái, Đức, Pháp, Australia, Canada, Nhật…, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động làng nghề với thu nhập 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Làng nghề bánh đa kẹo lạc Vĩnh Đức (Thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương), có truyền thống từ lâu đời, khoảng trên 300 năm tuổi. Nghề làm bánh đa, kẹo lạc đã là sinh kế của hàng chục thế hệ ở làng. Song, như ông Nguyễn Văn Công, tổ trưởng tổ hợp tác bánh đa kẹo lạc thị trấn Đô Lương cho biết, “trước, bánh đa, kẹo lạc cũng chỉ là thức quà quê, tiêu thụ nội huyện, nội tỉnh. Quẩn quanh với những gánh hàng xén của các bà, các mẹ ở các chợ quê, sau, mở rộng hơn thì bánh đa, kẹo lạc được bán ở các cửa hàng, đại lý tạp hoá vùng nông thôn. Tiêu thụ ít nên sản lượng làm ra cũng hạn hẹp; nghề làm bánh đa, kẹo lạc vẫn là “nghề phụ”, “nghề tay trái”…”.

Sản phẩm bánh đa, kẹo lạc Đô Lương đạt 3 sao OCOP đang dần cải tiến mẫu mã, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường

Năm 2021, bánh đa, kẹo lạc được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP đã mở ra cơ hội để nghề phát triển. “Trước hết là nâng chất lượng, cải tiến mẫu mã, hoàn thiện quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng”, bà Nguyễn Thị Thảo, một hộ sản xuất bánh đa, kẹo lạc cho biết. Theo đó, riêng mặt hàng bánh đa, trước đây, làm to, ít vừng, bánh dàn không đều nên khi nướng thì cong vênh, nhìn không đẹp mắt và rất khó vận chuyển. Sau này, các hộ dần cải tiến, tráng bánh theo khuôn, bán kính nhỏ hơn, dày hơn, nhiều vừng và chuẩn gia vị hơn, đặc biệt là bánh được dàn thẳng, ép đều, nướng xong đạt độ phẳng như ý, được bọc màng co thực phẩm, đóng gói đẹp mắt với đủ thông tin về sản phẩm: Thành phần sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất… Kẹo lạc cũng vậy, không còn là những miếng kẹo mật mía được gói túi bóng từng bản to nữa mà đã đa dạng sản phẩm: kẹo lạc đường, kẹo lạc mật, kẹo lạc giòn, kẹo lạc dẻo.

Đặc biệt, về hình thức đã cải tiến rất nhiều so với trước: kẹo được chia từng thanh nhỏ, đóng trong túi bóng kính đẹp mắt; chia thành từng túi với trọng lượng từ 250g – 500g – 1000g. Năm 2021, hệ thống siêu thị Winmart đã ký hợp đồng phân phối với một số hộ sản xuất bánh đa, kẹo lạc ở Đô Lương với doanh số từ 1,2-1,5 tỷ đồng/hộ/năm. “Để vào được kênh phân phối của các siêu thị không phải dễ. Họ yêu cầu rất khắt khe từ chất lượng đến mẫu mã nhất là khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, các chủ thể đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để tự động hoá các công đoạn sản xuất, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra chất lượng đồng đều, đẹp mắt, số lượng đáp ứng đủ nhu cầu của nhà phân phối”.

Mở lối ra “biển lớn”

Đặc biệt, hiện nay, trong số gần 500 sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, có rất nhiều sản đã “xuất ngoại” sang các nước trên thế giới như: Đèn lồng Đức Phong (5 sao), Bánh đa Lương Sơn (3 sao), Lươn ăn liền NAP (3 sao), các sản phẩm dược liệu của Tập đoàn Bometa… Chính những OCOP xuất ngoại này, đã góp phần quảng bá văn hoá ẩm thực đặc sắc của Nghệ An, nâng tầm nông sản Nghệ An. 

Ký kết hợp tác đưa các sản phẩm lươn ăn liền sang Nhật Bản

Từ đặc sản lươn đồng xứ Nghệ, một nét độc đáo trong ẩm thực Nghệ An thì công ty NAP Food đã chế biến thành công súp, miến, cháo lươn ăn liền đóng gói. Năm 2021, súp, miến lươn của Công ty được công nhận 3 sao OCOP, thông qua thương mại điện tử, qua các đối tác, đến nay, các sản phẩm chế biến từ lươn của NAP Food đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài. Cụ thể, hiện nay, các sản phẩm từ lươn của NAP Food đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Úc, Nhật Bản, Cộng hoà Séc, Mỹ và hiện đang đàm phán thương mại để xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore. Ngoài ra, cháo, súp, miến lươn còn có mặt ở Anh, Pháp, Hàn Quốc theo đường tiểu ngạch. Trung bình mỗi năm, NAP Food xuất đi trên 2 triệu sản phẩm như súp, miến, cháo lươn ăn liền đóng gói ra nước ngoài, đem về doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Đèn lồng treo mây tre – 5 sao OCOP quốc gia hiện nay đã xuất khẩu đi 25 nước trên thế giới

Hoặc như sản phẩm đèn lồng treo mây tre của Công ty TNHH Đức Phong (Nghi Phú, TP.Vinh) được công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao OCOP quốc gia năm 2023. Nhờ liên tục cải tiến mẫu mã, tăng cường xúc tiến, quảng bá nên đã xuất khẩu đến 25 nước trên thế giới với doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty cho biết: “Có thể khẳng định, việc sản phẩm đạt 5 sao OCOP như là “tấm hộ chiếu” giúp chúng tôi tiếp cận tốt hơn với thị trường, nhất là những đối tác mới. Sản phẩm xuất khẩu đương nhiên giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần, doanh thu tăng, lợi nhuận tăng và thu nhập người lao động được nâng lên; tiêu thụ nguyên liệu tre lùng cho người dân miền Tây Nghệ An, gián tiếp tạo việc làm cho lao động ở các địa phương đó. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm, nghiên cứu tiếp cận thị trường để có thị phần tốt nhất”.

Sản phẩm mây tre đan 4 sao OCOP Đức Phong

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có gần 500 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao và 5 sao.  Sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, các chủ thể đã tích cực nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã và bằng nhiều cách khác nhau, đã chủ động kết nối, mở rộng thị trường, tăng thị phần, để vừa có doanh thu tốt, thu nhập ổn định, tạo sinh kế bền vững cho người dân, vừa bảo phát triển nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp bản địa. Đồng thời, mỗi sản phẩm OCOP chính là “sứ giả” văn hoá của mỗi địa phương, mang hơi thở hồn quê xứ Nghệ lan toả đến bạn bè năm châu.