Kết thúc giám sát, ngày 12/01/2022, Đoàn đã có báo cáo kết quả giám sát ghi nhận những kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và kiến nghị UBND tỉnh nhiều nội dung để khắc phục tồn tại, hạn chế cũng như chuẩn bị cho việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn tiếp theo.
Tích cực triển khai kiến nghị sau giám sát
Ngay sau khi có Báo cáo kết quả giám sát, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 413/UBND-TH ngày 17/01/2022 triển khai thực hiện các kiến nghị của Đoàn ĐBQH, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các nội dung tại Báo cáo của Đoàn ĐBQH. Trong đó, tập trung thực hiện các nội dung về tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quan điểm chỉ đạo, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sắp xếp đơn vị hành chính; việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư, xử lý tài sản công sau sáp nhập; việc hoàn thiện hồ sơ địa giới hành chính các xã sau sáp nhập; việc chuyển đổi giấy tờ cho người dân; rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội…
Một số chuyển biến sau giám sát
Ngày 21/5/2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 3584/UBND-TH về kết quả triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát chuyên đề về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, theo đó, nhiều nội dung đã có chuyển biến tích cực, rõ nét. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nghệ An, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh triển khai tuyên truyền các nội dung về chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục trên hệ thống phát thanh, truyền hình ở cơ sở, qua các buổi sinh hoạt tại xóm, khối, bản... Đây là công việc hết sức quan trọng, bởi lẽ dự báo giai đoạn tiếp theo, số đơn vị hành chính của tỉnh Nghệ An thuộc diện sắp xếp sẽ tương đối lớn. Hiện tại, số lượng đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh chưa đạt 100% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 cấp huyện là 18 đơn vị hành chính, cấp xã là 405 đơn vị hành chính.
Vấn đề khó khăn nhất sau sắp xếp ĐVHC cấp xã phải kể đến việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức cấp xã cũng được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo Đề án, đến hết năm 2021 các ĐVHC sắp xếp toàn tỉnh còn dôi dư 108 người, tuy nhiên tại thời điểm giám sát còn dôi dư 196 người. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ nghỉ việc giảm thêm được 23 người. Những người hoạt động không chuyên trách ở xã và xóm, khối bản đã cơ bản được sắp xếp, bố trí ổn định, các chế độ, chính sách nghỉ thôi việc đã được các địa phương giải quyết kịp thời.
Cùng với đó, với sự tích cực chỉ đạo của UBND tỉnh, toàn bộ cơ sở vật chất tại các đơn vị hành chính cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đã được UBND các huyện xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể sắp xếp lại, thanh lý tài sản, sử dụng theo quy định. Phần lớn các địa phương trình phương án giữ lại tiếp tục sử dụng các cơ sở nhà đất dôi dư vào các mục đích khác. Một số cơ sở nhà đất đã được phê duyệt phương án sắp xếp, quản lý, sử dụng. Số còn lại được các đơn vị hoàn thiện hồ sơ pháp lý và lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện phương án sắp xếp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc chuyển đổi các loại giấy tờ đã thực hiện hoàn thành theo đúng quy định của pháp luật. Việc lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính của 20 xã mới sáp nhập đã thực hiện hoàn thành xong. Các địa phương đang tiến hành ký xác nhận pháp lý vào các bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo quy định để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đưa vào khai thác, quản lý, sử dụng.
UBND tỉnh cũng đề ra các giải pháp thực hiện sắp xếp cán bộ, công chức xã, bố trí, xử lý cơ sở vật chất dôi dư và chuẩn bị tổng kết sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 – 2021, xây dựng kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn tiếp theo./.
Thu Nguyễn