Kết quả thực hiện

Trong thời gian qua, việc thực hiện Luật Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và Luật Công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện được quan tâm, chỉ đạo.

Đối với Luật Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giai đoạn 2020-2022, UBND huyện đã chỉ đạo Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện; các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn bằng nhiều hình thức phù hợp, triển khai có hiệu quả các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện. Nội dung tuyên truyền tập trung vào công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; công tác phòng chống dịch COVID-19 và các luật, văn bản dưới luật. Trong 3 năm 2020 - 2022, các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện đã tổ chức 1.693 hội nghị tuyên truyền; đã biên soạn 7.125 tài liệu, bài viết, chương trình, phóng sự; in, cấp phát 108.490 tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, sách, ấn phẩm; 650 file ghi âm nội dung tuyên truyền; 2.941 băng rôn, pano tuyên truyền; tổ chức 14 phiên tòa lưu động.

nang-cao-hieu-qua-cong-tac-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-va-cong-tac-hoa-giai-co-so-tren-dia-huyen-dien-chau--n1.jpg
Huyện Diễn Châu tập huấn nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho 1400 hoà giải viên toàn huyện

Mặt khác, công tác phối, kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật cũng được chú trọng, như: phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức 12 lớp tuyên truyền; phối hợp tổ chức 14 phiên Tòa xét xử lưu động và phát tờ rơi tuyên truyền tại các phiên tòa lưu động tại các xã, thị trấn; phối hợp Đồn Biên Phòng Diễn Thành tổ chức Hội nghị triển khai Luật Biên phòng và các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp với Huyện đội và UBND các xã, thị trấn tổ chức 11 lớp tập huấn; phối hợp với Công an huyện trong việc chỉ đạo đơn vị cơ sở triển khai tuyên truyền phổ biến lợi ích của dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06/CP của Chính phủ…

Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021, góp phần thông tin kịp thời về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền và các văn bản pháp luật; nội dung có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề nổi cộm, được Nhân dân quan tâm.

Tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật hoạt động có hiệu quả. Đến nay mỗi xã, thị trấn đều đã xây dựng được từ 6-10 mô hình, câu lạc bộ. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như “Phòng chống, đẩy lùi tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên”, “Cựu chiến binh tham gia bảo đảm an ninh trật tự”, “Phụ nữ với pháp luật’’, “Thanh niên với pháp luật”, “Công trường an toàn giao thông”, Câu lạc bộ Hòa giải cơ sở… góp phần tích cực vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Về thực hiện Luật công tác hòa giải ở cơ sở cũng được UBND huyện quan tâm, chú trọng. UBND huyện đã phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện ban hành kế hoạch thực hiện công tác hòa giải cơ sở, phối hợp chặt chẽ trong công tác hướng dẫn và thực hiện rà soát, kiện toàn, củng cố các Tổ hòa giải, đảm bảo đúng quy trình, quy định; phối hợp với Tòa án nhân dân huyện, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể cấp huyện hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn hoạt động hòa giải ở cơ sở; chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn có văn bản chỉ đạo, huy động lực lượng an ninh trật tự, cán bộ, công chức chuyên môn, các đoàn thể địa phương và vận động những người có chuyên môn luật, có uy tín tại cộng đồng dân cư tham gia hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở.

nang-cao-hieu-qua-cong-tac-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-va-cong-tac-hoa-giai-co-so-tren-dia-huyen-dien-chau--n2.jpg
UBND xã Diễn Tháp tổ chức điểm Lễ ra mắt “Câu lạc bộ Hòa giải ở cơ sở” đầu tiên trên địa bàn huyện

Hiện nay trên địa bàn huyện có 287 tổ hòa giải với 1.400 hòa giải viên, các tổ hòa giải được thành lập, hoạt động tại 100% thôn, xóm, khối trên địa bàn huyện. Tiêu chuẩn, số lượng hòa giải viên và thành phần của Tổ hòa giải bảo đảm đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải giai đoạn năm 2020-2022: 280 vụ, trong đó có 224/280vụ việc hòa giải thành, đạt tỷ lệ 80% và 56/280 vụ việc hòa giải không thành, chiếm tỷ lệ 20%; Các vụ việc hòa giải không thành chủ yếu là về đất đai, hôn nhân gia đình. Các Tổ hoà giải đã phát huy vai trò trách nhiệm thực hiện hoà giải thành công nhiều vụ việc ngay tại cơ sở. Công tác tập huấn cho các hòa giải viên của các Tổ hòa giải ở cơ sở được quan tâm, giai đoạn 2020-2022, UBND huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức được 14 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở với gần 1.900 người tham gia.

Một số tồn tại, hạn chế

Mặc dù công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật và công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2022 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Thứ nhất, một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã chưa nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Số lượng, chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật chưa cao; hình thức, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật còn ít, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước tại địa phương cũng như nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân trên địa bàn; chưa quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở.

Thứ hai, một số phòng, ngành cấp huyện chưa quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng nội dung trọng tâm cần tập trung tuyên truyền, phổ biến thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách, một số thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện, Ban tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cấp xã chưa chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao; chế độ thông tin báo cáo đôi khi còn chưa đảm bảo.

Thứ ba, hiệu quả hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ trong thông tin, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa nhiều. Phần lớn các mô hình được thành lập nhưng không hoạt động, hoạt động không đúng quy chế; không có hồ sơ tài liệu và báo cáo đánh giá kết quả hoạt động; không có văn bản hướng dẫn nội dung hoạt động, định hướng thông tin tuyên truyền ...Hiệu quả của việc khai thác Tủ sách pháp luật chưa cao.

Thứ tư, đội ngũ hòa giải viên tuy đông về số lượng nhưng trình độ học vấn và trình độ hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế. Phần lớn trong số họ thiếu kỹ năng hòa giải, trình độ hiểu biết về chính sách, pháp luật còn hạn chế, thường lúng túng trong quá trình hòa giải các vụ việc phức tạp; còn nhầm lẫn giữa hòa giải ở cấp xã và hòa giải ở cơ sở; việc xác định phạm vi hòa giải còn nhầm lẫn, tổng hợp các vụ việc hòa giải chưa đầy đủ, thành viên của Tổ hòa giải chưa đảm bảo theo quy định; hồ sơ, sổ theo dõi hoạt động hòa giải từ khâu bầu hòa giải viên, Tổ trưởng Tổ hòa giải, cập nhật các vụ việc hòa giải chưa đảm bảo; chưa huy động được sự tham gia tích cực của cán bộ, công chức các ban, ngành, đoàn thể tham gia hỗ trợ hoạt động hòa giải.

Thứ năm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở chưa được nhiều, nhất là công tác hòa giải cơ sở. Công tác xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ này chưa được triển khai rộng rãi, chưa thu hút được nguồn lực tham gia hỗ trợ, tài trợ.

5 giải pháp góp phần khắc phục các tồn tại, hạn chế

Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các cơ quan, ban, ngành tại địa phương về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở; trong đó, chính quyền các cấp giữ vai trò nòng cốt, phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật và cá nhân từng thành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; đa dạng hóa hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, quan tâm đến nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù; chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong các trường học cho học sinh - đối tượng cần có sự quan tâm đặc biệt.

Ba là, tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và hòa giải viên ở cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn, thành phần, số lượng theo quy định; hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng, nêu gương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải tại địa phương.

Bốn là, tăng cường hơn nữa công tác tập huấn nghiệp vụ; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Năm là, quan tâm ưu tiên, bố trí kinh phí cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở, từng bước đáp ứng việc thực hiện công tác quản lý trong tình hình hiện nay, đặc biệt là tạo thêm động lực, động viên để đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ của mình./.