Đại biểu Hội đồng nhân dân nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời nhằm giải đáp, làm rõ trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền được phân công.

bna_6461018085938_8122021.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại hội trường

Chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân là hoạt động quan trọng, nổi bật thể hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là hoạt động được cử tri, Nhân dân luôn chú ý theo dõi, thể hiện được rõ nét vai trò, vị thế, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân – cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Vậy cần làm gì để chất vấn trở thành một hoạt động giám sát của đại biểu HĐND đối với các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ? Trong bài viết này tác giả xin trao đổi một số nội dung về kỹ năng chất vấn tại kỳ họp HĐND để các đại biểu tham khảo.

Như chúng ta đã biết: Hiến pháp, luật đã quy định cụ thể, rõ ràng như vậy, song trong thực tiễn vẫn còn một số nhìn nhận chưa đúng về chất vấn và trả lời chất vấn. Đối với người chất vấn còn có đại biểu nhận thức đơn giản hoặc phiến diện về quyền chất vấn của mình. Có đại biểu chất vấn với thái độ gay gắt, thiếu thuyết phục, làm cho người trả lời chất vấn bị ức chế và không khí phiên chất vấn trở nên căng thẳng không cần thiết. Có đại biểu không sử dụng quyền chất vấn, do tâm lý nể nang, ngại va chạm. Về những người bị chất vấn, có người còn xem chất vấn nặng về mặt phê bình khuyết điểm, phê phán những hiện tượng tiêu cực, quy kết trách nhiệm, thiên lệch về một phía, bất lợi cho cơ quan và người bị chất vấn, từ đó có những ứng xử chưa đúng như trách móc đại biểu đã chất vấn, hoặc trả lời chất vấn dàn trải, thanh minh, không có giải pháp cụ thể, hữu hiệu, không cam kết thời gian cụ thể khi nào giải quyết xong...

Trong chương trình kỳ họp HĐND bao giờ cũng dành một thời gian nhất định để chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là một nội dung không thể thiếu được trong các kỳ họp của HĐND các cấp. Chất vấn và trả lời chất vấn cũng là vấn đề được đại biểu và cử tri hết sức quan tâm. Nghị trường có "nóng" hay không là ở nội dung chất vấn. Qua chất vấn, cử tri thấy được hoạt động của đại biểu, hoạt động của cơ quan dân cử, thấy được những vấn đề "nóng" trên địa bàn về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

bna_6560015148988_8122021.jpg
Đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường

Vậy khi nào cần chất vấn? Chất vấn của đại biểu thường nảy sinh khi cơ quan hoặc người bị chất vấn có những biểu hiện yếu kém, trì trệ, không thi hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND, thực hiện không triệt để các kiến nghị xác đang của đại biểu, của cử tri… Vì vậy, đại biểu sử dụng quyền chất vấn như một biện pháp để đôn đốc, giám sát về trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân bị chất vấn một cách công khai, trách nhiệm này chính là trách nhiệm chính trị của chính quyền trước cử tri và Nhân dân. Nhờ sự tác động mang tính quyền lực của HĐND để khắc phục các khuyết điểm của cơ quan hoặc người bị chất vấn. Với ý nghĩa như vậy, chất vấn không chỉ đơn giản là quyền riêng của cá nhân đại biểu, mà còn là hình thức giám sát có hiệu quả của HĐND. Đây chính là sự khác nhau cơ bản giữa chất vấn với câu hỏi thông thường.

Phiên chất vấn tại kỳ họp của HĐND thường diễn ra sau khi thảo luận tại Tổ và thảo luận tại hội trường. Để chất vấn thực sự là một công cụ giám sát hiệu quả, sắc bén, đầy tính phản biện và minh bạch, công khai, thì đại biểu HĐND cần nâng cao hơn nữa năng lực, trách nhiệm, tính tích cực của đại biểu HĐND trong hoạt động chất vấn, không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng chất vấn (kỹ năng lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn, lựa chọn ngôn ngữ đối thoại trong chất vấn... Phản ánh thông tin khi chất vấn phải ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu, nội dung chất vấn tại kỳ họp phải là những vấn đề có tính bức xúc, có tầm ảnh hưởng lớn, được đông đảo cử tri và đại biểu HĐND quan tâm…); nắm chắc vấn đề cần chất vấn đúng với các quy định của pháp luật và thực tiễn đặt ra thì mới đặt câu hỏi chất vấn; đại biểu cần nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật và các văn bản liên quan đến vấn đề chất vấn…Nắm rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết của từng ngành, từng cấp để những câu hỏi chất vấn và những kiến nghị của đại biểu sát thực, đúng địa chỉ. Tại phiên chất vấn, nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ thì cần tranh luận, truy vấn đến cùng nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề với tính xây dựng cao, tìm ra giải pháp khắc phục khả thi, hữu hiệu.

Người bị chất vấn không được ủy quyền cho ai trả lời chất vấn thay mình. Điều 96, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định các đối tượng bị chất vấn là Chủ tịch UBND, các Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND, Viện trưởng viện KSND, Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp. Nội dung trả lời phải trọng tâm, ngắn gọn, không phân tích viện dẫn các lý do dài dòng. Tiếp thu nghiêm túc, có thái độ thiện chí, cầu thị, làm rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể. Nếu hứa giải quyết vấn đề nào đó cần nêu rõ phương án, lộ trình, giải pháp cụ thể và thời gian sẽ hoàn thành để đại biểu và cử tri giám sát.

Thực tế cho thấy một số người bị chất vấn trả lời chưa trúng nội dung người hỏi, loanh quanh, viện dẫn, né tránh, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm. Việc trả lời của người bị chất vấn được đại biểu đánh giá, "cho điểm" về vai trò của người đứng đầu, người tổng chỉ huy của ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách. Cũng là thể hiện bản lĩnh của người chỉ huy trước nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Theo dõi giải quyết vấn đề sau chất vấn là rất quan trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp thu và có hướng giải quyết, đại biểu theo dõi để giám sát sau chất vấn. Định rõ thời gian giải quyết vấn đề là yêu cầu bắt buộc của người bị chất vấn. Sau thời gian đó mà vấn đề chưa được giải quyết, đại biểu phải có động thái nhắc nhở, cần thiết tổ chức giám sát. Để hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của HĐND hiệu lực, hiệu quả thiết nghĩ các đại biểu cần quan tâm nghiên cứu một số vấn đề sau:

  1. Đại biểu HĐND các cấp phải có nhận thức đúng về chất vấn, coi chất vấn là một yêu cầu trong hoạt động của người đại biểu dân cử. Chất vấn là quyền của đại biểu được pháp luật qui định. Một khi quyền đó được tận dụng tốt thì những vấn đề bức xúc, những ý kiến của cử tri sẽ được làm rõ, được giải quyết thỏa đáng.
  2. Đảm bảo trình tự, thủ tục và mục đích, yêu cầu của chất vấn: Trình tự, thủ tục chất vấn được quy định tại Điều 60 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Điều 96 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Nội dung chất vấn phải ngắn gọn, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân người bị chất vấn.
  3. Mục đích của chất vấn là làm rõ vấn đề và có hướng giải quyết, vì lợi ích chung. Không chất vấn để lấy thông tin đơn thuần, không vì mục đích cá nhân, không lợi dụng chất vấn để hạ uy tín cá nhân, tổ chức, cơ quan. Tính xây dựng trong chất vấn và trả lời chất vấn được đề cao. Nói cách khác tính văn hóa trong chất vấn và trả lời chất phải được hai bên tôn trọng. Có như vậy vấn đề mới được xem xét và giải quyết một cách thấu đáo. Hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát của cơ quan dân cử mới được đề cao. Sau chất vấn, người chất vấn và người trả lời chất vấn thấy thoải mái, tin tưởng và hiểu nhau hơn.
  4. Đối với người bị chất vấn phải coi đây là một nhiệm vụ, là trách nhiệm phải trả lời với một tinh thần, thái độ cầu thị, tiếp thu nghiêm túc. Qua nội dung chất vấn của đại biểu cũng là dịp để các đơn vị nhìn lại, rà soát lại những yếu kém, tồn tại để khắc phục. Qua trả lời chất vấn, cũng là cơ hội để đại biểu HĐND, các cấp, các ngành hiểu hơn về ngành, đơn vị, cùng chia sẻ, thông cảm, ủng hộ.
  5. Theo dõi vấn đề hậu chất vấn là rất cần thiết của người chất vấn nói riêng cũng như của đại biểu HĐND nói chung. Kết quả chất vấn nằm ở khâu cuối cùng này. Vấn đề chất vấn được UBND, các đơn vị tiếp thu như thế nào, lộ trình giải quyết phải được trả lời trước HĐND, cử tri và Nhân dân. Để lời hứa thành hiện thực, trước hết là trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, sau là trách nhiệm của người chất vấn và của Hội đồng nhân dân. Để người dân tin tưởng vào lời hứa của cán bộ, thì không thể hứa suông, lời nói không thể không đi đôi với việc làm, nếu không cử tri sẽ mất niềm tin. Cử tri rất quan tâm, theo dõi các kỳ họp HĐND, nhất là những nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Cử tri có những nhận xét xác đáng, "cho điểm" người chất vấn cũng như người trả lời chất vấn ở câu hỏi và câu trả lời, đặc biệt là vấn đề đó tiếp thu như thế nào, khắc phục, giải quyết ra sao.
  6. Một số điều cần tránh khi chất vấn: Nội dung chất vấn dựa trên những thông tin thiếu chính xác; Hỏi không đúng đối tượng; lẫn chất vấn với thảo luận, lẫn việc chung với việc riêng; hỏi thông tin đơn thuần... Vì vậy để tránh hiện tượng này, thì nội dung chất vấn phải đúng và chính xác, thông tin phải được kiểm chứng. Theo đó khi tiếp thu ý kiến của cử tri, thông tin trên báo chí, thông tin trong báo cáo... phải được tìm hiểu kỹ trước khi chất vấn. Người chất vấn phải có đủ thông tin, đủ căn cứ chứng minh nội dung chất vấn là đúng. Kết quả là người bị chất vấn chấp nhận vấn đề đó, xin tiếp thu và hứa có hướng giải quyết trong thời gian tới.

Chất vấn và trả lời chất vấn, điểm cốt lõi là nêu vấn đề còn tồn tại, yếu kém, để cùng bàn bạc, giải quyết của cơ quan, đơn vị, địa phương. Kết quả là qua chất vấn, vấn đề đó được khắc phục, giải quyết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển cũng như đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Để hoạt động này đi vào nề nếp, chất lượng và có hiệu quả, thiết nghĩ trách nhiệm trước hết là của người đại biểu nhân dân các cấp./.

Hồ Xuân Tiến

Chính trị viên, Phó BCH quân sự thị xã Hoàng Mai