Không là người Hà Giang, nhưng sau khi nghe và đã đọc đi đọc lại bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hà Giang tô cứ ngẫm nghĩ mãi. Sở dĩ như vậy bởi trong bài phát biểu này có câu: Hà Giang “sống trên đá thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá” (Báo Nhân Dân số ra ngày 09/12/2021, trang 2).

Một câu quen thuộc ta thường được nghe: “Sống trên đá, chết vùi trong đá”. Hà Giang có lẽ là cao nguyên đá duy nhất ở Việt Nam trải qua mấy trăm năm đồng bào các dân tộc thiểu số đã “sống trên đá”. Họ sống kiên cường và chiến đấu kiên cường để bảo vệ từng tảng đá, từng tấc đất của cộng đồng các dân tộc, của giang sơn gấm vóc Việt Nam.

“Sống trên đá”, người Hà Giang đã tận dụng triệt để và thông minh để làm nên cái ăn, cái mặc. Cùng với đó, “Sống trên đá”, người Hà Giang đã tạo dựng cho mình một đời sống văn hóa đặc sắc của riêng có. Một Hà Giang “sống trên đá” đã làm cho bất cứ ai là người Việt Nam hay khách quốc tế khi đến đây đều thán phục.

Nhưng trong điều kiện thiên nhiên cụ thể và nhất là khi kinh tế đang là kinh tế tự cung, tự cấp khép kín thì đương nhiên Hà Giang vẫn chỉ có thể là một tỉnh nghèo.

Đất nước đổi mới, Hà Giang cũng đang đổi mới. Cơ sở hạ tầng (cả cứng và mềm) của Hà Giang đã được cải thiện đáng kể. Kinh tế thị trường dần thay thế cho kinh tế tự cung tự cấp. Hà Giang đang hội đủ các điều kiện để phá thế bị khép kín. Từ đó để Hà Giang thoát nghèo. Đó phải chăng là cơ sở để Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Hà Giang “thoát nghèo trên đá”. Điều này chắc không phải suy nghĩ nhiều.

Còn “tiến tới làm giàu trên đá” ? Điều này chắc hẳn Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Hà Giang phải suy nghĩ, nghiên cứu, để hành động kiên cường và thông minh hơn nữa!

rung-mien-tay-nghe-an.jpg
Một góc miền Tây Nghệ An

Từ câu nói của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Hà Giang, tôi chạnh nghĩ về miền Tây của Nghệ An chúng ta.

Hà Giang đang nghèo, miền Tây Nghệ An cũng đang nghèo. Cả Hà Giang và miền Tây Nghệ An đều nung nấu khát vọng thoát nghèo.

Người Hà Giang kiên cường, thông minh. Người miền Tây Nghệ An không thua kém. Hà Giang có đời sống văn hóa đặc sắc, miền Tây Nghệ An cũng có đời sống văn hóa đặc sắc không kém. Đó là những điểm giống nhau (hay tương đồng) giữa Hà Giang và miền Tây Nghệ An. Khác biệt duy nhất là : Hà Giang " sống trên đá", còn miền Tây Nghệ An sống trên đất rừng.

Đổi sánh như vậy là đề từ câu nói của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Hà Giang mà nghĩ về miền Tây Nghệ An nếu Hà Giang “sống trên đá, thoát nghèo trên đá, tiến tới làm giàu trên đá” thì miền Tây Nghệ An sống, thoát nghèo, tiến tới làm giàu trên cái gì?

Có cần và có nên đặt ra câu hỏi này không? Thiết nghĩ là rất cần và rất nên. Bởi vì nếu chưa xác định được sống thoát nghèo, tiến tới làm giàu trên cái gì thì mọi sự tìm tòi để thoát nghèo, tiến tới làm giàu bằng cách nào có thể đúng nhưng không hẳn đã trúng.

Từ chiến lược đến quy hoạch, kế hoạch, mọi cơ chế chính sách, mọi nguồn lực cần và có thể huy động… để phát triển kinh tế - xã hội miền Tây, để miền Tây thoát nghèo tiến tới làm giàu nhất thiết phải từ một điểm xuất phát: "Trên cái gì?”.

Phải chăng câu nói của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Hà Giang gợi mở để xác định rằng miền Tây Nghệ An phải và hoàn toàn có thể thoát nghèo, tiến tới làm giàu trên đất rừng và chỉ trên đất rừng mà thôi!

Suy nghĩ của tôi ở trên có thể sai, có thể đúng ở mức độ nào đó. Điều mà tôi muốn nêu ra đó là các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, các nhà hoạch định chiến lược kinh tế của tỉnh… cần lưu tâm để cùng nhau tìm câu trả lời cho câu hỏi: Miền Tây tỉnh ta thoát nghèo, tiến tới làm giàu trên cái gì ?

Trương Công Anh