cover2.jpg

Một bạn trong ban quản trị biết tôi đang viết một kịch bản phim truyện truyền hình về mảnh đất con người Nghệ An nên có mời tôi vào trang. Cũng rất cần tìm hiểu thực tế về người Nghệ nên tôi đồng ý vào nhóm như một thành viên chính thức dù tôi không sinh sống và làm việc ở Nghệ An.

Khi vào trang “Nghệ nhân” tôi thấy có tranh luận về cái tên trang này rất nhiều. Tại sao lại là “Nghệ nhân” và thế nào là “Nghệ nhân”? Tôi hiểu những người tranh luận muốn tìm một định nghĩa rõ nhất và những định chuẩn về người Nghệ trong tiêu chí của trang. Bản thân tôi thì thấy chẳng có gì quan trọng ở những định nghĩa hay định chuẩn. Nghệ nhân theo cách hiểu của tôi đơn giản là người Nghệ là con người xứ Nghệ. Người xứ Nghệ, có lẽ vậy là đủ. Và tôi đặt tên cho bài viết này trên tinh thần như thế. “Người xứ Nghệ” là những gì ấn tượng theo cách hiểu của tôi thông qua trải nghiệm trong suốt cuộc đời với những người có gốc gác xứ Nghệ mà tôi từng có dịp gặp gỡ trong những kỷ niệm sâu đậm đời người.

fanpage-copy.jpg
Trang Fanpage Nghệ Nhân

Tôi quê gốc Hà Nội và quê ngoại ở Hà Nam hoàn toàn không có gì liên quan đến xứ Nghệ. Bởi vậy khi chị gái con mẹ cả tôi lấy chồng người Thanh Chương tôi đã rất lạ lẫm khi nghe anh nói giọng miền Trung khác với giọng Bắc. Cả anh và chị đều là giáo viên. Ấn tượng nhất về anh rể trong tôi là sự tốt bụng và nhất là tính thẳng, thật. Tên anh là Cam. Thày giáo Cam thẳng băng trong mọi chuyện ở đời sống kể cả chuyện gia đình. Ngay trong xưng hô anh cũng nhất quán một cậu Tiến hai cậu Tiến không như các anh rể khác lúc cậu lúc chú khiến những khi gặp tình huống khó xử phải nghĩ ngợi vân vi đôi chút. Chỗ này thì tôi nhận ra trong ngôn ngữ của người Nghệ cả ngữ nghĩa lẫn khẩu ngôn đều rất chính xác và chuẩn mực cho dù người Nghệ dùng khá nhiều phương ngữ, thổ ngữ. Anh chị dạy học xa tận Đà Lạt, thi thoảng có dịp, tôi ghé thăm và những cuộc tâm tình của tôi với anh Cam bên bàn rượu bao giờ cũng xôm trò, tình cảm. Anh dạy môn khoa học tự nhiên nhưng đọc nhiều và khá am hiểu văn học. Chính anh kể cho tôi một vài cốt truyện để tôi viết thành truyện ngắn. Qua anh Cam, tôi hiểu khá nhiều về người Nghệ và có lẽ anh là chiếc cầu nối cho tôi biết đến người xứ Nghệ một cách gần gũi nhất.

nguoi-nong-dan.jpg
Người Nghệ thật thà chất phác

Năm 1974, đơn vị cao xạ của tôi chiến đấu ở chiến trường B2 (Đông Nam Bộ). Đơn vị tôi đa phần là lính Hà Nội nhưng cũng có người các địa phương khác. Trung đội trưởng của tôi là anh Văn người Nghệ An. Anh Văn khá đẹp giai và thư sinh. Hóa ra anh là sinh viên văn khoa của trường Đại học Tổng hợp nhập ngũ không như chúng tôi là lứa học sinh vào lính. Có lẽ là sinh viên nên anh sớm trưởng thành là cán bộ chỉ huy dù anh đi trước chúng tôi chỉ ít thời gian.

Lính Hà Nội có nhiều tài lẻ nhất là văn thơ, nhạc, họa, riêng đại đội tôi sau chiến tranh có tôi và một anh lính nữa là Lê Tấn Hiển trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chiến tranh ác liệt nhưng sinh hoạt lính tráng vẫn xôm trò đủ mọi thứ văn nghệ văn gừng. Trung đội trưởng Văn rất hòa hợp với đám lính Hà Nội trong cả chiến đấu và sinh hoạt. Anh nằm cùng lán với khẩu đội tôi nên tôi và anh có nhiều điều kiện trao đổi về văn học là chuyên ngành anh học. Có vẻ như anh dành nhiều thiện cảm cho tôi.

3be66a5d5c019c5fc510.jpg
Ảnh trái sang: Dịch giả Đoàn Tử Huyến, Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Nhà văn Phạm Ngọc Tiến và Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

Có đêm phiên gác anh thức cùng tôi nói nhiều điều về hiện tại về tương lai nhưng thú vị hơn cả là những kiến thức về văn học. Anh được học nhiều hơn tôi nhưng bù lại tôi lại đọc khá nhiều vì tình yêu văn chương từ lúc nhỏ. Là sinh viên (tôi cũng không nhớ anh năm mấy) nên anh có khả năng sư phạm. Anh hệ thống cho tôi một số điều cơ bản về các trường phái văn học. Đặc biệt anh có bộ sách triết Mác Lênin mang theo cất trong ba lô. Anh động viên tôi đọc. Quả thật ở chiến trường có sách đọc là điều quý giá nên tôi nghiến ngấu bộ sách. Điều đó giúp ích tôi khá nhiều trong việc bổ sung kiến thức để sáng tác.

Ngay trong môi trường quân đội thời ấy tôi đã sáng tác kịch nói dàn dựng đi thi đến tận cấp sư đoàn giành được giải thưởng. Khi chiến tranh vào giai đoạn cuối cùng thì anh Văn được đề bạt lên cấp chức và chuyển đơn vị khác. Tôi thất lạc anh từ đấy. Sau này khi đã trở thành nhà văn tôi vẫn nghe ngóng để ý đến tên anh có xuất hiện trên văn đàn hay không. Tiếc rằng đến tận bây giờ tôi vẫn bặt tin anh. Có thể anh đã hy sinh hoặc giả hết chiến tranh anh trở lại trường đại học nhưng không theo đuổi nghề văn. Hy vọng bài viết này anh đọc được để cho tôi gặp lại anh, ít nhất chuyển đến anh lời cảm ơn chân thành một người đã khai mở cho tôi nhiều điều bổ ích về văn học. Những chi tiết về anh Văn tôi đã không ít lần viết trên mặt báo và ở lần này tôi mong mỏi nhận được tin tức về anh, một người Nghệ từng đồng cam cộng khổ cùng tôi ở chiến trường.

a1-copy.jpg

Xứ Nghệ theo tôi là một xứ sở đặc biệt, rất đặc biệt. Có lẽ do đặc điểm địa lý ở mảnh đất miền Trung khắc nghiệt nên con người nơi đây nổi tiếng về cần cù chịu khó từ học tập đến lao động kiếm sống và lập nghiệp. Người Nghệ có mặt ở mọi miền đất nước trong mọi lĩnh vực đời sống. Riêng trong lĩnh vực văn chương điều tôi nói ở trên là rõ nhất. Nói một cách công tâm thì Nghệ An là nơi sản sinh ra nhiều văn nhân bậc nhất đất nước. May mắn cho tôi quen biết một số những tài năng văn chương của xứ Nghệ, điều này không chỉ giúp cho tôi hiểu biết về người Nghệ mà còn học hỏi được rất nhiều từ họ.

Có điều này, không hiểu sao tôi rất có duyên chơi thân với dân văn chương xứ Nghệ, nhất là những văn nhân lớn tuổi. Tôi có lần đi công tác nước ngoài trong một cuộc nhậu ở Warszawa thủ đô Ba Lan chợt phát hiện ra đang nâng cốc cùng 3 văn nhân xứ Nghệ (Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương, Thái Chí Thanh) bèn hỏi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về việc đó. Chẳng may đúng lúc anh Tạo đang say nên hưng phấn vừa cười vừa thẳng tuột gióng tre, vì chú là thằng Hà Nội ngu ngơ như bò đội nón chứ sao, chú nhìn lại chú xem, loại ngơ như chú chỉ dân Nghệ bọn anh là kham nổi. Thú thật tôi chả hiểu ông nhà thơ nói gì, phải khi nhà văn Thái Chí Thanh ghé tai nói nhỏ, anh Tạo khen Tiến thẳng thật đấy có thế mới chơi nổi với dân Nghệ quê choa. Ra thế.

ntt.jpg

Đất Diễn Hoa, Diễn Châu tôi có vinh hạnh chơi thân với hai ông anh Nguyễn Trọng Tạo và Thái Chí Thanh. Nguyễn Trọng Tạo là một nhà thơ cũng đồng thời là một nhạc sĩ lừng danh. Tôi biết anh từ dạo tôi còn chập chững bước vào nghề văn. Cũng phải nói ngay, trong lĩnh vực nào cũng thế, người chơi được với nhau ngoài lý do chuyên môn còn phải là hợp tính hợp nết. Khi đã hợp nhau rồi thì mọi thứ khác không còn là quan trọng kể cả tuổi tác. Với cánh văn nghệ sĩ biết uống rượu thì đây là một tiêu chuẩn gần như bắt buộc. Anh Tạo rất hợp với tôi khoản này. Khi đã thân nhau chả mấy ngày anh không tha tôi hết cuộc này đến cuộc khác. Đấy là vì anh quý tôi trong đó có một điểm người khác không có là chỉ tôi chịu đựng được anh trong mọi cuộc thù tạc. Văn nghệ sĩ ai cũng sợ anh Tạo về tài uống rượu, tôi thì không.Tính tôi tuy cương cường nhưng đã chịu ai thì lại vô cùng biết nhường nhịn không suy bì hơn kém, lợi thiệt.

Nguyễn Trọng Tạo tôi đã viết nhiều về anh nhưng với nhà văn Thái Chí Thanh thì hầu như tôi ít viết. Chỉ đơn giản là vì công việc của anh. Nhà văn Thái Chí Thanh sinh năm 1953 cùng quê Diễn Hoa với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Anh là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Trước khi về hưu anh là cán bộ ngành ngoại giao. Thái Chí Thanh từng là Bí thư thứ nhất sứ quán Việt Nam ở Ba Lan, tham tán sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ở cương vị cán bộ ngoại giao anh tổ chức và giúp nhiều nhà văn và các đoàn công tác ra nước ngoài giao lưu văn học. Ngoài viết tiểu thuyết, truyện ngắn và truyện thiếu nhi, gần đây Thái Chí Thanh còn sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi rất thành công.

tit1.jpg

Trong số các văn nhân xứ Nghệ tôi đặc biệt ấn tượng về tính cách Nghệ của nhà thơ lừng danh Hoàng Trần Cương. Nhà thơ Hoàng Trần Cương sinh năm 1948, quê gốc làng Đặng Lâm, Đặng Sơn, Đô Lương. Họ Hoàng của anh thuộc gốc Mạc, phái hệ Phó Quốc Vương Mạc Đăng Lượng. Mạc Đăng Lượng là chú ruột Mạc Đăng Dung và là cháu 11 đời của Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.

Lịch sử thăng trầm, Mạc Đăng Lượng sau cải họ tên thành Hoàng Đăng Quang và là Tổ phụ của họ Hoàng Trần hiện nay (nhà thờ dòng họ được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá.). Hoàng Trần Cương chính là cháu đời thứ 12 của Hoàng Đăng Quang. Anh luôn tự hào về dòng dõi văn võ song toàn của mình. Tôi đã xem toàn bộ phả hệ của dòng họ anh (theo sách Hợp biên thế phả họ Mạc- NXB Văn hoá dân tộc- 2001). Phả hệ những đời gần nhất, ông nội anh là Hoàng Trần Siêu đậu cử nhân, được phong Hàn lâm viện học sĩ, từ chối làm quan. Bố và chú ruột anh đều tham gia Cách mạng từ rất sớm. Chú ruột anh, Hoàng Trần Thâm, Tỉnh uỷ viên hy sinh năm1931 ở tuổi đời 23.

Nói hơi dài về gốc gác nhà thơ Hoàng Trần Cương bởi ông nhà thơ này vốn xuất thân lính và trưởng thành lên bằng nghề kế toán nhưng tình yêu văn chương đã đào luyện cho xứ Nghệ một nhà thơ xuất sắc. Nhiều năm trong cương vị Tổng biên tập “Thời báo Tài chính” của Bộ Tài chính, Hoàng Trần Cương ngoài nhiệm vụ của tờ báo chuyên về cơm áo gạo tiền vẫn sáng tác thơ đều đặn trong đó đáng kể nhất là trường ca “Trầm tích” về chính mảnh đất Nghệ và con người Nghệ. Trường ca “Trầm tích” theo nhìn nhận của tôi là một trong số ít những trường ca hay nhất của Việt Nam. “Trầm tích” giành hầu hết các giải thưởng lớn như giải nhất bảo Văn nghệ, giải Hội nhà văn Việt Nam, giải Bộ Quốc phòng và đặc biệt là giải thưởng “Hồ Xuân Hương” của Nghệ An.

Nói về tính cách Nghệ chỉ cần nghe Hoàng Trần Cương đọc thơ là ra ngay. Thơ Hoàng Trần Cương có những đoạn sử dụng nhiều động từ. Cách đọc của anh, giọng miền Trung đã đành, lại băm bổ ào ào không tuân thủ ngữ điệu, càng làm mạnh thêm động từ trong thơ. Anh đọc thẳng tuột một lèo, không nhấn nheo, lên trầm, xuống bổng. Hoàng Trần Cương đứng nghiêm như người lính chào cờ, mắt trừng trừng nhìn cử toạ. Nhìn đấy mà không phải là nhìn. Anh đang nhìn vào tâm can mình, nhìn vào ký ức tháng năm của một thời giặc giã, nhìn vào đồng đất, rơm rạ quê nghèo, nhìn vào nghĩa cha, tình mẹ…Nhìn và đọc. Giọng anh vang vang như liên thanh: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam…”. Lúc đấy tôi có cảm giác Hoàng Trần Cương như một người nông dân đang đứng trên đồng ruộng quê mình vạc vỡ thơ vào đất. Tiếc rằng Hoàng Trần Cương ra đi khi còn đang đầy sung lực với thi ca và quê hương xứ Nghệ. Anh mất năm 2020 sau cơn bạo bệnh kéo dài.

images1533351_nam___n_13-copy.jpg

Khuôn khổ một bài báo không thể viết nhiều về những văn nhân xứ Nghệ mà tôi có may mắn được quen biết, được đồng hành, được chung với các anh những kỷ niệm sâu đậm đời người. Còn đó nhà văn Trần Huy Quang, người vừa vội vã ra đi cuối năm ngoái. Trần Huy Quang nổi tiếng với những tác phẩm thời kỳ đổi mới mang tính biến cải cả xã hội lẫn văn học như “Câu chuyện về ông vua lốp”, “Lời khai của bị can” cùng những tiểu thuyết gây tiếng vang như “Nước mắt đỏ”. Nhà văn Trần Huy Quang sinh năm 1943 quê Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu, một mảnh đất sinh ra nhiều tài năng văn chương cho xứ Nghệ và đất nước.

Bốn nhà văn xứ Nghệ mà tôi vinh dự tự hào được thân quen có một điểm chung đều nhập ngũ tham gia chiến tranh chống Mỹ. Các anh đều là những tài năng văn chương có dấu ấn trong nền văn học. Tính cách Nghệ ở các nhà văn này là sự sống trung thực, thẳng thắn và dấn thân hết lòng vì sự nghiệp vì nghệ thuật.

Trở lại với việc tôi được mời vào trang “Nghệ nhân” là vì tôi tham gia viết kịch bản phim về con người và mảnh đất xứ Nghệ. Tôi nghĩ đó cũng là một cơ duyên trong đời khi tôi có được dịp may mắn có một không hai này. Cơ duyên ấy từ chính những bạn đồng nghiệp ở Đài Phát tranh & Truyền hình Nghệ An (NTV) mang đến. Thú thật dù là người viết kịch bản chuyên nghiệp nhưng tôi vô cùng hồi hộp và trăn trở khi nhận lời mời cộng tác. Có được việc này ngoài tâm ý và hy vọng có một tác phẩm phim truyện của nhà Đài, còn là mong muốn đóng góp cho quê hương Nghệ An một dự án văn hóa của công ty Synot Aseal của doanh nhân Nguyễn Như Ý. Anh Ý là một người nhiều năm lăn lộn ở nước ngoài. Chính những năm tháng tha hương đó đến khi được trở về đầu tư trên chính mảnh đất quê hương đã cho anh ý tưởng làm phim với thành ý muốn làm điều tốt đẹp cho mảnh đất xứ Nghệ. Là người trực tiếp chấp bút tôi thấu hiểu những khó khăn của dự án phim truyện này. Có thể dù rất cố gắng nhưng dự án sẽ khó thành hiện thực. Nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức từ chủ đầu tư, nhà sản xuất, người thực hiện, tất cả đều đã gửi gắm tấm lòng mình vào những công việc cụ thể. Với riêng tôi đã có một cơ hội để có những trải nghiệm quý giá về mảnh đất giờ đây với tôi không hề xa lạ và có nhiều tình cảm thân thiết.

ongcan2_2020081421917-copy.jpg
Nhà “Nghệ học- Vinh học” Phạm Xuân Cần

Trong quá trình làm kịch bản, tôi đã được gặp những con người mang đậm bản sắc xứ Nghệ, nhiệt thành, tận tâm và phóng khoáng. Các phóng viên, biên tập viên NTV vừa giỏi nghề vừa hiếu khách giúp tôi vượt qua nhiều trở ngại công việc để hoàn thành kịch bản. Rất may mắn tôi được làm việc với một người đặc biệt, một “Nghệ nhân” đích thực: Nhà “Nghệ học- Vinh học” Phạm Xuân Cần. Anh Cần là cán bộ công an chuyển ngành, giữ nhiều cương vị trong công tác Đảng và chính quyền. Những hiểu biết của anh về xứ Nghệ, người Nghệ có thể nói ở thời hiện tại là độc nhất vô nhị. Khó có người thứ hai hiểu biết được nhiều về Nghệ An nói chung, về Vinh nói riêng như anh.

Trong dự án phim, chúng tôi mời anh làm cố vấn ở vai trò “Nghệ ngữ” nghĩa là anh chuyển ngữ Nghệ ở mức thông dụng cho kịch bản. Nhóm biên kịch là những người Bắc có kiến thức nghề nhưng phải nói rất thật không thể cảm hết được ngôn ngữ Nghệ. Nhờ có anh Cần miệt mài giúp sức nên cho dù chưa thể sản xuất tôi vẫn đánh giá đây là một kịch bản giàu sáng tạo cả về mặt nội dung lẫn đối thoại chắc chắn giầu chất Nghệ. Cảm ơn cố vấn Nghệ ngữ, nhà Vinh học Phạm Xuân Cần.

Đó còn là những nguyên mẫu đời sống cho hệ thống nhân vật kịch bản. Tôi đã đi nhiều vùng đất gặp gỡ nhiều người với muôn sắc diện cuộc đời. Những mảnh đời hạnh phúc có, bất hạnh có đủ mọi cung bậc. Có người làm ăn ở trong nước, ở nước ngoài, ở ngay mảnh đất cha ông hoặc xứ người, tựu trung tất cả cũng đều là cuộc mưu sinh tồn tại. Ở đâu trong hoàn cảnh nào, tôi nghĩ người Nghệ vẫn luôn giữ được bản sắc xứ sở của mình. Một trong những điều căn cốt nhất của tính cách Nghệ là ý chí lập nghiệp.

canh-chim-bang-thanh-than-a1-copy.jpg

Về sự lập nghiệp với ý chí mãnh liệt chắc chắn phải nhắc đến một điển hình, đó là doanh nhân Lê Thanh Thản. Anh Thản với lô gô cánh chim bằng của biểu tượng Mường Thanh lừng lẫy tung cánh trên bầu trời suốt từ Bắc chí Nam và ra cả nước ngoài. Doanh nhân Lê Thanh Thản quê Diễn Lâm, Diễn Châu xuất thân từ người lính, một cán bộ Đảng rồi trở thành doanh nhân thành đạt. Nhiều năm chứng kiến lô gô cánh chim biểu tượng của hệ thống khách sạn Mường Thanh nhưng phải khi viết về doanh nhân Lê Thanh Thản tôi mới hiểu ý nghĩa của nó. Chim bằng là một loài chim huyền tích chỉ những người giầu ý chí, nhiều khát vọng, có trí tuệ, tài năng lập được đại nghiệp. Doanh nhân Lê Thanh Thản đã rất thành công với thương hiệu Mường Thanh và đầu tư nhiều công trình, dự án, khách sạn cho quê hương Nghệ An.

Rút cục “Nghệ nhân” là như vậy đó. Đơn giản chỉ là con người xứ Nghệ - Người xứ Nghệ. Với một người khác xứ như tôi, những hiểu biết chẳng thể đủ nhiều nhưng không vì thế mà vơi đi sự cảm nhận về mảnh đất và con người xứ sở này. Họ có thể là bạn tôi hoặc là những người chưa một lần gặp nhưng với những gì tôi từng trải nghiệm trong cuộc đời thì người xứ Nghệ luôn để lại trong tôi những ấn tượng bằng tính cách Nghệ đặc biệt. Thay vì tranh luận hay giải thích trong trang “Nghệ nhân” mà tôi được mời tham gia là thành viên, tôi viết một bài kể về chính kịch bản “Sẽ lành những ngày đau” mà tôi cùng chấp bút về mảnh đất và con người xứ Nghệ./.

uong-vo-xu-nghe-.jpg
Đường vô xứ Nghệ