Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND nói chung, nhất là hoạt động của Thường trực HĐND, Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh nói riêng ngay từ đầu nhiệm kỳ là hết sức cần thiết.
Để có các giải pháp khả thi, cần nghiên cứu hoạt động của Thường trực HĐND Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh trong thời gian qua từ đó đề ra được các giải pháp sát đúng trong thời gian tới
Khái quát chung về Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An
HĐND tỉnh gồm các đại biểu HĐND do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật tổ chức Chính phủ và luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019 thì HĐND tỉnh Nghệ An được tổ chức và gắn trách nhiệm như sau:
- Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm có Chủ tịch HĐND, hai Phó Chủ tịch HĐND tỉnh (là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách), các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh là cơ quan thường trực của HĐND tỉnh, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Luật Chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019 và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo trước HĐND tỉnh.
- HĐND tỉnh thành lập 4 Ban gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - ngân sách, Ban Văn hóa - xã hội và Ban Dân tộc. Ban của HĐND cấp tỉnh gồm có Trưởng ban là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, 01 Phó Trưởng ban là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (riêng Ban Dân tộc còn khuyết 01 Phó Trưởng ban) và 07 Ủy viên. Ban của HĐND là cơ quan của HĐND tỉnh, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND tỉnh, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND.
- HĐND tỉnh có 83 đại biểu, được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu HĐND. Có 21 Tổ đại biểu HĐND, Tổ trưởng và Tổ phó của Tổ đại biểu HĐND tỉnh do Thường trực HĐND tỉnh quyết định. Đại biểu HĐND tỉnh chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh.
Về tồn tại, hạn chế:
- Vẫn còn tình trạng phát sinh, điều chỉnh nội dung và tài liệu chưa được gửi đầy đủ, kịp thời phục vụ cho công tác thẩm tra, tổ chức kỳ họp.
- Một số chính sách ban hành còn dàn trải, thiếu nguồn lực, một số ít nội dung của chính sách không thực hiện được hoặc khó thực hiện trong thực tiễn.
- Một số kiến nghị sau giám sát thiếu cụ thể, khó lượng hóa trong quá trình tổ chức thực hiện, theo dõi, đánh giá và giám sát lại. Sau giám sát không yêu cầu cơ quan thực hiện giám sát xây dựng kế hoạch thực hiện nên công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện hiệu quả chưa được như mong muốn.
- Chỉ đạo, tham mưu điều hòa, phối hợp các hoạt động của các cơ quan HĐND có lúc, có nội dung chưa kịp thời.
- Hệ thống đề cương hồ sơ giám sát, khảo sát thiếu đồng bộ, thống nhất; chưa ban hành hướng dẫn quy trình, cách thức tổ chức cuộc giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh.
- Hiệu quả hoạt động của Tổ đại biểu chưa đồng đều, có Tổ hiệu quả hoạt động chưa cao.
- Năng lực của đại biểu không đồng đều, một số còn thiếu kỹ năng, chưa dành đủ thời gian cho hoạt động của HĐND theo quy định, chưa tích cực tham gia ý kiến, thảo luận, đặt câu hỏi chất vấn, chưa có chính kiến rõ ràng khi tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; tiếp xúc cử tri chưa đa dạng; có đại biểu khi trả lời ý kiến, kiến nghị trước cử tri chưa nắm chắc vấn đề và quy định của pháp luật.
Nguyên nhân
* Nguyên nhân khách quan
- Tác động mạnh mẽ và lâu dài của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của Thường trực, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh. Một số nội dung công tác không thể thực hiện hoặc thay đổi cách thức hoạt động so với kế hoạch đề ra.
- Nhiều quy định mới của pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND chưa có văn bản hướng dẫn thi hành (như quy định cụ thể về thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh trong việc quyết định các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động giải trình, chất vấn trong các phiên họp Thường trực HĐND; về trình tự, thủ tục giám sát, việc thành lập Đoàn giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh, giám sát của đại biểu HĐND tỉnh...), một số nhiệm vụ của cấp trên giao nhưng ngân sách tỉnh không cân đối được nguồn lực để thực hiện.
* Nguyên nhân chủ quan
- Thời gian qua Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu mới tập trung đổi mới hoạt động đối với những hoạt động lớn, chưa có nhiều thời gian đầu tư nghiên cứu để thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp.
- Số lượng đại biểu HĐND tỉnh lần đầu tham gia HĐND tỉnh chiếm tỷ lệ cao 69,88% nhưng công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND sau khi được bầu chưa được tổ chức thường xuyên, đầy đủ. Nhiều đại biểu còn nặng về nhiệm vụ chuyên môn ở cơ quan, chưa dành thời gian nghiên cứu, cập nhật thông tin cần thiết.
- Một số quy chế, quy định mới được ban hành và thực hiện.
- Chưa có chính sách thi đua khen thưởng để khích lệ đại biểu hoạt động tích cực.
Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ Đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh
Giải pháp chung
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND, chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh còn thiếu so với quy định.
Rà soát để sớm có chương trình bàn hành chính sách đồng bộ cho cả nhiệm kỳ, từng năm cụ thể; nội dung trình kỳ họp hằng năm được chỉ đạo rà soát sớm từ đầu năm để phân công thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng. Không tiếp nhận các hồ sơ chậm, không đầy đủ và không đảm bảo chất lượng; không bổ sung các nội dung phát sinh của kỳ họp đối với trường hợp không phải do văn bản mới chỉ đạo của cơ quan cấp trên hoặc thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề cấp bách, cần thiết của tỉnh. Tăng cường công tác khảo sát, phản biện xã hội nhằm đảm bảo các chính sách ban hành được phù hợp và triển khai có hiệu quả.
Đổi mới trong các kết luận giám sát. Kết luận giám sát tập trung vào những nội dung cơ bản, trọng tâm. Sau kết luận giám sát đề nghị cơ quan thực hiện kết luận giám sát ban hành kế hoạch thực hiện kết luận giám sát làm cơ sở cho cơ quan giám sát theo dõi, đánh giá và giám sát lại.
Đổi mới công tác chuẩn bị, lấy ý kiến, tổng hợp, giải trình tạo sự đồng thuận, thống nhất cao; phát huy trí tuệ tập thể trong tổ chức phiên họp Thường trực, Ban, Tổ HĐND; thiết lập và duy trì chặt chẽ mối quan hệ công tác giữa các Tổ đại biểu HĐND với Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh.
Thường trực, các Ban HĐND tỉnh ban hành Quy chế làm việc, chương trình công tác, quy định chấm điểm, xếp loại cho Tổ đại biểu và đại biểu; thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc theo Quy chế, quy định và thường xuyên có sự rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, bám sát chương trình công tác để đảm bảo tiến độ đề ra.
Nghiên cứu, xây dựng thống nhất mẫu đề cương hồ sơ giám sát, các văn bản do các cơ quan HĐND ban hành nhưng chưa có quy định. Thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND.
Các giải pháp cụ thể
Đối với Thường trực HĐND tỉnh: Thực hiện tốt vai trò chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan của HĐND tỉnh đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất. Tổ chức các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả, giải quyết kịp thời các nhiệm vụ cụ thể, các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của HĐND tỉnh. Tăng cường đôn đốc UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan ở địa phương thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh và báo cáo theo quy định. Giám sát, theo dõi các chức danh do HĐND tỉnh bầu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật làm cơ sở cung cấp và trình Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Thường xuyên giữ mối liên hệ với UBND, các cơ quan hữu quan, Ban Thường trực Ủy Ban MTTQ Việt Nam, các thành viên của Mặt trận cùng cấp, các tổ chức xã hội khác.
Hoạt động của các Ban HĐND tỉnh: Tích cực, chủ động tham gia chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp HĐND tỉnh, nâng cao chất lượng thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh. Việc thẩm tra các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp được thực hiện kịp thời, đúng quy định; tăng cường đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tích cực tham gia các hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh, cũng như chủ động triển khai giám sát trên lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Ban HĐND tỉnh.
Công tác thẩm tra chủ động tham gia từ bước đầu hình thành chính sách; tăng cường công tác khảo sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực phụ trách do Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực HĐND tỉnh phân công. Phát huy vai trò thành viên của Ban trong việc nghiên cứu tài liệu, đề xuất, tham gia và có chính kiến về những quyết định, giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, nhiệm vụ của Ban.
Tổ đại biểu HĐND tỉnh: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu trong tổ chức, duy trì các hoạt động của Tổ; xây dựng chương trình công tác, giám sát, kế hoạch phân công đại biểu tiếp công dân; thực hiện tốt việc tổng hợp kiến nghị của cử tri, tích cực tham gia thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh; đánh giá, xếp loại hoạt động của Tổ và đại biểu trong Tổ, động viên khen thưởng kịp thời đại biểu HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thường trực HĐND tỉnh ban hành hướng dẫn quy trình, cách thức tổ chức cuộc giám sát của Tổ đại biểu. Tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt chế độ báo cáo kết quả hoạt động định kỳ hằng quý, 6 tháng, năm với Thường trực HĐND tỉnh.
Đại biểu HĐND tỉnh: Đại biểu HĐND tỉnh nâng cao vai trò và trách nhiệm; chủ động nghiên cứu tài liệu, nắm chắc tình hình thực tiễn, ý kiến, kiến nghị của cử tri để kiến nghị nội dung của các nghị quyết, nội dung giám sát; thực hiện tốt quyền phát biểu, chất vấn, tham gia tích cực các hoạt động giám sát. Đề xuất cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan có đại biểu HĐND, cá nhân đại biểu HĐND dành thời gian hoạt động HĐND đảm bảo theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Với các giải pháp nêu trên, trong thời gian tới nếu được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh nói chung, nhất là hoạt động của Thường trực HĐND, Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh nói riêng.
Hoàng Lân
Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh