Tất nhiên, đặt tên là bài toán tiếp theo của bài toán sáp nhập. Nếu bài toán sáp nhập đã được giải đúng, tức là các xã sáp nhập với nhau là hợp lý, là cần thiết và có thể. Trong đó, các “mảnh ghép” có những yếu tố tương đồng, hoặc phù hợp về văn hóa và lịch sử, khi sáp nhập với nhau sẽ tạo nên một thực thể mới hoàn chỉnh, không khiên cưỡng. Đó là tiền đề, điều kiện cần thiết để có thể đặt tên mới một cách hợp lý, tuy không phải là không gặp khó khăn. Trong trường hợp hai, hoặc ba xã sáp nhập với nhau là chưa hợp lý, thiếu sự tương đồng, phù hợp về các yếu tố văn hóa, lịch sử, thì việc đặt một cái tên hợp lý để được đa số chấp nhận là cực kỳ khó khăn. Vậy nên, mấy ý kiến này chỉ được đưa ra bàn luận khi bài toán thứ nhất, tức là bài toán sáp nhập đã được giải đúng.

Một góc huyện Yên Thành

Quan sát trên thực tế nhiều lần tách nhập ở Nghệ An và một số địa phương khác, chúng tôi nhận thấy có mấy phương án đặt tên cho xã mới sau khi sáp nhập như sau:

Một là, trở lại sử dụng tên gọi chung, cũ của hai hoặc ba xã trước đây.

Thực tế ở Nghệ An cho thấy có nhiều cặp, hoặc ba xã hiện nay được nhập lại, nhưng trong lịch sử họ đã chung một địa danh, hoặc một đơn vị hành chính. Ở đây, cũng có hai tình huống đặt ra:

- Các đơn vị trước đây cùng chung một đơn vị hành chính từ xa xưa trong lịch sử.

Ví dụ, xã Công Thành và xã Khánh Thành (thuộc huyện Yên Thành hiện nay) dưới thời nhà Nguyễn cùng thuộc tổng Vân Tụ[1]. Nay hai xã này sáp nhập với nhau, lấy tên xã mới là Vân Tụ là hợp lý và dễ được chấp nhận[2].

- Các đơn vị cùng chung một đơn vị hành chính sau lần điều chỉnh và đặt tên năm 1953, 1954, hoặc sau đó.

Cần nói rõ hơn về tình huống này. Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền mới đã xóa bỏ cấp tổng, để lập các xã. Tuy nhiên, các xã thường có quy mô khá lớn, so với khả năng và điều kiện quản lý lúc bấy giờ. Ví dụ tại thời điểm năm 1953, toàn huyện Yên Thành chỉ có 12 xã. Vì vậy, sau khi thực hiện giảm tô (1953, 1954) chính quyền Liên khu Bốn có chủ trương chia tách các xã, để có quy mô phù hợp hơn. Đến ngày 25/5/1953, huyện Yên Thành từ 12 xã lớn chia thành 32 xã.

Không chỉ thực hiện chia tách xã, mà ở Liên khu Bốn đã xuất hiện cách đặt tên rất sáng tạo, là đặt tên xã theo tên huyện. Huyện Quỳnh Lưu lấy chữ “Quỳnh” làm đầu, từ đó có Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu, Quỳnh Bảng…Huyện Yên Thành lấy chữ “Thành”, Hưng Nguyên lấy chữ “Hưng”…Có thể thấy các tỉnh trong Liên khu Bốn thời đó cũng có cách đặt tên này, như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Mặc dù mới ra đời 70 năm, nhưng cách đặt tên sáng tạo này đã được lịch sử chấp nhận, trở thành những cái tên rất thân thuộc với mọi người dân trong vùng.

Thế nhưng, sau đó vì nhiều lý do, một số xã lại được tách ra. Có xã vẫn giữ được yếu tố tên huyện trong tên mới, nhưng nhiều xã lại mất đi yếu tố đó. Ví dụ ở Quỳnh Lưu các xã Tân Sơn, Tân Thắng, Tiến Thủy…không còn giữ được chữ “Quỳnh” trong tên của mình.

Cán bộ xã Minh Thành (Yên Thành) kiểm tra việc niêm yết danh sách cử tri tại xóm

Hiện nay, một số xã trước đây tách ra, nay được nhập lại, thì trở lại tên cũ là tối ưu, hợp lý. Ví dụ xã Minh Thành (huyện Yên Thành) năm 1999 chia tách thành Minh Thành và Đại Thành. Nay nhập lại, lấy tên Minh Thành hợp lý. Đây là sự trở lại trước năm 1999.

