tit1-1.jpg

Trong quan hệ họ hàng thầy gọi cha tôi bằng chú, còn tôi thì gọi thầy là anh. Thời Pháp, Thầy với cha tôi rất thân thiết với nhau, cùng học ban tú tài ở Huế rồi năm 1945. Tổng Khởi nghĩa, hai người cùng rủ nhau rời Huế về quê và tham gia hoạt động cách mạng ở quê (Chuyện này thầy có kể lại cho nhà báo trên báo Lao động.)

Hồi Đại học, tôi học Ngôn ngữ khóa 21, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm thứ tư đại học, khi chọn đề tài khóa luận, mọi người trong lớp đã chọn hết còn tôi và anh Hội (Bộ đội về học) chưa chọn, lúc đó chỉ còn lại đề tài của thầy Cẩn, liên quan đến Lịch sử ngữ pháp tiếng Việt, là đề tài khó nên nhiều người sợ. Tôi thì nghĩ, mình là họ hàng, chắc là sẽ được thầy bảo ban, có gì thì thầy nâng đỡ chút xíu.

zyl_vinh-biet-mot-dai-thu-cua-nen-ngu-hoc-nuoc-nha-giao-su-nguyen-tai-can.jpg
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn

Buổi đầu tiên đến gặp thầy để nhận sự hướng dẫn chuyên môn, tôi và anh Hội cùng đến. Việc đầu tiên là thầy lấy ra quyển vở, thầy nói là để lập Hồ sơ, về tôi thầy nói không cần hỏi vì biết rồi, còn anh Hội thì thầy ghi tên tuổi, quê quán, kiểu như trích ngang. Sau đó thầy nói, bây giờ tôi kiểm tra ngoại ngữ. Thầy đưa cho anh Hội một quyển tiếng Anh chữ nhỏ, cũ, thầy mở ra và chỉ vào một trang, bảo dịch ra tiếng Việt. Anh Hội bắt đầu run và ấp úng nói "Em không hiểu". Thầy nói to: "Học đại học học tiếng Anh mà không đọc được tài liệu tiếng Anh là không được". Đến tôi, thầy cũng chỉ một trang, tôi dịch được đúng câu đầu tiên, rồi ấp úng, gì mà tôi vẫn còn nhớ là proto Vietmuong… (tiền Việt Mường) rồi cũng tịt luôn. Thầy bắt đầu mắng rất to: “Học hành thế này đây à?” Tôi nói: “Bọn em chỉ dịch những bài đơn giản hơn ạ chứ trong lớp cũng không ai đọc được kiểu như thế này ạ”. Thầy bảo: “Được rồi, để mai tôi vào tôi hỏi thầy Giáp”. (Thầy Nguyễn Thiện Giáp, Chủ nhiệm lớp chúng tôi hồi đó).

untitled4.jpg

Sau đó thầy viết vào vở Hồ sơ: Nguyễn Thiện Nam, ngoại ngữ, tiếng Anh: KÉM. Anh Hội cũng như thế. Thầy nói: "Tôi tưởng để hai anh đọc tài liệu tiếng Anh tham khảo thêm nhưng thế này là chịu." Trông thầy rất giận. Tôi bắt đầu ân hận, không ngờ thầy nghiêm khắc như thế, lại nghĩ biết thế này thì chọn thầy khác với đề tài dễ hơn. Nhưng đã muộn rồi. Thầy bắt đầu hướng dẫn cho anh Hội trước, bảo về phải làm gì, làm gì. Sau đó đến tôi. Cả hai anh em đều làm về ngữ pháp lịch sử. Anh Hội chọn đề tài về Động ngữ trong tiếng Việt đầu thế kỷ XIX qua “Sách sổ sang chép các việc” của Philip Phê Bỉnh, còn tôi thì chọn đề tài về Danh ngữ, cũng qua cuốn “Sách sổ sang chép các việc” của Philip Phê Bỉnh.

