Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh ngày mười lăm, tháng năm, năm một nghìn chín trăm ba mươi sáu tại làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tài năng âm nhạc Nguyễn Tài Tuệ được đào tạo, rèn luyện qua biến động của lịch sử đất nước, qua nhiều môi trường học tập và làm việc, các cuộc đi thực tế sáng tác trên khắp các vùng miền trong cả nước, cả ở những nơi chiến sự nóng bỏng nhất cũng như vùng sâu, vùng xa, những miền rẻo cao cheo leo, để đi tìm cái ĐẸP chân chính của nghệ thuật, đúng như ông từng nói, « Quả đúng là tạo hóa đã sinh ra một cái lò để đào luyện ra tôi.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

Bằng giọng nói trầm ấm như một giai điệu âm nhạc trữ tình, Nguyễn Tài Tuệ bộc bạch:  

- Từ thuở bé, tôi đã cảm nhận được nỗi buồn, sự mất mát. Cảm giác cô đơn luôn luôn đeo bám lấy tôi. Có khi đang vui vầy giữa đám bạn chăn trâu, tôi bỗng tách ra ngồi một mình, ngắm một chấm diều cao cao tít tắp, nhớ một lời mẹ, lời bà khi thấy một cánh chim lẻ cuối trời xa. Cái suy nghĩ và quan sát của riêng tôi khác hẳn đám bạn cùng trang lứa. Người lớn nói gì tôi đều hiểu cả, và tôi luôn luôn nghĩ cao lên, nghĩ rộng hơn những gì nghe được, thấy được. Nhiều nỗi niềm, suy nghĩ không chia sẻ với ai được, cũng chẳng có ai hiểu mình để mà bàn bạc được! Sau này, tôi mới nhận ra, đó là nỗi cô đơn mang tính bản chất của những người làm sáng tạo văn học nghệ thuật. Không mang tính phổ quát, không giống ai, hầu như mang tính tuyệt đối, của một loại hình nghề nghiệp đặc biệt, gần như trời sinh ra thế.

- Thế rồi, trong tôi dường như luôn có một câu hát, một làn điệu dân ca chỉ chực chờ vút lên theo tia nắng sớm, hoặc theo chớp bể mưa nguồn đi mãi, như máu lưu thông trong huyết quản, tự nhiên như hít thở khí trời.

Tôi sống với những câu thơ lục bát chất chứa nguồn cơn của Tú Xương như một sự tự an ủi, một nỗi niềm tâm sự của chính mình. Khẽ ngâm ngợi chúng lên theo kiểu ông đồ xưa:

Ai ơi còn nhớ ai không/Trời mưa một mảnh áo bông che đầu /Nào ai có tiếc ai đâu/Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô/Người đi Tam đảo Ngũ hồ/Kẻ về khóc trúc than ngô một mình/Non non nước nước tình tình/Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ.

Ông Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An thăm nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Xuân Nhâm Dần 2022.

Thi ca luôn ngân vang từ sâu thăm thẳm trong tâm hồn và ám ảnh tôi. Những câu thơ Đường học được từ người cha ưa thích thi, thư, lễ, nhạc. Vài câu cung oán ngâm khúc ông cụ hay ngâm ngợi. Những câu Kiều ngâm ngám lâu năm từ mẹ, từ cha lúc ở ổ rơm, khi ngoài chum nước, cứ ẩn hiện bảng lảng đâu đó trong cành mai, ngọn trúc, trong thi tứ vừa ló rạng trong câu nhạc. Sau này thêm những câu thơ nặng tình non nước của Tản Đà. Những đợt sóng gợn tràng giang trùng điệp của nỗi buồn Huy Cận, những đắng đót lời kỹ nữ than khóc vì bơ vơ, thất vọng trong Xuân Diệu, hay đối ẩm với bóng một nàng Kiều đang vật vã trong đêm của Nguyễn Du v.v.. An ủi có. Ám ảnh cuộc đời có. Nét buồn khóc than ai oán có. Văn chất trong người ấy sớm đem đến những ghập ghềnh chông chênh của thân phận con người trong cảm xúc đầu đời, của tuổi thơ tôi. Chất văn ấy ám vào trong các ca khúc trữ tình của tôi sau này như một tất yếu.   

- Văn chất trong con người tôi không phải ngẫu nhiên mà có. Nó được vun trồng từ cha tôi - Nguyễn Tài Độ, một người thời còn trẻ đã không chịu sự gò bó. Phần thì ghét “lều chõng”, vì cái thời Nho học đã suy tàn đến nỗi thi ca cũng thốt lên tiếng nói của thời cuộc:

Nào có ra gì cái chữ Nho

Ông nghè, ông cống cũng nằm co

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nhẩn nha kể:

- Cha tôi rất thích nghe hát nhà trò (ca trù). Khi có đủ lý, đủ cớ để mà mở tiệc hát, thì cách đó nửa tháng, cha tôi đã định ngày để chuẩn bị tiệc. Như nhiều đám hát khác trong quê, cha tôi thường tổ chức tại nhà. Các đào hát cũng không phải chuyên nghiệp mà là người chạy chợ buôn bán, làm nông, nhất là cánh chuyên về tằm tơ canh cửi, quanh năm suốt tháng dệt vải ươm tơ v.v.. Các cô có vóc dáng cao ráo mềm mại, làn da sáng sủa mịn màng, phong thái nết na, yểu điệu, vừa tinh sảo nghề nghiệp, lại múa đẹp, ra tiếng hát nghe thánh thót như tiếng oanh, giọng khiếu. Các cô hiểu ý nhau, biết lựa nhau vì đã quen thuộc nết ở, nết làm của nhau trong quá trình tập bè hợp nhóm, do đó mà rất hợp khi hát múa với nhau. Họ được chủ trò tuyển chọn vào tập hát, luyện múa cho thành thục để đến tiệc hát xướng, diễn trò.

- Nhà cửa hôm ấy, các cánh cửa gỗ được tháo ra, xếp gọn. Hàng chục chiếc chiếu hoa được đem trải cho quan viên ngồi và phường trò ra múa, hát. Trà xanh được mẹ tôi cho chuẩn bị đầy đủ. Các cơi trầu được têm khéo thể hiện lòng hiếu khách được bày biện mời khách quý. Việc bếp núc, cơm nước được cắt đặt chu đáo, làm riêng ở nhà bếp phía trong, tịnh không gây ồn ào, nhưng món nào phải cho ra món đó để hài lòng khẩu vị của các cụ cử. Nhất là việc trầu cau, thuốc nước là phải cực kỳ chu đáo, ngăn nắp. Trà xanh được thay liên tục, không được để các cụ và khách quý uống nước dạo. Các bát nước phải là màu xanh đậm thơm lựng của chà xanh xứ Gay[1], được chở thuyền chè theo sông Lam đi về bỏ mối ở các chợ lớn dọc con sông Lam như chợ Lường, chợ Rạng, chợ Sa Nam, chợ Rộ, chợ Vinh, chợ Thượng v.v.. Nhất thiết phải là chè Gay, dùng chè khác là các cụ biết ngay!

Quan viên đánh trống trước khi đào kép vào chiếu hát, đánh sơ cổ, tòng cổ và trung cổ. Đào kép ngồi vào chiếu rồi thì đánh thôi cổ. Tòng cổ thì có ba tiếng khoan, hai tiếng nhặt. Trung cổ thì một tiếng khoan, hai tiếng nhặt. Thôi cổ có hai tiếng đều, không khoan, không nhặt.

Vào cuộc, chủ phường trò đứng ra xin phép nói đôi lời với các cụ, quan viên, làng nước, xin được cảm tạ, chúc mừng rồi xin phép được bắt đầu.

Thư của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ gửi lãnh đạo Đài PTTH Nghệ An vào năm 2018 (đồng chí Nguyễn Như Khôi nay là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An). Ảnh tư liệu

Nhạc cử lên, đám múa ra diễn trò, vừa hát vừa múa. Nhóm múa có từ 4 đến 6 người nữ, vấn khăn đuôi gà, vận áo lụa là mớ ba, mớ bảy, xà tích rỏỏng rẻẻnh, tươi rói lộng lẫy, người cầm quạt, người cầm sênh tiền múa hát, ra vào nhịp nhàng, bay lượn thật là óng ả, rộn ràng đẹp đẽ. Xong phần múa hát chào hỏi ban đầu, người hát đã cầm phách sẵn ngồi đợi... Không khí im phăng phắc chờ tiếng hát mở. Cha tôi lựa chọn Bắc phản. Chủ trò gật đầu. Đào kép ngồi vào chiếu xong, dạo đàn phách hết khổ lá đầu rồi hát bắc phản để sang điệu hát nói.

Điệu bắc phản có 6 câu lục bát, bắt đầu thấp, sau cao dần, tức là từ hơi Nam chuyển dần sang hơi Bắc, vì vậy gọi là bắc phản. Nhưng chỉ hát đá giọng bắc chứ không hẳn là bắc. Âm điệu bằng phẳng, không lên xuống réo rắt như hát mưỡu. Phách dóc, phách cái thường hay đánh vào chữ thứ 5 của câu hát. Tiếng hát của cô đào Son bắc phản, dọn giọng tạo cảm hứng cho đào hát bắt đầu vào buổi hát:

Xanh tận chân trời

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Trong ngọc trắng ngà

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà

Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây

Thuyền đầy

Gió trăng chở một thuyền đầy

Như kho vô tận biết ngày nào vơi

Bắt đầu vào chiếu hát, kép dạo đàn, bài dạo từ từ chuyển từ thấp lên cao, từ khoan đến mau, rồi lại trở lại khoan, qua hết 5 cung, để tạo không khí cho buổi hát. Phách cũng gõ cao, thấp, nhanh, chậm dạo đầu như vậy.

Cô đào Son hát hay có tiếng khắp vùng, từ Lường, Rạng sang Vinh, Rộ v.v.. đâu đâu cũng biết tiếng của cô “đào nhất”[2]này. Tuy tuổi đã ngoại tam tuần, nhan sắc, phấn son vừa phải, nhưng giọng hát thì vang rền nền nảy, khi sốc vác, lúc đài các, có lúc lại đượm vẻ thảm thiết, nung nấu. Lâu lâu lại thấy xuất hiện với vẻ tài tình, lẳng lơ hút hồn đám trai làng xa gần. Giọng ấy, tiếng ấy ăn với phách sênh, được các quan viên rất tán thưởng.

Mỗi lần nhận tiếng tom, chát và nghe chủ tiệc hô thưởng, chủ trò cúi đầu dạ một tiếng.

Tiếp đến là cô đào Cúc, “đào nhị” rồi đến “đào tam”, “đào tứ” v.v.. Các đào đều hát hay và múa đẹp. Cuộc vui cứ thế nối tiếp vài ba bốn ngày cho đến chung cuộc.

Các cụ gật gù nghe hát và tán thưởng. Đôi khi nhâm nhi chút rượu, hoặc đọi[3] nước chè xanh làm vui.       

Gánh phường hát nhà trò đến đêm nghỉ lại. Cha tôi đã sắp xếp chốn nghỉ chu đáo. Ấy vậy mà đêm đầu vẫn không lường được cái việc bọn trai làng mê mệt các cô đào, sang trêu ghẹo. Suốt đêm, tiếng chó sủa đinh tai, nhức óc, rồi thì tiếng bọn trai làng thảng thốt gọi Son ơi, Cúc à, bọn mi đã ngủ chưa? Ra đây đi chơi với các anh vui lắm! Khiến cả nhà mất ngủ. Cha tôi phải đốt bó đuốc ra vườn xua. Loáng thấy bóng ông, bọn trai làng lảng đi. Khi đuốc khuất vào nhà trong, chó lại tiếp tục cắn rộ từng tràng, từng tràng ránh rỏi, chói tai, nghe mà phát bẳn. Đêm sau, rồi đêm sau nữa, cha tôi buộc phải mời canh tuần đến tiếp quản, đám hát mới yên cho đến chung cuộc. Hồi ấy, riêng tôi cũng mê nghe nhà trò, những làn điệu ấy ám ảnh tôi, nhất là hát nói, cái lối hát ấy cứ đeo đẳng lấy tôi mãi mãi. Sau này, nhờ nó mà tôi đã phát triển thành công ca khúc Cô hái mơ phỏng thơ Nguyễn Bính.   

