Đây là minh chứng cụ thể cho tinh thần nỗ lực đổi mới, trách nhiệm, vì dân của Quốc hội được thể hiện rõ nét qua việc tôn trọng ý kiến của cử tri cũng như quan tâm kết quả giải quyết. Đây cũng chính là chìa khóa “mở lòng dân” gần gũi nhất.

untitled-1-1684886094709.jpg
Cử tri Bắc Giang kiến nghị trong một buổi TXCT với Đoàn ĐBQH tỉnh trước Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồng Chính

Trong 23 ngày làm việc của Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác, xem xét các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành trên các lĩnh vực. Đặc biệt, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV. Quốc hội cũng xem xét, ban hành 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, trong đó có Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); thực hiện công tác nhân sự. Với khối lượng công việc lớn, trách nhiệm nặng nề, chương trình làm việc tiếp tục có sự đổi mới, đặc biệt dành thời gian thỏa đáng để các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Tập trung cao cho công tác lập pháp

Với việc xem xét, thông qua và cho ý kiến đối với 20 dự án luật, có thể nói đây là kỳ họp Quốc hội dành phần lớn thời gian cho hoạt động lập pháp. Trong đó, có những dự án luật được bàn bạc kỹ lưỡng, cho ý kiến từ các kỳ họp trước. “Có một dự thảo luật tôi cho rằng Quốc hội đã rất bài bản trong việc thực hiện quy trình, kỳ họp lần này cho ý kiến lần thứ hai đó chính là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây cũng là dự án Luật thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân với trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý. Thực tiễn thi hành Luật Đất đai 2013 vẫn còn những điểm “nghẽn" chưa được tháo gỡ, nhất là vấn đề quy hoạch treo, hiệu quả sử dụng đất, thị trường bất động sản, giá đất… Đây cũng là lĩnh vực chiếm trên 50% ý kiến, kiến nghị phản ánh của cử tri tại các cuộc TXCT của cơ quan, đại biểu dân cử.

Kỳ vọng tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ bàn thảo rõ các vấn đề cử tri quan tâm góp ý như: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cử tri chúng tôi rất mong chờ các ý kiến của Quốc hội về nội dung tiếp thu các ý kiến của cử tri trong việc đóng góp vào nội dung dự thảo” - cử tri Lê Vân - thành phố Quy Nhơn, Bình Định bày tỏ.

Cũng quan tâm đến hoạt động lập pháp của Quốc hội, cử tri Bùi Đình Cầu - huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cho rằng: khối lượng xem xét, cho ý kiến với 20 dự án luật lần này của Quốc hội là một khối lượng công việc lớn. Ngoài Luật Đất đai (sửa đổi), cử tri chúng tôi quan tâm đến dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Hy vọng các Luật này sẽ được tiếp thu, thông qua, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhiều cử tri quan tâm đến việc Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Cử tri Nguyễn Tiến Dũng, thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “đây là một hình thức giám sát đặc biệt của Quốc hội và HĐND. Thông qua việc lấy phiếu, bỏ phiếu sẽ góp phần đánh giá rõ sự tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, cũng là dịp để họ nhìn lại việc thực hiện lời hứa khi được bầu hoặc phê chuẩn. Đây cũng là dịp để Quốc hội và HĐND đánh giá rõ qua phiếu tín nhiệm, để những ai cảm thấy “không làm được thì đứng sang một bên để người khác làm” như nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII.

Luôn nỗ lực đổi mới, trách nhiệm

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tới các kỳ họp Quốc hội được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình theo quy định của Luật. Tuy nhiên, việc giám sát kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri mặc dù được quan tâm, thế nhưng như phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Năm mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV. Đây là minh chứng cụ thể cho tinh thần nỗ lực đổi mới, trách nhiệm, vì dân của Quốc hội được thể hiện rõ nét qua việc tôn trọng ý kiến của cử tri cũng như quan tâm kết quả giải quyết. Đây cũng chính là chìa khóa “mở lòng dân” một cách gần gũi nhất. Bởi suy cho cùng, cơ quan dân cử đại diện cho dân chính là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, cử tri và Nhân dân kỳ vọng lớn nhất ở đại biểu chính là anh tiếp thu, đồng hành và chuyển tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân tới các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết kịp thời.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định rất rõ việc giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thời gian qua, Quốc hội và HĐND các cấp cũng đã bám sát Luật và Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực thi. Thế nhưng giám sát rồi để đấy hoặc báo cáo tại kỳ họp thì chưa đủ sức thuyết phục và lan toả, nhiều khi bị “bỏ quên”, nhưng lần này Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tôi cho rằng đây chính là điểm nhấn của kỳ họp, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước.

“Sau kỳ họp của Quốc hội, HĐND các cấp, nhất là cấp tỉnh cũng nên tiếp thu để thực hiện tại kỳ họp HĐND giữa năm sắp tới, nhất là qua đó lựa chọn xây dựng chương trình giám sát cho năm sau” - Bà Nguyễn Thị Thuỳ, Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh chia sẻ.

SONG NGUYÊN