Giám đốc Trần Văn Lê

Khởi nghiệp từ một anh làm thuê “đồng nát”

Dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy sản xuất ở xã Quang Minh, huyện Mê Linh (ngoại thành Hà Nội) anh Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Cơ điện và thương mại Phương Linh (gọi tắt là Công ty Phương Linh) vừa giới thiệu những dây chuyền thiết bị hiện đại mà Công ty nhập khẩu từ Châu Âu như tổ hợp dây chuyền sản xuất 4.0 PRIMA POWER (Phần Lan), máy cắt laser CNC (Thụy Sỹ), hệ thống đột dập kim loại Trumpf (Đức), máy chấn thủy lực BayKal (Thổ Nhĩ Kỳ), robot hàn tự động DAIHEN (Nhật Bản)... Những máy móc, thiết bị thế hệ 4.0 này như anh cho biết hàng ngày sản xuất ra các loại quạt công nghiệp: JETFAN (JPL-A), JPL-C, CEP-2-NOD, quạt ly tâm dạng hộp, quạt hướng trục, quạt thông gió, vỏ tủ điện, thang máng cáp... Nhìn cơ ngơi có giá trị mấy trăm tỷ đồng và đội ngũ nhân lực hơn 300 cán bộ, công nhân của anh Lê ở Quang Minh cũng như ở Dương Nội, Hoài Đức chẳng ai nghĩ anh khởi nghiệp đi lên trong khốn khó trăm bề.

Doanh nhân Trần Văn Lê (bên trái ngoài cùng) đang trao đổi với khách tham quan vể hoạt động của Công ty Phương Linh

Sinh ra ở vùng thiên nhiên khắc nghiệt nắng bụi, mưa lầy thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An), tốt nghiệp cấp 3, Trần Văn Lê tham gia nghĩa vụ quân sự, bỏ lại phía sau giấc mơ vào trường đại học một thời khát khao cháy bỏng. Hết thời kỳ nghĩa vụ, anh được đi học một ngành kỹ thuật của Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) rồi về công tác ở một đơn vị Binh đoàn 11. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi công cuộc đổi mới đất nước diễn ra chưa được bao lâu, đời sống kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, Trần Văn Lê xin ra ngoài tìm đường sinh kế. Cha anh là một thầy giáo làng, từng nhắc nhở con cái muốn làm một cái gì thì cũng phải học, bản thân Lê cũng xác định làm kinh tế, bươn chải trên thương trường là phải có kiến thức, nên anh đã giành thời gian cho học hành. Tranh thủ vừa làm vừa học. Con người suốt những năm học phổ thông luôn ở tốp đầu của lớp, lại trải qua môi trường quân ngũ nên việc làm giàu kiến thức giờ càng trở nên nhu cầu cấp thiết của Lê. Vẫn chưa quên những ngày tháng mùa đông buốt giá, hay mùa hạ nắng sém da, Trần Văn Lê đạp xe hàng chục cây số đến với các lớp học ở Trường Kinh tế Quốc dân hoặc Đại học Bách Khoa Hà Nội để hiểu thế nào là hàng hóa, thị trường, maketing, lợi nhuận, dịch vụ, giá trị gia tăng; cũng như cấu tạo, tính năng, cách vận hành, độ chính xác của các loại máy móc.

Thiết bị hiện đại (thế hệ 4.0) phục vụ sản xuất ở Công ty Phương Linh

Có một ít vốn kiến thức rồi nhưng còn thiếu kinh phí, Lê đành xin làm thuê cho một  ông chủ chuyên mua, bán các mặt hàng máy móc, đồ điện cũ trên đường Trường Chinh - Hà Nội. Những chuyến "cửu vạn" bốc hàng khắp phố phường Thủ đô, đến Hải Phòng, Hà Tây (cũ), giúp Trần Văn Lê hiểu hơn về kỹ thuật công nghệ các loại máy móc, thiết bị điện. Làm được mấy năm, ông chủ chán nghề chuyển sang lĩnh vực khác, Lê may mắn thừa kế gia sản "đồng nát" đó nhưng hoạt động theo cách nghĩ và cách làm khác. Đó là không thực hiện mua đi, bán lại theo kiểu "hớt váng" mà anh tháo lắp, lau chùi, chỉnh sửa các loại motor, máy bơm, quạt cũ... nhằm tăng giá trị sử dụng của chúng và bán với giá cao hơn một, hai lần. Cứ thế đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Trần Văn Lê đã tích cóp được một lưng vốn kha khá và bắt đầu anh nghĩ phải tìm cách chuyển hướng làm ăn.

