Nỗ lực hoàn thành bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông, giai đoạn 2017 – 2020, có tổng chiều dài tuyến 654 km, với 11 dự án thành phần. Đây là dự án trọng điểm quốc gia theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội. Trong đó, đoạn qua địa bàn Nghệ An có 2 dự án thành phần, gồm đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt; chiều dài qua địa bàn tỉnh khoảng 87,84 km, qua 6 địa phương: thị xã Hoàng Mai và 5 huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 đến năm 2024.
Triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An, trách nhiệm của tỉnh là tập trung giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, đây là dự án có tổng diện tích cần giải phóng và kinh phí bồi thường lớn (hơn 754 ha và tổng kinh phí khoảng hơn 2.760 tỷ đồng); thực hiện 31 điểm tái định cư; một số hạ tầng phải di dời như hệ thống điện, viễn thông, nghĩa trang, mồ mả…, đặt ra nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; trong khi đó yêu cầu gấp rút về tiến độ thời gian. Song, nhận thức rõ tầm quan trọng của dự án, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung, ưu tiên thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng của dự án.
Đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đi qua địa bàn Nghệ An đã thực hiện xong 100% diện tích với tổng 87,84 km, trừ một số vị trí cục bộ về đường gom dân sinh, cống thuỷ lợi đang triển khai thực hiện. Nghệ An cũng đã hoàn thành xây dựng hạ tầng 27 khu tái định cư (không tính 3 khu dân cư xen dắm) và giao đất cho hàng trăm hộ dân vào ở ổn định cuộc sống. Hai dự án thành phần qua địa bàn tỉnh hiện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; còn đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, dự kiến thông xe trong năm 2024 này.
Kiến nghị giải quyết bất cập, hạn chế
Mặc dù công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đã hoàn thành; song quá trình triển khai đã phát sinh một số bất cập, khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn mà thông qua hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng của quốc gia trên địa bàn tỉnh vừa qua; một số ngành, địa phương đã kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh cần tháo gỡ.
Bên cạnh khó khăn trong xác định nguồn gốc và chủ sử dụng đất đối với một số trường hợp do công tác quản lý đất đai trước đây hạn chế; ông Lê Mạnh Hiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Hiện địa bàn huyện đang có một số thửa đất nông nghiệp bị thu hồi một phần, phần còn lại có diện tích dưới 150 m2 được phép thu hồi, nhưng chưa thực hiện được. Bởi để đánh giá diện tích còn lại không đủ điều kiện về giao thông, thuỷ lợi hiện đang còn vướng mắc liên quan đến nhiều nội dung, như phạm vi giải phóng mặt bằng, nguồn vốn của chủ đầu tư, liên quan đến hình thể từng thửa đất. Vấn đề này đã được một số người dân phản ánh đến HĐND tỉnh qua đường dây “nóng”; vì vậy trong thời gian tới, đề nghị các cấp, các ngành cùng phối hợp để tháo gỡ.
Ngoài kiến nghị xử lý vướng mắc về thu hồi diện tích nông nghiệp không đủ điều kiện về giao thông, thuỷ lợi để sản xuất có diện tích nhỏ dưới 150 m2 của huyện Diễn Châu; ông Hoàng Anh Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện đề xuất Chính phủ cho phép thu hồi phần đất nông nghiệp còn lại có diện tích lớn hơn 150 m2 không đảm bảo điều kiện về giao thông đi lại và tưới tiêu để canh tác. Cụ thể, ở huyện Hưng Nguyên, có một số diện tích nằm trong hành lang và kẹp giữa hai tuyến đường Quốc lộ 1A tránh Vinh và đường bộ cao tốc Bắc – Nam tại xã Hưng Tây và xã Hưng Đạo không thể sản xuất được, người dân đề nghị thu hồi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cũng cho biết: Có một số hộ dân, diện tích đất ở sau khi đã thu hồi vẫn đủ hạn mức, nhưng nếu trừ phần hành lang an toàn giao thông mà người dân không được xây dựng thì diện tích còn lại của hộ dân nhỏ hẹp. Đối với các trường hợp này, địa phương đang lúng túng trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; bởi nếu cấp giấy mà không trừ diện tích trong chỉ giới hành lang giao thông thì không “dám” cấp và nếu cấp mà trừ phần diện tích hành lang giao thông thì diện tích còn lại khi người dân xin giấy phép xây dựng công trình nhà ở sẽ không được cấp. Đây cũng là vấn đề từ thực tiễn, đề nghị cấp có thẩm quyền có chủ trương tháo gỡ.
Một số mâu thuẫn, bất cập trong thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng được một số địa phương kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND, ngày 14/02/2022. Cụ thể, đề nghị UBND tỉnh tăng mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, từ 2 lần giá đất, lên 3 lần giá đất. Đồng thời đề nghị thay chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, thay vì chỉ hỗ trợ cho các hộ nghèo bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp mà cần quy định hỗ trợ cho tất cả các hộ nghèo bị thu hồi đất. Bởi vì, trên thực tế diễn ra, nhiều trường hợp khi thu hồi đất của cùng 1 dự án, trong cùng 1 địa bàn xã, có hộ nghèo bị thu hồi đất tỷ lệ 30% thì được hỗ trợ 7.000.000đ/khẩu, trong khi đó có hộ bị thu hồi 29,9% thì không được hỗ trợ, điều này gây tâm lý so sánh giữa các hộ có cùng mức sống thuộc diện nghèo nhưng lại không được hưởng chính sách như nhau của cùng 1 dự án.
Một số địa phương kiến nghị Trung ương cho phép triển khai nhiều dự án trọng điểm hoặc quy hoạch nhiều khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, đô thị (như huyện Diễn Châu, Nghi Lộc) được thành lập trung tâm phát triển quỹ đất để thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong công tác này, hiện nay đang do cán bộ các phòng chuyên môn kiêm nhiệm, gây khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện của các địa phương.
Cùng với một số vấn đề về thực hiện chính sách thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, quá trình triển khai đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn Nghệ An hiện đang phát sinh một số bất cập, kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu giải quyết. Cụ thể, trong hồ sơ thiết kế dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam mới chỉ bố trí cống chui dân sinh tại giao cắt các tuyến đường ngang chính, không bố trí cống chui cho một số đường ngang nhỏ, đường đi sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp của người dân; đồng thời cũng chưa bố trí đầy đủ hệ thống đường gom dẫn về các cống chui hoặc cầu vượt để các phương tiện lưu thông; chưa bố trí hệ thống chiếu sáng trên các cầu vượt, hầm chui. Mặt khác, việc thiết kế và xây dựng một số cống chui dân sinh bị đọng nước, thậm chí là ngập sâu khi mưa lớn, gây khó khăn đi lại cho người dân. Qua khảo sát trên toàn tuyến đoạn qua tỉnh Nghệ An có 14 cống bị đọng nước…
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đoạn qua Nghệ An đã hoàn thành. Tuy nhiên vẫn đang một số tồn tại, bất cập cần được các cấp, các ngành quan tâm vào cuộc giải quyết, để đảm bảo sự yên tâm, tin tưởng cho người dân khi nhường đất ở, đất sản xuất thực hiện công trình trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc – Nam, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư sau này.