Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh trong năm 2023

Việc xây dựng chương trình giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn bám sát vào Nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội và tình hình thực tế của tỉnh. Công tác tổ chức giám sát được đổi mới, tiến hành chủ động, tích cực và hiệu quả, thực hiện đúng theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An giám sát việc huy động, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19

Trong năm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện 05 chuyên đề giám sát và 02 chuyên đề khảo sát, gồm: (1) Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID -19, Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; (2) Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; (3) Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; (4) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; (5) Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An”. (6) khảo sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An, kết hợp lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)”; (7) Việc giải quyết kiến nghị cử tri và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển đến thị xã Hoàng Mai.

Qua 07 chuyên đề giám sát, khảo sát Đoàn đã trực tiếp làm việc với 54 cơ quan, đơn vị, địa phương và giám sát thông qua việc xem xét báo cáo đối với 22 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Sau các đợt giám sát, Đoàn đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND tỉnh và các đơn vị được giám sát. Báo cáo của Đoàn đã chỉ ra được những kết quả cũng như tồn tại, hạn chế; đồng thời phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, chính quyền địa phương 133 nội dung (trong đó có 79 kiến nghị gửi cơ quan trung ương và 54  kiến nghị gửi cơ quan địa phương). Các nội dung kiến nghị, kết luận giám sát cụ thể, xác đáng vừa góp phần giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình hoạt động, vừa góp phần phổ biến, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của công dân tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Các kết luận giám sát của Đoàn đều được UBND tỉnh ban hành văn bản giao các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH 14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại thành phố Vinh

Cùng với việc triển khai thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong  năm 2023, Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đã tích cực tham gia các Đoàn giám sát, khảo sát chuyên đề của các cơ quan của Quốc hội triển khai tại tỉnh Nghệ An, bao gồm: (1) Việc thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; (2) Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; (3) Việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020 -2022”; (4) Triển khai thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thực hiện dự án Hồ chứa nước bản Mồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tại các cuộc giám sát, khảo sát lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã rất trách nhiệm, tích cực tham gia ý kiến thiết thực, đúng và trúng với mục đích chuyên đề giám sát, khảo sát. Đồng thời, thông qua giám sát, khảo sát, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh đã phản ánh sâu hơn, cụ thể hơn, cung cấp thông tin chính xác về những vấn đề của địa phương cần quan tâm liên quan đến nội dung giám sát, khảo sát được Đoàn giám sát, khảo sát ghi nhận, tiếp thu.

Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát

Để hoạt động giám sát chuyên đề ngày càng có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả thì hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội phải xuất phát từ đời sống của Nhân dân, từ những yêu cầu bức xúc trong phát triển kinh tế - xã hội; chủ động cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát; tập trung giám sát những vấn đề theo chương trình và những vấn đề cử tri đang bức xúc, trong đó có chú ý hình thức giám sát trực tiếp tại cơ sở; về thành phần tham gia Đoàn giám sát cần có đại biểu có kiến thức chuyên sâu, am hiểu về lĩnh vực giám sát.

Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, khắc phục chồng chéo trong giám sát. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp, hằng năm có tổng kết, đánh giá để rút ra những mặt được để phát huy, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Trước mỗi cuộc giám sát, cần thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và xác định những nội dung trọng tâm, những vấn đề bức xúc cần được đặt ra để yêu cầu cơ quan được giám sát giải trình, làm rõ. Trong điều kiện bộ máy chuyên viên giúp việc còn ít, năng lực còn hạn chế, thì việc mời thêm các chuyên gia có kiến thức, có năng lực tham gia tư vấn nội dung hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả và chất lượng giám sát.

Kiến nghị sau giám sát cần cụ thể, tránh chung chung, chỉ ra được những mặt tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và yêu cầu khắc phục. Thường xuyên xem xét tiến trình giải quyết sau giám sát là yêu cầu rất quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát./.