Thầy chỉ những việc cần làm, tức là đọc kỹ tài liệu rồi thống kê, rồi xem có cái gì giống khác với danh ngữ hiện nay, viết khoảng 10 trang, hẹn sau 2 tuần đem đến cho thầy. Sau đó tôi về tràn ngập một cảm giác sợ hãi. Không ngờ buổi đầu bị quát một trận kinh hoàng như thế. Tôi bò ra đọc, thống kê và ghi lại nhận xét của mình. Tôi cũng đọc những khóa luận của những người lớp trên để học tập. Sau hai tuần, tôi mang 11 trang đến gặp thầy. Thầy ngồi ở ghế như là phản nhỏ dài ở hành lang đọc rất kỹ, còn tôi thì …run, lòng đầy lo sợ, sợ lại bị ăn mắng nữa. Sau khi đọc xong, thầy nhìn tôi, đầu hơi cúi xuống, mắt nhướng lên, để không nhìn qua kính cho rõ và nói nhấn mạnh: “Rất tốt, rất tốt!”. Và thầy cười: “Đúng là con nhà”. Tôi như trút được gánh nặng đeo bám về việc có thể bị ăn mắng. Nhờ cơn giận hôm trước của thầy mà tôi từ một sinh viên ở mức chăm chỉ bình thường đã trở thànhmột người chăm chỉ đến không ngờ và điều này còn tiếp tục mãi về sau. Hôm đó, thầy bảo tôi những việc cần làm tiếp theo và từ 11 trang này viết thành 25 trang. Lần sau đến, thầy xem xong lại bảo viết thành 40 trang. Học kỳ 2 năm thứ tư, không phải đi học nhiều mà chủ yếu làm khoá luận nên tôi về ở nhà o tôi ở Nguyễn Gia Thiều để tập trung và được ăn uống đầy đủ hơn. Trong đợt đó có hôm Thầy bảo: "Ung cứ ở nhà bựa sau mình qua, không phải đi bộ nựa". Thế là theo hẹn, một cuối chiều thầy đạp xe qua nhà o tôi và thầy ngồi ngay gốc nhãn cạnh cổng để giảng giải cho tôi. Đúng lúc đó o tôi đi làm về. o nói: "Để mời anh vô trong nhà uống nước". Thầy nói: 'Tui ngồi đây bày cho thằng ni chút rồi tui sang nhà chú Hiền, o ạ."

Sau đó thì thầy bảo chữa một số chỗ và thầy nói: “Dừ ung có thể về quê với mẹ, rồi tranh thủ thống kê trong một quyển hồi ký hiện đại để lấy cứ liệu so sánh danh ngữ trong quyển đó với quyển Sách sổ sang chép các việc của thế kỷ xix cho thêm thuyết phục”. Tôi chọn cuốn hồi ký “Bên sông đón súng” của Trần Độ và đã về quê vài tuần làm việc đó rồi ra hoàn thành nốt Khóa luận. Hôm bảo vệ, Thầy nói: "Những gì anh Nam làm đây là của anh ấy tự làm, vì thời gian tôi chủ yếu dành cho anh Hội."

bthhu.jpg
Bức thư của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn viết năm 1981 có liên quan đến dự định hướng dẫn luận án cho tác giả bài báo.

Sau khi bảo vệ xong, Thầy bảo “Dừ ung viết lại thành một bài báo, ghép với phần mà ung ưng ý trong bài của cô Trần Thị Mỹ ở TP HCM viết năm trước nhưng chưa dùng được”. Sau đó tôi đã hoàn thành bài báo và được thầy gửi đăng ở tạp chí Ngôn ngữ số 1 năm 1981, đồng tác giả với chị Trần Thị Mỹ. Trong số tạp chí đó có bài của nhà thơ Xuân Diệu, có bài của GS. Hoàng Tuệ, cũng có bài của thầy Nguyễn Tài Cẩn và một vài nhà Ngôn ngữ học nổi tiếng khác... Thật là quá vinh dự với một sinh viên vừa tốt nghiệp, 21 tuổi.

Dạo đó, tôi đã về Khoa Tiếng Việt và một tối, tôi vào Mễ Trì chơi với mấy bạn nam ở lớp Ngữ khoá 22 và ngủ lại đó. Tôi vẫn nhớ khi tôi khoe vừa có bài đăng tạp chí Ngôn ngữ thì bạn Nguyễn Thế Kỷ đang nằm tầng 2 bên trái cạnh cửa ra vào nhoài người ra chúi đầu xuống nói: "Anh Nam, nếu mà anh được in ở tạp chí Ngôn ngữ thì em bái phục". Về bài báo này, còn có một chuyện vui vui: phần của tôi là 8 trang rưỡi, phần của chị Mỹ là 1 trang rưỡi. Tuy nhiên thầy để tên chị Mỹ trước. Tôi hơi ấm ức chút vì bài đó coi như công của tôi nhiều. Tôi kể chuyện này với chị Hồng vợ anh Hiền (PGT. TS Sinh học Nguyễn Như Hiền) là anh trong họ nhà tôi ở phố Trần Bình Trọng. Một hôm Thầy Cẩn qua đó chơi, chị Hồng nói: “Anh Cẩn, thằng Nam nói hắn viết gần hết bài mà anh để tên hắn sau tên cô miền Nam.” Thầy Cẩn nói: “ À, mình cụng quên mất, nhưng mà để thế để rèn cho hắn cái tính khiêm tốn”, Chị dâu họ tôi kể lại. Giờ thầy Cẩn cũng như anh chị đều đi xa đã lâu mà kỷ niệm thì vẫn còn vọng mãi.

tit-2.jpg

img_20210522_222256-copy.jpgVào năm 1998, tôi in cuốn "Tiếng Việt nâng cao cho người nước ngoài". Lúc đó chưa có cuốn "Tiếng Việt nâng cao" nào xuất bản ở VN cả. Nhu cầu rất cao vì vậy tôi quyết định chỉnh sửa , cập nhật bản thảo đã có thời tôi dạy ở Căm pu chia và xuất bản. Dịp đó thầy Cẩn ở Hà Nội nên tôi muốn nhờ thầy viết lời giới thiệu giúp. Nếu thầy viết cho mấy dòng thì cũng "oách".

Tôi trình bày ý muốn và thầy xem qua bản thảo đã biên tập, đặt cho tôi mấy câu hỏi: "Ung nói đây là “Tiếng Việt nâng cao, vậy thì Tiếng Việt cơ sở của cuốn ni là cuốn mô? Rồi sau cuốn ni ung viết những cấy chi?" Tôi về lấy cuốn "Tiếng Việt cơ sở" đã xuất bản của Vũ Văn Thi đưa cho thầy cùng với đề cương của cuốn tiếp theo. Sau đó tôi về, chừng ba ngày sau thầy nhắn tôi lên và giải thích về những nội dung trao đổi và bản thảo của lời giới thiệu.

6-copy.jpg
Bản thảo lời giới thiệu của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cho cuốn Tiếng Việt nâng cao cho người nước ngoài.

Tôi cảm thấy ân hận vì đã nhờ thầy, tức là phiền thầy quá. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ thầy xem nắm qua tinh thần cuốn sách của tôi rồi viết cho đôi dòng cổ vũ. Nhưng không ngờ thầy lại đọc nát cả hai cuốn. Rồi ghi chép lại toàn bộ mục lục của cuốn "Tiếng Việt cơ sở" cũng như mục lục cuốn "Tiếng Việt nâng cao" của tôi. Rồi vẽ đủ hình tam giác, ô vuông, tròn, mũi tên... này nọ lên 3-4 trang giấy khác. Tôi vừa kính phục thầy vừa cảm thấy ngại ngùng vì không ngờ đã làm thầy vất vả, mất công quá. Nhưng một lần nữa, tôi lại thấy được sự nghiêm túc ghê gớm trong khoa học của thầy, dù chỉ là viết lời giới thiệu cho một cuốn sách của học trò.

Tôi vẫn còn lưu được những di bút ấy của thầy.

ipiccy_image.jpg
Nội dung chính của 2 cuốn sách tiếng Việt: cơ bản và nâng cao

tit-3.jpg

Từ năm 1982 đến 1990, tôi hầu như đều dạy tiếng Việt ở Căm pu chia, trừ năm 1986 về dạy tại Hà Nội. Sau khi từ Căm pu chia trở về hẳn thì tôi đã 30 tuổi, lúc đó tôi có vài cơ hội du học, nếu đi Mỹ thì ngắn hạn, 6 tháng, nếu đi Nhật thì 18 tháng. Tôi đều đã làm hồ sơ, xin thư giới thiệu và cuối cùng tôi đã chọn đi Nhật. Sau khi ở Nhật về thì tôi thi nghiên cứu sinh cùng với một số đồng nghiệp. Lúc chọn đề tài và phân công giáo sư hướng dẫn, thầy phụ trách công việc này ở Khoa Ngôn ngữ học nói với tôi, thầy Cẩn tuy đã về hưu nhưng nếu anh nhờ được Thầy hướng dẫn là tốt nhất. Nếu thầy đồng ý, Khoa sẽ mời thầy. Sau đó tôi đến nhà thầy ở Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, căn hộ mà Nhà nước phân cho thầy. Sau khi nghe tôi trình bày nguyện vọng, đề tài, và gợi ý của các thầy ở Khoa Ngôn ngữ học thì thầy nhìn tôi một lúc, rồi bất ngờ thầy kêu lên: “Mình chán ung lắm rồi. Khoa học chi mà khi nghe nói có cơ hội đi Mỹ cụng mần hồ sơ đi Mỹ, nghe nói đi Nhật lại mần hồ sơ đi Nhật. Rứa thì Khoa học chi? Mình hỏi ung? Dừ lại mần nghiên cứu lỗi của sinh viên nước ngoài.

Tiến sĩ là phải có lý luận. Chứ làm kiểu như báo cáo kinh nghiệm thì không phải là Tiến sĩ. Mình sợ ung mần cấy ni thì chỉ là kiểu kinh nghiệm chủ nghĩa. Mình muốn ung tiếp tục làm về lịch sử. Kiểu như là lịch sử từ vựng tiếng Khmer, vì ung biết tiếng Khmer.” Nghe thầy nói thế, tôi hoảng quá. Vì tôi biết, làm đề tài đó thì sẽ vất vả lắm, và quan trọng là tôi lại đang dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Tôi vừa dạy trong Khoa vừa dạy cho các công ty nước ngoài. Việc dạy cho các công ty nước ngoài có thể giúp tôi kiếm sống. Tôi vội giải thích vì sao tôi chọn đề tài này. Tôi nói là em đã chọn nghề dạy tiếng Việt cho người nước ngoài làm nghề chính nên muốn nghiên cứu về lĩnh vực này, mà ở Việt Nam thì chưa có ai nghiên cứu cả, thứ nữa là hiện em phải dạy tiếng Việt kiếm tiền nuôi vợ con. Vợ em hiện ở nhà nội trợ, chăm con. Em định khi dạy thì em thu thập thêm tư liệu ngoài tư liệu mà em đã thu thập từ 15 năm nay, từ hồi ở Căm pu chia và ở Nhật rồi. (Có một sự thực là khi tôi lấy vợ thì thầy là người thể hiện sự đồng tình mạnh mẽ nhất khi thầy biết vợ tôi là con một học trò cũ của thầy thời mà thầy còn dạy ở quê những năm 40 thế kỷ trước. Thầy từng nói cha vợ tôi, ông Nguyễn Cao Dần là một người cực kì hiền lành tử tế.)

11-copy11.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn

Sau khi nghe tôi nói thế thì thầy gật gật đầu và nói: “Ầy thì ung nói rứa cụng phải. Cụng phải nuôi vợ con, làm được sát nghề. Nhưng mà phải có lý luận. Chuyện ni ở Việt Nam chưa có ai làm. May ra có ông Hạo (thầy Cao Xuân Hạo) nhưng mà cụng không phải là quan tâm của ông ấy. Thôi thì làm cái gì thì làm nhưng mà phải có lý luận chứ không là như một bản báo cáo kinh nghiệm giảng dạy.” Thấy thầy đã dịu giọng, tôi vội xin phép về. Dọc đường tôi có cảm giác thật hoang mang. Tuy nhiên câu thầy nói, làm đề tài gì cũng phải có lý luận soi đường làm cho tôi tỉnh ra. Khi về nhà tôi đã viết ngay thư cho một số học trò cũ ở nước ngoài nhờ tìm cho tôi một số tài liệu liên quan đề tài lý luận dạy tiếng, phân tích về lỗi. Sau đó thì Khoa Ngôn ngữ đã phân công người hướng dẫn luận án cho tôi là thầy Hoàng Trọng Phiến, thầy giáo đại học của tôi và là người đã nhận tôi về Khoa Tiếng Việt khi thầy làm Chủ nhiệm Khoa. Rồi tình cờ một lần tôi nói chuyện với thầy Hà Xuân Vinh, từng là Phó Chủ nhiệm khoa tôi, người đã đến Thụy Điển dạy tiếng Việt vào cuối nhưng năm 70 thì thầy bảo là thầy có cuốn “Introducing Applied Linguistics” (Dẫn luận Ngôn ngữ học ứng dụng) của S. Pit Corder, có nhắc đến lỗi của người học ngoại ngữ. Thế là thầy cho tôi mượn phô tô để dùng. S. Pit Corder là một nhà ngôn ngữ học ứng dụng hàng đầu thế giới. Tôi từng đọc được lời cám ơn ông ở cuốn sách dạy tiếng Anh của thầy Nguyễn Quốc Hùng (chuyên gia dạy tiếng Anh) khi thầy Hùng từng được theo học ông. Vớ được cuốn Dẫn luận Ngôn ngữ học ứng dụng này, tôi như kẻ sắp chết đuối vớ được cọc. Cuốn sách dày 400 trang cỡ chữ 12 đề cập tới hầu hết những lĩnh vực quan trọng của ngôn ngữ học ứng dụng nhưng liên quan chủ yếu đến lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ, gồm hẳn một chương nghiên cứu về lỗi và phân tích lỗi (error and error analysis). Quyển sách này như một cẩm nang lý thuyết về lĩnh vực tôi đang bắt đầu nghiên cứu. Cuốn sách này đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thầy Cẩn về mặt lý luận. Tôi đã nghiền ngẫm cuốn sách này hơn một năm, và nắm vững được lý thuyết phân tích lỗi cùng ma trận phân tích lỗi mà S. Pit Corder đưa ra để từ đó ứng dụng vào việc giải quyết vấn đề Lỗi ngữ pháp tiếng Việt của người nước ngoài. Sau đó tôi cũng nhận được một số tài liệu do học trò ở nước ngoài gửi cho. Và từ cuốn sách của S. Pit Corder cũng như những tài liệu khác, tôi cũng đã dần tìm được hàng chục thậm chí đến nay là hàng trăm cuốn sách nghiên cứu về phương pháp giảng dạy ngoại ngữ.

gs-ntcan-stankevich_20220222174659.jpg
GS. Nguyễn Tài Cẩn và GS. Nonna Stankevich tại ĐH Cornell (Hoa Kì), tháng 11.1993

Khi luận án hoàn thành, tôi chuẩn bị có buổi bảo vệ cấp cơ sở. Nhân thầy Cẩn đang ở Hà Nội, tôi mời thầy Cẩn đến dự để báo cáo là tôi đã hoàn thành luận án. GS. Đỗ Hữu Châu là phản biện 1. Thầy Châu cực kì phấn khích khi đọc luận án của tôi và thầy đã viết hơn 8 trang phản biện, phân tích chi tiết về luận án. Tại buổi bảo vệ cơ sở, và sau ở buổi chính thức cũng chỉ có những lời khen mà không thấy ai nêu bất cứ khuyết điểm nào cả. Thậm chí, GS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam bây giờ, hồi đó là thư kí Hội đồng có nói một câu; “Đối với tôi 10 năm nay chỉ có 2 luận án xuất sắc nhất, đó là luận án của anh Lê Đông, và bây giờ là luận án của anh Nam. Tôi nói thật anh Nam viết cái gì cũng rốt ráo. Tôi chỉ biết nói một từ là: kính phục”. Sau khi anh Hiệp nói thì thầy Cẩn đứng lên ngay và hỏi một số câu như sau: “Tác giả nêu khái niệm ngôn ngữ đích, ngôn ngữ nguồn mà không nói đích là gì, nguồn là gì? Tôi không hiểu. Một số kết luận về lỗi tôi thấy khó tin”. v.v nghĩa là thầy Cẩn chỉ chê. Khi thầy Cẩn nói xong thì thầy Châu cầm quyển luận án đã được thầy gấp từng trang như cánh quạt xòe ra, chỉ rõ là tôi đã giải thích như thế nào, ở trang nào, đã thống kê ra sao… để minh chứng là tôi đã có lý. Bản thầy Cẩn đọc là bản đề cương khi trình bày để làm luận án nên chưa thể như luận án. Sau đó thầy Cẩn bảo người cháu chở về nhà cô em họ của thầy Cẩn mà thầy coi như em gái là cô Di, người gọi tôi bằng chú ở Họ nhà tôi. Tối hôm đó, thầy Cẩn gọi điện cho tôi và nói: “Thế nào? Chiều nay anh nói rứa có được không?” Tôi trả lời: “Dạ thì cụng được nhưng mà em thấy anh nói hơi quá. Em có phân tích đầy đủ trong luận án. Anh dạy hình vị thì anh cụng không nói “hình” là chi, “vị” là chi ạ”. Tôi bỗng nghe thầy im lặng rồi thầy quát lên trong điện thoại: “Nầy, anh cức lắm rồi đồ nha (anh tức lắm rồi đấy nhé). Em như rứa là không xứng đáng với bác Kỷ, không xứng đáng với Cha” (Bác Kỷ là anh ruột cha tôi, là một trong những người lãnh đạo phong trào Xô Viết ở Thanh Chương, Nghệ An những năm 1930-1931, cũng là người giới thiệu thầy Cẩn vào Đảng khi thầy Cẩn hoạt động ở quê những năm kháng chiến chống Pháp. Còn cha tôi là bậc chú của thầy Cẩn nhưng 2 chú cháu lại rất thân thiết với nhau như đã kể ở trên. Tôi bị bất ngờ quá, vừa cất lên: nhưng mà, nhưng mà thì thầy đã nói rất to: “Thôi, thôi, thôi. Xin kính chào Tiến sị Nguyện Thiện Nam” rồi cúp máy. Có lẽ tôi chưa bao giờ “hoảng” và nghe thầy quát to như vậy. Tôi ngồi bần thần, tự hỏi: Tại sao nhỉ? Sao thầy lại quá nghiêm khắc với mình như thế nhỉ? Thật tình tôi không biết nên làm thế nào vì chưa bao giờ bị “rơi” vào tình huống bất ngờ như thế. Bỗng có điện thoại, tôi nhấc máy, thì vẫn là thầy, thầy dịu hẳn giọng và nói: “Khi nại anh nóng quá, anh xin lội, anh xin lội. Anh hại ung sinh kiêu căng. Nhưng bựa ni là ngày vui của ung. Anh chúc mừng nha”. Tôi chỉ biết nói: Dạ, rồi trào nước mắt. Sau tôi nghe thầy Vũ Đức Nghiệu kể, cụ Cẩn có hôm nói mình có thằng em, hắn mà không mải kiếm tiền thì giỏi lắm rồi, nhưng mà cái thằng ni thì “mau nước mắt”. Sau đó tôi cũng nghe o Di kể lại: “Bựa nớ anh Cẩn về đây kể với bầy tui là gừi chạ, họ khen thằng Nam kinh quá. Lên mây, lên mây. Mình phị tìm cách hạ bớt chứ không thì hấn sinh kiêu ngạo tưởng mình giỏi lắm thì dở, đạ ăn thua chi”. Ôi lúc nào thầy cũng lo cho trò mình, em mình như thế. Tôi đã hiểu, thầy nghiêm khắc với tôi chỉ vì thầy muốn tôi “nên người”.

image001.jpg
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn nói chuyện tại quê nhà (Nghệ An) đầu năm 2009

Có lẽ trong đời tôi, đây là kỷ niệm hiếm có nhất, bất ngờ nhất, sửng sốt nhất và cảm động nhất trong nhiều kỷ niệm với thầy, một giáo sư đầu ngành, người đưa ngôn ngữ học vào Việt Nam nhưng lại là người họ hàng thân thiết với cha mẹ và đại gia đình tôi.

Tuần trước, tôi về quê và và cùng một người cháu ghé thắp hương trước mộ thầy, xin phép thầy được kể lại một vài kỷ niệm về thầy trên một tờ báo quê nhà. Thầy là một nhà khoa học, nhà giáo tài ba, làm rạng danh quê hương, đất nước nhưng vô cùng giản dị, khiêm tốn. Đám tang của thầy ở quê tôi, là một đám tang vô tiền khoáng hậu. Dòng người đưa tiễn dài cả cây số. Đám tang có vòng hoa viếng mang dòng chữ: “Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam - Nguyễn Phú Trọng kính viếng Thầy”.

Viết lại trước Tết Quý Mão, 2023

GS.Nguyễn Tài Cẩn là chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ học ở Việt Nam. Ông cũng có những đóng góp lớn trong lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm. Ông là người đã “đưa ngôn ngữ học vào Việt Nam” (lời của PGS Cao Xuân Hạo). Ông được phong học hàm giáo sư đợt 1 năm 1980, được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học – Công nghệ năm 2000, và được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2008.

Tóm tắt tiểu sử GS Nguyễn Tài Cẩn:

GS Nguyễn Tài Cẩn sinh ngày 2 tháng 5 năm 1926 tại làng Thượng Thọ, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Thời nhỏ ông học ở Trường Trung học Thuận Hóa của ông Tôn Quang Phiệt. Sau đó ông học Quốc học Huế. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia các hoạt động cách mạng và dạy học tại quê nhà. Ông vào Đảng năm 1949. Năm 1952, ông là trợ lý đại học lớp đầu tiên tại Liên khu 4, năm 1953-1954 là Trưởng phòng chuyên môn của Khu Giáo dục Liên khu 4. Từ năm 1955-1960, ông được Bộ Giáo dục Việt Nam cử sang Liên Xô làm chuyên gia dạy tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Leningrad). Năm 1960 ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ngữ văn tại Liên Xô với đề tài “Từ loại Danh từ trong tiếng Việt”. Từ năm 1961 đến năm 1971, ông làm Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, ông được phong học hàm Giáo sư. Ông được mời giảng dạy tại Đại học Paris 7 (Pháp) và được mời đến Đại học Cornell (Hoa Kỳ) với tư cách là học giả cộng tác nghiên cứu, trao đổi khoa học.

nguyen-tai-can-photo-by-bui-tuan-13.jpg
Tọa đàm khoa học : Tưởng nhớ GS TS NGND Nguyễn Tài Cẩn.

Năm 2000, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm 3 công trình Ngữ pháp và Lịch sử tiếng Việt:

  • Ngữ pháp tiếng Việt - tiếng, từ ghép, đoản ngữ
  • Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt
  • Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán-Việt

Năm 2008, ông được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Ông mất ngày 25 tháng 02 năm 2011 tại Moskva (Liên bang Nga), hưởng thọ 85 tuổi. Thi hài ông được hỏa táng và chuyển về Việt Nam làm lễ an táng tại nghĩa trang quê nhà Rú Hao, Đại Đồng, Thanh Chương, Nghệ An.