DSC04354.JPG
Bà Lê Thị Hiền, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghi Lộc phát biểu tham luận tại Hội nghị

Hoạt động chất vấn và giám sát là hai hoạt động hết sức quan trọng trong các hoạt động của HĐND, chính vì vậy Thường trực HĐND huyện luôn xác định đây là 02 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả nhiệm kỳ, tác động và liên quan trực tiếp nhiều đến quyền lợi của cử tri.

1. Về hoạt động chất vấn:

Trong các kỳ họp HĐND, phiên chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp nhất, dân chủ nhất, tiếp nhận và giải quyết thông tin kịp thời nhất, đồng thời cũng là hình thức giám sát quan trọng không thể thiếu được trong hoạt động của HĐND các cấp, được đông đảo cử tri và nhân dân đồng tình quan tâm theo dõi.

Xác định rõ tầm quan trọng của chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, thời gian qua tại các kỳ họp HĐND huyện đã dành một lượng thời gian khá nhiều cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Các nội dung chất vấn được Thường trực, các ban, tổ đại biểu HĐND huyện thảo luận bàn bạc kỹ trước khi quyết định. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay HĐND huyện tổ chức 2 phiên chất vấn đối với 06 trưởng phòng ngành, nội dung tập trung vào những vấn đề mà cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, cụ thể là:

Công tác quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường; công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi, cung ứng giống, phân bón, xây dựng mô hình sản xuất; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền; Công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, vấn đề xây dựng trái phép, xây dựng không đúng quy hoạch; Vấn đề ách yếu trên lĩnh vực điện; Công tác quản lý trên lĩnh vực giáo dục đào tạo, cơ sở vật chất, sắp xếp, bố trí giáo viên, thực hiện quy chế dân chủ ở trường học.

Để chuẩn bị cho các phiên chất vấn tại kỳ họp, Thường trực HĐND huyện đặc biệt quan tâm vào 04 nội dung:

Thứ nhất, Thường trực HĐND huyện chú trọng lựa chọn nội dung chất vấn từ nhiều kênh: Từ giám sát của Đại biểu, Thường trực, các Ban HĐND; từ dư luận xã hội; từ kiến nghị của cử tri trước và sau các cuộc tiếp xúc cử tri để lựa chọn các nhóm vấn đề trọng tâm.

Thứ hai, quan tâm cung cấp kịp thời các thông tin cho đại biểu như các qui định của pháp luật hiện hành về nội dung chất vấn, các báo cáo của cơ quan chuyên môn và UBND; thông tin từ hoạt động giám sát thường xuyên, chuyên đề của Thường trực và các Ban HĐND; qua hoạt động tiếp xức cử tri, đặc biệt là thông qua kênh của TTHĐND các xã đề nghị cung cấp thông tin các số liệu trên địa bàn có liên quan đến nội dung chất vấn giúp cho đại biểu nắm chắc các nội dung về vấn đề chất vấn.

Thứ ba, linh hoạt, mềm dẻo, kiên quyết trong điều hành của chủ tọa kỳ họp đã tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn trong chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề được đại biểu chất vấn, tái chất vấn đến cùng, những câu hỏi chất vấn rõ ràng, trọng tâm có địa chỉ, như lĩnh vực Tài nguyên – Môi trường; hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn; công tác sắp xếp, bố trí giáo viên, cơ sở vật chất trường học; cải cách hành chính. Trưởng các phòng ngành nghiêm túc tiếp thu, trả lời thẳng thắn trách nhiệm, một số phòng ngành đưa ra các giải pháp khắc phục có tính khả thi cao. Sau mỗi nội dung chất vấn chủ tọa kỳ họp kết luận cụ thể rõ ràng và làm rõ các vấn đề có liên quan, đồng thời đưa ra các biện pháp, hướng xử lý tiếp theo để giải quyết tốt các vấn đề đã đưa ra chất vấn.

Thứ tư: một vấn đề hết sức quan trọng đó là năng lực của đại biểu . Biết động viên khích lệ đại biểu phát huy năng lực sở trường, dám mạnh dạn tranh luận, thảo luận, chất vấn tại nghị trường.

Thứ năm, thường xuyên quan tâm đến việc thực hiện các nội dung và lời hứa của các Trưởng phòng ngành sau chất vấn. Thường trực HĐND huyện phân công cho các đồng chí trong Thường trực và các Ban theo dõi, đôn đốc UBND và các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là tổ chức 2 buổi giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND để giám sát, đôn đốc việc thực hiện sau chất vấn đối với Phòng Tài nguyên - Môi trường và Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện với đại biểu HĐND theo qui định

  1. Về hoạt động giám sát:

Việc xem xét, lựa chọn nội dung giám sát luôn được Thường trực và các Ban HĐND huyện quan tâm, chú trọng. Để chuẩn bị giám sát của năm sau, vào trung tuần tháng 10 hàng năm, TT giao cho các Ban dự kiến nội dung giám sát đồng thời tổ chức hội nghị cho ý kiến với từng nội dung cụ thể trước khi quyết định ban hành chương trình. Riêng trong năm 2022 TT và các Ban tổ chức 09 cuộc giám sát chuyên đề tại 47 cơ quan, đơn vị.Trong đó TT chú trọng giám sát trên 3 lĩnh vực: quản lý thu, chi ngân sách và huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng; tình hình thực hiện và xử lý các vụ việc vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, xây dựng trái phép, an ninh trật tự; Việc thực hiện Nghị quyết của HĐND huyện về phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình dự án. Các Ban giám sát công tác quản lý nhà nước về môi trường; công tác bình đẳng giới, chăm sóc giáo dục trẻ em; thu chi tại các trường học; tình hình thực hiện, giải quyết các vụ việc dân sự về đất đai tại TAND huyện; kết quả thực hiện sau sáp nhập cơ quan, đơn vị, khối xóm; Công tác cải cách hành chính, quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa.

Thông qua hoạt động giám sát đã phát hiện được nhiều bất cập, hạn chế và sai sót trong công tác quản lý nhà nước, qua đó giúp cho chính quyền từ huyện đến cơ sở và một số cơ quan, đơn vị chấn chỉnh trong công tác quản lý.

Qua thực tiễn hoạt động giám sát, TTHĐND huyện rút ra một số kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề đó là:

Thứ nhất: Việc lựa chọn chủ đề giám sát phải sát với thực tế, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp.

Thứ hai: Việc xây dựng Kế hoạch giám sát phải trên cơ sở rà soát, đánh giá những tồn tại, bất cập, hạn chế để lựa chọn đơn vị được giám sát. Trong đó hết sức chú trọng xây dựng đề cương giám sát sát với nội dung đề ra. Khi xây dựng đề cương phải nghiên cứu kỹ các văn bản quy định của cấp trên để xây dựng. Đề cương càng sát thì chất lượng, hiệu quả giám sát càng cao. Chú trọng mở rộng giám sát qua báo cáo để có thêm thông tin và đánh giá được toàn diện hơn các lĩnh vực được giám sát.

Thứ ba: Trước khi tiến hành giám sát nên tổ chức một bước khảo sát ban đầu để nắm sâu về thông tin tình hình. Trong quá trình giám sát ngoài xem xét báo cáo cần xem xét kỹ hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát để đưa ra các kiến nghị sát, đúng với thực tế quá trình triển khai thực hiệm nhiệm vụ của các đối tượng được giám sát . Chú trọng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, định kỳ 6 tháng 1 lần yêu cầu các đơn vị được giám sát báo cáo kết quả khắc phục.

Có thể khẳng định rằng hoạt động chất vấn và hoạt động giám sát của HĐND huyện từ đầu nhiệm kỳ đến nay có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, được cử tri và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Một số vấn đề bức xúc được công khai, dân chủ, minh bạch và giải quyết kịp thời như cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoạt động của trung tâm giao dịch một cửa huyện và công tác cải cách hành chính từ huyện đến xã; khắc phục được một số ách yếu về điện. Thông qua hoạt động chất vấn và giám sát, TTHĐND huyện đã kiến nghị UBND huyện xem xét trình HĐND huyện ban hành Nghị quyết về hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất công nghệ cao mức 200 triệu/ mô hình. Đến nay toàn huyện hỗ trợ 15 mô hình. 9 mô hình cải cách hành chính cấp xã mỗi mô hình 100 triệu. Nâng mức hỗ trợ xây dựng trường chuẩn quốc gia từ 300 lên 500 triệu đồng. Hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn trên 40 tỷ đồng. Ban hành một số chủ trương liên quan đến các công trình cấp bách ách yếu ảnh hưởng đến đời sống dân sinh như: đường giao thông, trạm bơm, cầu và nhà văn hóa tránh lũ, qua đó đã góp phần tích cực vào ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn huyện.

Tại hội nghị hôm nay HĐND huyện Nghi Lộc xin có một số kiến nghị với HĐND tỉnh:

1. Hiện nay đất không sản xuất, sản xuất không hiệu quả trên địa bàn huyện khá nhiều, nhu cầu người dân muốn chuyển đổi mục đích để xây dựng các trang trại chăn nuôi với quy mô nhỏ nhưng gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục đầu tư, thủ tục giao đất, cho thuê đất phải thực hiện tại các sở, ngành cấp tỉnh. Có khi triển khai hơn 02 năm mà vẫn chưa thực hiện được, chi phí không chính thức cũng không ít tốn kém. HĐND huyện đề nghị HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xem xét ủy quyền cho UBND các huyện thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất để xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô dưới 10.000 m2 phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện.

2. Hiện nay tràn và đập Khe Thị xã Nghi Công nam nguy cơ vỡ đập rât cao; hệ thống kênh mương cấp 1 do công ty Thủy lợi Nam quản lý xuống cấp nhiều. Ba ra Quang Thiết và Bara cống Nghi Khánh phục vụ ngăn mặn giữ ngọt phai chắn hư hỏng nặng, đề nghị HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh, công ty Thủy lợi Nam xem xét quan tâm bố trí nguồn lực sớm đầu tư, khắc phục.

3. Tại khu liên hợp xử ly rác thải Nghi Yên : việc di dời hộ dân sống gần bãi rác đang nhiều vướng mắc, hiện có 16/78 hộ chưa được di dời do vướng mắc liên quan đến chế độ chính sách, cụ thể: Thay đổi hạn mức nơi đi và hạn mức nơi đến (giảm từ 400m2 xuống còn 300m2; chính sách cấp đất tái định cư đối với lô đất ở trên địa bàn; chính sách hỗ trợ giếng khoan; chính sách hỗ trợ đất nông nghiệp cùng thửa với đất ở. UBND huyện đã nhiều lần có văn bản gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, văn bản gần đây nhất là văn bản số 2484 ngày 27/9/2022 nhưng đến nay tỉnh chưa có văn bản trả lời. Đề nghị HĐND tỉnh quan tâm giải quyết các vướng mắc cho các hộ dân bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường.

Trên đây là một số kinh nghiệm hoạt động của HĐND huyện Nghi Lộc và một số kiến nghị đối với HĐND tỉnh, rất mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ.

Xin trân trọng cảm ơn!