Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung, đi vào thực chất, đặc biệt là kể từ sau khi HĐND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 và Đoàn ĐBQH tổ chức Hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

bna-toan-anh-thanh-le-4758.jpg
Hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức để các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và chỉ đạo các Tổ đại biểu HĐND tỉnh phối hợp tổ chức để đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7, kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh.

92ae0866dd2a04745d3b6.jpg
Hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh trước kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII

Qua tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp 86 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền cơ quan Trung ương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 128 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền địa phương gửi UBND tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp 220 ý kiến, kiến nghị gửi UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết. Các ý kiến, kiến nghị được tổng hợp đều là những vấn đề được cử tri quan tâm, thuộc các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, gắn liền với đời sống dân sinh.

Giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá việc cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị cử tri, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị. Như vậy, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định tới việc tâm tư, kiến nghị mà cử tri gửi gắm đến các đại biểu dân cử được cơ quan Nhà nước giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 đã quy định về nhiệm vụ giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Đoàn ĐBQH, Hội đồng nhân dân tại điều 47, 48, 66.

Trong thời gian qua, Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh đã quan tâm đến việc theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị cử tri, qua đó nhiều ý kiến đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đề ra lộ trình giải quyết một cách thấu đáo, được cử tri đồng tình, đánh giá cao.

Mặc dù vậy việc theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị cử tri vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: số lượng ý kiến, kiến nghị cử tri khá nhiều, trong đó có nhiều ý kiến, kiến nghị kéo dài, được cử tri phản ánh qua nhiều năm, tại nhiều kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, tiến độ giải quyết còn chậm, kéo dài; trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết kiến nghị cử tri chưa cao, việc trả lời chưa đi thẳng vào giải pháp, lộ trình giải quyết; việc giám sát chủ yếu thông qua xem xét báo cáo, thẩm tra để chuẩn bị các kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND tỉnh, chưa tiến hành nhiều hoạt động khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế giải quyết kiến nghị cử tri để đôn đốc, yêu cầu giải quyết; việc thông tin kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri chưa đầy đủ, kịp thời, có khi chưa đến được người có kiến nghị…

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh, thiết nghĩ cần quan tâm một số giải pháp sau:

Một là, phát huy vai trò của Tổ đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đối với việc theo dõi việc giải quyết kiến nghị cử tri. Các Tổ đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử, Tổ đại biểu HĐND tỉnh cần giữ mối liên hệ, thường xuyên nắm bắt tình hình ý kiến, kiến nghị cử tri ở địa phương nơi ứng cử; phối hợp với Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện trong việc theo dõi kết quả giải quyết. Các Ban HĐND tỉnh cần chủ động theo dõi, nắm tình hình việc giải quyết kiến nghị cử tri theo lĩnh vực được phân công phụ trách. Xác định việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị cử tri là công việc thường xuyên, liên tục, thực hiện hàng tháng, hàng quý, thay vì chỉ thực hiện vào mỗi dịp chuẩn bị kỳ họp. Từ kết quả theo dõi thì các Tổ đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh kịp thời phản ánh, đề xuất Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản yêu cầu báo cáo, giải trình, nhất là các kiến nghị đã kiến nghị nhiều lần, kéo dài nhiều năm chưa thực hiện gây bức xúc trong Nhân dân.

bna-mai-hoa-3-2642--n1.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh khảo sát việc giải quyết kiến nghị cử tri tại thị xã Hoàng Mai

Hai là, nâng cao chất lượng, tính chủ động tham mưu của bộ máy tham mưu, giúp việc công tác dân nguyện của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh – phòng Dân nguyện – Thông tin. Phòng cần chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin, khảo sát thực tế để đề xuất Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đôn đốc, lựa chọn giám sát, khảo sát, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Xây dựng phần mềm theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri để hỗ trợ việc theo dõi hiệu quả hơn.

Ba là, trên cơ sở các kiến nghị của cử tri và việc giải quyết, trả lời của các cấp, các ngành, đề xuất của các Tổ đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và ý kiến tham mưu của Văn phòng, Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cần tổ chức hoặc chỉ đạo các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề để xem xét, đánh giá kỹ hơn trách nhiệm giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền. Cần nghiên cứu lựa chọn giám sát những kiến nghị cử tri bức xúc, phản ánh nhiều lần, kiến nghị được cử tri nhiều nơi quan tâm, kiến nghị đang được các cơ quan chức năng trả lời chung chung, chưa rõ ràng hay kiến nghị chưa được giải quyết.

Qua giám sát chuyên đề, cần tập trung đánh giá chung về tình hình, nguyên nhân và diễn biến và kết quả giải quyết những kiến nghị. Từ đó, đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Báo cáo kết quả giám sát phải cụ thể, rõ ràng, kiến nghị cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục giải quyết; đồng thời, theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng giải quyết.

Bốn là, cùng với việc giám sát chuyên đề thì Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh phát huy các hình thức giám sát khác theo luật định như: giám sát thường xuyên; giám sát tại kỳ họp, phiên họp giải trình, phiên họp chất vấn, lồng ghép với các cuộc giám sát chuyên đề khác; định kỳ nghe UBND tỉnh báo cáo, giải trình việc giải quyết kiến nghị cử tri tại phiên họp hàng tháng của Thường trực HĐND tỉnh...

Năm là, tăng cường các giải pháp nâng cao trách nhiệm của cơ quan giải quyết kiến nghị của cử tri; cần đưa việc giải quyết kiến nghị của cử tri vào nội dung đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các cấp thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết, trả lời và thông tin kết quả giải quyết kiến nghị cử tri.