11.jpg

Sâm Thổ Hào - được danh tướng, tiến sĩ Phạm Kinh Vỹ di thực về trồng ngay trên quê hương, từ gần 300 năm trước, loài sâm mang tên làng Thổ Hào đã từng là sản vật quý để tiến vua. Sau những thăng trầm cùng lịch sử, sâm Thổ Hào đang trở lại - hồi sinh sản vật tiến vua.

Thổ Hào của huyện Thanh Chương ngày xưa, nay là vùng đất của các xã Thanh Tùng, Thanh Giang, Thanh Mai và một phần xã Thanh Hà huyện Thanh Chương.

Trong sử sách từng nhắc đến dòng sâm quý này. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết: Các làng Phù - Lưu, Tiên - Lễ ở châu Bắc - Bố - Chính có thứ sâm, hoa nó có sắc tía, giồng nó ở trong chậu cát cũng sống được. Nếu phơi và sao đúng cách thức thì hình dáng không khác gì bắc sâm. Vị nó ngọt, dùng uống có bổ ích, nên người ta hay dùng (Người dịch: Ngô Lập Chí, Khoa Xã hội, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1959).

Sách Đại Nam nhất thống chí viết: Nam sâm, sản ở núi Thổ Hào, huyện Thanh Chương, vi hậu, có thể dùng làm thuốc, châu Kim Sơn phủ Trấn Ninh cũng có (Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện KHXH Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006).

Sách Đại Nam dư địa chí ước biên viết: Sâm Thổ Hào (Bố Chính) hàng năm được cung tiến vua cùng với các loại sản vật khác (Tác giả Cao Xuân Dục, Quốc sử quán Triều Nguyễn).

Sách Thanh Chương huyện chí của Bùi Dương Lịch viết: Đất Thổ Hào hợp với cây nhân sâm, mọi nhà đều trồng, lá sâm màu lục, hoa màu hồng tươi đầy rực lên, tranh rất đẹp. Trong rễ có lỗ rỗng. Vào mùa Xuân gieo hạt, cuối năm thu củ rễ, hấp chín, phơi khô làm thuốc bổ. Công dụng đúng như đã nêu trong “Bản thảo cương mục”, có mùi tương tự như gộc rau má, vị ngọt ấm. Có thể giải say rượu. Người yếu gầy, uống rất tốt. Nhà ai trồng được đỡ nghèo. Đất gieo trồng không cần màu mỡ lắm (Thanh Chương huyện chí, Bùi Dương Lịch, Nxb Nghệ An, 2004).

2.jpg
Sách Đại Nam Nhất thống chí viết về Sâm

Sách Địa dư Nghệ An, xuất bản 1933 của Đào Đăng Huy viết: “Ở làng Thổ Hào, tổng Bích Hào, huyện Thanh Chương có trồng một thứ sâm gọi là Hào sâm. Nhưng xét ra thứ này không gọi là sâm như các thứ sâm khác hay dùng để làm thuốc. Nó chỉ là một loài củ giống như sâm mà người Tàu gọi là tê-nê, cho nên không được quý lắm. Tục truyền rằng thứ Hào sâm này do ông Phạm Kinh Vỹ hồi xưa đem giống về trồng ở Thổ Hào (trang 28, mục Sản vật…).

Từ bao đời nay, làng Thổ Hào xưa vẫn là vùng đất cằn cỗi, lại thường xuyên bị lũ lụt đe dọa. Phận nghèo đeo bám con người từ đời này sang đời khác. Thế nhưng, bù lại, Thổ Hào là vùng đất đã sinh ra nhiều con người tài ba và giàu nghĩa khí. Hơn ba trăm năm trước, dưới thời Hậu Lê, mảnh đất Thổ Hào đã sinh ra tiến sĩ Phạm Kinh Vỹ, một vị quan văn võ song toàn, yêu nước, thương dân, trung trinh, chính trực.

Ông tên chữ là Kinh Vỹ, sau đổi là Doãn Vỹ, năm Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714) khoa Giáp Ngọ, ông đậu Giải Nguyên kỳ thi Hương; năm Bảo Thái thứ 5 (1724) khoa Giáp Thìn, ông đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân.

7456af5aeeb22dec74a3.jpg
Nhà thờ cụ Phạm Kinh Vỹ

Ông được bổ làm Giám sát sứ các đạo Sơn Nam, Tuyên Quang. Vào thời kì này Trịnh Giang, Trịnh Doanh làm chúa, có nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra, Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi rằng:

Tháng 11 năm 1740, lúc ấy, về mặt Hải Dương, có bọn Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Ninh Xá, Vũ Trác Oánh ở Mộ Trạch; về mặt Sơn Nam, có Hoàng Công Chất; đảng lớn phe nhỏ, hết chỗ này đến chỗ khác, thúc giục nhau phiến động, chỗ nào cũng tự dấy quân, tự xưng danh hiệu: Nguyễn Tuyển xưng Minh Chủ, Trác Oánh xưng hiệu Minh Công, họ hội họp nhau ở xã Ninh Xá, đều mượn tiếng “phò Lê”. Dân ở vùng Đông vùng Nam, người đeo bừa, người vác gậy đi theo, chỗ nhiều có đến hơn vạn, chỗ nhỏ cũng hàng ngàn hàng trăm, họ quấy rối cướp bóc làng xóm, vây đánh các ấp các thành, triều đình không thể nào ngăn cấm được.

