Cụ thể, số tinh giản biên chế do không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỷ lệ cao nhất, gần 53%; do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo là 15,684%; dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính là 15,447% và cuối cùng do sức khỏe không bảo đảm chiếm tỷ lệ 3,746%.
Nếu nhìn vào con số thống kê trên, có thể thấy bước đầu việc tinh giản biên chế đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, như nhận định của Bộ Nội vụ thì kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021 đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ, thậm chí còn có tình trạng nể nang, né tránh.
Các tiêu chí đánh giá cũng chưa rõ ràng, thực trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi công vụ không còn diễn ra đơn lẻ mà phổ biến ở cả địa phương và Trung ương - như nhận định trong Nghị quyết số 26 Trung ương Khóa XII thì đây vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể. Không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này là do người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương chưa làm hết thẩm quyền, trách nhiệm đối với công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác quản lý biên chế còn phân tán, thiếu tập trung, thống nhất, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc chia tách, thành lập mới và nâng cấp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn nhiều. Chế độ, chính sách về tinh giản biên chế, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cũng chưa sát thực tiễn, chưa tạo được đột phá mạnh mẽ trong tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã từng nêu quan điểm rằng, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là mục tiêu dài hạn, là không thể đảo ngược và để đạt được cần phải thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, gắn với từng giai đoạn, bối cảnh cụ thể.
Vậy nên, điều quan trọng là đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức phải đúng thực chất để việc triển khai áp dụng chính sách tinh giản biên chế đạt đúng mục tiêu là đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu công việc, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, cần xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về lý thuyết, tinh giản biên chế là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế. Thế nhưng trong triển khai, đây không thể đơn thuần là phép trừ mà kết quả phải là tinh giản đúng cán bộ, công chức, viên chức yếu kém.