Chính vì vậy, thời gian qua, ngành BHXH và các cấp, ngành đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển lại số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh.

Giảm sâu số người tham gia BHYT

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và của BHXH tỉnh, toàn tỉnh Nghệ An có 11 huyện bị ảnh hưởng bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, có những huyện chịu ảnh hưởng bởi cả hai chính sách này (Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai) với 266.347 người không tiếp tục thuộc đối tượng được hưởng chính sách BHYT và không được ngân sách Nhà nước đóng BHYT. Trong đó số người bị ảnh hưởng bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg là 187.896 người, số người bị ảnh hưởng bởi Quyết định số 353/QĐ-TTg là 78.451 người.

hinh-minh-hoa.jpg
Ảnh minh họa

Việc thực hiện các chính sách này đã tác động, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển đối tượng tham gia BHYT và ảnh hưởng tới tỷ lệ bao phủ BHYT chung của cả tỉnh. Theo đó, việc thực hiện Quyết định số 861 đã làm giảm tỷ lệ người tham gia BHYT của Nghệ An từ 90,17% (năm 2020) giảm xuống còn 90% (năm 2021). Một số huyện miền núi sau khi thực hiện Quyết định số 861 QĐ-TTg thì tỷ lệ bao phủ BHYT giảm sâu như: Tương Dương từ 96,78% (năm 2020) giảm xuống còn 83,46% (năm 2021), Tân Kỳ từ 91,61% (năm 2020) giảm xuống còn 85,93% (năm 2021), Nghĩa Đàn từ 93,08% (năm 2020) giảm xuống còn 86,38% (năm 2021),…

Qua giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT cho thấy việc thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ở địa bàn miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sáp nhập vào các xã nông thôn mới hoặc ra khỏi xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg trong khi vẫn còn nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thì việc cắt giảm chính sách BHYT đột ngột sẽ gây khó khăn cho nhiều gia đình, đối tượng trong việc tiếp tục tham gia BHYT. Theo ông Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, với giá viện phí như hiện nay, trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nếu không may xảy ra ốm đau, không được quỹ BHYT chi trả, thì nguy cơ “tái nghèo” sẽ rất cao.

Xã Tam Thái, huyện Tương Dương là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, có tỷ lệ hộ nghèo 9,8%, tỷ lệ hộ cận nghèo 38,7%, người dân được nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT. Tuy nhiên, thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg, Xã không thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn, người dân không được chính sách BHYT trong khi đó hiện nay số hộ nghèo tăng lên 22,18%, hộ cận nghèo tăng lên 30,18%. Theo ông Lô Thanh Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng mặc dù là xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng mức sống, thu nhập của Nhân dân không có nhiều thay đổi so với các xã khác chưa đạt chuẩn nông thôn mới, đặc biệt so với các xã nông thôn mới ở đồng bằng thì xã nông thôn mới ở vùng miền núi khó khăn hơn nhiều, do đó việc dừng chính sách BHYT đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tham gia BHYT của người dân mặc dù UBND xã đã chỉ đạo, tích cực thực hiện nhiều giải pháp để vận động người dân tham gia BHYT nhưng hiện tại mới chỉ có 67,8% người dân tham gia BHYT.

quay-dang-ky-kham-chua-benh-bhyt-tai-benh-vien-da-khoa-thanh-pho-vinh.jpg
Quầy đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh

Ông Hoàng Văn Minh - Giám đốc BHXH tỉnh cho rằng: trong thời gian qua việc phát triển đối tượng tham gia BHYT gặp không ít khó khăn, bên cạnh số người tham gia BHYT tăng lên hàng năm thì cũng có không ít đối tượng giảm xuống do ảnh hưởng bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 353/QĐ-TTg. Việc giảm sâu số người tham gia BHYT do ảnh hưởng bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 353/QĐ-TTg rất khó “vực lại” số lượng người tham gia như trước. Do đối tượng chịu ảnh hưởng tác động là những người có hoàn cảnh khó khăn, nên việc vận động tham gia BHYT cũng gặp nhiều trở ngại.

Nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để phát triển đối tượng

Trong thời gian qua, để “vực lại” số người dừng tham gia BHYT do ảnh hưởng bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 353/QĐ-TTg, đồng thời phát triển đối tượng tham gia BHYT, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chủ động tham gia chính sách BHYT; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT; Chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT, vận động người dân chịu tác động của việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục tham gia BHYT theo hình thức BHYT hộ gia đình hoặc các hình thức BHYT khác, không để thời gian cách quãng ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng chế độ BHYT.

Cùng với đó, thực hiện rà soát số người bị ảnh hưởng, nhưng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình… để đề nghị cấp thẻ BHYT.

Đối với những người tham gia bị tác động không thuộc diện ngân sách nhà nước hỗ trợ, tăng cường vận động người dân chủ động tham gia BHYT hộ gia đình để bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT được liên tục. Ngoài ra, tích cực kêu gọi sự chung tay đóng góp, giúp đỡ từ các tổ chức cá nhân hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, ngành BHXH tăng cường củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đại lý thu để trở thành những tuyên truyền viên tích cực đưa chính sách BHYT đến gần với người dân. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hướng tới phục vụ tốt nhất người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT. Đưa vào sử dụng hiệu quả ứng dụng VssID-BHXH số của ngành BHXH trong khám chữa bệnh BHYT. Từ ngày 01/6/2021, tại các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thực hiện khám chữa bệnh cho người bệnh có cài đặt ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh, quét mã QR để đăng ký, thay thế dùng thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.

dong-chi-nguyen-van-thuc---pho-chu-tich-ubnd-huyen-tan-ky-cho-biet-nhung-giai-phap-huyen-da-trien-khai-de-dua-so-nguoi-bi-anh-huong-boi-quyet-dinh-861-quay-tro-lai-tham-gia-bhyt.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Thực - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết những giải pháp huyện đã triển khai để đưa số người bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861 quay trở lại tham gia BHYT

Nhờ những chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay trong tổng số 266.347 người không tiếp tục được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT do ảnh hưởng của Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 353/QĐ-TTg đã có 190.495 người tham gia trở lại. Tỷ lệ đối tượng tham gia lại đạt 71,5% (hiện còn 75.879 người chưa tham gia), kết quả này góp phần làm tăng tỷ lệ bao phủ BHYT chung của cả tỉnh từ 91% (năm 2021) lên 91,51% (6 tháng đầu năm 2022).

Huyện Tân Kỳ là một huyện miền núi, có 7.307 là đồng bào dân tộc thiểu số, là huyện có số người bị ảnh hưởng bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg đông nhất tỉnh Nghệ An với 49.083 người, chiếm ¼ số lượng của cả tỉnh. Số người không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT đông đã ảnh hưởng đến độ bao phủ BHYT của cả tỉnh nói chung và của huyện nói riêng (tỷ lệ bao phủ BHYT của huyện giảm từ 91,61% (2020) xuống còn 85,93% (năm 2021). Ông Nguyễn Văn Thực - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân kỳ cho rằng, thời gian qua, trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng Quyết định số 861-QĐ/TTg, nhưng Huyện đã triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; vận động sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân; chủ động rà soát, phân loại đối tượng để đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể. Nhờ vậy, trong số 49.083 người không được tiếp tục thụ hưởng chính sách về BHYT đã có hơn 37.974 người quay trở lại tham gia BHYT, hiện còn 11.109 người chưa tham gia BHYT.

Có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, triển khai thực hiện của chính quyền các cấp, sự phối hợp triển khai của các ngành, chủ động tham mưu, tích cực của ngành BHXH, nhiều người dân bị tác động bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 353/QĐ-TTg có đời sống khó khăn đã quay trở lại tham gia BHYT. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT chung của cả tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

mot-ca-ghep-than-tai-benh-vien-huu-nghi-da-khoa-nghe-an.jpg
Một ca ghép thận tại Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An

Tuy nhiên, để duy trì và tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu người dân tham gia BHYT đạt 92% vào cuối năm 2022 và 95% vào năm 2025 rất cần sự quan tâm, vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở… để mọi người dân đều được tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước./.

Nguyễn Thị Vân

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh