Hưng Hoà mùa heo may, cò sải cánh trên những cánh đồng nuôi tôm. Cánh cò mệt nhọc sà qua rừng đước sợ những tay súng săn, sợ những cái bẫy chim trời gọi bạn, sợ lưới giăng vô hình.
Rừng ngập mặn trải dài theo cung đường đê, ôm địa danh vòng theo nẻo bước phía không người. Cây đước phát triển nhanh, rễ xù xì như những con rắn bò trên sình lầy để nuôi dưỡng tán cây rậm rạp nghiêng ngả xanh rì 4 mùa cùng dòng Lam. Chẳng biết có rắn rết gì không nhưng mỗi đêm từ Cửa Hội về thấy tối đen, nghe tiếng ếch nhái, ễnh ương hoà tấu với mấy chú đom đóm lập loè âm u cả một triền đê.
Những cánh đồng tôm đầy máy tạo sóng sục khí tạo oxy cho con tôm phát triển rì rào bơm nước cả ngày. Những điếm canh tôm lè tè, trống hươ trống hoắc hun hút ngoài đồng nước mênh mông. Chỉ có gió, chỉ có nắng vẫn trải dài rộng theo tầm nhìn về phía kho xăng hay nhà máy ép dầu mênh mông bát ngát. Con tôm sú hay tôm thẻ chân trắng được mùa, được giá mới làm cho người nuôi nở nụ cười trên khuôn mặt căng thẳng suốt vụ, sợ nhiễm bệnh, sợ thời tiết...
Theo một lối rẽ xuống đê, tôi đi vào làng. Giờ ở Hưng Hoà khang trang lắm, nhà cửa san sát dưới những rặng cây xanh, đường bê tông rải kín vào tận ngõ. Hưng Hoà trước đây có làng nghề trồng cói và dệt chiếu, bây giờ người ta vẫn trồng nhưng diện tích thu hẹp lại, cây cói không còn là biểu tượng của người nông dân Hưng Hoà nhưng vẫn có những đồng cói mê hoặc cho các tay săn ảnh sành sỏi. Dân Hưng Hoà sống bằng nhiều nghề phụ như nghề thợ sơn, thợ hồ, nấu rượu, nuôi tôm, nuôi vịt... Con gái Hưng Hoà da trắng, tóc đen ngày xưa quen thuộc với nghề dệt chiếu, nay cũng nổi tiếng với những doanh nhân thành đạt trên thương trường thành Vinh như bà Chu Thị Thành, bà Huệ Lộc....
Cách đây gần 60 năm, ngày 5/8/1964 kho xăng Hưng Hoà bốc cháy dưới làn bom kẻ thù. Quân dân Hưng Hoà nói riêng và cả thành phố Đỏ nói chung dốc hết sức lực, vật lực cứu nguồn nhiên liệu cung cấp cho chiến trường miền Nam. Lửa cháy 3 ngày đêm ròng rã như nung nấu ý chí căm hờn bọn giặc trời trong chiến tranh phá hoại miền Bắc. Hàng nghìn người đã lao vào làn lửa bất chấp hiểm nguy lửa táp và sức nóng cháy sém giữa ngày hè để cứu những dòng dầu phục vụ tiền tuyến. Triền đê còn oằn mình ghi nhớ và sông Lam muôn đời chẳng bao giờ quên sự anh dũng của quân dân thành phố ghi dấu một mốc son chống giặc ngoại xâm.
Đến Hưng Hoà phải đi chợ Trụ, chợ họp ngoài đê từ tờ mờ sáng. Những mớ rau quê, con cá câu, con lươn, chạch từ đồng, từ sông được bày bán cho dân bản xứ vội vã chuẩn bị một ngày "vào Vinh" làm việc, hay cho các “cua- rơ” rèn luyện sức khoẻ thích ăn những sản vật từ thiên nhiên…
Hưng Hoà là nơi đầu tiên cô bạn thiếu thời của tôi trải nghiệm đời nhà giáo tại rốn lụt chiêm trũng của thành phố lúc trò còn chưa muốn đến trường; cũng là nơi một người bạn cũ làm quản lý một trường cấp 2, ngày đêm cần cù ươm mầm trí thức cho lớp con em quê nghèo. Đáng trân trọng bạn tôi vẫn đau đáu với những học sinh nghèo mơ màng chuyện học, những mảnh đời thương tâm để đứng ra chịu trách nhiệm quyên góp, dìu họ ra khỏi cơn bĩ cực gọi là số phận.
Triền đê Hưng Hoà bây giờ tên gọi của nó là đường ven sông Lam, đường Chu Huy Mân. Nhưng người ta còn gọi tên khác là "con đường Hàn Quốc" bởi nơi đây chiều đến dập dìu nam thanh nữ tú hóng gió sông mát rười rượi, con sông Lam thuyền bè xuôi ngược khai thác, vận chuyển cát, than và hàng hoá vào cảng Bến Thuỷ.
Bãi sông chiều lũ trẻ vẫn ùm ùm nhảy nhót bơi lội, hoa màu ngoài đê xanh tốt. Hưng Hoà, một triền đê để nhớ lại những năm tháng rực lửa, những ngày lũ lụt đã qua đi, và con đường xa xa ven thành phố kỷ niệm...