Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, tại điểm b, Khoản 1 Điều 5: Thường trực Hội đồng nhân dân giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân, các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và Hội đồng nhân dân cấp dưới; giám sát quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp; giúp Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát theo sự phân công của Hội đồng nhân dân”. Như vậy, hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện có vai trò rất quan trọng giúp Hội đồng nhân dân huyện thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong huyện, chịu trách nhiệm trước Nhân dân trong huyện và cơ quan nhà nước cấp trên.

Xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm để giám sát

Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân nói chung và hoạt động giám sát của Thường trực hội đồng nói riêng, thì việc lựa chọn các vần đề, nội dung giám sát hết sức quan trọng, cần phải có sự rà soát lựa chọn những vấn đề bức xúc mà cử tri, công dân hay thường xuyên có đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm như công tác quản lý nhà nước về đất đai, về đầu tư công các chương trình, dự án…. những ý kiến kiến nghị của cử tri để kéo dài chưa được giải quyết. Năm 2021 và 2022 Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Thanh Chương đã lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm sau để giám sát:

Thứ nhất, tập trung giám sát việc thực hiện giải quyết các ý kiến kiến nghị của cử tri, định kỳ tổ chức phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân huyện để nghe UBND huyện và các ngành báo cáo kết quả việc giải quyết các kiến nghị của tri, những khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết để theo dõi, đôn đốc giải quyết; đồng thời Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đã lựa chọn ý kiến của cử tri nội dung “Tình trạng lấn chiếm đất công, đất giao theo Nghị định 64 liền kề đất ở diễn ra phổ biến trên địa bàn huyện”, đây là ý kiến của cử tri kéo dài nhiều kỳ chưa giải quyết. Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đã tiến hành giám sát tất cả 38 xã, thị trấn, sau khi giám sát Thường trực HĐND huyện tiếp tục lựa chọn đưa các vấn đề tồn tại, hạn chế mà thông qua giám sát phát hiện để đưa ra tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 yêu cầu các ngành có liên quan báo cáo giải trình làm rõ thêm trách nhiệm, nguyên nhân và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt các kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND huyện.

Thứ hai, tăng cường giám sát công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện. Năm 2021, Hội đồng nhân dân huyện đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện; năm 2022 Hội đồng nhân dân huyện sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện công tác quản lý và sử dụng, bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn huyện từ năm 2018-2021 tại 32 xã thị có rừng và các chủ rừng; giám sát công tác quản lý nhà nước về đầu tư công các dự án thuộc nhóm C năm 2020, 2021 tại Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.

Thứ ba, phân công, theo dõi đôn đốc các vị đại biểu Hội đồng nhân dân huyện thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định Luật Tiếp công dân. Để nâng cao hiệu quả tiếp công dân, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đã xây dựng ban hành Quy chế tiếp công dân của các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện nhiệm kỳ 2021-2026, thông báo phân công các đại biểu tiếp công dân luân phiên theo đơn vị bầu cử. Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân của đại biểu HĐND huyện để sớm nắm bắt các vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Từ đó, bổ sung các nội dung cần giám sát của HĐND huyện, Thường trực, các Ban của HĐND huyện.

Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, trong thời gian tới, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Thanh Chương sẽ tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp như sau:

Một là, tăng cường giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát:

- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, nhất là các nội dung giám sát công tác quản lý nhà nước về đất đai; việc thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai trên địa bàn. ….Tổ chức phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện để các cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia giải trình vấn đề mà Thường trực Hội đồng nhân dân huyện quan tâm.

Thường trực Hội đồng nhân dân huyện kịp thời báo cáo, đề xuất với cấp ủy về những còn vướng mắc trong giám sát hoặc vần đề cần phải có sự tập trung lãnh đạo để các cơ quan, đơn vị có liên quan giải trình, chất vấn làm rõ trách nhiệm và giải pháp thực hiện; mặt khác tham mưu, đề xuất thanh tra, kiểm tra vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Như vậy, những kiến nghị sau giám sát, chất vấn, giải trình chắc chắn sẽ không bị lãng quên, hiệu quả cũng cao hơn.

Hai là, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền; tăng cường công tác phối hợp, tạo sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát:

Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, các ngành, các tổ chức có liên quan tuyên truyền triển khai thực hiện các Luật, Bộ luật có hiệu lực thi hành đến tận các cơ sở, các tầng lớp Nhân dân. Phối hợp tổ chức thực hiện tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, tăng cường đôn đốc nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, thực hiện nghiêm công tác thông tin báo cáo của đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, Thường trực Hội đồng nhân dân các xã, thị trấn.

Bám sát chương trình công tác, chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, để hàng năm xây dựng kế hoạch giám sát, nội dung giám sát phù hợp thực tiễn (trừ nội dung liên quan đến bí mật nhà nước) và cần được gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân theo dõi, giám sát việc thực hiện. Phát huy vai trò, hiệu quả trong việc thông tin về tình hình, kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát, chất vấn, giải trình, nhất là nội dung liên quan đến giám sát, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân.

thuong-truc-hdnd-huyen-thanh-chuong-giam-sat-tinh-hinh-vi-pham-lan-chiem-dat-cong-dat-giao-theo-nghi-dinh-64-su-dung-dat-giao-theo-nghi-dinh-64-trai-muc-dich-tai-xa-thanh-luong.jpg
Thường trực HĐND huyện Thanh Chương giám sát tình hình vi phạm lấn, chiếm đất công, đất giao theo Nghị định 64, sử dụng đất giao theo nghị định 64 trái mục đích tại xã Thanh Lương

Tăng cường phối hợp giám sát, khảo sát theo chương trình giám sát, khảo sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân Tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An các cơ quan thanh tra, kiểm tra, tổ chức chính trị - xã hội để chia sẻ thông tin, kết quả giám sát; các cơ quan có thể cùng tiếng nói, cùng theo dõi, đôn đốc khắc phục vi phạm, thực hiện các kiến nghị sau giám sát, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Bên cạnh đó, cần phối hợp linh hoạt các hình thức giám sát, theo đuổi đến cùng nội dung cho đến khi được giải quyết, ví dụ chất vấn, giải trình sẽ xoay quanh kết quả, kiến nghị giám sát chuyên đề hoặc ngược lại, vấn đề được chất vấn có thể đưa vào giám sát chuyên đề và tái chất vấn. Việc phối hợp này sẽ tạo nên tính chỉnh thể, đồng bộ của hoạt động giám sát, từ đối tượng đến nội dung và hình thức giám sát.

Ba là, nâng cao tính pháp lý bằng việc ban hành nghị quyết về giám sát, chất vấn; theo dõi chặt chẽ, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát:
Theo quy định của pháp luật, Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về vấn đề được giám sát và có thể ra nghị quyết về chất vấn. Nghị quyết về giám sát của Hội đồng nhân dân có tính pháp lý bắt buộc thực hiện. Do vậy, để đảm bảo tính hiệu lực của giám sát, cần quan tâm ban hành nghị quyết làm cơ sở pháp lý để thực hiện, quan tâm, xem hoạt động theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát là nội dung quan trọng trong quá trình giám sát. Thường trực Hội đồng nhân dân huyện thực hiện điều hoà, phối hợp việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện kiến nghị giám sát nghiêm túc, kịp thời; quan tâm giám sát việc thi hành pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Điều 73, Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Bốn là, nâng cao chất lượng chủ thể hoạt động giám sát và chất lượng hoạt động của các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện

Chất lượng hoạt động giám sát phụ thuộc vào chủ thể thực hiện. Do vậy, cần quan tâm bồi dưỡng kỹ năng hoạt động giám sát cho các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, khi thành lập đoàn giám sát cần lựa chọ đại biểu có kinh nghiệm, am hiểu về lĩnh vực, nội dung giám sát, cung cấp kịp thời các văn bản Luật liên quan đến nội dung giám sát cho các thành viên đoàn giám sát nghiên cứu kỹ trước khi tiến hành giám sát. Không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách của Hội đồng nhân dân huyện có trình độ chuyên môn sâu theo vị trí công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, có trách nhiệm, bản lĩnh.

Phân công, theo dõi đôn đốc các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện thực hiện tiếp dân tại cơ sở theo quy định của Luật tiếp công dân, chỉ đạo đại biểu sâu sát cơ sở, gần gũi cử tri để nắm bắt và phản ánh các vấn đề nổi cộm, bức xúc. Phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân đến các cấp, các ngành xem xét giải quyết.

Từng đại biểu Hội đồng nhân dân cần dành thời gian cho hoạt động Hội đồng nhân dân đảm bảo theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời phải thực hiện đúng Chương trình hành động của mình trước cử tri. Trong hoạt động, cần phát huy tính chủ động khi tiếp cận vấn đề, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng; nắm bắt thực tiễn, ý kiến, kiến nghị của cử tri để có những đề xuất, giải pháp, kiến nghị phù hợp mang lại lợi ích chung cho Nhân dân.

Tập trung thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phương thức, cách thức hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, từ khâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến xem xét, thẩm tra, giám sát, đánh giá, biểu quyết thông qua nghị quyết. Do đó hàng năm phải tổ chức tập huấn bồi dưỡng, cập nhật các văn bản mới để các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện nắm bắt kịp thời.

Cần điều chỉnh, bổ sung một số quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân là do một số quy định của pháp luật chưa cụ thể, phù hợp với thực tiễn, như:

Chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định Hội đồng nhân dân có thể ban hành nghị quyết về chất vấn, tuy nhiên do kỳ họp Hội đồng nhân dân diễn ra trong thời gian ngắn, vì vậy thời gian cho việc xây dựng dự thảo nghị quyết, thẩm tra, xin ý kiến vào dự thảo nghị quyết về chất vấn hầu như không thực hiện được.

Như vậy, để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của đại biểu Hội đồng nhân dân đề nghị Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung và quy định cụ thể về hoạt động giám sát của tổ đại biểu Hội đồng nhân dân; quy định trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết sau chất vấn... để nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện nghị quyết chất vấn.

Nguyễn Thị Quỳnh Nga

Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương