Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, bổ sung sửa đổi năm 2019, tại khoản 1, Điều 19 quy định: Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh trong tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật là ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh. Theo đó, để việc thông qua nghị quyết của HĐND đảm bảo đúng quy định của pháp luật thì việc thẩm tra các dự thảo nghị quyết để trình kỳ họp đóng vai trò hết sức quan trọng.

bna-2-6303.jpg
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thẩm tra là một trong những nhiệm vụ, chủ yếu của các Ban HĐND tỉnh nhằm xem xét tính hợp pháp, khoa học, khả thi của vấn đề được đề cập trong báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh trình kỳ họp HĐND tỉnh. Kết quả thẩm tra là cơ sở phản biện quan trọng để đại biểu HĐND thảo luận và quyết nghị. Từ đó đảm bảo cho nghị quyết của HĐND ban hành hợp hiến, hợp pháp, khoa học, khả thi cao, phát huy hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân. Trong tình hình mới hiện nay, quy định của pháp luật đặt ra yêu cầu ngày càng cao, do đó việc thẩm tra nghị quyết cần nâng cao chất lượng, kể cả trong thời gian giữa hai kỳ họp, hoạt động thẩm tra những vấn đề phát sinh cũng là yêu cầu cần được chú trọng theo đúng quy định và trình tự thẩm tra, đổi mới cách thức của từng nội dung theo sát yêu cầu của đời sống xã hội và nguyện vọng của cử tri, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.

Tại khoản 2 Điều 109 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban của Hội đồng nhân dân: Thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án liên quan đến lĩnh vực phụ trách do Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân phân công. Tại khoản 3, Điều 109 quy định: Báo cáo thẩm tra cần đánh giá về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết (báo cáo, đề án..) với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nêu rõ quan điểm và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Điều 111 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2015, quy định về nhiệm vụ Thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án của Ban của Hội đồng nhân dân như sau:

(1) Để chuẩn bị cho việc thẩm tra, Ban của Hội đồng nhân dân cử thành viên tham gia nghiên cứu dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án; yêu cầu cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan cung cấp tài liệu và trình bày về vấn đề mà Ban thẩm tra; tổ chức họp lấy ý kiến của những người am hiểu về vấn đề đó; khảo sát tình hình thực tế tại địa phương về những nội dung liên quan đến dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án.

(2) Việc thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án được thực hiện theo trình tự sau đây: đại diện cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình bày; đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan phát biểu ý kiến; các thành viên của Ban thảo luận; đại diện cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án phát biểu ý kiến nếu thấy cần thiết; chủ tọa cuộc họp kết luận.

Cơ sở quy định của pháp luật liên quan đến công tác thẩm tra đó là: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, bổ sung sửa đổi năm 2020. Trong đó, thẩm tra dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh được quy định cụ thể tại Điều 124:

(1) Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải được Ban của Hội đồng nhân dân cùng cấp thẩm tra trước khi trình Hội đồng nhân dân. (2) Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, cơ quan trình dự thảo nghị quyết phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra để thẩm tra. Hồ sơ gửi thẩm tra bao gồm: Tờ trình Hội đồng nhân dân về dự thảo nghị quyết; dự thảo nghị quyết; báo cáo thẩm định và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định đối với dự thảo nghị quyết do Ủy ban nhân dân trình; ý kiến của Ủy ban nhân dân và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban nhân dân đối với dự thảo do Ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh trình; bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; tài liệu khác (nếu có); tài liệu quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 được gửi bằng bản giấy, tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử. (3) Nội dung thẩm tra tập trung vào các vấn đề sau đây: Nội dung của dự thảo nghị quyết và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật. (4) báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra về những vấn đề thuộc nội dung thẩm tra quy định tại khoản 3 và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, phương án xử lý của cơ quan chủ trì thẩm tra đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Báo cáo thẩm tra phải được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, hoạt động thẩm tra có thể xác định tập trung vào các bước cụ thể sau:

- Công tác chuẩn bị thẩm tra: Căn cứ nội dung chương trình kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh ban hành quyết định phân công nhiệm vụ chủ trì thẩm tra hoặc phối hợp thẩm tra đối với các Ban. Lãnh đạo các Ban trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và nội dung phân công xây dựng kế hoạch thẩm tra; phân công thành viên Ban nghiên cứu nội dung thẩm tra.

bna-quang-canh-anh-thanh-le-3408.jpg
Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh tổ chức họp thẩm tra các dự thảo nghị quyết để trình kỳ họp

- Tổ chức thẩm tra: Ban của HĐND tỉnh tổ chức hội nghị thẩm tra theo sự phân công của Thường trực HĐND. Nội dung thẩm tra chú trọng làm rõ mục đích, sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, đánh giá tác động, tính khả thi của các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh trình kỳ họp (có dẫn chứng từ kết quả giám sát, khảo sát thực tế, nghiên cứu tài liệu và ý kiến tham gia của thành viên).

- Báo cáo thẩm tra: đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tính phản biện cao; thể hiện rõ ý kiến của Ban về sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật; đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, phương hướng xử lý đối với những vấn đề còn chưa thống nhất.

Như vậy có thể thấy rằng quy định của pháp luật hiện hành đã nêu rất rõ vai trò trách nhiệm của các Ban Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện thẩm tra đối với các dự thảo nghị quyết do UBND trình HĐND. Vấn đề đặt ra là để có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác thẩm tra, giúp HĐND ban hành các nghị quyết đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật quy định thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan đơn vị liên quan và việc nêu cao trách nhiệm của đại biểu HĐND./.

(Còn tiếp phần 2)