Buổi làm việc do ông Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Cùng dự có bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; cùng đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và huyện Anh Sơn.
Nhiều kiến nghị
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn được thành lập dựa trên Quyết định số 2954/QĐ-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2020 của UBND tỉnh Nghệ An trên cơ sở hợp nhất 3 trạm: Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Trạm Khuyến nông và Phát triển nông thôn; và Trạm chăn nuôi – thú y. Hiện trung tâm có 8 cán bộ, viên chức và hợp đồng.
Theo ông Nguyễn Trọng Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn, sau khi sáp nhập, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã bao trùm toàn bộ mọi hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Ngoài một số chức năng vốn có của các trạm trước đó, còn bổ sung một số chức năng mới như dịch vụ giống, vật tư nông nghiệp giúp cung cấp các loại giống, vật tư đảm bảo chất lượng đến bà con nông dân... Ưu điểm là giảm được đầu mối, tránh sự chồng chéo và tập trung được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND huyện trong quá trình chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình chỉ đạo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh giữa các bộ phận trong Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp có thể hỗ trợ lẫn nhau; giúp giảm áp lực nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, nhất là vào các đợt cao điểm về dịch bệnh.
Tuy nhiên, dù trung tâm cũng đã liên kết với Hội Nông dân huyện, UBND các xã và mở gian hàng kinh doanh tại trung tâm, nhưng do sự phát triển của hàng hóa, kinh tế thị trường, cạnh tranh trong kinh doanh, cùng với việc không được mở rộng loại hình kinh doanh dịch vụ nên kết quả thu về không được như mong đợi.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, hiện nay, điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập phải đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người để hoàn thành nhiệm vụ được giao (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành). Vậy nhưng tại trung tâm, đầu năm 2023 có 3 người nghỉ hưu và chuyển công tác, vì vậy, hiện nay chỉ còn 7 viên chức và 1 hợp đồng tự trang trải. Tháng 3 năm 2023, trung tâm đã có tờ trình đề nghị UBND huyện tuyển dụng cho trung tâm thêm 2 biên chế, nhưng đến tại thời điểm này vẫn chưa được tuyển.
Ngoài ra, hiện nay thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” tách trạm chăn nuôi về Chi cục Chăn nuôi thú y, khiến cho đơn vị gặp khó khăn trong xây dựng định hướng phát triển cho những năm tiếp theo, và cán bộ, công nhân, viên chức hoang mang...
Chưa kể, trung tâm được sáp nhập trên cơ sở 3 trạm, có 3 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng nằm dọc Quốc lộ 7, dù địa điểm thuận lợi nhưng thực tế là không phù hợp. Trong khi đó, các khu vực kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, khu vực trình diễn, thử nghiệm các loại cây, con, thực sự cần thiết thì lại không có.
Đảm bảo hoạt động hiệu quả sau sáp nhập
Sau khi ghi nhận những kiến nghị từ phía Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề nghị chính quyền địa phương trên cơ sở nghiên cứu các phương án sáp nhập từ một số địa phương để có sự sắp xếp phù hợp, đảm bảo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phát huy hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời hạn chế lãng phí cơ sở vật chất, hạ tầng liên quan sau sáp nhập.
Một số ý kiến của đoàn công tác cũng đề nghị sau khi sáp nhập, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn cần phải quản lý chặt chẽ các tài sản công, nhất là trụ sở các trạm, trại, tránh việc sử dụng sai mục đích. Đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, khuyến nông, phát triển nông thôn; Thực hiện các dịch vụ kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, khuyến nông, vật tư nông nghiệp và các dịch vụ khoa học, kỹ thuật nông nghiệp... tại địa phương.
Liên quan đến trường hợp 1 cán bộ hợp đồng tại trung tâm dù đã có nhiều năm cống hiến, đồng chí Đậu Đình Dương - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: Việc tăng biên chế cho các cấp, ngành trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trung tâm cần phải hoàn tất hồ sơ đề nghị chính quyền địa phương chuyển hợp đồng theo Nghị định 111/2020/NĐ-CP về việc hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính.
Kết thúc cuộc làm việc, ông Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, đề nghị phía Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn hoàn tất báo cáo theo chuyên đề. Trên cơ sở đó, đoàn giám sát sẽ tổng hợp và có báo cáo kết quả để trình các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết.
Tiến Đông