Nhiều nội dung chất vấn được đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Đó là giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ; thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật... Cũng tại phiên chất vấn này, có một nội dung chất vấn tuy không mới nhưng vẫn luôn “nóng” tiếp tục được đặt ra với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đó là giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 32 luật, nghị quyết, không có dự án luật phải rút ra khỏi Chương trình. Chính phủ đã ban hành 312 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 87 quyết định quy phạm pháp luật. Đây là một kết quả rất tích cực, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ và vai trò quan trọng của Bộ Tư pháp trong việc “gác cổng”, thẩm định các dự thảo trước khi Chính phủ trình hoặc ban hành văn bản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng pháp luật vẫn có những tồn tại, hạn chế, chưa được khắc phục. Vẫn còn tình trạng bổ sung và đang có chiều hướng tăng lên các dự án vào Chương trình không theo Chương trình tổng thể hoặc đề nghị sát thời điểm tổ chức kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có dự án Luật phải chuyển từ 2 kỳ thành 3 kỳ họp, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một ví dụ. Dù công tác ban hành văn bản hướng dẫn đã được quan tâm, song tính đến ngày 30.7.2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn nợ 17 văn bản. Những tồn tại này không mới bởi ở diễn đàn Quốc hội hay phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã từng được đặt ra.

Nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được chỉ ra. Tuy nhiên, có một nguyên nhân chủ quan, cũng được người đứng đầu Bộ Tư pháp thẳng thắn chỉ rõ, đó là “có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi”. Đây là “điểm nghẽn” rất lớn cần có giải pháp hữu hiệu để khắc phục, cũng như xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối với các chủ thể có liên quan.

Không chỉ chậm ban hành văn bản hướng dẫn, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng còn những tồn tại. Quy định pháp luật hiện hành đã quy định rõ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm, thẩm quyền: tự kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành; kiểm tra và kiến nghị xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật do bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành về nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; kiến nghị khắc phục hậu quả do văn bản gây ra (nếu có) và xem xét trách nhiệm đối với cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật...

Quy định là vậy, song công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền tại một số cơ quan cấp bộ và cấp tỉnh chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, thường xuyên; chất lượng tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền còn hạn chế; vẫn còn một số trường hợp văn bản chậm được xử lý theo quy định. Đây chỉ là một trong những vấn đề mà thực tiễn đã và đang đặt ra, là những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long là người có kinh nghiệm khi trả lời chất vấn dù là ở vị trí “ghế nóng” hay khi tham gia “chia lửa”. Mong rằng, qua phiên chất vấn, những tồn tại sẽ được thẳng thắn chỉ ra, cùng với đó là những đề xuất, giải pháp để tháo gỡ. Và điều quan trọng, "tư lệnh" ngành sẽ có cam kết và lộ trình cụ thể để thực hiện.

Cần nhấn mạnh rằng, chất vấn không phải là đợt “sát hạch” đối với các bộ trưởng mà để làm rõ những nguyên nhân, có những giải pháp khắc phục, điều chỉnh phù hợp, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương lập pháp và thực thi chính sách, pháp luật hiệu quả trong thực tiễn.

Song Hà