Hội thảo có 91 bản tham luận, có 550 đại biểu tham dự, được tổ chức tại thành phố Vinh. Nhân dịp này, tác giả xin giới thiệu đôi nét về quê hương, gia đình và tuổi trẻ của anh Tự vệ Đỏ Chu Văn Điều, được Đảng giác ngộ, đã đổi tên là Chu Huy Mân, ông trở thành một chiến sĩ cộng sản dũng cảm kiên cường, góp phần làm rạng danh cho truyền thống đấu tranh của Nhân dân Nghệ An trong phong trào Xô viết Nghệ- Tĩnh.
Chu Văn Đèo và con đường đến với cách mạng
Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Đèo, sinh ngày 17-3-1913 tại làng Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là làng Phong Hảo, xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), là con trai út thứ tám của ông bà Chu Văn Quý. Ông bà Quý sinh con gái đầu lòng đặt tên là Chu Thị Biện và sau đó ông bà cũng lấy tên con đầu gọi là ông bà Biện. Khi sinh người con thứ 7 được 5 năm, bà Biện mới sinh thêm con trai thứ 8, ông bà đặt tên là Đèo (có nghĩa là đèo thêm), sau đổi thành Điều. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con, 10 người phải sống trong căn nhà nhỏ ngoài bờ đê 42 (đê sông Lam bây giờ). Năm 1914, vì phải lao động cật lực để nuôi đàn con thơ dại, ông Chu Văn Biện đã lâm bệnh, không tiền mua thuốc chạy chữa và người cha trụ cột gia đình đã qua đời (lúc đó cậu bé Điều mới tròn 01 tuổi). Hàng năm, cứ mỗi độ mùa về, vì không đủ tiền nạp sưu cao, thuế nặng, những người thân trong gia đình phải chịu đòn roi, sỉ nhục. Tuổi trẻ của Điều phải chứng kiến bao cảnh đau lòng. Mối thù giai cấp giữa bọn bóc lột và nông dân đói nghèo đã thấm tận xương tủy, Điều quyết không đội trời chung với lũ cướp nước và bọn địa chủ phong kiến bán nước hại dân.
Giữa năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Ban chấp hành Trung ương lâm thời đã cử các đồng chí: Nguyễn Phong Sắc (quê ở làng Bạch Mai, Hà nội), Trần Văn Cung (qu vào thành phố Vinh hoạt động, cùng đồng chí Võ Mai (quê huyện Diễn Châu, vừa đi dự lớp học chính trị đặc biệt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy ở Quảng Châu Trung Quốc về). Được những thanh niên yêu nước ở Nghệ An và thành phố Vinh giúp đỡ chọn địa điểm làm trụ sở liên lạc và hội họp đầu tiên tại làng Vang (nay là phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh), thành lập Xứ ủy Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản đảng. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ gồm đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung và Võ Mai. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư Xứ ủy, các đồng chí hoạt động tích cực trong hai tổ chức Đảng Tân Việt và Hội Thanh niên cách mạng đồng chí hoạt động ở Vinh Bến Thủy và Trường Quốc học Vinh được tuyển chọn để thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng đầu tiên ở thành phố Vinh. Dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản đảng, các đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, Nguyễn Thị Vĩnh (tức Minh Khai), Nguyễn Thức Mẫn, Hoàng Trọng Trì, đã về làng Yên Lưu (quê của Chu Văn Điều) tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các tổ chức cách mạng: Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ, Hội Tán trợ, Hội Phụ nữ, Thanh niên.Tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình, diễn thuyết, vận động nhân dân đấu tranh (giữa phe hộ và phe hào) chống sưu cao thuế nặng. Tại đây Chu Văn Điều được giao nhiệm vụ đi dẫn đường, tìm chọn địa điểm hội họp, mít tinh và làm giao thông liên lạc, canh gác bảo vệ cho các anh chị cán bộ trong các buổi hội họp.
Năm 1929, chuẩn bị cho kỷ niệm lần thứ 12 cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917- 7/11/1929), Xứ ủy Trung Kỳ đã phát động công nông Vinh Bến Thủy và các huyện phụ cận: huyện Nghi Lộc và phủ Hưng Nguyên cùng phối hợp đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc phụ trách công tác tuyên truyền, các đồng chí: Nguyễn Tiềm, Chu Văn Biên, Nguyễn Thị Phúc được giao nhiệm vụ in truyền đơn báo chí và khẩu hiệu đấu tranh1. Ban chấp hành Xứ ủy Trung Kỳ phân công đồng chí Trần Văn Cung phụ trách lãnh đạo Nhân dân thành phố Vinh và các huyện phụ cận phối hợp đấu tranh. Ngày 29-10-1929, tại làng Yên Lưu, dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng, Chu Văn Điều được các cán bộ thượng cấp giao phụ trách bộ phận tự vệ, với nhiệm vụ bảo vệ 300 nông dân trong làng đi biểu tình, đấu tranh với bọn địa chủ đòi giảm sưu cao, thuế nặng. Từ làng Yên Lưu, Chu Văn Điều đã lên nhà Nguyễn Đình Hoành (tức Siêu Hải)2 ở Cổng Chốt (Vinh) để nhận truyền đơn, cờ đỏ búa liềm do các chị NguyễnThị Vĩnh (Minh Khai) và chị Nguyễn Thị Nhuận giao. Theo sự hướng dẫn của đồng chí Trần Văn Cung và Nguyễn Mười Uyển, Chu Văn Điều cùng hai thanh niên tự vệ trong làng đã đem truyền đơn kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga rải ở những nơi tập trung đông người qua lại hoặc nơi Nhân dân địa phương các vùng đến họp chợ như (Chợ Mộc và Chợ Trụ). Cờ đỏ búa liềm thì Chu Văn Điều và anh em tự vệ đem treo trên các cây cao hoặc đình làng. Những công việc cách mạng bước đầu của Chu Văn Điều tham gia trong dịp kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga đã được Chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng và các anh chị phụ trách tin tưởng, Nhân dân yêu mến, bạn bè mến phục và luôn làm theo.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Chu Văn Điều được các đồng chí Lê Mao, Lê Doãn Sửu, Nguyễn Thức Mẫn3 tin tưởng giao làm đội phó Đội tự vệ, có nhiệm vụ bảo vệ quần chúng Nhân dân trong các cuộc đấu tranh. Mở đầu là cuộc đấu tranh của công nông Vinh Bến Thủy trong ngày 1-5-1930. Nhân dân địa phương các huyện Nghi Lộc, phủ Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, phủ Anh Sơn, đỉnh cao là cuộc đấu tranh ngày 30-8 - 1930 của 3000 nông dân huyện Nam Đàn đã kéo về phá huyện lỵ. Tự vệ Đỏ Lê Nam Thắng4 đã chỉ huy đoàn biểu tình huyện Nam Đàn bắt tên tri phủ Lê Khắc Tưởng phải ký vào lá cờ đỏ búa liềm dòng chữ: “Từ nay về sau không còn được nhũng nhiễu Nhân dân”. Phong trào nổi tiếp phong trào, ngày 1-9-1930, cuộc đấu tranh của Nhân dân huyện Thanh Chương dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Doãn Sửu, Tỉnh ủy Nghệ An và Ban chấp hành Huyện ủy huyện Thanh Chương. Với lực lượng khổng lồ của hai vạn người gồm 5 tổng đã đứng lên hưởng ứng và ủng hộ công nông Vinh Bến Thủy. Đoàn biểu tình đã kéo về huyện đường đấu tranh san phẳng huyện đường. Tên tri phủ Phan Sĩ Phàng đã cùng bọn lính vội lên ngựa bỏ chạy về đồn Thanh Quả để ấn náu.Thắng lợi của các cuộc đấu tranh ở các huyện đã làm nức lòng Nhân dân Nghệ An nói chung và Tự vệ Đỏ Chu Văn Điều nói riêng. Ngày 12-9-1930, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Nghệ An và Ban chấp hành Phủ ủy Hưng Nguyên, cuộc đấu tranh phối hợp của công nông Vinh- Bến Thủy với nông dân phủ Hưng Nguyên và nông dân huyện Nam Đàn đã diễn ra. Tự vệ Đỏ Chu Văn Điều tự hào sung sướng dương cao cờ đỏ búa liềm, dũng cảm, dẫn đầu đoàn biểu tình, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu, áp đảo kẻ thù, hô hào Nhân dân vững bước tiến lên…
Được thử thách và tôi luyện trong các cuộc đấu tranh sục sôi của quần chúng Nhân dân, Chu Văn Điều nhanh chóng trưởng thành, ngày càng chững chạc, anh được quần chúng Nhân dân tin yêu mến phục, lãnh đạo cấp ủy Đảng bồi dưỡng ghi nhận và rất tin tưởng. Vào một đêm tháng 11-1930, tại nhà đồng chí Chu Văn Chín, Chi bộ Đảng làng Yên Lưu đã tổ chức làm lễ kết nạp Tự vệ Đỏ Chu Văn Điều vào đội ngũ những người Cộng sản, khi anh 17 tuổi. Trong không khí trang nghiêm, dưới lá cờ đỏ búa liềm linh thiêng, có mặt hai đồng chí cán bộ Thượng cấp về dự, cùng các đồng chí đảng viên trong Chi bộ Yên Lưu, Chu Văn Điều xúc động dơ nắm tay thề rằng:“Tôi nguyện suốt đời đấu tranh để giành độc lập dân tộc, bảo vệ Nhân dân. Nếu bị bắt, dù bị tra tấn cực hình hoặc mua chuộc dụ dỗ, tôi quyết không khai báo. Dù phải chịu tù đày, vẫn không nản chí, vào sống, ra chết, quyết không sờn lòng…”. Lời hứa rất đỗi thiêng liêng khi đứng dưới lá cờ đỏ búa liềm đêm hôm đó, đã đi theo Chu Văn Điều suốt cả cuộc đời.
Hoạt động của đồng chí Chu Huy Mân trong phong trào Xô Viết
Sau khi được kết nạp vào đội ngũ những người cộng sản, để giữ bí mật, Chu Văn Điều đã đổi tên thành Chu Huy Mân, mang ý nghĩa: Huy là trong sáng, Mân là Ngọc. Kể từ khi tham gia hoạt động cách mạng, do yêu cầu của cách mạng phải giữ bí mật, Chu Huy Mân đã nhiều lần thay đổi tên với các bí danh khác nhau theo thời gian và địa điểm hoạt động: “Chu Huy Mân”;“Vũ Chân”;“Lê Thế Mỹ”;“Trần Thanh Lạc”,“Hồ Thạch Châu”; “Tướng Thao Chăn” và Tướng“ Hai Mạnh”. Mặc dù đã nhiều lần thay đổi các tên khác nhau, nhưng cái tên“Chu Huy Mân” từ ngày vào Đảng đã theo Đại tướng cho đến trọn đời.
Sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản, Ban chấp hành Chi bộ đã giao Chu Huy Mân nhiệm vụ làm đội trưởng Tự vệ Đỏ, đó là thời kỳ phong trào cách mạng lên đỉnh cao, bọn lý trưởng ở nhiều địa phương cũng như quê hương của Chu Huy Mân đã bị Tự vệ Đỏ quản thúc, phải cúi đầu chịu tội và đem các con triện đến nạp cho đội trưởng Tự vệ Đỏ. Các làng Xô viết (gọi là Xã Bộ Nông) lần lượt ra đời và điều hành mọi hoạt động xã hội. Thực dân Pháp lo lắng phong trào cách mạng mở đầu từ công nông Vinh Bến Thủy sẽ như vết dầu loang, lan ra các tỉnh khác. Hoảng sợ, chúng đã điều động binh lính đóng đồn ở các địa phương kéo về đàn áp khủng bố phong trào trong máu và lửa. Cơ quan ấn loát của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An phải di chuyển từ nhà bà Võ Thị Túc (ở Bến Đền, cạnh sông Cửa Tiền,Vinh) xuống nhà ông Đinh Hồ ở xóm Đồng Mả, làng Yên Lưu (nay là làng Phong Đăng, xã Hưng Hòa, thành phố Vinh). Đội trưởng Tự vệ Đỏ Chu Huy Mân có nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí: Nguyễn Thị Phúc, Chu Văn Biên, Nguyễn Văn Lập và Nguyễn Thị Thảo, cán bộ ấn loát của cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ do đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư Xứ ủy trực tiếp lãnh đạo. Là người địa phương, Chu Huy Mân nắm chắc địa bàn hoạt động cũng như những thủ đoạn của bọn phản cách mạng trong vùng. Ngoài việc phân công cho anh em tự vệ ngày đêm canh gác, chuyển phân phát tài liệu, báo chí đến các cơ sở, phụ công việc với bộ phận ấn loát, Chu Huy Mân còn chỉ huy đội tự vệ làng Yên Lưu rèn gươm giáo làm vũ khí để luyện tập quân sự, vận động và bảo vệ quần chúng Nhân dân trong các cuộc đấu tranh, canh gác trong các cuộc họp của Chi bộ, tuần tra ban đêm, theo dõi và có kế hoạch trừng trị bọn phản động có nhiều nợ máu với Nhân dân. Chỉ huy đội Tự vệ Đỏ lấy lúa của nhà giàu đem chia cho dân nghèo để cứu đói; lấy ruộng đất công của làng xã đem phân phát cho những gia đình nghèo. Trong thời gian Xã bộ Nông lên nắm chính quyền, Chu Huy Mân đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho Nhân dân vui Xuân. Bắt bọn lý trưởng trong làng phải đem các con triện nạp lại cho Xã Bộ Nông. Tết Nguyên Đán năm Tân Mùi (1931), dưới bầu trời Xô viết, Chu Huy Mân hăng hái chỉ đạo Tự vệ Đỏ và các tổ chức đoàn thể thanh niên, Hội Phụ nữ mở các lớp học để dạy chữ Quốc ngữ cho Nhân dân, tuyên truyền vận động Nhân dân bài trừ mê tín dị đoan, tổ chức các đám cưới, đám tang trong làng theo đời sống mới. Tuyên truyền cho Nhân dân tin tưởng vào cuộc đấu tranh do Đảng lãnh đạo và chế độ tươi đẹp của chính quyền Xô viết đã đem lại cho Nhân dân. Được các đồng chí cán bộ thượng cấp tuyên truyền và giao nhiệm vụ, cảm phục tinh thần của anh chị, Chu Huy Mân đã đảm nhận và làm tốt những công việc các các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Lê Viết Thuật và Chi bộ giao phó.
Với tầm nhìn xa trông rộng, đề phòng khi cơ sở ấn loát ở nhà ông Đinh Hồ bị lộ, Chu Huy Mân đã tìm thêm địa điểm ấn loát mới để dự phòng. Đó là nhà của ông Bõ Kinh, làm nghề chài lưới trên sông Rào Đừng (nằm phía sau làng). Đây là địa điểm giáp ranh giữa làng Yên Lưu và các làng phía Đông - Nam của huyện Nghi Lộc, rất thuận tiện cho việc cất dấu tài liệu, dụng cụ in ấn và đường rút lui khi bị địch bao vây. Nhờ có tinh thần cảnh giác cao của Chu Huy Mân nên mặc dù bọn mật thám đã dò la, lùng sục, nhưng truyền đơn, báo chí của Đảng, kêu gọi và định hướng các cuộc đấu tranh, Báo Người Lao khổ của cơ quan Xứ ủy Trung kỳ, Báo Tiến Lên của Tỉnh uỷ Nghệ An, khẩu hiệu kêu gọi Nhân dân đấu tranh chống: “rước cờ vàng và phải nhận thẻ quy thuận” vẫn được in ấn đều và phân phát đến tận các cơ sở từng Chi bộ để cổ vũ Nhân dân đấu tranh cho phù hợp trong thời kỳ địch bố trắng để giảm bớt tổn thất, đổ máu hy sinh và duy trì ảnh hưởng, ý nghĩa tốt đẹp của chính quyền Xô viết trong lòng mỗi người dân khi phong trào đang đi đến giai đoạn thoái trào. Tháng 6-1931, do có kẻ phản bội chỉ điểm, hai cơ sở ấn loát tại nhà ông Đinh Hồ và nhà ông Bõ Kinh đều bị địch bao vây. Đồng chí Chu Văn Biên đi phân phát tài liệu ở các địa phương, trên đường trở về đã bị bọn lính đón bắt. Nhận được tin mật báo, Chu Huy Mân đã chỉ huy bộ phận ấn loát nhanh chóng thu dấu tài liệu và các dụng cụ in ấn rồi dẫn chị Nguyễn Thị Phúc và bộ phận ấn loát, bí mật luồn cửa sau ra cánh đồng ven bờ sông. Do Chu Huy Mân đã trao đổi trước, khi có địch đến bao vây, ông Đinh Hồ đã chạy ra phía trước hô hoán, bọn lính liền chạy đuổi theo. Trong nhà, Chu Huy Mân kịp cất dấu tài liệu và dẫn bộ phận ấn loát ra phía sau để thoát. Trước sân, vợ chồng ông Đinh Hồ bị bọn lính đánh đập dã man, nhưng cả hai vợ chồng đều không hề khai báo. Khi bọn lính vào nhà lục soát, phá phách, nhưng không tìm được tài liệu, chúng tức tối trói gô khỉu tay ông Đinh Hồ để giải lên Vinh. Trước khi bị giải đi, ông Đinh Hồ còn đứng lặng nhìn vào căn nhà ở của mình và yên tâm, mỉm cười vì biết chắc Chu Huy Mân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ bộ phận ấn loát rút lui an toàn. Nhờ được chuẩn bị trước, khi Chu Huy Mân dẫn tổ ấn loát ra bờ sông, ông Lê Văn Trường ở làng Phong Yên, làm nghề chài lưới, bắt cá trên sông đã cắm chiếc đò ngang đứng đợi. Mọi người lên đò, ông liền chở sang sông, qua xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc). Chu Huy Mân ẩn nấp khuất sau bụi tre cạnh bờ sông, chờ con đò ông Lê Văn Trường chở chị Phúc và tổ ấn loát qua sông an toàn rồi mới rời khỏi vị trí ẩn nấp để vào làng. Về phía ông Trường, sau khi chở “Khách” qua sông an toàn, ông Trường quay đò trở lại bến cũ làng Phong Yên cắm đò rồi trở về nhà. Khi không còn nghe tiếng chó sủa, biết bọn lính đi tuần đã rút khỏi làng, ông Trường liền đóng vai người đi câu cá, dẫn Chu Huy Mân đi xuống Đền Bà Cô 5. Ông là tộc trưởng họ Lê, trông coi và hương khói ở Đền. Hàng ngày, vợ lo cơm nước, chồng đưa đến Đền tiếp tế và thông báo tin tức cho Chu Huy Mân. Hai ngày sau, khi biết đã an toàn, ông Trường lại chèo đò ngang đưa Chu Huy Mân sang huyện Nghi Lộc, nơi cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ mới chuyển từ làng Yên Dũng Thượng ở Vinh xuống, đây là khu vực quê hương của đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Chu Huy Mân và Nguyễn Duy Trinh trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh bị địch khủng bố trắng bắt đầu từ đây…
Chú thích:
1) Đồng chí Nguyễn Tiềm là chủ bút tờ Báo Xích Sinh, tháng 10-1930 được bầu là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Ạn đầu tiên. Các đồng chí Chu Văn Biên và Nguyễn Thị Phúc là cán bộ phụ trách ấn loát của Xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1941, Nguyễn Thị Phúc đấu tranh và đa học sinh trong nhà lao Hà Tĩnh.
2) Nguyễn Đình Hoành là em trai của đồng chí Nguyễn Thị Nhuận, năm 1932 cùng đồng chí Nguyễn Xuân Linh thành lập Khu ủy Vinh Bến Thủy, đồng chí được bầu làm Bí thư Khu ủy.
3) Đồng chí Nguyễn Thức Mẫn quê ở huyện Nghi Lộc, con ông Nguyễn Thức Canh, xuất dương sang Nhật Bản cùng cụ Phan Bội Châu 1905, là cháu đích tôn của Nhà giáo Nguyễn Thức Tự. tháng 4-1930 làm Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc, Ban chấp hành tỉnh ủy lâm thời Vinh Bến Thủy.
4) Đồng chí Lê Nam Thắng quê ở huyện Thanh Chương, là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam
5) Đền Bà Cô ở làng Phong Yên, xã Hưng Hòa thành phố Vinh đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.( Hồ sơ Di tích xếp hạng hiện Ban Quản lý Di tích tỉnh Nghệ An lưu giữ)