Do đó, việc thực hiện có hiệu quả hoạt động thảo luận tại kỳ họp sẽ góp phần làm nên thành công của kỳ họp, mà mục đích cao nhất là chất lượng các nghị quyết của HĐND được ban hành.
Nhiều nỗ lực chỉ đạo đổi mới hoạt động thảo luận
Thời gian qua, việc nâng cao chất lượng các kỳ họp, trong đó nâng cao chất lượng thảo luận tại kỳ họp được Thường trực HĐND tỉnh tập trung quan tâm chỉ đạo: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của HĐND tỉnh (đã trang bị cho mỗi đại biểu HĐND tỉnh 01 máy tính bảng và triển khai hệ thống phần mềm quản lý); gửi sớm các tài liệu kỳ họp trên phần mềm họp HĐND cho các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường; thực hiện biểu quyết đăng ký phát biểu, thảo luận bằng hệ thống phần mềm trên Ipad; chỉ đạo cách thức thảo luận tổ và phân tổ thảo luận phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nhờ đó, việc tổ chức hoạt động thảo luận tại các kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay có nhiều đổi mới hiệu quả như: Tại kỳ họp thứ 2 không tổ chức thảo luận tổ tại kỳ họp mà gửi trước tài liệu cho các đại biểu để đại biểu cho ý kiến về các nội dung trình kỳ họp, từ đó tổng hợp ý kiến của các đại biểu, các Tổ đại biểu gửi UBND tỉnh, các ngành để báo cáo giải trình ý kiến đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp và Thường trực HĐND tỉnh cũng có báo cáo giải trình đối với các ý kiến về các nội dung do Thường trực HĐND tỉnh trình kỳ họp; tại các kỳ họp thường lệ (kỳ họp thứ 4, 7, 11 và 14) việc phân tổ thảo luận chỉ còn 4 tổ (trước đây 8 tổ thảo luận) mỗi Tổ thảo luận gồm từ 19 - 22 đại biểu, phân công 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó và 01 Thư ký để điều hành, tổng hợp nội dung thảo luận của Tổ; giao các Tổ tổng hợp các ý kiến thảo luận tại Tổ và báo cáo tại kỳ họp. Ngoài ra, định hướng những nội dung trọng tâm, phân công từng Tổ thảo luận chuyên sâu theo từng nhóm vấn đề, đề nghị các đại biểu trong Tổ đăng ký thảo luận tại hội trường để tổng hợp gửi đến Chủ tọa kỳ họp;
Với nhiều đổi mới trong tổ chức thảo luận, phân tổ thảo luận; với sự điều hành linh hoạt, gợi mở các vấn đề sát, trúng của Chủ tọa kỳ họp, và tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh, hoạt động thảo luận của đại biểu HĐND tại các kỳ họp của HĐND tỉnh Nghệ An diễn ra rất sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có đến trên 250 lượt ý kiến của đại biểu tham gia thảo luận tại 05 kỳ họp thường lệ, trung bình mỗi kỳ họp có 50 - 60 ý kiến đại biểu thảo luận, phát biểu (bao gồm cả thảo luận tại Tổ đại biểu và thảo luận tại hội trường); đặc biệt tại kỳ họp thứ 14 vừa diễn ra đã có 62 đại biểu HĐND tỉnh thảo luận, phát biểu tại thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường, với nhiều ý kiến thẳng thắn được cử tri và dư luận đánh giá cao. Các ý kiến tập trung thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đầu tư công, thu - chi ngân sách tại địa phương và thảo luận nội dung các nghị quyết trình tại kỳ họp. Qua đó, Chủ toạ kỳ họp đã tổng hợp, yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu, thống nhất các vấn đề trước khi HĐND tỉnh xem xét, quyết định, thông qua các nội dung trình kỳ họp. Tại các kỳ họp chuyên đề, căn cứ vào nội dung, của các nội dung trình kỳ họp, Chủ tọa kỳ họp cũng điều hành, dành thời gian phù hợp cho hoạt động thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh, qua đó, đại biểu HĐND tỉnh được giải trình làm rõ các nội dung trước khi xem xét, quyết định thông qua nghị quyết.
Có thể nói, việc thảo luận tại các kỳ họp HĐND tỉnh của các đại biểu HĐND tỉnh có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng kỳ họp, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các nội dung HĐND tỉnh thông qua nói riêng và thành công của mỗi kỳ họp nói chung.
Kinh nghiệm từ thực tiễn
Từ thực tiễn hoạt động thảo luận của đại biểu tại 5 kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh: kỳ họp thứ 2, 4, 7, 11 và kỳ họp thứ 14, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu kỳ họp cho đại biểu HĐND tỉnh theo đúng quy định. Các thông tin cung cấp cho đại biểu HĐND tỉnh trước các kỳ họp HĐND tỉnh kịp thời và đầy đủ sẽ giúp đại biểu HĐND tỉnh có thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung tham gia phát biểu ý kiến, nhất là về các căn cứ pháp lý, sự phù hợp với điều kiện thực tiễn của các chủ trương, cơ chế, chính sách; những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc trong thực tế có liên quan; nguyện vọng, tâm tư của cử tri và Nhân dân để đưa ra thảo luận tại kỳ họp.
Thứ hai, tích cực đổi mới, linh hoạt cách thức phân tổ thảo luận, cách thức tổ chức thảo luận tại mỗi kỳ họp; đồng thời định hướng trúng, đúng nội dung cần tập trung thảo luận phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện cho đại biểu nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia thảo luận.
Thứ ba, xây dựng chương trình kỳ họp khoa học, phù hợp, chú trọng việc cân đối, dành thời gian thoả đáng cho hoạt động thảo luận dựa trên nội dung của các nội dung trình kỳ họp. Chủ tọa điều hành phiên thảo luận tại hội trường, Tổ trưởng các Tổ thảo luận điều hành linh hoạt, gợi mở, khích lệ, động viên tinh thần trách nhiệm của đại biểu; theo bám nội dung thảo luận đến khi rõ vấn đề và kết luận vấn đề.
Thứ tư, phát huy và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh, trong việc nghiên cứu tài liệu, tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến có chất lượng về các nội dung trình kỳ họp./.