Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 20-KL/TW, ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Tại thời điểm đó, Nghệ An là tỉnh đầu tiên (ngoài một số thành phố trực thuộc Trung ương) được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị đối với tỉnh Nghệ An - quê hương Bác Hồ kính yêu. Nghị quyết số 26-NQ/TW đề ra mục tiêu: “Phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo” .
Toàn cảnh thành phố Vinh (ảnh: BNA)
Cùng với việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghệ An đã nỗ lực thực hiện định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao. Bên cạnh đó, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ tích cực của các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và các địa phương. Nhiều đề án thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị đã được các Bộ, ngành hướng dẫn, thẩm định trình Chính phủ phê duyệt như: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ; Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020; Điều chỉnh ranh giới Khu Kinh tế Đông Nam; Công nhận đô thị du lịch biển Cửa Lò. Năm 2019, Bộ Chính trị đã tổ chức đánh giá sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ban hành Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019, trong đó cho phép tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết và sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết vào cuối năm 2023. Đến nay, sau 08 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế - xã hội của tỉnh có bước tăng trưởng khá, bền vững mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức. Hạ tầng trọng yếu phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được chăm lo và không ngừng nâng cao; quốc phòng an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, nhìn lại, mục tiêu như Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra cho tỉnh đến nay cơ bản vẫn chưa thực hiện được.
Ngoài các nguyên nhân thuộc về điều kiện của tỉnh như khu vực miền núi, biên giới rộng lớn (chiếm 83,36% diện tích), khả năng huy động nguồn lực đầu tư phát triển rất hạn chế thì khó khăn trong quá trình triển khai là việc thể chế hóa nghị quyết của Bộ Chính trị thành các cơ chế, chính sách cụ thể còn chưa đủ mạnh, từ đó chưa có đủ nguồn lực cần thiết để thực hiện các bước đột phá phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa các mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Hiện nay, một số địa phương đã được Trung ương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và phát huy hiệu quả rất tốt như Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; một số địa phương khác cũng sẽ được xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong thời gian sắp tới như Hải Phòng, Thừa Thiên Huế.
Một góc thị xã Cửa Lò (ảnh: BNA)
Trước thực trạng nêu trên, để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững, từ đó thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghệ An đã đề xuất và được Trung ương đồng ý cho phép xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù. Cơ chế, chính sách đặc thù này dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn, khoa học, pháp lý, đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế còn gặp nhiều khó khăn hoặc có tiềm năng, lợi thế, thực sự tạo đột phá cho phát triển của tỉnh. Và là đặc thù nên các cơ chế, chính sách này khác hoặc chưa được quy định cụ thể trong các quy định của pháp luật hiện hành; tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước có nghị quyết riêng của Bộ Chính trị. Nội dung các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh đang được trình Trung ương đó là các cơ chế, chính sách về lĩnh vực tài chính - ngân sách, đầu tư; phân cấp quản lý cho tỉnh trên một số lĩnh vực (như đất đai; quản lý, sử dụng rừng; quy hoạch).
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 24/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến (lần 2) về dự thảo nghị quyết và dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội khóa XV thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 2 (khai mạc vào ngày 20/10/2021). Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, cử tri Nghệ An đang rất mong đợi nghị quyết quan trọng này, tạo đà, tạo sức bật mới để tỉnh bứt phá, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.
Nguyễn Thị Anh Hoa
Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh