Sản xuất rau sạch CNC tại xã Quỳnh Liên - thị xã Hoàng Mai (Ảnh minh họa: Internet)
Dự thảo Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo đang được lấy ý kiến. Có thể nói đây là bản dự thảo được chuẩn bị công phu, bài bản. Nhiều ý kiến thông qua kết quả của cuộc điều tra xã hội học về chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020 do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) thực hiện theo đặt hàng của Thường trực HĐND tỉnh, cũng như ý kiến của các sở ngành, UBND cấp huyện được tiếp thu, nhất là đã bỏ nhiều chính sách không còn phù hợp và bổ sung chính sách mới.
Tôi xin trao đổi thêm một số ý kiến cá nhân.
Trước hết, chính sách hỗ trợ phát triển nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích nhân dân triển khai thực hiện những việc mới, việc khó, ban đầu làm dễ rủi ro, hiệu quả thấp… (mặc dù đã được kiểm chứng bằng nhiệm vụ khoa học, khuyến nông…), nếu không hỗ trợ, có thể dân cũng làm nhưng áp dụng chậm, thậm chí không làm. Nó có thể là giống mới, vật tư thiết bị mới, biện pháp kỹ thuật mới, mô hình, tổ chức kinh doanh mới…
Từ mục đích đó nên nguyên tắc khi xây dựng và triển khai chính sách là: nguyên tắc công bằng về cơ hội tiếp cận, nguyên tắc được hưởng một lần, hỗ trợ sau đầu tư,… Đặc biệt, cần quan tâm phương thức triển khai hỗ trợ sao cho đơn giản và thuận lợi nhất vì đối tượng là dân nông nghiệp, nông thôn. Một số đối tượng sản phẩm (giống, chế phẩm sinh học,…) trước khi đưa vào chính sách cần phải được khảo nghiệm, kiểm định sự phù hợp, hiệu quả do các cơ quan chuyên môn của tỉnh khẳng định
Một vấn đề nữa là: sản xuất là một chuỗi nên chính sách cũng cần tác động theo chuỗi (cả đầu vào, biện pháp canh tác và nhất là đầu ra). Đầu ra là khâu yếu nhất của nông nghiệp Việt Nam từ khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến, tiêu chuẩn, tiếp cận thị trường,.. nên lợi nhuận của người dân thấp nhất trong chuỗi giá trị.
Về một số vấn đề cụ thể:
- Đối tượng thụ hưởng: chính sách đã đưa vào gồm HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, trang trại, cá nhân,.. Tuy nhiên, không nên tách bạch nhóm đối tượng HTX, tổ hợp tác riêng cho một vài chính sách, số còn lại cho một số chính sách mà nên để chung (bất kỳ ai làm được đều được hưởng, nếu đủ điều kiện).
Đề nghị bổ sung đối tượng hưởng lợi tất cả các chính sách: Doanh nghiệp nông nghiệp khởi nghiệp ở địa bàn (với tiêu chí mới thành lập dưới 5 năm). Bởi vì hiện nay doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng rất ít và yếu. Doanh nghiệp ở nông thôn vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa là cầu nối giữa HTX, hộ gia đình với doanh nghiệp lớn, đó cũng là nơi tổ chức tiêu thụ, chế biến nông sản… và đây là đối tượng rất cần hỗ trợ phát triển, nhằm đẩy mạnh khởi nghiệp ở nông nghiệp nông thôn.
- Một số chính sách cụ thể:
Theo dự thảo chính sách này thì 4 huyện núi cao rất ít sản phẩm có thể tiếp cận, chỉ có một số ít như: trồng cây gỗ lớn, bản địa, cây Chè Shan, cá lòng hồ... Tuy nhiên đây là các huyện 30a, tỷ lệ hộ nghèo cao, rất khó tiếp cận vì không phải nằm ở vùng lòng hồ, vùng có thể trồng chè! Nói cách khác sự tiếp cận chính sách của 4 huyện này ít hơn, khó hơn các huyện còn lại! Do vậy tôi đề nghị bổ sung đối tượng đặc sản để dễ hơn cho các huyện trong việc tiếp cần chính sách mà cũng phù hợp với đặc tính đa dạng thổ nhưỡng, khí hậu, năng lực của dân (việc chọn đối tượng do các huyện đề xuất hàng năm, ví dụ cây Trà Hoa vàng, Sâm Bảy lá một hoa, Sâm Dây, Khoai sọ, Gừng, Lúa Japonica, Táo Mèo, Xoài Tương Dương, Lợn đen, Gà đen, Bò Mông, Vịt bầu Quỳ Châu, Ngựa Bạch,…)
+ Cây Chè: Chỉ nên tiếp tục hỗ trợ phát triển ở vùng núi cao, vùng tái định cư Thủy điện Bản Vẽ (tôi đề nghị không chỉ Thủy điện Bản Vẽ mà tất cả các khu tái định cư có thể trồng chè: ví dụ các khu tái định cư của Thủy điện Hủa Na cũng rất hợp, tại sao không có?). Các địa phương còn lại chỉ hỗ trợ trồng nhằm phục hồi diện tích hàng năm huỷ do hết tuổi khai thác hay bị cháy do hạn hán, mà không nên hỗ trợ phát triển mở rộng nữa.