 Cha tôi rất mê hát nhà trò. Nhất là những dịp gia đình mừng lên lão 60 cho ông nội tôi, rồi có sự vinh danh con cái học hành đỗ đạt, hoặc dịp anh cả tôi Nguyễn Tài Đồng làm Thông phán ngành Bưu điện được phong hàm Hàn lâm Biên tu v.v.. Thảy đều là những cái cớ để cụ mời nhiều đám nhà trò có tiếng về hát tại nhà dăm ba buổi. Hôm ấy, các cụ tú, cụ cử, cụ nghè trong vùng tập trung đến nhà tôi tha hồ trổ tài thi ca kịp thời cho các [4] khoe giọng. Các cụ thay nhau cầm chầu tiếng chát, tiếng tom nghe rộn cả một vùng. Trông mặt mày các cụ rất hể hả đẹp lòng, cuộc vui thâu đêm suốt sáng càng lúc càng thăng hoa. Rượu rí rách. Trà xanh thơm lựng. Các cụ thuộc hàng tao nhân mặc khách, rồi đào, kép diễn trò ăn ý. Nhìn các ả đào đẹp lộng lẫy lại trong lúc thăng hoa cùng thi tứ, cứ óng a óng ánh bay lượn như nơi tiên cảnh. Những người con gái ấy rất khêu gợi. Các cô vừa trẻ, đẹp, lại hát hay, múa trò giỏi, khiến lũ con trai chết mê, chết mệt. Bọn nam thanh nhân dịp các nàng có việc phải đi qua, đi lại bên mình, thò tay kéo áo, khẽ chạm người một cái cho thỏa! Tôi còn nhớ, chú em lớn tuổi hơn tôi, tên gọi Nguyễn Tài Thái mê mệt một cô trong đám ấy, thừa lúc nàng đi qua, bèn tìm cách véo vào mông cô ả một cái “Cho nó nhớ cái mặt mình!”. Giữa ban ngày ban mặt, ả đào nọ giật mình la lên oai oái! Đang thưởng thức mấy vần thơ của cụ cử Nguyễn Tài Thiện, nghe hát sắp đến hồi thưởng, các cụ quát “Cái gì đấy!”. Xung quanh dạ ran mách “Dạ! Cậu Thái ghẹo đào đấy ạ!” Cụ Độ, nửa đang say hát, nửa bực vì bị phá đám, dằn lòng hạ giọng “Cái thằng! Ra ngoài ngay!”. Ngày ấy, những cuộc ấy bay lượn chơi vơi theo tôi ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời!

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trong Đêm nhạc Tình quê do Đài PT-TH Nghệ An thực hiện.

Cha tôi ngày ấy, phần thì thích cầm chầu hát ả đào hoặc theo bạn bè trai gái nay đây, mai đó, đi hát ví, giặm, hát ví đò đưa nước ngược, nước xuôi, nay chợ Vinh, Nghệ An, mai chợ Thượng, Hà Tĩnh… Những là:

Ơ … ơ…ơ…ơ…ơ  vai anh mang khẩu súng anh dạo khắp chốn Hoành Sơn ơ ơ mà săn con nai anh lấy …ơ…ơ lộc thì để trả cái công a ơn cho mẹ ơ thầy. (Ví đò đưa nước ngược). Với nhịp hát tự do rộng rãi.

Rồi:

Ơi mà em ơ  ơi! Chứ mình em như hoa ơ gạo thì trên ơ cây. Chứ mình anh như đám tì cỏ may thì giữa đồng. Nhờ trời một trộ gió[5] đông. Hoa gạo nảy xuống lại nằm ơ cùng cỏ may. (Ví phường cấy)

Cứ thế, cha tôi đi hát chơi cho thủng trống long bồng. Ai can ngăn thì cụ gắt, người có biết chơi thời mới biết làm, và chỉ có kẻ trượng phu mới biết chơi một cách hào hùng! Người bần tiện bủn xỉn không biết đâu được những cái thú phong lưu đó.

Nhân sinh đắc ý tu tận hoan. Mà việc gì không đắc ý, việc gì phải chuốc lấy cái sầu? Ngồi thở dài phỏng có thay thời, đổi thế được chăng?

Nào thơ, nào rượu, nào trà

Nào là con hát, nào là tổ tôm

Đường tơ gảy khúc Cao sơn

Thôi cũng mặc càn khôn tràn quý tị

Chẳng phải liều, nhưng một khi ông cụ đã chơi, thời chơi cho thích chí, bao giờ làm hãy hay.

Mặc bần tiện mà mặc ai phú quý

Hãy ăn chơi cho thỏa chí tang bồng

Cụ nhủ lòng chơi gì cũng chớ có làm gió bão trên đất bằng Bất tác phong ba ư thế thượng. Phải coi mọi sự trên đời thoáng qua như đám phù vân, đừng để bận gì đến trong lòng; giữ lấy tấm lòng trong sạch để gửi cái chí to tát sau này. Chẳng vội chen đua với đời làm chi, sự được thua cũng là lẽ thường:

Buổi phong vân chi vội tao phùng

Cơn đắc táng, hội cùng thông là thế thế

Rồi ra nữa buổi đời người thế

Mang công danh mà ỷ thị với giang san

Chơi cho rõ mặt ngang tàng[6]

Ông cụ đi nghe hát ả đào, nhiều khi là chơi ngất ngưởng:

Ngoài là thú mà trong là tình… 

Song chỉ ghê một nỗi, đã mắc vào khó mà gỡ cho ra:

Đa tình mới dữ

Mắc míu vào đố gỡ cho ra

Khéo ghẹo  người một cái tinh ma,

Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy

Tình huống bút thần khôn tả vẽ

Càng đa tình càng ngốc càng si

Cái tình là cái chi chi[7]

Cứ thế, cha tôi rong ruổi tháng ngày, bao nhiêu chữ của Khổng, Mạnh theo thời vận, thế nước mà trôi sạch. Ông cụ chỉ đọc những sách mà cụ cảm phục, mãn nhãn khai tâm, không chịu đọc theo những sách khuôn vàng thước ngọc của khoa cử. Chưa đi thi cũng biết là hỏng. Bị cha hăm dọa, đánh lằn lưng mà vẫn không chừa.

Có bao lăm ba vạn sáu ngàn ngày

Như thoi đưa, như bóng sổ, như gang tay

Sực nhớ chữ cổ nhân bỉnh chúc

Hiềm một nỗi ban ngày rõ ngắn, chơi không thỏa chí, phải đốt đuốc đi chơi đêm!

Cứ tưởng cái việc nghe hát chơi của ông cụ rồi sẽ trôi đi mãi mãi theo năm tháng. Thế mà nguồn cơn ấy lại vẫn còn. Để rồi sau này, hồn vía của ví, giặm thời tuổi thơ quen thuộc lại hiện về bảng lảng lấp lánh trong ca khúc Xa khơi Mơ quê của tôi./. 

Mơ quê - Anh Thơ | Đêm nhạc Nguyễn Tài Tuệ

 


[1] Gay: Một địa danh trồng chè nổi tiếng của huyện Anh Sơn, Nghệ An.

[2] Đào nhất, tiếng Nghệ dùng để chỉ đào nương ca giỏi bậc nhất. Còn ngoài miền Bắc gọi là “hoa bậc nhất”.

[3] Đọi: Phương ngữ Nghệ An có nghĩa là  “bát”.

[4] Ả: phương ngữ Nghệ An có nghĩa là “cô”.

[5] “Trộ gió”: Phương ngữ Nghệ An có nghĩa là “trận gió”.

[6] Không rõ tên tác giả của bài này.

[7] Trong bài “Đa tình mới dữ”, bài thơ cổ, không ghi tên tác giả.