Thứ 6 ngày 22 tháng 11 năm 2024 / 00:07

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - người tạc chân dung mình lên dung mạo của thế kỷ

7.png

8.png

Anh Thơ- một trong số ít ca sĩ được nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ khen thể hiện thành công nhất 'Mơ quê' Nguồn: NTV

Sau đêm nhạc Nguyễn Tài Tuệ tại trường quay của NTV có tiếng vang, tôi nhận được thư của ông với những lời thật trân quý, cảm động: “Cám ơn anh đã đưa tôi về quê nhà sau 63 năm lưu lạc quê người, sống gian nan vất vả giữa cuộc đời đầy bất trắc và biến động của thời cuộc. Giờ đây giữa quê hương tôi đã được tiếp đón nồng nhiệt, ưu ái và nhất là được báo cáo về thân thế, sự nghiệp âm nhạc của tôi với tất cả những ai mà tôi nhớ nhung thương mến nhất, và rõ ràng là cũng đồng cảm, thương cảm cho tôi”. Với tôi, đến hôm nay vẫn thấy mình thật may mắn đã có cơ hội được làm quen, rồi trở thành người bạn nhỏ của ông. Mỗi lần được gặp gỡ, trò chuyện cùng ông, tôi lại có những cảm nhận sâu hơn về một tài năng, tâm hồn tuyệt đẹp. Và từ lúc nào, cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của ông đã để lại trong tôi bao điều suy ngẫm về con người, cuộc sống.

9.png

Nằm bên tả ngạn sông Lam, làng Thượng Thọ, thuộc tổng Đại Đồng xưa đẹp như miền cổ tích. Làng có lịch sử 600 năm gắn với sự khai phá và phát triển của dòng họ Nguyễn Tài – một trong những dòng họ khoa bảng trên đất Nghệ-Tĩnh. Thủy tổ của dòng họ là cụ Nguyễn Hiền, đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Mùi, năm 1247; đến cụ tổ đời 26 Nguyễn Trung Ngạn, một quan đại thần có công lao lớn với triều Trần. Ông nội Nguyễn Tài Tuệ là cụ Nguyễn Tài Thực, đỗ cử nhân tại một khoa thi của miền Trung năm 1918. Cha ông, cụ Nguyễn Tài Độ, một nhà nho thức thời, biết trân trọng những giá trị tinh hoa của Nho giáo. Ông giỏi nho, y, lý, số, thông thạo về y học cổ truyền để giúp chữa bệnh cho người nghèo trong vùng. Biết uy tín của cụ Nguyễn Tài Độ, tên Công sứ Nghệ-Tĩnh chỉ định ông làm Bang tá tổng Đại Đồng, làm tai mắt đàn áp phong trào cộng sản. Trước tình thế ấy, một mặt vờ nghe theo lời Tây đồn Rạng để giữ thân, mặt khác ông bí mật liên lạc và giúp đỡ chi bộ địa phương hoạt động an toàn…

10.png

Mẹ ông – cụ Nguyễn Thị Chục sinh ra trong một gia đình Nho giáo. Bà rất yêu ca hát, thuộc Truyện Kiều và hát ví, giặm rất hay. Nguyễn Tài Tuệ nhớ lại: “Những lần mẹ và chị tôi dệt vải, mỗi người một khung cửi, tay đưa thoi và tiếng hát khi đắng đót, khi ngọt lịm ùa vào tâm hồn tôi, khắc sâu trong tâm khảm tôi. Tôi học cha, nghe mẹ. Tôi thấm nhuần tư tưởng khoa học Nho giáo mà cha tôi luôn áp dụng trong đời thường. Cha đã cho tôi cốt cách, bản lĩnh của người con trai giữa thời thế nhiều biến đổi. Chính bởi vậy, dù được đào tạo thời hiện đại, nhưng nhiều người vẫn thấy ở tôi có dáng dấp cụ đồ Nho là vậy”.

Ký ức tuổi thơ của Nguyễn Tài Tuệ là những chiều theo mẹ ra đồng, nghe các cô thôn nữ hát ví, giặm; những đêm trăng vằng vặc theo cha cùng nhóm hát của tổng Đại Đồng, xuôi thuyền trên sông Lam hát thi cùng tổng Cát Ngạn. Thuyền từ chợ Rạng sang mãi bến chợ Thượng Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông nằm trên thuyền, nghe hát thâu đêm, nước mắt chảy lúc nào không hay. Ông thương, một niềm thương chưa thể gọi tên. Có lẽ đó là dấu hiệu của một tâm hồn mẫn cảm, tài năng âm nhạc ở Nguyễn Tài Tuệ sau này.

Với mong muốn con trai sẽ trở thành một trí thức Tây học, làm được điều gì đó rạng danh dòng họ, quê hương, tròn 5 tuổi Nguyễn Tài Tuệ đã được cha gửi vào Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat, một trường học do người Pháp trực tiếp giảng dạy bằng tiếng Pháp. Năm 1944, Sài Gòn có những biến động, ông trở về quê học Trường sơ đẳng Cao Xuân Dục. Dẫu vậy, 4 năm ngắn ngủi ở Sài Gòn đã giúp Nguyễn Tài Tuệ sớm tiếp xúc với tiếng Pháp và nền văn minh Pháp. Thị xã Vinh thực hiện Tiêu thổ kháng chiến, ông trở về Thanh Chương học cấp 2 Đặng Thúc Hứa. Thời gian này Nguyễn Tài Tuệ bắt đầu làm quen với âm nhạc qua những giờ học ở trường, yêu thích những bài hát Nhớ chiến khu (Đỗ Nhuận), Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao), Tiếng gọi Thanh niên (Lưu Hữu Phước)…, Ông còn tìm sách tiếng Pháp để học thêm về nhạc lý cơ bản. Trường Cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng là nơi Nguyễn Tài Tuệ chập chững viết những ca khúc đầu tiên như Hò dân công, Xuân ơi sao chưa về… Từ phong trào ca hát ở trường học, ông quen thân với Nguyễn Trọng Bằng, người mấy năm sau đã giúp ông có bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời.

11.jpg
Chiều nhẹ trôi trên dòng Lam Giang.

12.png

Cơn chấn động lịch sử – xã hội Cải cách ruộng đất đã tạo nên những biến cố lớn, ám ảnh tâm hồn Nguyễn Tài Tuệ, gia đình ông rơi xuống tận cùng bĩ cực. Theo lời cha, ông rời quê ra Hà Nội với bao lưng gạo mẹ vét hết trong nhà và một ý chí cha truyền cho: Phải học, dẫu cho có đi ở cho người ta để có cơm ăn thì cũng quyết mà đi. Và ông đã bắt đầu cuộc trường chinh của mình như thế.

Tới Hà Nội, để có cái ăn, Nguyễn Tài Tuệ xin kéo xe ba gác tại bến Phà đen. Mỗi ngày cật lực cũng đủ tiền để sống chắt chiu trong 1 tuần. Những ngày còn lại, ông tìm đến thư viện đọc sách về văn học, triết học. Một ngày, nghe tin Đại hội văn công quân dân toàn quốc tổ chức tại Nhà hát lớn, ông len lỏi vào được một góc, nghe mê mẩn. Ký ức của những ngày tuổi thơ vui tươi ca hát ùa dậy trong tâm hồn người trai trẻ như những đợt sóng trào. Nguyễn Tài Tuệ tìm gặp người phụ trách xin thử làm ca sĩ, may mắn ông gặp lại Nguyễn Trọng Bằng, lúc đó là đội trưởng đội ca nhạc Đoàn văn công Nhân dân Trung ương. Sau cuộc sát hạch của các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Nguyễn Văn Thương, ông trở thành diễn viên ca hát của Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương. Mặc dù được khen là ca sĩ có giọng ca đẹp, Nguyễn Tài Tuệ vẫn luôn nung nấu khát vọng sáng tác, như ông từng bộc bạch: “Âm nhạc với tôi là tất cả. Âm nhạc xâm chiếm tâm hồn tôi, đè nặng lên cuộc đời tôi. Âm nhạc là món nợ của tôi với quê hương, đất nước”.

13.png

Những năm 1955-1960, trong bối cảnh của phong trào Nhân văn giai phẩm, Nguyễn Tài Tuệ được điều đi biệt phái lên miền núi Tây Bắc, kết hợp đi thực tế cải tạo lao động và giúp đỡ củng cố đoàn ca múa Lao – Hà – Yên. Trong vô vàn gian khó, hiểm nguy, có lúc bị tai nạn suýt chết, ông vẫn miệt mài tìm hiểu văn hóa dân gian, dân ca các dân tộc miền Tây Bắc. Ca khúc Lời ca gửi noọng, hợp xướng Xuân về trên bản, nhất là Tiếng hát giữa rừng Pác Bó ra đời trong những ngày tháng ấy. Vào tuổi 23, vừa khởi đầu thành công, tai nạn đã liền ập đến. Lời ca gửi Nọong bị cấm lưu hành vì những ca từ “tắm chung dòng suối”,“cùng chung mái nhà” được coi là thiếu lành mạnh. Ngay cả khi Tiếng hát giữa rừng Pác Bó được Đài tiếng nói Việt Nam phát nhiều lần theo yêu cầu thính giả, thì có đơn tố cáo Nguyễn Tài Tuệ đã dùng hát then Tày – một loại hình âm nhạc tâm linh, ma quái, mang tính đồng cốt để ca ngợi lãnh tụ. May mắn, ông được nhà thơ Nông Quốc Chấn, lúc ấy là Vụ trưởng Vụ Văn hóa miền núi của Bộ Văn hóa hóa giải. Năm 1961-1964, Đài Tiếng nói Việt Nam lấy ý kiến thính giả về bài hát yêu thích, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó là ca khúc được nhiều phiếu bình chọn nhất. Nơi quê nhà, mọi người nghe những ca khúc của Nguyễn Tài Tuệ nửa tin, nửa ngờ, còn mẹ ông thì như đinh đóng cột: “Những bài hát đó là của thằng Tuệ nhà tui, không sai mô, từ bé hắn đã làm được những bài hát gần giống như rứa rồi!”.

Sau chuyến điền giã về vùng Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, vùng đất đậm đặc văn hóa dân gian của người Mường, nhớ kỷ niệm về chuyến đi thực tế vào giới tuyến Quảng Trị năm trước và trong nỗi nhớ quê nhà, nhớ những đêm trăng ví giặm da diết, Nguyễn Tài Tuệ nhen nhóm những nốt nhạc, ca từ đầu tiên của Xa khơi. Khi Xa khơi vừa được cất lên bay bổng, trữ tình, lay động con tim bao người qua giọng hát xúc cảm, đồng điệu nỗi đau chia cắt của ca sĩ Tân Nhân, ông lại gặp trắc trở. Nhiều ý kiến phê phán lời ca của Xa khơi không ăn nhập gì với thời cuộc sản xuất và chiến đấu của hai miền. Thêm một lần may mắn cho ông, khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước khẳng định: “Qua Xa khơi, từ xưa đến nay chưa từng có ai phát triển ví, giặm tốt như Nguyễn Tài Tuệ”. Và Xa khơi đã xuyên qua không gian, thời gian, là 1 trong bộ 5 tác phẩm để ông được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2001. Nhắc lại những chuyện xưa, Nguyễn Tài Tuệ bình thản: Tại điều kiện khách quan nó thế thôi!

14.jpg
Bằng tốt nghiệp Nhạc viện Bình nhưỡng của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Trên bằng tốt nghiệp phía bên trái có con dấu in 3 chữ Triều Tiên: Xuê u tưng (Đẳng cấp cao nhất).

Nhờ những thành công ấy, năm 1967 Nguyễn Tài Tuệ được cử đi học tại Bình Nhưỡng – Triều Tiên. Được sự thấu hiểu, tận tình giúp đỡ của các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Phạm Đình Sáu, của Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp, Đại sứ Lê Thiết Hùng…, Ông đã vượt qua rào cản về lý lịch gia đình để được đi học và vượt lên khó khăn về trình độ đầu vào của Học viện âm nhạc Bình Nhưỡng. Để có được tấm bằng xuất sắc, ông đã phải nỗ lực suốt 6 năm ròng, có thời điểm mỗi ngày chỉ được ngủ 3 tiếng. Như một sự bù đắp, những năm tháng ấy, Nguyễn Tài Tuệ được người con gái Hà Nội xinh đẹp Vũ Thị Cẩm Tú, sinh viên đại học bách khoa, đem lòng yêu vì mến mộ những bài hát của ông. Tình yêu của họ đã giúp ông thêm vững vàng theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, có được hai người con tài hoa: Thạc sĩ chỉ huy, nghệ sĩ piano Nguyễn Tài Tuấn và nghệ sĩ guitar, ca sĩ chuyên nghiệp Nguyễn Tài Thiều Quang.

15.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và phu nhân, năm 1973.

16.png

Từ những năm đầu sáng tác, Nguyễn Tài Tuệ đã xác định cho mình phương châm “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Trước khi rời Nhạc viện Bình Nhưỡng về nước, ông được các giáo sư dặn dò: Em viết 100 tác phẩm mà không có xuất sắc, đồng nghĩa không có gì. Dân gian và dân gian, dân gian cộng với hiện đại sẽ chắp cánh cho em bay cao trên bầu trời sáng tạo nghệ thuật. Kiên định phương châm ấy, đến nay gia tài âm nhạc Nguyễn Tài Tuệ chỉ có hơn 35 tác phẩm thanh nhạc và giao hưởng thính phòng. Nhiều tác phẩm của ông đã có sức sống vượt thời gian, trở thành kinh điển, được đưa vào các giáo trình tại nhạc viện và nhiều cuộc thi quốc gia về âm nhạc.

Bằng sức sáng tạo miệt mài, tâm hồn trữ tình sâu lắng, kiến thức uyên bác, Nguyễn Tài Tuệ đã khai thác vốn văn hóa dân gian phong phú và phát triển âm nhạc dân gian lên tầm cao mới. Đi thực tế vùng Tây Bắc, ông có Lời ca gửi Nọong; Suối Mường Hum còn chảy mãi; Đêm Sa Pa, sau này là Mùa xuân lên nương, mùa xuân lên đường; Nhớ Tây Bắc; Tiếng hát giữa rừng Pac Bó đậm chất Then Tày. Về đồng bằng Bắc bộ, ông có nhạc không lời Ngày hội non sông, Khúc Tuỳ hứng Trống cơm; Đại hợp xướng Sóng Bạch Đằng… Vào Tây Nguyên, ông sáng tác ca kịch Nữ thần mặt trời với khúc Aria I Pa ơi; bản Giao hưởng Giục giã; Thanh xuân cao nguyên. Về miền Tây sông nước, ông có Đại hợp xướng Những năm tháng ghi nhớ; ca khúc Lỡ hẹn; Xôn xao bến nước với giai điệu hò Đồng Tháp trữ tình, mênh mang…

17.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trao đổi với tác giả.

Dấu ấn đậm nhất của Nguyễn Tài Tuệ đó là việc khai thác, phát triển các làn điệu, hồn cốt sâu lắng, trữ tình, bay bổng của ví giặm và hát đối, làm nên những tuyệt tác Xa Khơi; Mơ Quê… Sự kết hợp sáng tạo tài tình giữa dân gian và hiện đại, tầm vóc và nghệ thuật âm nhạc trữ tình trong nhiều tác phẩm Nguyễn Tài Tuệ được khẳng định là một trong những hình tượng đẹp nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam. Nhạc sĩ An Thuyên từng nhận xét: có đến vài chục nhạc sĩ đã kế thừa vốn ví giặm để viết, nhưng nếu cho chọn một, thì đó là Nguyễn Tài Tuệ. Nhà văn Bùi Tuyết Mai, người có cơ duyên gắn bó với gia đình ông, nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu để hoàn thành công trình gần 500 trang sách Nguyễn Tài Tuệ- cuộc đời và tác phẩm, khái quát: “Không ai hiểu hơn Nguyễn Tài Tuệ cái cách ông đã chưng cất âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam và phát triển lên để đem đến cho đời những tác phẩm mới. Những nhạc phẩm của Nguyễn Tài Tuệ đã đi rất xa với chất trữ tình lãng mạn, sự tinh tế mang một vẻ đẹp rất riêng biệt mà vẫn bảng lảng hồn cốt dân tộc”.

