Ngày 1/5/1974, lễ khởi công xây dựng khu chung cư Quang Trung đã được long trọng tổ chức. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Mười, cùng với các quan chức của Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh đã tham gia buổi lễ, tại địa điểm xây dựng nhà A1 khu Quang Trung. Đã 50 năm trôi qua, mỗi khi nhắc đến sự kiện này, báo chí, truyền thông và mọi người hầu như đều nhắc đến bức ảnh Phó Thủ tướng Đỗ Mười trịnh trọng đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nhà A1, khu Quang Trung. Đó đã là bức ảnh biểu tượng cho sự hồi sinh của thành phố Vinh sau chiến tranh.

Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Mười đặt viên gạch đầu tiên xây dựng khu chung cư Quang Trung, ngày 01/5/1974

Thế nhưng, trong quá trình sưu tầm tư liệu để kỷ niệm 50 năm tái thiết thành phố Vinh, thật bất ngờ trên một trang website của nước ngoài, trong bài giới thiệu về cuốn sách viết về khu Quang Trung của một Giáo sư người Mỹ, có đăng minh hoạ một bức ảnh khác. Bức ảnh có bối cảnh và góc chụp giống hoàn toàn với bức ảnh chụp Phó Thủ tướng Đỗ Mười, nhưng nhân vật trung tâm lại là một bà mẹ. Bức ảnh được chú thích bằng tiếng Anh “Một người mẹ anh hùng đang đặt một trong những viên gạch đầu tiên xây dựng lại thành phố Vinh, với sự cộng tác của các kiến trúc sư và các nhà quy hoạch Đông Đức, 1974”. Ảnh được chú thích nguồn là của Thông tấn xã Việt Nam. Trong bức ảnh (ngày 1/5/1974), nhân vật “người mẹ anh hùng”, ngực áo có đeo huân, huy chương, dáng vẻ tươi tắn, tự tin và rắn rỏi đang dùng cả hai tay đặt viên gạch lên trụ móng. Nếu hình ảnh Phó Thủ tướng Đỗ Mười là hình ảnh người lãnh đạo đất nước, như đang phát lệnh khởi công, thì hình ảnh bà mẹ lại tượng trưng cho hàng triệu người dân đã dũng cảm, hy sinh trong chiến tranh, nay đang hăm hở, tự tin bước vào công cuộc xây dựng mới. Hai bức ảnh đặt bên nhau thật đẹp và trọn vẹn, xứng đáng là biểu tượng sáng ngời về công cuộc hồi sinh của thành phố Vinh.

Mẹ Đinh Thị Định đặt một trong những viên gạch đầu tiên xây dựng khu chung cư Quang Trung, ngày 01/5/1974

Nhưng, “người mẹ anh hùng”, nhân vật trong ảnh là ai? Sau rất nhiều giả thuyết được nêu ra và tìm kiếm, cuối cùng nhờ mạng xã hội, chúng tôi đã xác định được nhân vật trong ảnh. Đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Định. Mẹ là vợ của ông Đinh Nhật Tân. Cả hai ông bà đều quê ở Thanh Chương, xuống Vinh lập nghiệp từ thời thuộc Pháp. Sau này, khi khu chung cư Quang Trung được xây dựng, ông bà được phân một căn hộ ở nhà A5.

Mẹ có 3 người con là liệt sĩ: Đinh Nhật Hiển, Đinh Nhật Thịnh và Đinh Nhật Vượng. Cả ba anh đều hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Trong các người con liệt sĩ của mẹ, có liệt sĩ Đinh Nhật Hiển là một thanh niên nổi tiếng thông minh, tài hoa. Đinh Nhật Hiển sinh năm 1926, học Quốc học Vinh và sau đó học ở Hà Nội. Anh là đội viên Thanh niên Cứu quốc, tham gia giành chính quyền ở Vinh năm 1945 cùng với bạn thân là Trần Đình Đắc (tức nhà thơ Chính Hữu) và các nhà thơ Minh Huệ, nhạc sĩ Trọng Bằng, Trọng Loan,... Sau Cách mạng Tháng Tám, anh Hiển là Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cứu quốc Vinh, anh đã sáng tác vở kịch Trưng Trắc, biểu diễn ở Vinh nhiều đêm. Tên tuổi của Đinh Nhật Hiển được ghi trong Lịch sử Đảng bộ thành phố Vinh. Năm 1946, khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, anh là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô huyền thoại. Sau đó, anh tham gia chiến dịch Việt Bắc, với tư cách Chính trị viên đại đội. Cuối chiến dịch, anh bị địch bắt. Cuộc chiến đấu của anh trong nhà tù đã được nhà văn Trần Đăng ghi lại trong truyện ký Người chính trị viên trong đề lao Bắc Kạn. Sau cuộc vượt ngục không thành, anh đã bị thực dân Pháp xử bắn, năm 1947. Năm 2001, các cựu đội viên Thanh niên Cứu quốc ở Vinh và từ Hà Nội về đã lên nhà A5 Quang Trung thắp hương cho Liệt sĩ Đinh Nhật Hiển.

Mẹ Đinh Thị Định đã mất năm 1990. Năm 1994, Mẹ được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Hiện Mẹ đang được vợ chồng cháu ngoại là anh Phan Trọng Nguyên thờ tự tại nhà riêng, khối 8, phường Trung Đô, thành phố Vinh. Sinh thời, mẹ vẫn kể lại việc vinh dự được dự lễ khởi công xây dựng khu Quang Trung cùng các vị lãnh đạo, nhưng mẹ và gia đình cũng không hề biết hình ảnh của mẹ đã được ghi lại trong bức ảnh lịch sử nói trên.
Chiều ngày 01/02/2024, đại diện nhóm Vinh Xưa đã đến thắp hương cho Mẹ Đinh Thị Định và trao tặng gia đình bức ảnh lịch sử. Gia đình hết sức cảm động. Sau 50 năm, con cháu mới thấy được hình ảnh của bà ngoại mình trong một ngày lịch sử của thành phố.
Hướng về ngày kỷ niệm “50 năm tái thiết thành phố Vinh” (01/5/1974 - 01/5/2024), chúng ta cùng tưởng nhớ và tri ân Mẹ!