Đối với Nghệ An, Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó phân cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp… là cơ sở pháp lý quan trọng đối với lộ trình miền Tây Nghệ An trở thành một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

78eb7b3077b3afedf6a2.jpg
Mô hình trồng nho không hạt ở thị xã Thái Hoà

Miền Tây Nghệ An, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Toàn vùng có 4 đường quốc lộ nối hành lang kinh tế Đông - Tây và đường Hồ Chí Minh, với trên 1.685.061 ha đất lâm nghiệp, 789.787 ha rừng tự nhiên, 601.845 ha rừng trồng, 32.000 ha cây công nghiệp dài ngày, có vườn quốc gia Pù Mát là khu vực dự trữ sinh quyển thứ 6 của Việt Nam với trên 2.500 loài thực vật, 130 loài động vật quý hiếm; là nơi có tính đa dạng lớn nhất trong các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam... Đến nay, miền Tây Nghệ An tuy là vùng còn nhiều khó khăn, sức hấp dẫn đầu tư còn hạn chế nhưng được đánh giá là vùng giàu tiềm năng phát triển kinh tế rừng, du lịch sinh thái, tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị ... sẽ là dư địa cho những tính toán phát triển mới.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá về một số tiềm năng, lợi thế của miền Tây nhưng chưa được khai thác, hoặc đã khai thác nhưng hiệu quả chưa cao; kết quả thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; xác định rõ các nội dung phát triển, định hướng phát triển các tiểu vùng, đặt trong mối liên kết, hợp tác với các địa phương của tỉnh và các tỉnh khác thuộc vùng Bắc Trung Bộ... so sánh, đối chiếu dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An với các lĩnh vực trụ cột phát triển, để thấy rằng, kinh tế - xã hội miền Tây có được diện mạo như hiện nay, đều có liên quan nhiều ở các lĩnh vực trụ cột của tỉnh, trong phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến; phát triển thương mại, dịch vụ; phát triển du lịch dựa trên 3 trọng tâm: du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái, trải nghiệm gắn với cộng đồng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…trong đó, công nghiệp là động lực đột phá, thương mại, dịch vụ hiện đại là mũi nhọn, nông nghiệp sạch là nền tảng.

img_1537435340886_1537498388162.jpg
Cam Quỳ Hợp – Đặc sản nổi tiếng của người dân Quỳ Hợp

Trong giai đoạn mới, để đạt được mục tiêu trở thành một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, miền Tây Nghệ An cần đạt được quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, dựa trên lợi thế nông nghiệp sẵn có để trở thành thế mạnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong toàn Vùng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh; tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm là thế mạnh, nhất là các sản phẩm có tiềm năng nhưng đang đạt ở mức thấp, nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người. Có cơ chế, chính sách tập trung đầu tư để phát triển khu vực trọng điểm:

Đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới vùng miền Tây. Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế so sánh gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm, như: kinh tế rừng (cây lâm nghiệp phục vụ chế biến gỗ, đồ gỗ,...), cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày (mía, chè, cao su,...), cây ăn quả (cam, quýt, bưởi,...), cây dược liệu (chú trọng phát triển các loại dược liệu có giá trị cao ở một số vùng sinh thái đặc thù, dược liệu dưới tán rừng,...), chanh leo, chăn nuôi gia súc (bò thịt, bò sữa, lợn,..), các sản phẩm đặc sản, đặc hữu khác,... trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao.

Đối với phát triển công nghiệp

Phát triển công nghiệp chế biến sâu nông, lâm sản theo hướng hình thành một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, như: Sữa, chè, các sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ, cây ăn quả, dược liệu.... khai thác tiềm năng lực lượng lao động tại chỗ, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Rà soát, đánh giá tổng thể tác động của các nhà máy thủy điện, hoàn thiện công tác quản lý, vận hành; đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc phục vụ công tác dự báo mưa lũ để giảm thiệt hại do xả lũ của thủy điện; không đầu tư xây dựng các dự án thủy điện làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và môi trường sinh thái.

bang-ron-vector-inkythuatso.jpg
Rừng săng lẻ cổ thụ ở miền Tây Nghệ An

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn phát huy tối đa năng lực hiện có, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Phát huy tốt công suất các nhà máy chế biến đang hoạt động và tạo điều kiện để mở rộng quy mô một số nhà máy đã có đối với các sản phẩm có thế mạnh, như chế biến sữa, MDF, mía đường và các nhà máy chế biến nông sản, chế biến dược liệu, các sản phẩm đồ gỗ,... rà soát, bổ sung phát triển các cụm công nghiệp; sớm hoàn thành xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp đã quy hoạch để thu hút các dự án đầu tư.

Đối với phát triển thương mại, dịch v, du lịch

Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi đầu tư để khai thác tiềm năng du lịch của miền Tây. Ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá cảnh quan gắn với trải nghiệm văn hóa cộng đồng các dân tộc, làng nghề truyền thống,.. gắn phát triển du lịch với quảng bá, giới thiệu kinh doanh sản phẩm hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp sạch... với bảo vệ tài nguyên môi trường và an ninh, an toàn điểm đến.

Để lợi thế của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát huy trở thành thế mạnh của toàn vùng, thời gian tới, vùng miền Tây cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản:

Một là: Rà soát quy hoạch đất lâm nghiệp để phát huy hiệu quả kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Tập trung quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (với diện tích quy hoạch gần 520 ngàn ha, chiếm 37,5% diện tích tự nhiên của vùng miền Tây) để thực hiện chức năng bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, chống lũ, đặc biệt là đảm bảo nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng và triển khai chương trình bảo tồn, phát triển bền vững các vườn quốc gia theo cách tiếp cận mới. Phát triển, nâng cao chất lượng rừng sản xuất trên cơ sở áp dụng các biện pháp thâm canh để nâng cao năng suất, sản lượng. Làm tốt công tác quản lý khai thác, tránh tình trạng cùng lúc thu hoạch trên vùng diện tích lớn liền nhau gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vào mùa mưa. Ưu tiên bố trí nguồn lực, đồng thời xã hội hóa nguồn kinh phí để sớm hoàn thành công tác giao đất gắn với giao rừng cho các hộ dân, đảm bảo thực hiện các chính sách cho các hộ tham gia phát triển rừng, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững lâm nghiệp.

du-lich-con-cuong-7_1633776617.jpg
Khu du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, huyện Con Cuông

Hai là: Ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở miền Tây, phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.

Ba là: Đổi mới và phát triển các tổ hợp tác, HTX trong sản xuất nông nghiệp; tập trung chỉ đạo xây dựng các HTX nông nghiệp kiểu mới đối với địa bàn sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực. Tổ chức sắp xếp lại các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp nhà nước, rà soát, xác định lại quỹ đất, thu hồi các diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích để giao cho các hộ dân thiếu đất sản xuất và các đối tượng khác sử dụng có hiệu quả hơn. Phát triển tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.

Bốn là: Quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội.Nâng cấp các tuyến tỉnh lộ và hệ thống giao thông vùng nguyên liệu. Tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ, triển khai xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của vùng, liên huyện, hệ thống giao thông vùng nguyên liệu, phục vụ du lịch. Xây dựng thêm một số hồ, đập nhỏ để đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Phát triển hệ thống thủy lợi tưới, tiêu chủ động cho vùng cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung. Củng cố hệ thống đê sông một cách vững chắc để chống sạt lở ven sông. Hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng mạng lưới điện trên địa bàn gắn với việc phát triển các nhà máy thủy điện. Tập trung nguồn lực, đôn đốc, chỉ đạo để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện từ điện lưới quốc gia và nguồn năng lượng tái tạo. Đầu tư phát triển hệ thống viễn thông, phát thanh, truyền hình; nâng cấp các tổng đài và cáp quang hóa toàn bộ hệ thống truyền dẫn, phủ sóng di động, phát triển mạng lưới internet ... đảm bảo chuyển tải được các dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Tăng cường kêu gọi, xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực cấp nước sạch, xử lý rác thải, chất thải. Đối với những xã ở vùng sâu, vùng xa, nơi dân cư thưa thớt, điều kiện đi lại khó khăn, ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ, đầu tư thông qua lồng ghép các chương trình với các loại hình công trình phù hợp với nhu cầu, trình độ quản lý của địa phương sở tại.

Năm là: Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KHCN; xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo môi trường, điều kiện để huy động nguồn vốn, nguồn nhân lực cho hoạt động KHCN, nhằm chuyển giao được nhiều tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội miền Tây. Quan tâm đào tạo đội ngũ nhân lực để nâng cao năng lực nghiên cứu triển khai, quản lý KHCN trên địa bàn. Chú trọng đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình và triển khai rộng rãi ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống, nhất là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến sâu nông, lâm sản, khoáng sản. Thực hiện tốt việc khảo nghiệm, đưa các loại giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt và tính thích nghi cao vào sản xuất. Quan tâm phục hồi và phát triển sản phẩm hàng hóa là các cây, con đặc sản, các sản phẩm truyền thống của miền Tây; nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHCN trong lĩnh vực trồng và chế biến dược liệu. Tăng cường phối hợp, lồng ghép giữa nguồn lực sự nghiệp KHCN với nguồn lực sự nghiệp kinh tế, các chương trình trọng điểm quốc gia khác trong việc nhân rộng các kết quả nghiên cứu trên địa bàn các huyện miền Tây.