Các kỹ sư, công nhân mải mê làm việc

Tạo lập thương hiệu bằng “chữ tâm để phục vụ và tín để tiến lên”

Nền kinh tế theo cơ chế mới được "bung" ra, hàng loạt công ty, nhà máy, doanh nghiệp đủ các loại hình phát triển, dĩ nhiên nhu cầu về các thiết bị điện, trong đó có quạt công nghiệp phục vụ cho sản xuất, đời sống tăng lên nhanh chóng. Nắm bắt được xu thế thị trường, không thể dừng lại ở lối làm ăn nhỏ lẻ, Trần Văn Lê vào năm 2000 đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và Thương mại Phương Linh. Vạn sự khởi đầu nan, mới bước chân vào thương trường nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ, va đập. Mà sự kiện khó quên như anh cho biết là sau ngày "khai sinh" Phương Linh chưa được bao lâu, anh nhận được đơn "đặt hàng" của một doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè ở Sơn La. Mẫu mã đối tác đưa ra, Công ty phải làm đi sửa lại ba, bốn lần khiến người "thủ lĩnh" hoang mang và chán nản bởi đồng vốn khi đó vẫn còn eo hẹp, nợ nần chồng chất. Nhưng lần cuối, sản phẩm của Phương Linh đã vượt ngoài mong đợi của phía đối tác, khiến Giám đốc Trần Văn Lê tự tin hơn trong cuộc chiến với thương trường.

Trời nắng nóng nhưng công nhân của Công ty Phương Linh vẫn hăng say công việc

Con người có nước da ngăm đen, nét mặt quắc thước, mê đọc sách ấy đã vạch ra hành trình cho công ty qua từng thời kỳ, giai đoạn theo phương châm đi từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, nhưng cũng có khi cần tạo nên đột phá. Chẳng hạn thời kỳ cần hiện đại hóa lần 1 (áp dụng công nghệ cao trong sản xuất), thời kỳ nào cần mở rộng sản xuất và kinh doanh, và thời kỳ nào phải chuyển đổi mô hình sản xuất để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn Châu Âu, vươn tầm quốc tế... Cột mốc đáng nói là thời điểm năm 2012, giữa lúc nền kinh tế nước nhà rơi vào khủng hoảng, không ít doanh nghiệp lao đao thì Trần Văn Lê vẫn "liều" dốc nguồn lực mua sắm hệ thống cắt laser Thụy Sỹ, robot hàn tự động Nhật Bản - những công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới khi đó để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng quốc tế nhưng giá thành "nội địa". Sớm ý thức đầu tư cho khoa học - công nghệ, táo bạo trong mua sắm các dây chuyền thiết bị tiêu chuẩn Châu Âu, không ngừng nghiên cứu đa dạng mẫu mã đã giúp Phương Linh đến nay có hàng trăm loại sản phẩm đạt chất lượng cao. Các loại quạt công nghiệp, thiết bị hút lọc bụi và thông gió của Công ty lâu nay đã có mặt khắp mọi vùng miền trong cả nước.

Giám đốc Trần Văn Lê giới thiệu cho khách thăm quan về vật liệu sản xuất ra sản phẩm

Chỉ nói ở địa bàn phía Bắc, sản phẩm của Phương Linh đã và đang phục vụ cho khá nhiều công trình lớn như: Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, các công trình lớn thuộc Tổng công ty Vinaconex, Viglacera, Honda, Nagakawa, Winstron, tòa nhà Golden-Palace (Từ Liêm), Học viện Kỹ thuật quân sự, khu nhà ở cho cán bộ nhân viên Bệnh viện Quân y 103, Khách sạn REED Ninh bình và một số đơn vị khai thác hầm lò ở Quảng Ninh. Đáng chú ý, với lò quay sản xuất xi măng theo công nghệ mới, nhiệt độ vỏ lò khi vận hành sau một thời gian nhất định lên tới 300 độ C, lại nhiều bụi bặm thì giải pháp sử dụng quạt hướng trục làm mát vỏ lò xi măng Phương Linh(APL-10-No) là tối ưu. Bởi dòng quạt này không chỉ làm giảm nhiệt độ phía ngoài mà còn kéo theo giảm nhiệt lớp vật liệu chịu lửa bên trong vỏ lò, nâng cao tuổi thọ của công trình; đồng thời gia tăng tối đa hiệu suất làm việc của lò nung clinker.

Có thể nói đến thời điểm này, sau 24 năm xây dựng và phát triển, Phương Linh nằm trong số ít nhà cung cấp các sản phẩm thông gió làm mát không khí, hút lọc bụi xử lý môi trường hàng đầu Việt Nam. Cũng bởi vậy, Công ty đã được tổ chức quốc tế phi lợi nhuận chứng nhận cho các thiết bị tạo gió và kiểm soát gió (AMCA) kết nạp làm thành viên (năm 2016). Và không có gì ngạc nhiên hàng chục năm qua, Giám đốc Trần Văn Lê và Công ty Phương Linh đã vinh dự đón nhận các phần thưởng cao quý: Thương hiệu nổi tiếng thế kỷ 21, Giải thưởng Bạch Thái Bưởi, Huy chương vàng VTOPBUILD, Thương hiệu mạnh Việt Nam, Top1 hàng Việt Nam yêu thích nhất 2022... Nhằm mở rộng thị phần, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước cũng như phấn đấu đưa Công ty lên Tập đoàn, Phương Linh đang hoàn tất các khâu cuối cùng để chuẩn bị tổ chức khai trương nhà máy sản xuất quạt công nghiệp, thiết bị hút lọc bụi làm sạch môi trường tại Khu công nghiệp Thái Hòa- Long An với quy mô hơn 10 nghìn m2.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ tặng tiểu thuyết mới xuất bản cho Giám đốc Trần Văn Lê

Thăm khu sản xuất rộng hơn 1,6ha của Công ty Phương Linh ở xã Quang Minh; tiếp xúc, trò chuyện với Giám đốc Trần Văn Lê, tôi hiểu thêm rằng thành tựu của một đơn vị sản xuất công nghiệp không chỉ thể hiện ở sự lớn mạnh (từ 10 người ban đầu, nay đã có hơn 300 cán bộ, công nhân), phấn đấu không ngừng nâng cao đời sống của người lao động mà còn thể hiện những nét đẹp văn hóa nơi này. Văn hóa doanh nghiệp ở phương Linh là hàng năm đều đặn mở lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân; tổ chức các đợt tham quan, du lịch đến các vùng miền cho người lao động; quan tâm, động viên, khích lệ chị em công nhân vào các dịp lễ 8/3 và 20/10; là tư vấn chính xác và bảo hành kịp thời cho khách hàng trong mọi điều kiện. Ở một ý nghĩa cao hơn, đó còn là trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp tư nhân trong việc hỗ trợ xây nhà cho hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở vùng cao biên giới (tỉnh Nghệ An); là quỹ học bổng “Trần Văn Lê, khát vọng tự lực tự cường và phát triển” (hơn 300 triệu đồng/ năm) trong nghĩa cử khuyến học, khuyến tài với mấy trường đại học khu vực Hà Nội; Phương Linh cũng là nhà tài trợ chính của chương trình văn hóa nghệ thuật "Mạch nguồn Ví giặm"...

Có phần ngạc nhiên trước nhiều việc làm của Phương Linh thời gian qua, tôi hỏi giám đốc Trần Văn Lê: Căn nguyên nào giúp anh và Phương Linh đi từ không đến có, từ nhỏ nâng lên tầm vóc như hôm nay?. "Vua quạt đất Bắc" (danh hiệu một nhà báo nổi tiếng đặt cho anh) cười hiền: Nói thì hơi sách vở nhưng quả thực từ thời học cấp 3, qua cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, nhất là từ các tác phẩm thơ văn của Bác; trong đó có những bài như "Đi đường", "Giải đi sớm", đặc biệt là bài "Nghe tiếng giã gạo" (Nhật ký trong tù) với câu "Sống ở trên đời người cũng vậy/Gian nan rèn luyện mới thành công" là bài học về ý chí, nghị lực cho tôi trên bước đường đời cũng như quá trình lập thân, lập nghiệp đầy chông gai, thử thách…

Phương Linh – Tăng giá trị – Vững niềm tin.