Hai là, ghép tên hai, ba xã thành một

Từ xưa đến nay, đây là cách đặt tên khá phổ biến. Theo Bộ Nội vụ, trong đợt sáp nhập lần này đây cũng là cách đặt tên phổ biến nhất ở các tỉnh, thành trong cả nước. Thực ra cách này cũng có hai tình huống khác nhau:

- Ghép nguyên cả tên các đơn vị cũ thành tên đơn vị mới

Mặc dù có bất tiện là tên mới sẽ khá dài, nhưng ưu điểm là dễ được các bên nhất trí, vì tên cũ vẫn được giữ nguyên. Ví dụ: Sài Gòn và Chợ Lớn đã qua một đôi lần tách nhập, hoán đổi tên, đến năm 1931 nhà nước đương thời hợp nhất hai thành phố này, lấy tên là Sài Gòn - Chợ Lớn. Tương tự, năm 1927, khi Toàn quyền Đông Dương sáp nhập các trung tâm đô thị Vinh, Bến Thủy, Trường Thi để thành lập thành phố, họ đã đặt tên đô thị mới là Vinh – Bến Thủy, tên của hai trung tâm lớn và có ảnh hưởng quan trọng nhất ở đây. Cách đặt tên này phù hợp với tâm lý của dân ta qua thành ngữ “Thượng Cầu Rầm, hạ Bến Thủy”. Có thể trong tư duy của người phương tây, địa danh chỉ là một tập hợp từ, không chứa đựng các yếu tố có thể chiết tự được, như trong ngôn ngữ Hán – Việt, nên khi sáp nhập họ dùng nguyên cả tên để ghép lại với nhau. Vận động qua thời gian và các biến cố lịch sử, các tên ghép kiểu này dần dần thay đổi, theo hướng chỉ còn lại yếu tố quan trọng nhất. Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành Sài Gòn; Vinh – Bến Thủy trở thành Vinh.

Gần đây Hà Nội sáp nhập hai phường Văn Miếu và Quốc Tử Giám, đặt tên mới là Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Mặc dù được chấp nhận vì “không mất lòng ai”, nhưng cách đặt tên theo kiểu ghép nguyên các tên cũ này chắc chắn sẽ không được khuyến khích, vì nó tạo nên những cái tên quá dài, không phù hợp với nhịp sống hiện đại.

Tuy nhiên, đây vẫn là một sự lựa chọn, khi không thể dung hòa được ý kiến các bên, không còn cách nào khác.

- Chọn một yếu tố của các tên cũ ghép với nhau.

Ví dụ Nghệ An và Hà Tĩnh nhập lại lấy tên là Nghệ - Tĩnh. Tương tự, trước đây đã từng có các tỉnh mang tên: Hà Sơn Bình; Hà Nam Ninh; Hà Bắc…Trong cách này, tên mới được ghép từ một từ trong tên của các đơn vị (Hà (Hà Đông) – Sơn (Sơn Tây) – Bình (Hòa Bình).

Niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An

Có thể nhận thấy trong cách đặt tên này, các từ được chọn trong tên các đơn vị cũ đều có tính nhân diện cao, nên khi ghép lại người ta dễ nhận thấy đơn vị mới được ghép lại từ những địa phương cũ nào. Nếu Nghệ An và Hà Tĩnh nhập lại, được đặt tên là “An Hà” chắc không mấy ai biết đó là tỉnh nào ghép với tỉnh nào, nhưng đặt tên là Nghệ Tĩnh thì hầu như ai cũng biết. Điều này cũng có nghĩa nếu chọn đúng yếu tố có tính nhận diện cao, thì bản sắc văn hóa của các đơn vị cũ không bị mất đi, mà vẫn được tôn trọng và lưu giữ trong tên mới. Bên cạnh tên nôm, thì địa danh chính thức ở Việt Nam, nhất là các địa danh đã có từ lâu đời phần lớn đều được tạo nên bởi các từ Hán – Việt. Mỗi từ như vậy có nghĩa riêng, có thể “chiết tự” được. Đó là cơ sở để chúng ta có thể lựa chọn một từ, đóng vai trò là yếu tố có tính nhận diện cao trong tên đơn vị này, để ghép với yếu tố tương tự trong tên đơn vị khác, để trở thành một tên mới có ý nghĩa về văn hóa. Một vài trường hợp, tuy tên mới chưa hẳn đã có ý nghĩa sâu sắc về mặt văn hóa, nhưng ít ra nó có tính nhận diện cao, nên vẫn có thể được chấp nhận. Ví dụ xã Trung Phúc Cường được nhập lại từ ba xã Nam Trung, Nam Phúc, Nam Cường (huyện Nam Đàn).

Tuy nhiên, với sự đa nghĩa của tiếng Việt, khi đặt tên theo kiểu ghép như thế này cũng cần lưu ý để tên mới nếu không có ý nghĩa sâu sắc thì chí ít, khi đọc lên cũng nghe “thuận tai”, không gợi ra, hoặc khiến người ta có những liên tưởng, suy diễn lệch lạc. Ví dụ dư luận đang châm biếm cách ghép khiên cưỡng, tạo nên những cái tên không chỉ vô hồn, vô cảm, mà còn có khả năng gây cười, như Quỳnh Đôi với Quỳnh Hậu thành “Đôi Hậu”, Quỳnh Hoa với Quỳnh Mỹ thành “Hoa Mỹ”…

Ba là, chọn tên một trong hai hay ba xã cũ để đặt tên cho xã mới

Đây là phương án đặt tên được khuyến khích, vì nó mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc ít nhất một nửa, hoặc một phần ba dân cư sẽ không phải điều chỉnh giấy tờ hành chính liên quan đến quê quán, nơi sinh, nơi đăng ký thường trú…Một nửa, hoặc một phần ba vùng đất đó vẫn giữ được cái tên quen thuộc của mình.

Tuy nhiên, đây cũng là phương án dễ làm phát sinh mâu thuẫn, xung đột, vì không ai muốn mất tên cũ của xã mình, để mang cái tên của…xã khác. Thậm chí, nếu quá trình đặt tên làm không chu đáo, có biểu hiện thiếu công bằng, “nhất bên trọng, nhất bên khinh” thì có khả năng tình hình sẽ phức tạp.

Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu nổi tiếng là đất học, đỗ đạt tại Nghệ An

Quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy phương án đặt tên này thường được vận dụng khi có các tình huống:

- Một, hai xã có quy mô dân số, diện tích nhỏ nhập vào một xã lớn thì lấy tên xã lớn.

- Hai, hoặc ba xã có quy mô diện tích, dân số tương đương, nhưng trong đó có một xã nổi bật, có danh tiếng hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa, thì lấy tên xã đó đặt cho xã mới. Ví dụ Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu), mặc dù xã Quỳnh Hậu cũng mang địa danh cổ, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nhưng so với cái tên Quỳnh Đôi thì rõ ràng kém danh tiếng hơn. Trong trường hợp này, nếu thuyết phục được Nhân dân Quỳnh Hậu chấp nhận chọn tên Quỳnh Đôi để đặt cho xã mới sau sáp nhập sẽ là phương án hay hơn cả. Khi đó “thương hiệu Quỳnh Đôi” sẽ không chỉ thuộc về xã Quỳnh Đôi cũ, mà còn là của cả xã mới.

Bốn là, đặt tên mới hoàn toàn cho xã mới sáp nhập

Từ trước đến nay có không ít trường hợp khi sáp nhập tỉnh, huyện, xã, phường  đã không đặt tên cho đơn vị mới theo các phương án đã nói ở trên, mà người ta đặt một tên mới hoàn toàn cho đơn vị mới được sáp nhập. Ví dụ tên tỉnh Minh Hải được đặt khi sáp nhập Cà Mau và Bạc Liêu; Hoàng Liên Sơn được đặt khi sáp nhập Lào Cai, Yên Bái và Nghĩa Lộ; tên Bến Hải được đặt cho các huyện Gio Linh, Cam Lộ và khu vực Vĩnh Linh (thuộc tỉnh Quảng Trị)…

Xin lấy trường hợp huyện Bến Hải trước đây làm ví dụ. Năm 1977, khi nhập huyện Gio Linh, huyện Cam Lộ và khu vực Vĩnh Linh thành một huyện, ban đầu người ta dự định đặt tên là Gio Cam. Thế nhưng, dân chúng, nhất là Nhân dân thuộc khu vực Vĩnh Linh không đồng tình, vì như vậy vô tình cả cái tên Vĩnh Linh lịch sử sẽ không lưu lại dấu vết trong tên mới. Sau nhiều bàn luận và tranh cãi, người ta đã đặt tên huyện mới là Bến Hải. Nghĩa là đã lấy tên con sông Bến Hải, chảy qua cả ba vùng, lại là con sông lịch sử, chứng nhân cho sự chia cắt đất nước và ý chí đấu tranh thống nhất đất nước của cả dân tộc. Cái tên Bến Hải, vì vậy đã nhận được sự đồng tình rộng rãi của Nhân dân.

Như vậy, nếu chọn được những cái tên mang biểu tượng lịch sử văn hóa đủ tầm cho cả vùng mấy đơn vị được nhập (ví dụ: Hoàng Liên Sơn, Bến Hải), thì cái tên đó dễ được chấp nhận.

Gần đây, huyện Quỳnh Lưu dự kiến lấy tên Bình Sơn để đặt cho xã mới, khi sáp nhập ba xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá và Quỳnh Ngọc. Bình Sơn là tên con kênh chảy qua ba xã. Cách đặt tên này có vẻ hợp lý, nhưng e rằng cái tên Bình Sơn chưa đủ tầm là một biểu tương văn hóa lịch sử chung cho cả vùng này. Bình Sơn nguyên là một huyện của tỉnh Quảng Ngãi. Thời đất nước chia cắt, Nghệ An kết nghĩa với Quảng Ngãi, trong đó huyện Quỳnh Lưu kết nghĩa với huyện Bình Sơn. Năm 1963, khi đào con kênh tiêu úng cho năm xã, có chảy qua ba xã này người ta đã lấy tên huyện kết nghĩa để đặt tên cho con kênh này. Liệu cái tên Bình Sơn đã đủ sức thuyết phục?

Huyện Nam Đàn

Cho nên, khi đặt tên theo phương án này cần tham vấn các nhà nghiên cứu, hoặc những người am hiểu lịch sử, văn hóa địa phương, để tìm những cái tên gắn với các biểu tượng văn hóa trong vùng, như tên một ngọn núi, một dòng sông, một danh nhân, một sự kiện lịch sử nào đó. Nếu biểu tượng văn hóa lịch sử được chọn đủ tầm, sẽ thuyết phục được Nhân dân. Người ta sẽ chấp nhận tên mới, như chấp nhận một niềm tự hào mới, mà tạm cất những cái tên cũ vào lòng.

Trên đây là sơ lược về bốn, hay cụ thể là sáu phương án đặt tên, đúng hơn là sáu phương án lựa chọn tên để đặt cho các xã mới sau sáp nhập. Trước mỗi cặp hai, hoặc ba xã sáp nhập có thể nghiên cứu, lựa chọn phương án để vận dụng. Tuy nhiên, chọn được cái tên hợp lý chưa chắc đã đặt tên thành công. Để đặt tên thành công, cần phải thực hiện theo quy trình hợp lý, chặt chẽ. Trong đó cần coi trọng tham vấn các nhà nghiên cứu, hoặc những người am hiểu văn hóa, lịch sử địa phương. Các “nhà thông thái” này sẽ tư vấn cho cấp ủy, chính quyền lựa chọn các phương án khác nhau. Quy trình cũng cần vừa tuyên truyền, thuyết phục Nhân dân, vừa lấy ý kiến của Nhân dân. Sao cho, nếu không đạt được sự đồng thuận hoàn toàn, thì những người chưa đồng tình cũng chấp nhận được vì những lợi ích chung mà cái tên mới mang lại.

Đặt tên là một công việc hệ trọng. Nếu khinh xuất sẽ không những không đạt được hiệu quả, mà còn có thể gây tổn thương cho sự đoàn kết, hòa thuân giữa Nhân dân các xã vốn bao đời nay thân thiện với nhau.


[1] Tổng Vân Tụ dưới thời nhà Nguyễn có 27 thôn, bao gồm các thôn sau này thuộc bốn xã Liên Thành, Công Thành, Mỹ Thành và Khánh Thành

[2] Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm theo Quy hoạch, vùng này cũng sẽ thành lập thị trấn mới, lấy tên là thị trấn Vân Tụ. Cho nên, cũng cần cân nhắc thêm