Như chúng ta biết, giám sát là một trong những chức năng, quyền hạn quan trọng của các cơ quan lập pháp của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Tại Việt Nam, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện t pháp quyền XHCN, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử đã được quan tâm triển khai khá đồng bộ với sự tham gia của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, các đại biểu Quốc hội, của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu dưới nhiều hình thức như giám sát qua văn bản, giám sát qua cuộc họp, giám sát theo chuyên đề, tổ chức các phiên giải trình, chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm,… Những kết quả của hoạt động giám sát đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, đồng thời đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, đảm bảo cho hoạt động quản lý Nhà nước các cấp ngày càng được công khai, minh bạch và hiệu quả.

Như vậy nói về các hoạt động giám sát của cơ quan dân cử là một vấn đề lớn bao gồm nhiều hoạt động, nhiều lĩnh vực. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đi sâu vào hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh và với hình thức giám sát được tiến hành nhiều là giám sát theo chuyên đề. Giám sát chuyên đề là hình thức cơ quan dân cử thành lập các đoàn giám sát với sự tham gia của các ĐBQH, đại biểu HĐND, đại diện các tổ chức có liên quan, các chuyên gia. Hàng năm, trên cơ sở ý kiến của cử tri, của các ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh, các chủ thể thực hiện giám sát (ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh) sẽ lựa chọn các chuyên đề giám sát và phân công bộ phận chuyên trách để xây dựng kế hoạch, xây dựng đề cương, thành lập Đoàn giám sát và thông báo đến các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát để chuẩn bị các điều kiên làm việc với Đoàn. Sau khi thống nhất về thời gian, Đoàn giám sát sẽ trực tiếp làm việc với đối tượng chịu sự giám sát với nhiều hình thức như nghiên cứu tài liệu, đi thực tế tại hiện trường, tại nơi làm việc và tổ chức phiên làm việc của Đoàn với cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát. Cuối đợt giám sát, Đoàn giám sát sẽ ban hành văn bản kết luận gửi đến các cấp, các ngành có liên quan để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các chính sách pháp luật cũng như chấn chỉnh sửa đổi phương thức quản lý điều hành. Quy trình, cách làm tổ chức cuộc giám sát chuyên đề là vậy nhưng để cuộc giám sát của cơ quan dân cử thành công, đạt được nhiều ý nghĩa cả về phương diện của cơ quan dân cử cũng như của cơ quan quản lý Nhà nước thì cũng là một điều đáng suy nghĩ trong hoạt động giám sát ở các địa phương hiện nay.

Thực tiễn cho thấy trong thời gian vừa qua, các cuộc giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, các Ban HĐND đã có nhiều đổi mới tích cực và hiệu quả, như việc lựa chọn các chuyền đề giám sát đã cụ thể hơn, đúng trọng tâm, trọng điểm và sát với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng được những tâm tư nguyện vọng của cử tri, của Nhân dân; Việc tổ chức thành lập các Đoàn giám sát đã tinh gọn và có chất lượng hơn; cách thức tổ chức giám sát đã có nhiều đổi mới; các kết luận giám sát đã được quan tâm giải quyết…Bên cạnh những kết quả đó thì hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh vẫn còn những bất cập, hạn chế. Việc phối kết hợp giữa các cơ quan để lựa chọn các chuyên đề giám sát, khảo sát vẫn còn thiếu chặt chẽ. Việc bố trí thành phần tham gia Đoàn giám sát vẫn mang tính đại diện của các tổ chức mà thiếu tính chuyên sâu. Công tác chuẩn bị đề cương báo cáo, các bảng biểu so sánh vẫn còn thiếu cụ thể nhất là thiếu những bảng hỏi để phát hiện vấn đề bất cập, khó khăn; thiếu ý kiến tham vấn của cộng đồng, của chuyên gia. Cách thức triển khai các hoạt động giám sát cũng như thời gian làm việc ngắn dẫn đến tình trạng kết quả một số cuộc giám sát chưa sâu, chưa có cách nhìn nhiều chiều, đan chéo về lĩnh vực giám sát mà còn lệ thuộc vào báo cáo của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát. Bên cạnh đó, việc xử lý các kiến nghị của Đoàn giám sát vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chủ thể các cuộc giám sát còn chưa kiên quyết theo đuổi đến cùng những vấn đề của hậu giám sát.

Để từng bước nâng cao hiệu quả các cuộc giám sát chuyên đề của cơ quan dân cử trên địa bàn tỉnh hiện nay, một số suy nghĩ về quy trình, cách thức thực hiện cuộc giám sát chuyên đề cần được quan tâm như sau:

Thứ nhất: Tăng cường vai trò phối hợp giữa các chủ thể giám sát và giữa các chủ thể giám sát với đối tượng chịu sự giám sát. Hằng năm trên cơ sở chương trình giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từ chương trình công tác toàn khóa, Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh cần phối hợp chặt chẽ trong việc lựa chọn chuyên đề, lựa chọn các thành viên tham gia Đoàn giám sát và chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các chủ thể giám sát cũng như trong một số trường hợp có thể chia sẻ với cả các đối tượng chịu sự giám sát. Trong việc lựa chọn chuyên đề giám sát thì các chủ thể giám sát cần đi từ những vấn đề nóng được cử tri và dư luận quan tâm. Vì vậy, khi lựa chọn chuyên đề giám sát thì cần lưu ý đến chức năng và lợi thế của từng chủ thể giám sát, chẳng hạn như đối với những vấn đề có tính diện rộng, liên quan nhiều đến thẩm quyền ban hành chính sách pháp luật của TW thì Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia, hoặc là những vấn đề thuộc thẩm quyền ban hành văn bản của HĐND và sự điều hành trực tiếp của của UBND các cấp thì Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tham gia sẽ hợp lý hơn…Trong việc thành lập đoàn giám sát cần quan tâm đến việc giới thiệu những thành viên là những người vừa đại diện cho tổ chức nhưng phải là những người có chuyên môn, có sự am hiểu và có khả năng nắm bắt được tình hình và nhất là phải có bản lĩnh, dám nói thì sẽ có lợi thế trong việc phát hiện những vấn đề và có những ý kiến sâu sắc. Đồng thời trong quá trình phối hợp giữa các chủ thể giám sát thì rất cần có cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu để bổ sung thông tin trong từng cuộc giám sát và cũng cần có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các chủ thể giám sát với các đối tượng chịu sự giám sát để cuộc giám sát đạt kết quả cao hơn.

Thứ hai: Thực hiện cơ chế phối hợp đồng bộ, theo chức năng và trách nhiệm đến cùng của cơ quan dân cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội các cấp trong quá trình giám sát. Cơ quan dân cử cần phối hợp, tạo điều kiện để UBMTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội giúp cơ quan dân cử có thêm thông tin trong quá trình giám sát nhất là trước khi đưa ra quyết định, bảo đảm các kết luận giám sát, các nghị quyết sẽ ban hành phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn cuộc sống của Nhân dân. Đồng thời định kỳ hàng năm, thông qua hội nghị liên tịch đánh giá kết quả phối hợp hoạt động của cơ quan dân cử và UBMTTQ tỉnh, cần quan tâm đánh giá hoạt động phối hợp trong công tác giám sát, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những bất cập, hạn chế và đề xuất định hướng giám sát trong thời gian tới, bảo đảm cho hoạt động giám sát việc thực thi chính sách được thực hiện có hiệu quả.

Thứ ba: trong hoạt động giám sát thì công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện cuộc giám sát có vai trò hết sức quan trọng quyết định đến kết quả của cuộc giám sát, vì vậy cần được quan tâm đúng mức trong tất cả các quy trình từ khâu xây dựng kế hoạch, xây dựng đề cương, thu thập thông tin, phân công trách nhiệm cho các thành viên, cách thức triển khai …

Trong khâu xây dựng kế hoạch, cùng với việc đảm bảo yêu cầu về sự thống nhất chung về nội dung, về sự phối hợp, về mục đích ý nghĩa thì phải hợp lý về thời gian, thời điểm, bảo đảm cho các tập thể cá nhân có liên quan đến cuộc giám sát, (cả thành viên của Đoàn cũng như các đối tượng chịu sự giám sát) đều có cơ hội tham gia đầy đủ. Trong khâu chuẩn bị đề cương báo cáo, bên cạnh những yêu cầu chung nhất thì cần đi sâu vào những vấn đề bất cập, khó khăn, phải yêu cầu làm rõ được ở đâu, mức độ như thế nào, nguyên nhân của từng vấn đề, trách nhiệm của ai… Đồng thời thông qua ý kiến của cử tri, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội, qua việc tìm hiểu quá trình triển khai nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, của các địa phương khác. Đoàn cần xây dựng được hệ thống các câu hỏi giúp cho các thành viên của Đoàn nghiên cứu và sử dụng khi triển khai hoạt động giám sát hay nói khác hơn là mỗi thành viên trong đoàn phải có “vốn” trước khi triển khai. Trong quá trình tổ chức giám sát thì bên cạnh việc bố trí thời gian đi thực tế, thời gian làm việc theo chương trình thì cần lưu ý đến việc phân công và phát huy vai trò, sở trường, tính chuyên sâu của từng thành viên để tìm hiểu, trao đổi, quan sát và tham gia phát biểu ý kiến. Trong buổi làm việc giữa Đoàn và đối tượng giám sát cần dành nhiều thời gian để trao đổi, hỏi đáp, thảo luận kỹ những vấn để mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là kết luận của cuộc giám sát phải đáp ứng được mục đích, yêu cầu đặt ra, phải làm rõ được vấn đề, những việc làm được, chưa làm được, khó khăn ở đâu, trách nhiệm của ai, nguyên nhân từ cơ chế chính sách hay là do sự quản lý điều hành, do trách nhiệm của cán bộ…

