Ngày 12/11/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 651 về việc tổ chức Chương trình livestream kết nối tiêu thụ cam Vinh và đặc sản Nghệ An. Đây được xem là một giải pháp để quảng bá hình ảnh, chất lượng, giá trị của thương hiệu cam Vinh cũng như các đặc sản khác của Nghệ An đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, từ đó nâng cao hình ảnh, vai trò, năng lực sản xuất các sản phẩm của tỉnh nhà. Sâu xa hơn, đó là bước đi nhằm tiến tới thúc đẩy phát triển công nghệ số và mở rộng giao dịch các mặt hàng nông nghiệp trên các sàn giao dịch điện tử.

bna_image_4408973_25112021.jpgCam Đồng Thành hiện nay đang bước vào mùa thu hoạch. Ảnh: Tiến Đông

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động livestream nhằm tăng sự tương tác giữa người tiêu dùng với các đơn vị sản xuất, cung cấp, góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản Nghệ An. Đồng thời thay đổi nhận thức, tư duy của các nhà sản xuất, cung ứng từ phạm vi, quy mô nhỏ lẻ, tự phát sang tư duy kinh doanh trên nền tảng số, nhằm đa dạng hóa phương thức bán hàng phù hợp với tình hình dịch bệnh và bối cảnh Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế số. Từ đó, góp phần từng bước đưa nông nghiệp Nghệ An tiến tới nền nông nghiệp số, tạo thị trường lớn, mở ra cơ hội mới cho người sản xuất cũng như kinh doanh sản phẩm cam Vinh nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung.

Thực hiện kế hoạch này, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An đã quyết định lựa chọn xã Đồng Thành (Yên Thành) làm địa điểm tổ chức livestream trực tiếp tại vườn cam để quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng. Chương trình dự kiến được tổ chức vào 9h30 ngày 28/11/2021, được livestream trực tiếp trên fanpage của Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An, cùng các fanpage của Đài Truyền hình Việt Nam VTV, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cùng các fanpage có nhiều lượt người theo dõi.

bna_image_2784985_25112021.jpgDù thương hiệu cam Đồng Thành đã được nhiều người biết đến nhưng đây là lần đầu tiên các trang trại cam được tiếp cận với cách thức quảng bá bằng livestream trực tiếp. Ảnh: Tiến Đông

Bà Võ Thị Thanh Huyền – Trưởng phòng Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch - Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương Mại và Du lịch Nghệ An cho biết: Do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, cộng với việc thông thương hạn chế, Chương trình livestream kết nối tiêu thụ cam Vinh và đặc sản Nghệ An không ngoài mục đích hỗ trợ người dân, góp phần chuẩn hóa phương thức tiếp cận thị trường, và đón đầu xu thế giao dịch hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. Sau khi được hướng dẫn, người dân có thể tự làm theo bằng cách quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch.

bna_anh_ghep_cam7724084_25112021.jpgNhững vườn cam trĩu quả đang bước vào mùa thu hoạch. Ảnh: Tiến Đông

Ông Trịnh Xuân Giáo, một trong những chủ trang trại cam lớn tại xã Đồng Thành với hơn 17 ha cam, cho biết: Do tác động của dịch Covid-19 cùng với chi phí vận tải tăng cao nên các trang trại trồng cam cũng phải tìm kiếm các phương thức mới để bán hàng hiệu quả hơn.

Khi được đặt vấn đề về lựa chọn địa điểm tổ chức livestream kết nối, tiêu thụ cam Vinh, ông Giáo cùng các nhà vườn trồng cam ở xã Đồng Thành đều rất hào hứng. Điều họ mong muốn chính là thông qua kênh quảng bá, tiếp thị này mà người dân cả nước biết nhiều hơn đến thương hiệu cam Vinh. Họ luôn sẵn sàng mời người dân, khách hàng khắp nơi trong cả nước về vườn cam của mình để tham quan, kiểm chứng chất lượng sản phẩm.

Giống cam Xã Đoài lòng vàng chính thức du nhập vào địa bàn khoảng năm 2004, đến nay đã có khoảng 70 hộ dân tham gia trồng cam, với diện tích 130 ha, cho năng suất từ 20-25 tấn/ha. Dẫu vậy lâu nay người dân vẫn đang bán cam theo phương thức cũ nên gặp rất nhiều khó khăn, thông qua chương trình livestream trực tiếp, hi vọng người tiêu dùng khắp nơi sẽ biết đến cam Vinh - cam Đồng Thành nhiều hơn.

Ngoài sản phẩm cam Vinh được tổ chức livestream trực tiếp tại vườn, một tin vui đối với nông sản xứ Nghệ là vào ngày 12/11 vừa qua, tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Nghệ An với Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce, đã có 6 sản phẩm nông sản của Nghệ An được Wincommerce cam kết đưa vào chuỗi siêu thị Winmart và Winmart + trên khắp cả nước. Bao gồm các sản phẩm: cam Vinh, lạc sen Diễn Châu, các sản phẩm từ sen, tương Sa Nam, rau sạch xứ Nghệ và hải sản Biển Quỳnh.

bna_xem_xet4558033_7112021.jpgCác doanh nghiệp, nhà phân phối đã khảo sát để lựa chọn các sản phẩm OCOP của Nghệ An đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại. Ảnh: Thanh Phúc

Tuy nhiên, để sản phẩm cam Vinh nói riêng và các loại nông sản Nghệ An nói chung tiếp cận và bám rễ vào thị trường, nhất là thông qua các phương thức bán hàng mới, theo bà Trần Thị Mỹ Hà – Trưởng phòng Quản lý Thương mại – Sở Công Thương Nghệ An thì điều quan trọng là phải có chất lượng sản phẩm đồng đều, phải xây dựng được một chuỗi sản xuất khép kín, tạo uy tín với khách hàng. Bên cạnh đó, do nông sản là sản phẩm đặc thù, các yêu cầu về đóng gói, thời gian bảo quản, vận chuyển phải nhanh, nên cần phải có sự kết nối chặt chẽ, tạo thành chuỗi cung ứng từ người trồng, thu mua với đơn vị vận chuyển đến người tiêu dùng. Chuỗi cung ứng này càng chặt chẽ bao nhiêu, sản phẩm giao tới tay người tiêu dùng càng nhanh, tươi ngon, đảm bảo chất lượng bấy nhiêu.

bna_phan_loai_cam_truoc_khi_dong_hop_anh_tien_dong_5334429_25112021.jpgPhân loại cam trước khi đóng hộp. Ảnh: Tiến Đông