18.png

Quả vậy, chỉ với quê, ông đã thể hiện trọn vẹn sự đằm thắm “Anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở” của ví giặm; chất văn chương bác học “Vầng trăng ai xẻ làm đôi” của truyện Kiều; vừa phảng phất nỗi niềm tha phương “Quê người đứng ngắm mây lưu lạc” của Nguyễn Bính, lại vừa ảo ảnh khói sương “Quê nhà khuất bóng hoàng hôn” của Thôi Hiệu… Chạnh nghĩ, nếu không có những năm tháng tuổi thơ đắm mình giữa dòng sông quê ví giặm, sống trong một gia đình nho gia danh giá và nỗ lực miệt mài tích góp vốn văn hóa nhân loại, chắc hẳn đời sống âm nhạc Việt Nam đương đại đã không thể có được một nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ tài hoa với những kiệt tác “mười phân vẹn mười” đến thế. Càng thấy tiếc cho bao lứa trẻ ngày nay sinh ra, lớn lên đã không được thừa hưởng suối nguồn văn hóa mát lành, vô tận của cha ông qua những lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ.

Với Nguyễn Tài Tuệ, sáng tạo luôn là sự kiên trì, bền bỉ đến mức khổ luyện. Sau gần nửa thế kỷ kể từ ngày Xa khơi ra đời, ông mới thực sự hài lòng khi chọn được một ca từ “sóng liệng” thay cho “sóng chiều”,sóng liền” rồi “sóng lượn”. “Sóng liệng” vừa có sức nặng biểu cảm, mỹ cảm, vừa có đường nét mạnh mẽ, hòa quyện với sông nước, lại vừa HỢP nhất với cách diễn đạt trong ca từ của bài hát. Để có được Mơ quê toàn bích, ông đã mất tới 14 năm kể từ ngày đặt bút viết nốt nhạc, lời ca đầu tiên“Người về hò hẹn cùng ai” với bao trăn trở, từ “Nhớ quê”, đến “Hồn quê”… Vợ ông, một người làm nghiên cứu khoa học, rất hiểu và yêu âm nhạc, thấy ông hơn chục năm trời thường ngồi trước cây đàn sửa lại từng ca từ, giai điệu cho Mơ quê, đã xót xa: “Ông ơi, sao ông lại tự làm khổ ông đến thế, tôi nghe thấy rất được rồi mà”.

19.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và người cháu họ - Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (ảnh trên); Từ trái sang phải, các nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Nguyễn Tài Tuệ, Văn Dung.

Đã vào tuổi 85, ông yếu đi nhiều sau cơn ốm nặng. Vừa hồi phục phần nào, ông lại ngồi trước cây đàn đã cũ kỹ, mải mê dồn hết tâm sức, vốn liếng văn hóa cả đời mình cho sáng tác mới, hình như ông đang phổ một bài thơ của Xuân Diệu. Căn phòng nhỏ đơn sơ nằm sâu trong ngõ phố Khương Trung, Hà Nội lại vang lên tiếng đàn thăm dò giai điệu của người nhạc sĩ tài hoa, hòa trong tiếng nô đùa của đàn cháu nhỏ. Dường như đó là bến bờ hạnh phúc của một đời người đã đi qua bao sóng gió, buồn vui của thời cuộc!

Hiểu phần nào về cuộc đời “niềm vui thi thoảng, nỗi buồn mênh mang”, chí lớn vượt lên mọi hoàn cảnh để bồi đắp tri thức, tâm hồn sâu lắng, trí tuệ uyên thâm trong cốt cách nho nhã của ông; hiểu hơn về sự bình thản trước bao cùng cực, luôn khát khao vươn tới cái ĐẸP – đẹp của tình người, của non sông đất nước, của quê nhà xứ Nghệ và truyền thống văn hiến của dân tộc; hiểu thêm về một nhân cách lớn đậm chất đồ Nghệ, nho giáo – dân tộc mà rất chuyên nghiệp, hiện đại ở ông là điều vô cùng may mắn. Và tôi thấy mình hạnh phúc khi được chia sẻ may mắn ấy cùng người yêu nhạc về “một trong những người đã tạc chân dung mình lên dung mạo của thế kỷ”. Một con người tài hoa, đức hạnh, minh triết như chính tên ông – nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bên cây đàn cũ kỹ và bản nhạc Xa khơi bất hủ.

Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến