Với nghiệp viết tôi chỉ là một “cộng tác viên”, bàn về con chữ tựa như là lời tâm sự chân thành và cầu thị của kẻ nghiệp dư. Tản mạn đôi điều về chữ nghĩa cũng chỉ là góc nhìn cũng như trải nghiệm của một người ngoại đạo, một người viết đơn thuần theo sự hối thúc của đam mê.

Cuộc sống chưa một ngày dừng lại, nó quá giàu cung bậc, quá hấp dẫn và cũng vô vàn biến cố. Sự phân công lao động xã hội ngày càng gần hơn với xu hướng chuyên môn hóa. Người trồng lúa, kẻ xe tơ, riêng nhiệm vụ “chép” lại cuộc sống nhân loại gửi gắm niềm tin cho những người theo nghiệp viết. Viết có thể là công việc của nhà văn, của nhà thơ, của nhà báo… tất nhiên không gian viết vẫn đủ ưu ái cho những cây bút “tay ngang” đa mang như chúng tôi thỏa sức trải nghiệm.

30bef87705a0c5fe9cb1.jpg
Ảnh minh họa

Viết là một dạng lao động sáng tạo rất đặc thù, nó không chỉ là công việc dành cho người có sức khỏe, trí tuệ mà phải đủ đầy đạo đức, không chỉ có đạo đức mà là cả bản lĩnh, không chỉ có bản lĩnh mà còn phải có cả đam mê. Viết có thể không khó nhưng chưa bao giờ là dễ, nhiều áp lực và vô vàn thử thách không tên. Chấp nhận nghiệp viết là chấp nhận sự quần quật dù bất cứ giờ nào, dù bất cứ ở đâu. Mở đầu của một bài báo có thể đến trên đường về quê, một tứ thơ có thể tìm đến tác giả trong giấc ngủ…. Nghỉ ngơi là trạng thái hầu như không tồn tại trong trí não của người viết.

Lại nhớ hai câu trong truyện Kiều của cụ Nguyễn: “Lỡ từ lạc bước, bước ra/ Cái thân liệu những từ nhà liệu đi”. Chữ viết là công cụ, cuộc sống là nguyên liệu, còn người viết mới là kẻ đa mang trách nhiệm. Đã viết là không bỡn, viết mà lớ ngớ là rước họa vào thân như chơi, mà không chỉ họa vào thân đâu, họa cho cả cộng đồng nữa cơ. Thường trực trong người viết là những câu hỏi không hiện hình nhưng ròng rã. Đưa được bài viết ra công chúng đã nhuộm bầm cả tóc, nhưng dõi theo từng bước chân của đứa con tinh thần ấy đến với độc giả mới thực sự bạc đầu.

Việc đón nhận và xử lý phản hồi từ bạn đọc cũng là một dạng làm việc của người viết, nếu không nói là một trạng thái lao động nặng nhọc và đôi khi có độc hại. Sự liền mạch trong trách nhiệm kéo theo sự liền mạch trong lao động. Viết là công việc mà người ta buộc phải khắt khe với chính mình. Bất kỳ một dung túng nào cho cẩu thả đều có thể phải trả giá. Có thể viết không hay nhưng hãy cố gắng đừng viết dở, và tuyệt đối không được phép viết sai. Câu “bút sa gà chết” là chú niệm của người viết chứ không phải là tiếng hù dọa của công luận.

Một bài viết khi đã vượt ra ngoài máy tính để đến với bạn đọc thì nó không còn là của riêng mình nữa. Nó là tiếng nói, thậm chí quan điểm của một tờ báo, một tạp chí, một cơ quan ngôn luận. Đành rằng như thế không có nghĩa là tác giả phải nặn, vắt, tô vẽ tác phẩm của mình cho đúng một hình hài định sẵn. Thật tệ nếu một bài viết không có cái tôi, nhưng sẽ là thất bại nếu chỉ mỗi cái tôi trong đó. Một tác phẩm không có cá tính là một tác phẩm tồi, nhưng một tác phẩm chỉ là đất diễn cho cá tính là một tác phẩm tệ. Hài hòa giữa cái chung và cái riêng giữa cái tôi và cái ta có lẽ là một trong những yêu cầu bắt buộc mang tính thử thách đối với người viết. Mỗi tờ báo hay tạp chí có một phong cách để nhận diện chân dung. Tôn chỉ của một tạp chí hay tờ báo là thứ người viết có bổn phận trân trọng và tuân thủ. Ai mà chả từng tiếc đứt ruột vì câu văn tâm đắc của bài bị cắt bỏ. Nhưng rồi chúng ta buộc phải nhận ra, viết có cảm xúc không có nghĩa là tung bút tùy hứng. Câu ấy, vấn đề ấy có thể là tâm đắc của tác giả nhưng nó không nhất thiết phải là tâm đắc của tờ báo. Người viết phải chấp nhận “nhập gia tùy tục”.

Nghề viết không dành cho kẻ nhút nhát nhưng cũng không dành cho người cẩu thả. Viết là sự chăm chút, chính xác là chăm chút từng tý một. Đôi khi cân nhắc từng cái dấu phẩy. Đã từng có những tờ báo bị đình bản, đã từng có những cây bút thuộc hàng “cây đa cây đề” bị xử lý. Lưu ý, đường rất rộng nhưng chúng ta chỉ có thể chọn một lối đi - lối đi về phía trước, nơi chứa đựng lẽ phải và sự nhân văn. Đã là nghiệp viết đừng quên cũng đừng lẫn lộn chức năng của trí não với bổn phận của trái tim. Hành trình một bài viết đến với bạn đọc là tổng hợp của nhiều yếu tố, độ nóng của vấn đề, dung lượng và mức độ tin cậy của thông tin, quan điểm của tác giả, thông điệp gửi tới bạn đọc rồi cả cách thức trình bày cũng như chất liệu ngôn ngữ.

3b5942f48123417d1832.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Nói về trách nhiệm của những người cầm bút, chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Tựu chung là: “Viết cho ai”, “Viết để làm gì”, “Viết cái gì”, “Cách viết thế nào” và “Viết rồi phải thế nào”. Trong đó, “Viết cho ai” được đặt lên hàng đầu và là lời giải đáp đúng đắn nhất cho văn nghệ sĩ là viết cho đồng bào ta, chiến sĩ ta”. Người cũng nói giá trị của những người cầm bút “Là được sống trong lòng nhân dân, được cống hiến, phục vụ sự nghiệp đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng. Đó là niềm vinh dự, tự hào; đồng thời là nghĩa vụ, trách nhiệm cao cả của người cầm bút trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đấu tranh chống mọi sự bảo thủ, trì trệ, lạc hậu, phản cách mạng”.

Thực sự thì những người cầm bút đã là những chiến sĩ nơi tuyến đầu. Khi đất nước còn chìm trong bom đạn, biết bao nhà văn nhà báo đã làm lễ truy điệu trước khi khoác máy ảnh xông ra chiến trường. Ngày nay họ mong manh sau chiếc khẩu trang lao vào tuyến đầu Covid-19. Họ kiên gan để luôn sâu trong những ổ nhóm chặt phá rừng, dấu chân họ in hằn ở biên giới, hải đảo, nơi ranh giới giữa cái sống và sự chết mềm như chiếc lá.

Người cầm bút có lúc phải đối diện với nguy hiểm và cả cám dỗ, nỗ lực vượt qua là mệnh lệnh dành cho một người viết chân chính. Nhân dịp ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin mạo muội tản mạn đôi điều như là tâm sự thay lời tri ân của gã “bất thình lình” đến, rồi gắn bó với nghiệp viết từ lúc nào. Viết thật khó nhưng viết cũng thật thú vị. Tin tôi đi, nếu viết bạn sẽ nghiện đấy!

Nguyễn Khắc An