Xin nói cảm nhận ngay rằng, khi đọc giấy mời tham gia Hội thảo, tôi thực sự tâm đắc và đồng cảm sâu sắc với chủ đề “Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Di sản tinh thần vô giá của lực lượng công an nhân dân”. Giá trị của Hội thảo này, chắc chắn không nghiêng về những lý luận, lý thuyết trừu tượng, rời xa thực tiễn mà nhằm mục đích cao nhất, từ sự thấu hiểu sáu điều Bác dạy để đi tới định hướng hành độnghành động, có nghĩa là, nhấn mạnh ý nghĩa và giá trị thực tiễn của Hội thảo. Tôi nghĩ rằng, vì vậy, Hội thảo này là Hội thảo khoa học - thực tiễn (một số Hội thảo được tổ chức ở một số nơi đã không chú ý đến mục tiêu này). Với ý nghĩa đó, sáu điều căn dặn của Bác Hồ đối với Công an nhân dân không chỉ là di sản tinh thần vô giá mà nó đầy sức sống trong hiện tại, là tư tưởng chỉ đạo và định hướng cực kỳ quan trọng, vừa có giá trị thời sự - thực tiễn vừa mang ý nghĩa chiến lược lâu dài.

z4167865628518_7d7932887137c4066-1678339129727.jpg
GS.TS Đinh Xuân Dũng trình bày tham luận tại hội thảo

Khi cùng một số bạn đồng nghiệp biên soạn và chọn lọc những câu mang giá trị giáo dục và ý nghĩa sâu sắc trong “Hồ Chí Minh toàn tập” để sắp xếp thành bộ sách “Vang vọng lời nước non” (12 tập), tôi đã có dịp tìm chọn được rất nhiều điều Bác Hồ nói với Công an. Tập 10 của bộ sách này dành một phần quan trọng cho nội dung trên với tên chung là “Trung với Đảng, hiếu với dân”. Đọc nhiều lần và ngẫm nghĩ về những điều Bác nói và viết về Công an, cho Công an, tôi cảm nhận và cố gắng khám phá chiều sâu tư tưởng, tình cảm và tính độc đáo trong những điều được Bác diễn đạt vô cùng bình dị, cô đọng và gần gũi. Nhiều người đều cảm thấy rất dễ hiểu song đàng sau và “ẩn nấp” trong các câu chữ đó lại hàm chứa ý nghĩa sâu xa, căn cốt nhất. Trong khả năng cảm nhận của mình, chắc chắn chưa thể đầy đủ, tôi tìm thấy các nội dung bao trùm sau đây về quan hệ giữa công an và nhân dân.

Bác Hồ luôn luôn xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ cơ bản của lực lượng công an nhân dân là “tăng cường cuộc đấu tranh chống phản cách mạng dưới mọi hình thức” và “giữ gìn thật tốt trật tự, an ninh” (Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12 tr.457). Nghĩa là, Công an là lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật. Nhưng mục đích cao nhất, cuối cùng của cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và giữ gìn trật tự, an ninh là gì? Bác nói gọn “Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân” (Sđd. tập.7. tr.269). Để làm rõ mục đích cao cả đó, Bác Hồ giải thích, làm rõ mối quan hệ giữa nhiệm vụ trên của công an với nhân dân: “Giữ gìn trật tự, an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát. Nhưng chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to, việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân. Việc giữ gìn trật tự, an ninh càng phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân” (Sđd. tập.9. tr.77). Đôi khi có người nghĩ rằng, việc giữ gìn trật tự, an ninh chỉ là trấn áp, răn đe, kiểm tra và phạt. điều đó là cần thiết, song hoàn toàn không thấy rõ hoặc lãng quên một yêu cầu mà Bác căn dặn “bất kỳ việc to, việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân”. Chính vì vậy, bên cạnh những điều cần phải làm theo quy định của pháp luật, lời căn dặn thứ 4 của Bác Hồ đối với “tư cách người công an cách mạng” là: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép” (Sđd. tập.5. tr.498). Đây là một yêu cầu rất cao trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân của lực lượng công an nhân dân, rất cần một tư duy, suy nghĩ để xử lý biện chứng, hài hòa giữa trật tự, an ninh, đấu tranh chống phản cách mạng với thái độ thực sự “kính trọng, lễ phép” đối với nhân dân, trong đó, như Bác Hồ khẳng định “phụng sự lợi ích của nhân dân”, kính trọng, tin tưởng, lễ phép với nhân dân là chiều sâu nhất trong tư cách người công an cách mạng “phải có, phải giữ cho đúng” (Sđd. tập.5. tr.499). Ở đây, tôi nghĩ rằng, lời dạy của Bác Hồ không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ, yêu cầu chính trị, mà sâu sa hơn, Bác đã chỉ ra một đòi hỏi cao về phẩm chất, giá trị văn hóa trong cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Không chỉ nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao trong quan hệ với nhân dân mà Công an nhân dân cần có phẩm chất, chiều sâu văn hóa trong mối quan hệ, giao tiếp, ứng xử với nhân dân. Đứng trước mâu thuẫn thường xảy ra giữa việc phải thực thi nghiêm túc pháp luật và yêu cầu kính trọng, tôn trọng, giữ tình cảm tốt đẹp với nhân dân, người công an rất cần đến phẩm chất văn hóa cao, có khả năng “điều tiết” hợp lý, chuẩn xác, hài hòa mâu thuẫn, xung đột đó. Phải chăng, đó là sự tổng hợp nhuần nhuyễn bản lĩnh chính trị - văn hóa của người công an nhân dân. Tôi nghĩ đến một năng lực điều tiết của văn hóa, đó là “điều tiết toàn xã hội, tất cả các quan hệ lớn, nhỏ. Điều tiết cả nụ cười, điều tiết cả cái im lặng”. Từ suy nghĩ trên, tôi cảm nhận rằng, hầu hết các lời căn dặn của Bác Hồ đều mang ý nghĩa là yêu cầu thống nhất giữa phẩm chất chính trị và phẩm chất văn hóa trong tư cách, nhân cách người công an cách mạng trong mọi quan hệ của công an, đặc biệt là quan hệ giữa công an và nhân dân. Ngẫm nghĩ kỹ sáu điều Bác Hồ dạy chúng ta đều thấy rõ các phẩm chất, giá trị văn hóa, chuẩn mực văn hóa. “Cần, kiệm, liêm, chính” trong điều thứ nhất, “thân ái giúp đỡ” trong điều thứ hai, “tuyệt đối trung thành” trong điều thứ ba, “kính trọng, lễ phép” trong điều thứ tư, “tận tụy” trong điều thứ năm và “cương quyết, khôn khéo” trong điều thứ sáu. Giá trị bền vững và chiều sâu trong các lời căn dặn của Bác Hồ với lực lượng công an nhân dân thể hiện sáng rõ ở đặc điểm vô cùng độc đáo này. Tôi lấy tiêu đề của tham luận “Nghĩ về phẩm chất văn hóa của chiến sĩ công an” cũng vì nhận biết đặc điểm đó trong các lời dạy của Bác với lực lượng công an.

Vậy, đứng ở tầm nhìn văn hóa đó, Bác Hồ đã căn dặn công an của chúng ta những điều gì? Chưa thể thẩm thấu đầy đủ tầm suy nghĩ của Bác, tôi chỉ xin nêu một vài cảm nhận.

Thứ nhất, ở yêu cầu của chính trị và văn hóa, công an phải thực sự gương mẫu. Sự gương mẫu có sức cuốn hút, sự thuyết phục cao và từ đó, Bác Hồ khẳng định “Dân mến, yêu, tin công an thì mới giúp công an chuyên chính với địch để tiến lên chủ nghĩa xã hội” (Sđd. tập.11. tr.598). Thực tiễn gần 80 năm ngành công an Việt Nam đã minh chứng hùng hồn sự khẳng định chân lý ấy của Bác Hồ. Xin nhắc lại ba từ “mến, yêu tin” đều là những biểu hiện của các giá trị văn hóa trong quan hệ con người với con người, nó hoàn toàn khác với các biểu hiện ngại, sợ, xa lánh, ác cảm... Sự gương mẫu có giá trị vô cùng lớn và có tác dụng hơn trăm ngàn lần những lý thuyết suông! Theo lời căn dặn của Bác, để được dân mến, yêu, tin, có lẽ cần một cuộc vận động sâu rộng và thực chất hơn nữa, mặc dầu ngành công an chúng ta đã nỗ lực làm nhiều việc để thực hiện ngày càng tốt hơn yêu cầu đó. Thật bất ngờ, tôi tìm thấy một nhận xét chân tình và thẳng thắn của Bác: “Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân, nhưng hiện nay các cô các chú đã làm tròn nhiệm vụ ấy chưa? Tuy đã có nhiều người tận tâm, cố gắng, nhưng lẻ tẻ vài nơi nhân dân còn chê trách đấy! Các cô, các chú phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của người công an nhân dân...” (Sđd. tập.7. tr.270). Nhận xét trên của Bác cách đây đã xa, nhưng đối chiếu với thực tiễn hiện tại, đó như là một đánh giá tình hình hôm nay vậy!

