Nhiều khó khăn, thách thức
Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH đã đề ra mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH đến các năm 2021, 2025, 2030, tương ứng phải đạt bao phủ 35%, 45%, 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong đó, yêu cầu phát triển BHXH tự nguyện với mục tiêu phải đạt từ 1%, 2,5%, 5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ Đại hội, xác định mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 26-25%.
Tuy nhiên, việc thực hiện để đạt các mục tiêu nói trên, tỉnh Nghệ An đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Đó là tại thời điểm Nghị quyết 28-NQ/TW ban hành, tỷ lệ tham gia BHXH của tỉnh Nghệ An chỉ khoảng 15,5% thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bao phủ BHXH chung của cả nước (khoảng 32%). Đến thời điểm tháng 6/2022, tỷ lệ bao phủ BHXH của tỉnh đã đạt tỷ lệ 19,68%, nhưng thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bao phủ BHXH chung cả cả nước 33,87%, so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX và Nghị quyết 28-NQ/TW thì còn khoảng cách khá xa.
Kể từ khi Nghị quyết 28-NQ/TW được ban hành với 11 nội dung cải cách chính sách BHXH, đến thời điểm hiện tại mới chỉ đổi mới được 01/11 nội dung đó là lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Việc chưa kịp thời hiện thực hoá quan điểm chỉ đạo của Đảng về chính sách BHXH cũng tác động, phần nào gây khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện chỉ tiêu mà Đảng đã đề ra.
Ngày 27/01/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đã làm tăng mức đóng BHXH tự nguyện gấp đôi so với trước (từ 154.000 đồng lên 330.000 đồng) do tăng tiêu chí thu nhập của hộ nghèo, hộ cận cận nghèo từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng khu vực nông thôn, cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Theo báo cáo của BHXH tỉnh tính đến 31/8/2022 toàn tỉnh có 107.921 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có 16.067 người đang tham gia BHXH dưới mức thấp nhất, 35.438 người điều chỉnh mức thu nhập thấp nhất bằng 1.500.000đ tiếp tục tham gia BHXH và có 8.055 không điều chỉnh mức thu nhập dừng tham gia BHXH.
Ngoài ra, những năm gần đây, đời sống của Nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19; nhiều người lao động bị mất việc làm, hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp; nhiều đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, mất khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả, trong đó có BHXH. Thêm vào đó, tình trạng một số doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia BHXH cho người lao động, chây ỳ, cố tình trốn đóng BHXH cho người lao động hoặc cố tình chiếm dụng tiền BHXH để sử dụng vào mục đích khác bằng việc không thực hiện khai báo lao động hoặc không khai báo đầy đủ. Theo số liệu của BHXH tỉnh thì tính đến tháng 6/2022 có 2.945 doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia BHXH cho người lao động, có 4.561 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền nợ 348,6 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 94,54% tổng số nợ). Trong đó có 794 doanh nghiệp nợ, trốn đóng không có khả năng nộp BHXH cho người lao động.
Mặt khác, các doanh nghiệp của tỉnh Nghệ An hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 93%, quy mô nhỏ, lẻ, sử dụng ít lao động, toàn tỉnh có hơn 30.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có 16.000 doanh nghiệp đang hoạt động và chỉ có 28 doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên, trong số 4.561 doanh nghiệp nợ BHXH thì có đến 4.364 doanh nghiệp có từ 10 lao động trở xuống chiếm 45,87%.
Bên cạnh đó, số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng cũng làm ảnh hưởng đến tỷ lệ bao phủ BHXH chung của cả tỉnh, năm 2022 dự ước có 17.586 người hưởng BHXH một lần, tăng 5% so với năm 2021 và tăng 16,3% so với năm 2018.
Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa thực sự chủ động tích cực, quyết liệt trong công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về BHXH của người sử dụng lao động; trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu được giao về BHXH. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện các chính sách, pháp luật về BHXH còn hạn chế, nhất là việc vận động các hộ gia đình, người lao động và người sử dụng lao động tham gia BHXH.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Trước những khó khăn, thách thức lớn như vậy, nhưng trong những năm qua, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH đã được cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở hết sức quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: xây dựng và giao chỉ tiêu cho các huyện; trên cơ sở chỉ tiêu UBND tỉnh giao, các huyện đã xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng và giao chỉ tiêu cho các xã, phường, thị trấn; tăng cường công tác truyên truyền, vận động Nhân dân bằng nhiều hình thức thích hợp; rà soát số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thành lập tổ khai thác, phát triển đối tượng kiểm tra tại từng đơn vị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đăng ký tham gia BHXH và hưởng các chế độ BHXH.
Nhờ sự nỗ lực của các ngành, các cấp, từ năm 2018 đến nay số người tham gia BHXH của tỉnh Nghệ An đều tăng qua các năm: tính đến tháng 6/2022 có 368.151 người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 19,68% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 45,61% so với năm 2018. Về BHXH bắt buộc: đến hết tháng 6/2022, số người tham gia BHXH bắt buộc là 260.018 người, đạt tỷ lệ 13,9% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 17,7% so với năm 2018.
Đặc biệt số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm phát triển mới gần 17 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, năm 2020 số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới hơn 27 nghìn người, đến tháng 6/2022, số người tham gia BHXH tự nguyện là 108.133 người, đạt tỷ lệ 6,34% cao hơn mức bình quân của cả nước (2,7%), chiếm tỉ lệ 8,34 % tổng số người tham gia toàn quốc, đạt tỷ lệ 5,78% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 239,13% so với năm 2018.
Một số huyện có tỷ bao phủ BHXH cao như: thành phố Vinh (51,36%), thị xã Thái Hoà (28,07%), thị xã Cửa Lò (22,95%), Hưng Nguyên (20,81%)…; một số huyện có tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện cao như: Yên Thành (10,96%), thị xã Thái Hoà (12,69%), Đô Lương (8,16%),…
Trong điều kiện có nhiều khó khăn thách thức như trên, những kết quả đạt được về BHXH là kết quả của sự nỗ lực, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai của cấp uỷ, chính quyền, ngành BHXH từ tỉnh đến cơ sở. Hy vọng trong thời gian tới, bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tỉnh Nghệ An sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX./.
Nguyễn Thị Vân
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nghệ An