Tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri

Trong những năm qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội là nhiệm vụ hết sức quan trọng và đã được Luật quy định. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội được hiểu là việc đại biểu Quốc hội thông qua các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức gặp gỡ cử tri nơi bầu ra mình để thu thập ý kiến, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri chuyển tải đến Quốc hội, đồng thời báo cáo với cử tri việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu.

Để làm tốt công tác tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tại địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã đã chủ động báo cáo với Thường trực cấp ủy và phối hợp với thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân xã, chuẩn bị địa điểm và các điều kiện, cơ sở vật chất khác để tổ chức cho đại biểu Quốc hội hoàn thành chương trình tiếp xúc với cử tri đã đề ra. Có văn bản thông báo về thành phần, nội dung, thời gian địa điểm gửi đến các cơ quan, đơn vị có liên quan để cử đại biểu tham dự và gửi giấy mời hặc thông báo đến cử tri; phân công trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong công tác chuẩn bị hội trường, maket, tăng âm, loa, đài, trang trí, khánh tiết và các điều kiện đảm bảo khác, công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn; phân công lãnh đạo Ủy ban MTTQ chủ trì hội nghị; phân công cán bộ tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để báo cáo bằng văn bản gửi về Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ huyện.

bna__mai_hoa_75681326_452022.jpg
Hội nghị tiếp xúc cử tri tại huyện Diễn Châu

Với vai trò tổ chức, chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri Ban Thường trực ủy ban MTTQ xã đã chủ động xây dựng chương trình hội nghị và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình đề ra, đảm bảo cho các đại biểu Quốc hội thực hiện đầy đủ nội dung tiếp xúc cử tri theo dự kiến. Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, Ủy ban MTTQ xã đã mời đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương đến dự để trực tiếp lắng nghe, giải đáp, trả lời, giải quyết những vấn đề cử tri nêu lên thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình; nhiều ý kiến được các ngành, các cấp giải trình một cách thấu đáo. Bên cạnh đó, thông qua việc cung cấp những thông tin về các chính sách mới, về đời sống Nhân dân, để Nhân dân thấy được trách nhiệm và được tạo điều kiện thực hiện vai trò giám sát, phản biện các lĩnh vực xã hội, giúp cho các cấp chính quyền điều hành hoạt động được tốt hơn.

Thông qua tiếp xúc cử tri, các đại biểu dân cử đã kịp thời thông tin, tuyên truyền đến cử tri những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các dự án luật mới ban hành. Ở chiều ngược lại nhiều cử tri không chỉ phản ánh những vấn đề liên quan đến đời sống xã hội ở địa phương, mà còn quan tâm đến chủ trương, chính sách về công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta hiện nay, đặc biệt là về phòng chống tham nhũng, tình hình an ninh biển đảo, phát triển du lịch…; nhiều kiến nghị của cử tri đã được tiếp thu, giải quyết, tạo cơ sở để các cơ quan Nhà nước ban hành các chính sách quan trọng, có tính khả thi, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và tình hình thực tiễn của cơ sở. Hội nghị tiếp xúc cử tri đảm bảo mở rộng dân chủ, số cử tri tham dự tại mỗi điểm đều tăng; đối với tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội thường có từ 100 đại biểu trở lên.

Ủy ban MTTQ xã đã phân công cán bộ tham dự và ghi chép, phối hợp tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các hội nghị. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân của Ủy ban MTTQ xã những năm qua đã thể hiện đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những lĩnh vực, vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm, phản ánh, kiến nghị. Các ý kiến, kiến nghị đã cụ thể, có địa chỉ và sát thực tế hơn, có sự trao đổi, phản hồi thông tin của các cơ quan chuyên môn các cấp; được cấp ủy, chính quyền và cử tri đánh giá cao. Qua đó, thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của MTTQ xã trong việc đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhân dân, góp phần tăng cường lòng tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Công tác phối hợp, tham gia giám sát, theo dõi kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan nhà nước đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri được quan tâm. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền cấp nào thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp đó phối hợp với HĐND cùng cấp đề nghị các cơ quan có chức năng của địa phương ở cấp đó giải quyết, trả lời, theo quy định của pháp luật; đồng thời, phối hợp theo dõi, đôn đốc và giám sát việc trả lời kiến nghị của cử tri. Đối với những kiến nghị chậm trễ giải quyết, trả lời thì Uỷ ban MTTQ các cấp phối hợp với HĐND cùng cấp tiếp tục đề nghị chính quyền, các cơ quan chức năng giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho cử tri và Nhân dân.

Những hạn chế về nội dung, cách thức tổ chức:

Hình thức tiếp xúc chủ yếu là hội nghị tiếp xúc cử tri trước hoặc sau kỳ họp; các hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, tiếp xúc với nhóm cử tri chưa được quan tâm thực hiện; kinh phí bố trí cho các cuộc tiếp xúc cử tri còn hạn chế. Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị, tiếp thu, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri của đại diện chính quyền, một số ngành chức năng một số địa phương (tại hội nghị và sau hội nghị) còn chung chung, chưa được kịp thời, thông tin giải đáp chưa đầy đủ, chưa cụ thể, rõ ràng như cử tri mong muốn; công tác phối hợp, tham gia giám sát, theo dõi kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan nhà nước đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri kết quả chưa cao, mới dừng lại ở việc chuyển ý kiến, kiến nghị, của cử tri đến HĐND và UBND các cấp và các ngành có liên quan; nếu chưa giải quyết thì tiếp tục kiến nghị. Việc phối hợp giám sát sát còn thấp, phương thức giám sát còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn; dẫn đến hiều kiến nghị chưa được giải quyết, trả lời dứt điểm.

Một số giải pháp

Một là MTTQ các cấp cần xây dựng cơ chế phối hợp trong tổ chức tiếp xúc cử tri cho đại biểu Quốc hội, đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong hoạt động tiếp xúc cử tri, tiến hành rà soát, đánh giá để điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với HĐND, UBND cùng cấp, chú trọng nội dung phối hợp trong công tác tiếp xúc cử tri. Nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong xây dựng lịch, kế hoạch, thông tin về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử.

Hai là, tuyên truyền, phổ biến kế hoạch đến các thành phần dự hội nghị tiếp xúc cử tri, gửi kế hoạch, giấy mời đến các thành phần dự hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ từ khu dân cư trở lên; ngoài ra, đối với các cử tri trên địa bàn là trí thức, chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về các chuyên đề liên quan đến nội dung kỳ họp Quốc hội, sắp bàn thảo thì gửi giấy mời, kế hoạch trực tiếp; gửi kế hoạch cho các khu dân cử để phổ biến đến Nhân dân, thông báo kế hoạch trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương.

Ba là, nâng cao chất lượng tổ chức, chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp: Trong chương trình phải dành thời gian hợp lý cho cử tri tham gia ý kiến vào nội dung, chương trình kỳ họp và các ý kiến khác mà cử tri quan tâm. Phải chủ động định hướng chương trình, nội dung đảm bảo cuộc tiếp xúc hiệu quả, sao cho ý kiến tập trung, có chất lượng, không sa vào vụ việc vụn vặt, mang tính chất cá nhân, hạn chế việc hội nghị tiếp xúc trở thành nơi tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Bốn là làm tốt công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, tại các hội nghị tiếp xúc cử tri cần lựa chọn cử thư ký ghi chép, tổng hợp nhanh thì mới đảm bảo được việc tổng hợp hết các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri theo nguyên tắc Mặt trận cấp nào tổ chức, chủ trì hội nghị thì cấp đó cử thư ký và có trách nhiệm tổng hợp.

Năm là, trước khi tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND các cấp cần phối hợp chặt chẽ với Ban thường trực UBMTTQ và lãnh đạo UBND cùng cấp sớm xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri, kế hoạch tiếp xúc cử tri phải cụ thể chi tiết, để có thời gian chuẩn bị chu đáo. Khi xây dựng kế hoạch cần căn cứ vào nội dung từng kỳ họp để lựa chọn hình thức, địa điểm và thành phần cử tri tham dự hội nghị cho phù hợp và có hiệu quả. Đa dạng hoá các hình thức tiếp xúc cử tri, có thể tổ chức tiếp xúc với tất cả cử tri hoặc chỉ tiếp xúc cử tri theo lĩnh vực, ngành nghề mà Quốc hội dự kiến sẽ thảo luận, quyết định.

Sáu là, tại các buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội, ngoài việc nghe báo cáo kết quả của kỳ họp Quốc hội, cử tri còn mong muốn được nghe đại biểu báo cáo về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước được phản ánh tại các lần tiếp xúc cử tri trước, nhưng việc này cũng chỉ dừng ở mức báo cáo một số nội dung có chọn lọc vì không đủ thời gian và không thể báo cáo hết tất cả các kết quả giải quyết.

Bảy là, ngoài việc tiếp xúc cử tri ở huyện, đại biểu Quốc hội cần tăng cường tiếp xúc trực tiếp với cử tri ngay tại cơ sở, xã, khu dân cư, tổ dân phố. Thời gian tiếp xúc cử tri không chỉ giới hạn trong giờ hành chính mà tăng cường tiếp xúc cử tri vào buổi tối để có điều kiện gặp gỡ các cử tri là cán bộ, công chức, người lao động phải làm việc vào ban ngày. Hàng năm tổ đại biểu Quốc hội cần tiếp xúc cử tri và lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ và lãnh đạo các sở, trưởng các phòng, ban ở cấp thành phố, lãnh đạo huyện để tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, địa bàn huyện và lắng nghe những kiến nghị của các ngành chuyên môn.

Cao Đức Giang

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Diễn Thành