Thứ hai, Công an phải thực sự thấu hiểu cuộc sống của nhân dân nơi mình sống và làm việc, cả về lịch sử, truyền thống và cả về cuộc sống hiện tại. Bác dặn: “Công an là bạn dân, thì những việc, nhất là những việc oanh liệt của quân và dân ở các địa phương, công an cần phải biết rõ” (Sđd. tập.6. tr.387). Thực hiện được lời khuyên giản dị trên không phải là dễ. “Công an là bạn dân”, có nghĩa là không thể tách rời khỏi dân, “đứng ngoài” hoặc “đứng trên” dân để thực hiện nhiệm vụ của mình. “Công an cần phải biết rõ những việc oanh liệt” của dân đòi hỏi một sự tìm hiểu, học tập công phu với một tấm lòng, tình yêu sâu đậm và một trí tuệ mẫn cán. Đó chính là văn hóa. Nhiệm vụ này trở nên cực kỳ quan trọng khi mà hiện nay, công an đang phải đảm nhận những công việc khó khăn, phức tạp hơn nhiều trên lĩnh vực bảo vệ an ninh Tổ quốc và sự bình yên cuộc sống của nhân dân, nhất là gần đây, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ công an về công tác ở cơ sở.

Thứ ba, Công an là bạn của dân, đoàn kết với dân, điều đó không phải là dĩ hòa vi quý, chỉ là khen ngợi, mà Bác Hồ yêu cầu “Công an với dân phải đoàn kết, nghĩa là khuyến khích dân phê bình công an. Trong 10 lần phê bình cũng có lần đúng, có lần không đúng. Đúng thì nhận, không đúng thì giải thích” (Sđd. tập.7. tr.270). Thật là minh bạch, chí tình, chí lý. Phải chăng cần có quy chế rõ ràng về công việc này để tạo nên sự gắn bó, đoàn kết thực chất giữa công an với nhân dân, đặc biệt ở những lĩnh vực công an thường xuyên giao tiếp, làm việc, xử lý công việc.

z4167885106554_a7e2662ba77b1fea0-1678339308435.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Thứ tư, về xây dựng nội bộ ngành công an, Bác Hồ căn dặn nhiều điều, trong đó, có một nhận định cực kỳ sâu sắc, nằm trong tư duy của Bác về đấu tranh với “giặc nội xâm”, với nội bộ và với chính mình. Bác nói tại lớp nghiên cứu khóa I Trường Công an Trung Ương như sau: “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn. Vì vậy phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang... Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại” (Sđd. tập.11. tr.599). Bài học trên không chỉ có ý nghĩa đối với quá khứ mà thực sự giữ nguyên giá trị thời sự nóng hổi ngày hôm nay, khi toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, trong đó có ngành công an, đang quyết liệt triển khai cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất... Làm trong sạch đội ngũ công an chính là cuộc chiến đấu “đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn” như Bác Hồ đã cảnh báo cách đây 65 năm (1958).

Từ những lời dạy của Bác Hồ đối với tư cách người công an cách mạng, chắc chắn rằng, ngành công tác đã và đang triển khai các cuộc vận động lớn để thực hiện hiệu quả nhất trong thực tiễn việc học và làm theo Bác. Từ suy nghĩ về tầm nhìn văn hóa trong 6 lời dạy của Bác, người viết tham luận chỉ xin nêu một khuyến nghị: Tăng cường giáo dục, xây dựng văn hóa trong ngành công an, nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa trong các nhà trường công an, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa về công an, tổ chức đời sống văn hóa trong các đơn vị công an, đặc biệt ở các đơn vị cơ sở, xây dựng quy chế ứng xử, giao tiếp văn hóa trong tất cả các hoạt động và quan hệ của công an với nhân dân, có nghĩa là, trên nguyên tắc lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, cần “văn hóa hóa” toàn bộ đời sống công an. Trộm nghĩ, xin có một đề xuất nhỏ như vậy tại Hội thảo này.

02/2003