+ Cây ăn quả:
Cây Cam không nên phát triển thêm diện tích, mà chỉ nên hỗ trợ để tái canh nhằm thay thế diện tích huỷ do bệnh, già (sau thời gian luân canh bắt buộc) hoặc đối tượng giống mới có tác dụng rải vụ (nếu có).
Cây Chanh nên nói rõ là giống Chanh không hạt vì Chanh bản địa khó làm nguyên liệu chế biến công nghiệp, không thể xuất khẩu nguyên quả, nên không phát triển nữa.
Đề nghị bổ sung và tiếp tục hỗ trợ để phát triển cây Chanh leo. Việc lý giải cây Chanh leo giá xuống, bệnh nhiều là không hợp lý. Đồng thời, không khống chế chỉ hỗ trợ Chanh leo trong vùng quy hoạch mà nên nói rõ ở huyện nào (các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn, Kỳ Sơn đều trồng được). Trong khi đó, Nghệ An đã có sẵn nhà máy đang hoạt động mà thiếu nguyên liệu và trong định hướng chế biến xuất khẩu của tỉnh có cây Chanh leo là đối tượng chính.
Đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển cây Bơ, đối tượng đã được khảo nghiệm và phát triển rất tốt ở Phủ Quỳ và cũng được định hướng phục vụ chế biến xuất khẩu.
Vì cây ăn quả sau khi trồng 4 năm mới có thu hoạch nên cần nói rõ điều kiện chất lượng giống (cơ sở sản xuất phải có vườn cây đầu dòng, sạch bệnh và đủ điều kiện).
- Về cải tiến giống trâu, bò : đề nghị dừng việc du nhập trâu bò đực nhằm cải tiến giống theo phương pháp phối trực tiếp vì hiệu quả thấp, nên thực hiện theo phương pháp thụ tinh nhân tạo.
- Về trồng cây gỗ lớn, cây bản địa: đề nghị bổ sung: cây Gáo vàng, đối tượng lớn nhanh, giá trị gỗ cao, đã được Sở Khoa học và công nghệ phối hợp với một số huyện thử nghiệm, phát triển tốt; cây Tre mét, Luồng, Lùng… ở các huyện vùng cao, đây là đối tượng bản địa giá trị cao, phù hợp đối tượng người nghèo.
- Hỗ trợ phát triển thuỷ sản: Đối với nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ mới, mỗi năm chỉ dành 3 mô hình, kinh phí thấp, nên chuyển sang mô hình khuyến nông thì hợp lý và an toàn hơn.
Việc hỗ trợ máy sản xuất nước ngọt từ nước biển, đề nghị cần triển khai mô hình khuyến nông/hoặc khoa học trước để đánh giá vận hành và tính hiệu quả rồi mới mở rộng vì hiện nay trên địa bàn Nghệ An chưa được đánh giá.
- Về hỗ trợ chế biến, bảo quản, tiêu thụ:
+ Bỏ quy định không hỗ trợ các sản phẩm OCOP, vì đã có nguyên tắc không trùng lắp.
+ Việc hỗ trợ tiền thuê gian hàng bán nông lâm thuỷ sản tại Nghệ An cho các đối tượng là không hợp lý, khó thực hiện, vì nếu có thì chỉ có các đại lý, vậy có hỗ trợ không?
+ Hỗ trợ các hộ thành viên HTX có sản phẩm đủ tiêu chuẩn thu mua chế biến xuất khẩu 1000đ/kg là không cần thiết, ảnh hưởng chính sách giá của đơn vị xuất khẩu mà cũng vi phạm cam kết WTO. Hơn nữa các HTX này đã được hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, truy xuất nguồn gốc.
Tương tự, việc hỗ trợ tiêu thụ theo hợp đồng bằng tiền 5% giá trị doanh thu tiêu thụ ở siêu thị hay chuỗi phân phối vô hình dung tạo cơ hội cho hạ giá sản phẩm, không đúng với quy luật thị trường.
Tôi đề nghị, thay vì các chính sách trên, nên hỗ trợ cho các doanh nghiệp (dưới 5 năm), HTX, hộ gia đình, cá nhân nếu có sản phẩm nông lâm thuỷ sản đạt chuẩn cung cấp theo hợp đồng cho siêu thị, sàn thương mại điện tử,… thì được hỗ trợ 50% chi phí ban đầu và hàng năm cho một mã hàng. Đồng thời hỗ trợ 50% chi phí bao bì nhãn mác trong 3 năm đầu tiên (cùng với hỗ trợ thiết bị sơ chế, bảo quản, chế biến ở trên).
- Về chính sách tập trung ruộng đất: nên chuyển chính sách hỗ trợ tiền thuê quyền sử dụng đất thì nên hỗ trợ kinh phí 75 triệu/ha để bình chuẩn đất và cải tạo hệ thống thuỷ lợi.
Ngoài ra rất mong cơ quan chủ trì rà soát thật kỹ để các thủ tục thanh toán đơn giản nhất có thể (ví dụ: khi hỗ trợ chứng chỉ Việt Gap thì các HTX chỉ cần nộp chứng chỉ photo có công chứng, kèm giấy đề nghị thanh toán).
Trên đây là một số ý kiến mong góp một phần để hoàn thiện chính sách thiết thực và hiệu quả hơn./.
Trần Quốc Thành