Năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Đoàn giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay.
Quan tâm, giải quyết thấu đáo kiến nghị cử tri, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân
Qua giám sát cho thấy UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri do Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, chuyển đến trước, trong và sau các kỳ họp HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đến nay, 550/648 kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh, các Sở, ngành giải quyết, trả lời; còn 98 kiến nghị cử tri chưa được giải quyết dứt điểm.
Nhiều kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh, các Sở, ngành, địa phương giải quyết thấu đáo, đáp ứng nguyện vọng của cử tri như Sở Giao thông vận tải giải quyết việc sửa chữa, nâng cấp 100m đường đất còn lại trên tuyến Tỉnh lộ 538 chạy qua địa bàn xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, nâng cấp, sửa chữa đường tỉnh ĐT.542C đoạn từ ngã tư chợ Vực đến vòng xuyến cầu Yên Xuân (huyện Nam Đàn); Sở Công thương và Điện lực Nghệ An giải quyết việc chuyển trạm biến áp số 2, tại xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên từ trạm trệt lên trạm treo để đảm bảo an toàn; Điện lực Nghệ An phối hợp với UBND thị xã Hoàng Mai hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thi công 5 trạm biến áp trên địa bàn thị xã Hoàng Mai; Sở Công thương và Điện lực Nghệ An hoàn thành việc cấp điện cho bản Phà Khốm, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Vinh giải quyết nhiều khu tập thể cũ trên địa bàn thành phố; Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng bản đồ địa chính phân định các diện tích do Lâm trường quản lý và diện tích đất sản xuất của các hộ dân vùng phụ cận, giáp ranh…
Từ ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm góp phần giải quyết các kiến nghị của cử tri như Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 31/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 20/2022/NQ-HĐND ngày 12/11/2022 về một số chính sách hỗ trợ phát triển đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 về một số chính sách hỗ trợ tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 quy định chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An...
Vẫn còn tình trạng kéo dài, chậm giải quyết kiến nghị cử tri
Mặc dù vậy, qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị cử tri như: Một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết kịp thời do đơn vị được giao giải quyết kiến nghị cử tri chưa quyết liệt, “đeo bám” việc giải quyết đến cùng kiến nghị cử tri, mới chỉ quan tâm đến việc thông tin, trả lời kiến nghị cử tri; công tác phối hợp giữa các Sở, ngành và giữa các Sở, ngành với địa phương có thời điểm, có việc chưa chặt chẽ, hiệu quả. Một số kiến nghị cử tri mặc dù đã có nhiều giải pháp để giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm, chưa dứt điểm, có kiến nghị có tính chất cấp bách, khẩn cấp nhưng việc giải quyết còn kéo dài, nên cử tri kiến nghị lại nhiều lần. Mặc dù Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 của UBND tỉnh quy định rất đầy đủ, cụ thể quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri, tuy nhiên có một số nội dung chưa được thực hiện tốt, như: việc xử lý, trả lời kiến nghị cử tri có khi chưa đúng tiến độ thời gian theo quy định; nhiều sở, ngành và UBND cấp huyện chưa thực hiện việc đăng tải kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri trên Trang/Cổng thông tin điện tử của sở, ngành và địa phương mình; đa số UBND cấp xã không tiến hành niêm yết công khai văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tại trụ sở UBND cấp xã. Do đó, vẫn còn tình trạng cùng một kiến nghị đã được trả lời nhiều lần, đã được giải quyết nhưng cử tri không nhận được kết quả trả lời, nên vẫn tiếp tục kiến nghị.
Kiến nghị nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị cử tri
Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã nêu nhiều kiến nghị cụ thể đối với UBND tỉnh để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị cử tri.
Trong đó, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Quyết định 25/2019/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh, tập trung các nội dung gồm: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân loại kiến nghị cử tri đảm bảo tính chính xác, rõ ràng, đúng chức năng, nhiệm vụ giải quyết của các cấp, các ngành. Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo lĩnh vực được giao, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các nhiệm vụ có tính chất liên ngành đảm bảo quyết liệt, hiệu quả. Nâng cao chất lượng trả lời, báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri đảm bảo rõ ràng, trọng tâm vấn đề cử tri kiến nghị, có lộ trình, giải pháp giải quyết kiến nghị cử tri; đối với những kiến nghị chưa thể giải quyết được do chưa có quy định hoặc không phù hợp với các quy định của pháp luật hoặc do chưa có nguồn lực, khả năng để thực hiện thì cần giải trình, thông tin rõ đến cử tri. Cùng với đó, cần chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện Quyết định 25/2019/QĐ-UBND để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với công tác ‘chuyển đổi số’, đảm bảo các nội dung trả lời đến với cử tri nhanh nhất, chính xác nhất, đồng thời, các cơ quan quản lý có thể theo dõi được tiến độ, chất lượng, kết quả giải quyết của các cơ quan, địa phương, đơn vị đến được với cử tri, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân.
Các giải pháp để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc giải quyết kiến nghị cử tri cũng được Đoàn giám sát chỉ ra. Cụ thể, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc lấy kết quả thực hiện việc giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri làm một trong những tiêu chí thi đua khen thưởng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ này. Xử lý quyết liệt, kịp thời đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương chậm, không giải quyết, hoặc giải quyết chưa thấu đáo những vấn đề chính đáng, hợp pháp mà cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều lần. Tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để giải quyết những kiến nghị cử tri còn tồn đọng, chưa giải quyết xong, nhất là kiến nghị kéo dài.
Đồng thời, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh trên cơ sở rà soát các công trình, dự án cấp thiết mà cử tri kiến nghị liên quan đến sản xuất, đời sống, an ninh… tại cơ sở và ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh qua việc tổng hợp, theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, hàng năm có kế hoạch ưu tiên bố trí nguồn kinh phí thực hiện các công trình, dự án phù hợp với yêu cầu thực tiễn và điều kiện nguồn lực có thể.
Cùng với đó, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết một số kiến nghị cử tri cụ thể còn tồn đọng, chưa được giải quyết xong như chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND thành phố Vinh có lộ trình cụ thể và sớm triển khai xây dựng nhà văn hóa trong Khu đô thị mới Vinh Tân và các khu chung cư trên địa bàn thành phố Vinh; báo cáo làm rõ phương án xử lý đối với Dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau tại xã Thanh An, huyện Thanh Chương, Dự án Khu đô thị hỗn hợp Nhà máy xi măng Cầu Đước để thông tin đến cử tri; sớm có phương án xử lý đối với Dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống cấp nước sạch vùng Nam Quỳnh Lưu - Bắc Diễn Châu tại xã Quỳnh Diễn và xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu do Công ty CP Xây dựng và đầu tư Thăng Long 89 làm chủ đầu tư; chỉ đạo sở, ngành có liên quan, UBND thành phố Vinh có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, sớm xử lý các tồn đọng tại khu tập thể tại thành phố Vinh; có lộ trình cụ thể để giải quyết vướng mắc trong việc giải thể Tổng đội thanh niên xung phong 3 như kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, làm cơ sở cho việc thu hồi đất của Tổng đội thanh niên xung phong 3 để bàn giao cho địa phương quản lý và lập phương án giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định; đôn đốc việc triển khai thực hiện tu sửa hệ thống đê chắn sóng biển Long, Thuận, Hải và đê sông Thái, huyện Quỳnh Lưu đảm bảo lộ trình đã đề ra; chỉ đạo Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Thanh Chương rà soát các tồn tại, vướng mắc để sớm giải quyết dứt điểm và bàn giao dự án Khe Mừ, xã Thanh Thủy cho địa phương tái định cư cho người dân ổn định cuộc sống; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thực hiện các thủ tục để đầu tư xây dựng hạ tầng di chuyển 24 hộ dân phát sinh ở xóm Hòa Lam và đấu nối dự án với Quốc lộ 46C để bàn giao cho thành phố thực hiện công tác tái định cư…
Chuyển biến sau giám sát của Thường trực HĐND tỉnh
Sau khi Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh ban hành kết luận giám sát, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát và khắc phục các tồn tại, hạn chế mà Đoàn giám sát đã chỉ ra.
Liên quan đến Quyết định 25/2019/QĐ-UBND, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá việc thực hiện; tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với công tác “chuyển đổi số”.
UBND tỉnh cũng giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã giải quyết thấu đáo các kiến nghị cử tri cụ thể theo đề nghị của Đoàn giám sát.
Đến nay, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuyến đê chắn sóng biển Long, Thuận, Hải và tuyến đê sông Thái đoạn qua các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Ngọc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đối với việc tái định cư điểm Khe Mừ, xã Thanh Thủy, Chi cục Phát triển nông thôn đã có biên bản bàn giao công trình cho UBND xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương; đang phối hợp với UBND huyện Thanh Chương để đưa các hộ dân vào khu tái định cư. UBND huyện Thanh Chương đang chỉ đạo các phòng, ban liên quan cùng đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát thực địa, đối chiếu với hồ sơ để xây dựng chủ trương dự án, lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với hạng mục cắm mốc, chia lô đất sản xuất để giao cho các hộ dân. Dự kiến sẽ tổ chức đưa người dân vào vùng dự án trong năm 2024.
Đối với việc tái định cư các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, hiện nay, Chi cục Phát triển nông thôn đang triển khai lựa chọn nhà thầu thi công để thi công các hạng mục bổ sung gồm san nền sân thể thao, hệ thống giao thông, mương thủy lợi… thuộc dự án di dời 58 hộ dân còn chưa thực hiện. Đồng thời, Chi cục Phát triển nông thôn đang triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công dự án tái định cư 24 hộ dân phát sinh. Dự kiến cả hai dự án sẽ hoàn thành và bàn giao trong quý II năm 2024./.