Thứ tư: cần quan tâm đến các ý kiến tham vấn của cử tri, của cộng đồng xã hội trong hoạt động giám sát của cơ quan dân cử vì đây là cơ hội để các cơ quan dân cử, các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND lắng nghe, thảo luận với những người chịu ảnh hưởng bởi một quyết định, một giải pháp nào đó hoặc những người có liên quan, có quan tâm đến chính sách, giải pháp đã được hoặc sắp được ban hành. Thông qua hình thức này người dân có cơ hội để bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình, tạo điều kiện để người ra quyết định có cơ sở xem xét và cân nhắc trước khi quyết định ban hành hoặc sửa đổi chính sách cũng như cơ quan dân cử có đầy đủ căn cứ, lý lẽ và thông tin quan trọng, sát thực tế phục vụ cho hoạt động quyết định các chính sách và giám sát việc thực thi chính sách. Như vậy đối với hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, tham vấn cộng đồng xã hội không chỉ là nguồn cung cấp thông tin hữu hiệu mà còn là chất xúc tác để các cơ quan chịu sự giám sát nhanh chóng giải quyết những vấn đề tồn đọng.

Thứ năm: Xây dựng cơ chế để giám sát, theo đuổi vấn đề đến cùng các kiến nghị giám sát. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc đảm bảo quyền lực, uy tín của cơ quan dân cử. Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, dưới sức ép về mặt thời gian và yêu cầu thực hiện các chức năng khác như lập pháp, xem xét ngân sách và nhiều vấn đề quan trọng khác nên các kiến nghị giám sát thực thi chính sách, pháp luật của các cơ quan của dân cử chưa được theo đuổi đến cùng. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để đánh giá việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Từ đó xử lý những đối tượng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị của đoàn giám sát. Muốn vậy, cần cụ thể hóa các kết luận, kiến nghị giám sát đến từng chủ thể, thời gian, tiến độ thực hiện; cần xác định rõ trong kết luận giám sát việc định kỳ báo cáo hoặc báo cáo tổng thể khi thực hiện xong các kết luận, kiến nghị; coi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành công việc, độ tín nhiệm đối với đối tượng chịu sự giám sát. Đồng thời giao cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị và nghị quyết về giám sát.

Thứ sáu: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động giám sát; Thực tế cho thấy trong thời gian qua các hoạt động giám sát chỉ mới được đưa tin mang tính thời sự về các buổi làm việc của Đoàn giám sát mà chưa được thông tin đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân được biết, có điều kiện tham gia ý kiến, cung cấp thêm thông tin cho đoàn giám sát. Vì vậy cần quan tâm đến việc đưa tin về các hoạt động giám sát trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường sự giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước nói chung, trong đó có cả hoạt động của đoàn giám sát, từ đó tạo động lực cho việc đôn đốc, thực hiện các kết luận giám sát và củng cố niềm tin của Nhân dân về hoạt động của các cơ quan dân cử.

Hoạt động giám sát là hoạt động thường xuyên của cơ quan dân cử và đối với giám sát chuyên đề thì bình quân hàng năm Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tinh thường tiến hành từ 8 -10 cuộc. Do đó việc tổ chức một cuộc giám sát chuyên đề có chất lượng, hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng nếu chúng ta quan tâm chuẩn bị tốt, làm đúng các quy trình, phát huy được vai trò của từng thành viên nhất là của Trưởng đoàn thì đảm bảo được sự thành công. Hy vọng trong thời gian tới những kết quả của hoạt động giám sát đặc biệt là giám sát chuyên đề của cơ quan dân cử sẽ được tiếp tục phát huy và hơn nữa là các cơ quan, đơn vị vừa “mong”, vừa “sợ” khi được cơ quan dân cử giám sát.

Nguyễn Thanh Hiền

Nguyên Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An