Còn thiếu quyết liệt

Theo đánh giá của Đoàn giám sát về công tác CCHC, thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác CCHC. Kết quả, từ năm 2020 - 2022, các chỉ số liên quan đến công tác CCHC cơ bản đều tăng thứ hạng, tiêu biểu: xếp hạng CCHC tỉnh Nghệ An (PAR INDEX) năm 2022 đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố (tăng 1 bậc so với năm 2021). Đặc biệt, chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố (tăng 21 bậc so với năm 2021); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố (tăng 7 bậc so với năm 2021); chỉ số PAPI xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố…

z4591460353151_45af024b7f042d0809e680ab7ef6ad6d.jpg
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi kiểm tra việc niêm yết TTHC tại Thị xã Thái Hòa. Ảnh: T. Lê

Thường trực HĐND tỉnh cũng ghi nhận: chất lượng giải quyết TTHC ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu của cá nhân, tổ chức; dần khắc phục được tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC và trả kết quả giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm minh bạch, rõ ràng, cơ bản đúng hẹn… Đến nay, tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết trên Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC tỉnh; các cấp, ngành đã xây dựng Kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC…

Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu còn thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC; còn tình trạng giao cho cấp phó phụ trách công tác CCHC; chưa bố trí đầy đủ nhân sự có năng lực, trình độ chuyên môn, có nhiệt huyết để phụ trách, tham mưu công tác CCHC… Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng sở, ban, ngành, địa phương phát hành văn bản xin ý kiến sở, ngành, địa phương khác không thuộc thẩm quyền hoặc trả lời khi được xin ý kiến không rõ nội dung, né tránh trách nhiệm - Đoàn giám sát chỉ rõ.

Qua làm việc trực tiếp tại một số đơn vị, Đoàn giám sát cũng nhận thấy: giải quyết TTHC ở một số lĩnh vực còn chậm nhưng chưa được khắc phục triệt để, nhất là các thủ tục về thu hút đầu tư. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC ở nhiều lĩnh vực (đất đai, bảo trợ xã hội, kinh tế...) thực hiện chưa đầy đủ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Việc rà soát, đánh giá TTHC của một số đơn vị chưa bảo đảm chất lượng dẫn đến số lượng TTHC được kiến nghị để cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hóa qua rà soát còn thấp…

Theo Đoàn giám sát, bên cạnh nguyên nhân khách quan do hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương chưa cụ thể và thống nhất; việc kết nối, chia sẻ, liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với các Hệ thống của một số bộ, ngành chưa được hoàn thiện, dẫn đến công tác giải quyết, theo dõi, quản lý, giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC, thống kê và báo cáo gặp nhiều khó khăn… Nguyên nhân chủ quan do lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác CCHC; năng lực thực tiễn và kinh nghiệm công tác của một bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu; việc thanh, kiểm tra, xử lý trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa thường xuyên; sự phối hợp giải quyết TTHC chưa chặt chẽ, làm kéo dài thời gian giải quyết và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân…

Đề cao vai trò người đứng đầu

Từ thực trạng trên, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành luật, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật đồng bộ, có tính ổn định lâu dài, hạn chế sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện ở địa phương, đặc biệt là các văn bản có quy định về TTHC… Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ sớm hướng dẫn xác định chỉ số PAR INDEX và SIPAS hàng năm để các địa phương chủ động thực hiện…

Đoàn giám sát cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hoàn thành việc xây dựng, kết nối các hệ thống và có hướng dẫn cụ thể việc kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành do bộ, ngành, địa phương quản lý và hệ thống công nghệ thông tin của các tổ chức khác. Tích hợp đồng bộ, thống nhất, đầy đủ các tính năng giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của bộ, ngành… Bên cạnh đó, sớm ban hành các thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; làm cơ sở cho các địa phương ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ngành chuyên môn.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác CCHC; tiếp tục đề cao vai trò của người đứng đầu trong việc chỉ đạo CCHC tại mỗi cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19.4.2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; Thông báo số 169/TB-VPCP ngày 5.5.2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tại Phiên họp thứ tư ngày 19.4.2023... Bên cạnh đó, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương bố trí nhân sự có năng lực, trình độ chuyên môn, trình độ CNTT, có trách nhiệm cao để phụ trách tham mưu công tác CCHC; bố trí nguồn kinh phí hợp lý thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại đơn vị...; tăng cường thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng bảo đảm thực chất, hiệu quả…

Đoàn giám sát cũng lưu ý UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC để kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; rút ngắn thời gian giải quyết nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thường xuyên kiểm tra, thanh tra công tác CCHC; chỉ đạo xử lý kịp thời đối với các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong giải quyết TTHC… Cùng với đó, cần đẩy nhanh việc chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu đi đầu về chuyển đổi số trong cải cách TTHC theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; quản lý, sử dụng các phần mềm quản lý đồng bộ, thống nhất...

Diệp Anh