Thực trạng đó đã được cử tri ở nhiều địa phương phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh. Vào cuối năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề về đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Theo Báo cáo của Công an tỉnh, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng chủ yếu hoạt động theo băng ổ nhóm tại nhiều địa phương, thậm chí móc nối trực tiếp với các đối tượng hoạt động tại các đặc khu nước ngoài (Campuchia, Lào…) để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều bị hại trên cả nước với số tiền rất lớn, gây bức xúc trong dư luận Nhân dân.
Điển hình như vào tháng 2/2024, Công an tỉnh Nghệ An phá chuyên án, triệt xóa thành công 02 băng nhóm tội phạm hoạt động tại Campuchia lừa đảo qua mạng, xuyên quốc gia bằng thủ đoạn gọi điện giả danh các cơ quan tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án…), bắt giữ 74 đối tượng, chiếm đoạt của nhiều bị hại với tổng số tiền chiếm đoạt gần 700 tỷ đồng.
Các đối tượng tội phạm sử dụng phương thức, thủ đoạn rất tinh vi như: (1) Chiếm quyền sử dụng tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber… rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền cho đối tượng nhằm chiếm đoạt tài sản; (2) Lập tài khoản Zalo giả mạo sau đó nhắn tin cho người thân của nạn nhân hoặc “bẫy tình” trên mạng xã hội để lừa chuyển tiền; (3) Gọi điện thoại giả danh người có thẩm quyền trong các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, nhân viên ngân hàng, nhân viên viễn thông, nhân viên sân bay, nhân viên Công ty vận chuyển hàng hóa, doanh nhân giàu có ở nước ngoài… rồi đe dọa, lừa gạt, yêu cầu người bị hại chuyển tiền, sau đó chiếm đoạt; (4) Lợi dụng việc mua, bán hàng hóa trên mạng Internet, mạng xã hội, giả mạo làm nhiệm vụ qua ứng dụng lạ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền…
Triển khai toàn diện các biện pháp phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã ghi nhận sự tích cực của Công an tỉnh và các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương các cấp trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa.
Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền đã được các cơ quan, đoàn thể chú trọng thực hiện dưới nhiều hình thức, vừa tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vừa lồng ghép các nội dung tuyên truyền liên quan đến phương thức, thủ đoạn của tội phạm để nâng cao cảnh giác cho người dân.

Công an tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí đăng tải các tin bài về kết quả khám phá, bắt giữ các đối tượng, băng nhóm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản; chiến công của lực lượng Công an trong đấu tranh với các tội phạm này. Tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các địa phương cho người dân; tổ chức hội nghị tập huấn, nâng cao kỹ năng nhận biết phương thức, thủ đoạn của tội phạm; tuyên truyền trên các kênh thông tin chính thống, fanpage trên mạng xã hội của lực lượng công an, cơ quan nhà nước; các nhóm zalo (như tại Nghi Lộc thiết lập nhóm Zalo an ninh trật tự khu công nghiệp hoạt động rất hiệu quả).
Phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc” được củng cố và tăng cường; nhân rộng các mô hình tiêu biểu, nổi bật trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở; thiết lập và duy trì các hình thức tương tác với người dân như tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, duy trì số điện thoại đường dây nóng, hòm thư tố giác tội phạm, thư điện tử, các nền tảng mạng xã hội… để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân về tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đáng chú ý, nhiều người dân đã cung cấp các thông tin có giá trị giúp lực lượng công an phát hiện, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thông qua diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến người dân, lực lượng Công an thường xuyên hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhận thức của một bộ phận người dân về đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao còn hạn chế
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, tuy nhiên, đến nay tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn tiềm ẩn nguy cơ và diễn biến phức tạp; kết quả đấu tranh thực tế còn chưa tương xứng tình hình. Một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức về phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của nhiều người dân còn hạn chế, dễ bị đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt, nhất là các tầng lớp yếu thế như người dân vùng nông thôn, người già, phụ nữ, thanh thiếu niên. Một bộ phận người dân chưa quan tâm đến bảo mật thông tin cá nhân trên không gian mạng, làm lộ lọt thông tin cá nhân tạo điều kiện để tội phạm lợi dụng hoạt động; có tâm lý nhẹ dạ, cả tin, hám lợi nên bị các đối tượng lợi dụng phạm tội.

Trong khi đó, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, đa dạng, khó dự đoán. Các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao thường là đối tượng ngoài địa bàn, thậm chí ở nước ngoài, sử dụng tài khoản “ảo”, sim “rác” làm công cụ phạm tội, khó khăn trong việc phát hiện, xử lý tội phạm cũng như thu hồi tài sản cho người dân.
Tiếp tục chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân
Để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin thì việc nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân trước các chiêu thức lừa đảo của tội phạm là việc hết sức quan trọng.
Chính vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phương thức, thủ đoạn, đặc điểm nhận biết và cách phòng tránh đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ các thông tin dữ liệu cá nhân; nâng cao ý thức cảnh giác trong việc cung cấp các thông tin cá nhân cũng như việc xác thực con người trước khi thực hiện việc chuyển tiền bằng hình thức internet banking… Chú trọng sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền đến tận mỗi người dân; quan tâm tuyên truyền đến các đối tượng yếu thế như người dân vùng nông thôn, người già, phụ nữ, thanh thiếu niên. Tăng cường cảnh báo trên các trang thông tin điện tử của ngành, đơn vị về phương thức, thủ đoạn giả mạo cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, nhân rộng các mô hình tiên tiến, tiêu biểu. Đặc biệt, hiện nay, khi thực hiện mô hình công an địa phương hai cấp thì lực lượng công an cơ sở được tăng cường, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; duy trì các kênh tương tác với người dân, củng cố niềm tin trong Nhân dân để người dân sẵn sàng liên hệ, cung cấp thông tin, tố giác tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.
Tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật dữ liệu cá nhân của người khác./.