Tiếp xúc cử tri là hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp và đã được quy định rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri nên việc tiếp xúc cử tri là một trong những hình thức quan trọng nhất để đại biểu HĐND giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri, đồng thời kịp thời tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Hoạt động tiếp xúc cử tri là một kênh thông tin quan trọng để cử tri đánh giá về đại biểu; giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu HĐND từ đó làm cho trách nhiệm của mỗi đại biểu ngày một nâng cao.
Trong thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh được thực hiện nghiêm túc, việc tiếp xúc cử tri được tiến hành trước và sau 2 kỳ họp thường lệ hàng năm, bảo đảm đúng quy định, đồng thời có sự đổi mới, nâng cao chất lượng. Các cuộc tiếp xúc cử tri đã thu hút được sự quan tâm, tham dự của cử tri và nâng cao ý thức về trách nhiệm giải trình, tiếp thu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; thể hiện rõ mối liên hệ giữa đại biểu và cử tri. Vai trò, trách nhiệm, kỹ năng của đại biểu trong tiếp xúc đã nâng lên theo hướng đi vào những vấn đề cụ thể, sát với nội dung kỳ họp và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; không chỉ ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhiều đại biểu còn trực tiếp thông tin, trao đổi lại, giải đáp rõ về các kiến nghị đã được cơ quan chức năng giải quyết, qua đó góp phần hạn chế việc cử tri kiến nghị nhiều lần.
Bên cạnh hình thức tiếp xúc thường lệ, HĐND tỉnh đã tổ chức một số cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, hướng đến đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của chính sách dự kiến ban hành để có thêm nhiều thông tin phục vụ việc xem xét, quyết định tại kỳ họp. Hoạt động TXCT còn được đổi mới, tạo thuận lợi cho cơ sở theo hướng lồng ghép tiếp xúc cử tri đối với 2 hoặc 3 cấp (như tiếp xúc của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND huyện). Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được thực hiện đầy đủ, trung thực, phản ánh kịp thời những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội; các kiến nghị của cử tri và Nhân dân đều được nghiên cứu, phân loại, chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên, theo quy định. Về cơ bản, các kiến nghị của cử tri và Nhân dân được các cơ quan có thẩm quyền, xem xét giải quyết, trả lời kịp thời.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tiếp xúc cử tri trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đó là:
- Hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri chưa phong phú, đa dạng, chủ yếu chỉ mới tổ chức tiếp xúc cử tri định kỳ theo Tổ đại biểu trước và sau kỳ họp thường lệ; hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, nhóm đối tượng cử tri, nhóm vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm còn ít; thành phần tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri chủ yếu là cán bộ lãnh đạo UBND, các tổ chức đoàn thể cấp xã, thôn, tổ dân phố, một số nơi thành phần tham dự vẫn còn diễn ra tình trạng “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”.
- Công tác chuẩn bị cho hoạt động tiếp xúc cử tri ở một số nơi, một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; việc thông tin về TXCT của đại biểu đến cử tri còn hạn chế nên cử tri không biết để tham gia.
- Việc nêu ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa sâu. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri chủ yếu tập trung vào các vấn đề cụ thể của địa phương hoặc chủ yếu đề nghị cấp trên bố trí, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương; mở rộng các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức hoặc cử tri đề nghị giải quyết các vụ việc cụ thể của cá nhân như đơn khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa thỏa mãn; thậm chí có những cử tri đến hỏi xong rồi về mà không quan tâm đến giải thích, giải trình của các cơ quan chuyên môn …; số lượng ý kiến cử tri tham gia vào nội dung, chương trình kỳ họp của HĐND còn rất ít, nhất là đối với các nghị quyết; chưa có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất các giải pháp hữu hiệu về các lĩnh vực chuyên đề và các giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
- Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với cử tri của một số đại biểu HĐND còn hạn chế. Việc giải trình và tiếp thu ý kiến cử tri của một số đại biểu HĐND tại các cuộc tiếp xúc chưa tốt, đa số chỉ mới tiếp thu mà chưa nghiên cứu giải trình tại chỗ, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri trình tại kỳ họp HĐND theo quy định, do Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp đồng thời thực hiện nên có nơi còn có sự trùng lặp.
- Chất lượng giải quyết một số ý kiến, kiến nghị cử tri của UBND các cấp và các sở, ban ngành chưa cao, thiếu kịp thời. Việc thông tin, trả lời kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri hầu như chưa đến trực tiếp người có kiến nghị vì vậy còn xảy ra tình trạng cử tri kiến nghị nhiều lần về một vấn đề. Một số nội dung trả lời kiến nghị của cử tri còn chung chung, chưa trọng tâm, chưa có giải pháp, lộ trình thực hiện; có những vấn đề cử tri có ý kiến nhiều lần nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đề ra giải pháp để giải quyết dứt điểm. Các vấn đề cấp bách cử tri nêu chưa được giải quyết kịp thời và thường trả lời chậm so với yêu cầu. Công tác giám sát, theo dõi, đôn đốc UBND, các ngành, địa phương, đơn vị giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa thường xuyên. Việc tổ chức các hoạt động giám sát trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được nhiều.
Từ thực trạng nêu trên và để đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động tiếp xúc cử tri, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, cần làm tốt công tác chuẩn bị, trong đó Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có sự phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND đảm bảo khoa học. Thông tin đầy đủ và rộng rãi đến cử tri địa phương biết để tham dự giảm bớt tình trạng “đại cử tri”, “ cử tri chuyên nghiệp”. Tổng hợp, nắm bắt trước các ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến các đại biểu HĐND nghiên cứu; trong buổi TXCT có thể kết hợp đại diện thông qua tổng hợp các ý kiến của cử tri và cử tri phát biểu trực tiếp để giúp tránh tình trạng cử tri diễn đạt không trọng tâm, dài dòng và không rõ ý. Nên lựa chọn những nội dung quan trọng của kỳ họp HĐND để thông tin đến cử tri nghiên cứu có ý kiến đóng góp hiệu quả. Các nội dung chuẩn bị để báo cáo trước cử tri cần ngắn gọn, súc tích, đúng trọng tâm; dành thời gian để cử tri trao đổi, phản ánh, đề xuất, kiến nghị. Ngoài ra, các cuộc tiếp xúc cử tri cần mở rộng về tận thôn, xóm, bản, tổ dân phố và thời gian tiếp xúc cử tri linh hoạt (có thể ngày nghỉ hoặc buổi tối) để thu hút đông đảo cử tri tham gia; đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động TXCT theo chuyên đề với các nhóm cử tri.
Thứ hai, nêu cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc tiếp xúc cử tri. Trước khi tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND tỉnh cần dành thời gian nắm tình hình địa bàn tiếp xúc, những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm đang còn tồn đọng, chưa được giải quyết và những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề cử tri thường quan tâm; đặc biệt là các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được địa phương tổng hợp lại thông qua Thường trực HĐND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã. Phối hợp với các đơn vị liên quan để làm rõ thêm các vấn đề cử tri quan tâm, cung cấp thêm thông tin ngay tại các buổi tiếp xúc cử tri để cử tri rõ, qua đó làm giảm tình trạng cử tri thắc mắc kiến nghị nhiều lần. Thực hiện tốt việc này sẽ giúp đại biểu HĐND tỉnh có thêm thông tin từ thực tiễn khi thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Thứ ba, người điều hành hội nghị tiếp xúc cử tri cần nắm chắc nội dung, trình tự và nhiệm vụ cụ thể hội nghị đặt ra; biết xử lý tình huống linh hoạt, gợi ý thu hút nhiều cử tri phát biểu ý kiến đúng trọng tâm, trọng điểm vào nội dung chương trình đã thông qua; dẫn dắt, định hướng sự đóng góp ý kiến của cử tri đối với chủ trương, chính sách, các giải pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện tốt nội dung tại hội nghị tiếp xúc cử tri; đặc biệt là cần gợi mở để cử tri tham gia nhiều hơn vào nội dung, chương trình kỳ họp, nội dung các nghị quyết trình kỳ họp nhất là các nghị quyết có tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội và liên quan đến đời sống của người dân.
Thứ tư, tại hội nghị tiếp xúc cử tri cần có sự tham dự của lãnh đạo chủ chốt địa phương. Lãnh đạo UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cần trực tiếp trực tiếp trả lời, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền. Những vấn đề phức tạp, cấp bách thì đại biểu HĐND có thể trực tiếp đi khảo sát sau khi TXCT để nắm thông tin kịp thời phản ánh, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; các ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được tổng hợp đầy đủ, trung thực, có chọn lọc, có tính khái quát cao, tránh trùng lặp. Các kiến nghị cử tri cần nêu cụ thể họ tên, địa chỉ của cử tri có ý kiến để thuận lợi cho việc trả lời ý kiến cử tri, hạn chế việc nội dung trả lời cử tri nhưng cử tri không được biết, nên kiến nghị nhiều lần. Cần phân loại những ý kiến, kiến nghị cần giải quyết gấp để sớm gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời. Thực hiện việc phân loại ý kiến kiến nghị của cử tri để gửi đến các cơ quan chức năng phù hợp, tránh tình trạng gửi các ý kiến cử tri đến các cơ quan, đơn vị không đúng thẩm quyền giải quyết.
Thứ 6, tăng cường công tác giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND liên quan việc giải quyết kiến nghị cử tri. Tích cực, quyết liệt “theo đuổi” đến cùng kiến nghị cử tri để góp phần đẩy nhanh tiến độ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị cử tri cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan. Đặc biệt, đối với những kiến nghị cử tri nhiều lần, cần xem xét, đánh giá tính khả thi của việc giải quyết, đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành đề ra giải pháp, lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị cử tri.
Thứ bảy, Thường trực, các ban HĐND cần phối hợp với UBND xây dựng quy trình giải quyết các kiến nghị cử tri đảm bảo phù hợp, sát thực tế. Trong đó làm rõ trách nhiệm giải trình, giải quyết của các cơ quan liên quan đến các vấn đề cử tri kiến nghị, đề xuất; đối với các ý kiến, kiến nghị có tính cấp bách cần thông tin trả lời kịp thời đến cử tri.