Phạm Kinh Vỹ được lệnh tuyển mộ dân binh cho triều đình tại các xứ ông giám sát để trấn áp các cuộc khởi nghĩa ở Thiên Thi, Đường Hào. Đánh 14 trận, chém được 14 tướng của quân nổi dậy. Lại công phá quân khởi nghĩa ở Lạc Thổ, Thạch Bi, Hữu Lũng. Có nhiều lần quân của triều đình do Trịnh Doanh cầm đầu đi đánh quân nổi dậy, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, tương kế tựu kế đánh thẳng vào thành Thăng Long:

Trước kia, khi đại quân trẩy xuống mặt nam, Nguyễn Cừ ở Ninh Xá cùng đồ đàng là Trần Diệu, nhân lúc sơ hở, tiến thẳng quân sát bến Bồ Đề, trong kinh thành không có quân, lòng người rất lo sợ. Lúc ấy, thái phi Vũ Thị ở trong cung điều khiển bọn Trịnh Đạc chiểu theo địa giới giữ bốn cửa thành; lại phân phối sai quan văn là bọn Phạm Kinh Vỹ, Nguyễn Bá Quýnh đem hết dân cư ngoài thành ra bến sông bố trí hàng ngũ, để làm nghi binh, đề lãnh Đặng Đình Mật đem quân trong cơ của mình sang qua sông, đánh Nguyễn Tuyển, Đình Mật bị bại, quay về.

2d44a7ace644251a7c55.jpg
Ảnh hoa sâm Thổ Hào

Lúc Trịnh Doanh mới dẹp được giặc Ngân Già, chợt được tin báo ở kinh thành đưa đến, Doanh hạ lệnh cho các đạo quân phải tinh sương đi mau trở về để cứu nơi căn bản. Khi đạo quân kéo về đến xã Kim Lan, thì giặc đã trốn chạy xa rồi, kinh sư vẫn được yên ổn.

Đời Lê Hiển Tông, Cảnh Hưng 3 (1743), hai xứ Thanh Nghệ đói kém, lính trốn đến hơn vạn người. Các viên quan cho người thúc giục, các quan trấn thì cho người đi nã bắt, nhũng nhiễu dân quá. Có bắt được chăng nữa, nếu không phải là người đói khổ thì cũng là người giả mạo đi thay và đưa về lại trốn ngay. Do đó triều đình chọn quan địa phương thân hành hỏi dân tình, tùy nghi đợi chọn lính, bèn cử Phạm Kinh Vỹ chia nhau đi chọn lính.

Năm 1746 ông được bổ làm Giám tri diêm đạo Nghệ An, đòi các bếp muối ở bờ biển thu muối, được 40 hộc, nạp tiền thì mỗi hộc 80 đồng tiền, thu vào đông hạ hai kì và chứa ở kho công sở tại. Không bao lâu lại giảm thuế, chức hữu ti nào đốc thúc hà khắc liền bị trị tội. Sau này ông mất ở quê nhà, được phụng tự tại Văn miếu Quốc tự giám.

Không chỉ có tài kinh bang tế thế, lập được đại công lừng lẫy lưu danh quốc sử, ông cũng là con người nặng lòng với quê hương, làng xóm. Tương truyền trong một chiến dịch tiễu trừ quân phản nghịch ở vùng biên viễn, Phạm Kinh Vỹ cùng ba quân đã phải sống kham khổ nhiều ngày trong rừng. Sức khỏe giảm sút, bệnh tật nhân đó phát sinh. Đang lúc lòng như lửa đốt vì lo lắng cho quân sĩ, một đêm ông được thần báo mộng ngay trong khu rừng này có một loại sâm quý, có thể giúp cho quân sĩ hồi phục sức khỏe, tăng cường sinh lực. Ông liền cho quân tỏa đi tìm. Quả nhiên, loại sâm quý có công hiệu diệu kì, nhanh chóng mang lại sinh lực cho quân sĩ.

Trận ấy ông lập được đại công. Và, trong hành trang hồi hương, vị tiến sỹ, tướng quân Phạm Kinh Vỹ không quên mang theo giống cây sâm quý. Những hạt giống sâm quý đã được ông gieo trên mảnh đất quê hương. Không chê đất nghèo, không phụ tấm lòng thơm thảo của vị danh tướng với quê hương, cây sâm quý đã bén rễ với mảnh đất Thổ Hào gian khổ. Người nghèo quý sâm, sâm cũng không phụ công người, cái tên sâm Thổ Hào (hoặc Hào sâm) ra đời và có phương danh từ đó. Không chỉ vậy, người Thổ Hào đi làm ăn nhiều nơi cũng mang giống sâm quý này đến những vùng quê mới. Nhờ vậy, từ sâm Thổ Hào đã có thêm sâm Bố Chính (Quảng Bình), sâm Báo, sâm Nam, nhân sâm Phú Yên… ở những nơi khác.

3.jpg

Hào sâm, thứ sâm của người nghèo, quê nghèo đã sớm được biết đến và lưu danh trong các thư tịch cổ. Theo danh sĩ Cao Xuân Dục, sâm Thổ Hào là một sản vật quý, hàng năm được cung tiến vua.

Trong dân gian lưu truyền: Hào sâm là vị thuốc quý, có tính hàn, tác dụng tốt cho việc bồi bổ cơ thể, chống suy nhược, bổ âm, bổ phế, chống căng thẳng, dễ ngủ. Đối với y học cổ truyền sâm Thổ Hào có công dụng bổ tỳ vị, thanh nhiệt, dưỡng ẩm, bổ máu, nhuận phế, trợ tiêu hóa, sinh tân dịch. Chủ trị suy nhược cơ thể, mất ngủ, suy dinh dưỡng, rối loạn kinh nguyệt, lao phổi ở trẻ em, hen suyễn, ho, sốt, thiếu máu, trầm cảm, ra nhiều mồ hôi, mỏi lưng, động kinh, tiêu hóa trì trệ, suy giảm sinh lý… Còn thân và lá có thể phơi khô dùng làm trà. Hoa được dùng làm trà cao cấp, được thu hái khi hoa bắt đầu héo khô tự nhiên, đưa về dùng làm trà để uống.

Theo cuốn Dược điển Việt Nam cho biết tác dụng của sâm Thổ Hào là bổ khí, bổ huyết, giảm ho, trừ đờm. Chủ trị các chứng: Cơ thể suy nhược, hư lao, ăn ngủ kém, thần kinh suy nhược, hoa mắt, chóng mặt, ho, viêm họng, viêm phế quản.

Một số bài thuốc dân gian có sử dụng sâm: Tim đập nhanh, hồi hộp, ngủ ít; Đái ra dưỡng chất; Sốt nóng lâu, khát nước; Ra mồ hôi nhiều, người còn ấm, chân tay quyết lạnh; Tiêu hóa, bài tiết bị ngưng trệ; Trẻ em bị gầy còm xanh xao, hay đi lỏng, đại tiểu kéo dài; Rối loạn kinh nguyệt; Suy nhược cơ thể ở người có bệnh về hô hấp, tiêu hóa, ốm nặng hoặc lao động vất vả; Chữa giai đoạn phục hồi sau áp xe phổi; Bệnh trầm cảm; Động kinh; Phục hồi sau bỏng; Bổ thận tráng dương; Tăng lực chữa kém ăn, mất ngủ, mệt mỏi, thiếu máu;...

20210919091201-4.jpgThế nhưng, cây sâm Thổ Hào cũng đã trải qua những thăng trầm trong lịch sử. Từng là một sản vật quý tiến vua, nhưng hàng chục năm qua sâm Thổ Hào bị rơi vào quên lãng, nhất là trên vùng đất mà nó mang tên. Nhưng, “sự sống chẳng bao giờ chán nản”, nên gần mười năm nay, có những con người tâm huyết, nên sâm Thổ Hào lại có cơ duyên và cơ hội hồi sinh. Anh Hoàng Kiểm, một người đam mê với ngành kinh tế nông thôn và nghiên cứu lịch sử và văn hóa đã bị câu chuyện sâm Thổ Hào cuốn hút. Anh đã âm thầm, bền bỉ tìm những cây sâm còn sót lại trong tự nhiên, kiên trì trồng, cẩn trọng và nghiêm túc khảo nghiệm như một nhà chọn giống thực thụ, sau gần mười năm sâm Thổ Hào đã phục sinh trên chính cố hương.

Để hỗ trợ cho những cố gắng ban đầu đó, một dự án khoa học và công nghệ đã được triển khai từ năm 2021. Từ đây, cây sâm Thổ Hào được nghiên cứu sâu hơn, được hoàn thiện quy trình tạo giống, trồng và chăm sóc, thu hoạch, chế biến. Hiện dự án đã và đang được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Không chỉ cây sâm đã, đang phát triển tốt, mà qua phân tích cho thấy củ sâm Thổ Hào đã đạt được những chỉ số dược tính rất tốt. Hàm lượng saponin tổng số (một dưỡng chất “đặc trưng”, tạo nên giá trị cho nhân sâm) đạt 3.1%… Không phải là tất cả, nhưng riêng chỉ số này sâm Thổ Hào cao hơn nhân sâm Hàn Quốc!

Là một dược liệu quý, lại không kén đất, có khả năng thích nghi với nhiều thổ nhưỡng khác nhau, quy trình trồng chăm sóc cũng không quá phức tạp, sâm Thổ Hào không chỉ là một sản vật quý, mà đang có cơ hội trở thành một sản phẩm hàng hóa có tiềm năng thương mại cao.

Nguyễn Thị Minh Tú

Trần Mạnh Cường và cộng sự